Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ tư, 24 Tháng 4, 2024 - 14:01

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
    Trưởng khoa LLMLN, TTHCM

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH cho các thế hệ con người Việt Nam nói chung và cho Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng kế thừa và phát huy trong mọi hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

 Hệ thống tư tưởng của Người trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội được hình thành và kiểm nghiệm của lịch sử đã minh chứng một cách sinh động Người là nhà hoạt động thực tiễn, nhà lý luận tiên phong về dân tộc, về giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Có được hệ thống tư tưởng, cùng những giá trị thực tiễn ấy là quá trình bôn ba hơn ba mươi năm ra đi qua các châu lục nhằm tìm con đường cứu dân, cứu nước.

Kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2013), 102 năm ngày Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước (05/6/1911- 05/6/2013) hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin về TKQĐ đi lên CNXH vào miền Bắc sau 1954.

C.Mác nghiên cứu CNTB trong điều kiện tự do cạnh tranh dự báo về tính tất yếu của TKQĐ lên CNXH: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ về chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”.

(C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t.19,tr.47.)

Về mô hình CNXH, C.Mác khẳng định:

Cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH là nền đại công nghiệp.
Xoá bỏ chế độ tư hữu TBCN, xác lập chế độ công hữu XHCN về TLSX.
Tạo ra cách tổ chức lao động cùng với kỹ thuật và kỷ luật lao động mới.
Thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động.
Xây dựng nhà nước kiểu mới thể hiện bản chất của GCCN.
Giải phóng con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện.

Lênin nghiên cứu về CNTB khi chuyển sang giai đoạn CNĐQ khẳng định về TKQĐ: Về lý luận, không còn nghi ngờ gì nữa, rằng giữa xã hội TBCN và xã hội CSCN phải có một TKQĐ. Đó là thời kỳ đấu tranh giữa CNTB đã bị đánh bại và CNXH vừa mới phát sinh.

Từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 đến việc xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, viết về 30 năm hoạt động của Đảng, đăng báo Nhân Dân (06/01/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”; rằng “Mục đích của CNXH là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội (CNXH) bao gồm:

- CNXH là một chế độ do nhân dân làm chủ, Nhà nước phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân để huy động được tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng CNXH.

- CNXH có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

- CNXH là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức, trong đó người với người là bè bạn, là đồng chí, là anh em, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết mọi khả năng sẵn có của mình.

- CNXH là một xã hội công bằng và hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, các dân tộc bình đẳng, miền núi tiến kịp miền xuôi.

- CNXH là một công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân tự xây dựng lấy dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ tình hình thực tiễn của Việt Nam:

Trước hết, Người đã lưu ý chúng ta cần nhận thức rõ tính quy luật chung và đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước để nhận rõ đặc trưng tính chất của thời kỳ quá độ của Việt Nam đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm và mâu thuẫn của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, trong đó đặc điểm bao trùm to nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đặc điểm này thâu tóm đầy đủ những mâu thuẫn, khó khăn, phức tạp, chi phối toàn bộ tiến trình quá độ lên CNXH ở nước ta, từ đó phải tìm ra con đường với những hình thức, bước đi và cách làm phù hợp với đặc điểm Việt Nam.

Về nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ, Người nói “Chúng ta phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”.

Về những nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi CNXH ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ phải: Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước; Phát huy tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị- xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng về vấn đề dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc thực hành dân chủ ở Việt Nam.

Từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực hành dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:

Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề tôn giáo của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc giải quyết tình hình tôn giáo ở Việt Nam.

C.Mác khẳng định: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như là tinh thần của những trạng thái xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. (C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb Sự Thật, H.1980, t.1,tr.14.)

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh một cách hoang đường, hư ảo, lệch lạc hiện thực khách quan. Qua sự phản ánh ấy, các sức mạnh tự phát của tự nhiên đều trở nên thần bí và chi phối hoàn toàn đến đời sống con người.

 Bản chất của tôn giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội đó là sự phản ánh, song là sự phản ánh một cách hoang đường, hư ảo, lệch lạc hiện thực khách quan. (Tôn giáo là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như là tinh thần của những trạng thái xã hội không có tinh thần.)

Tôn giáo và CNXH đối lập nhau về thế giới quan, nhân sinh quan và con đường mưu cầu hạnh phúc.

Từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin, Người không bao giờ phản đối, bài xích các tôn giáo. Người luôn luôn tỏ thái độ tôn trọng và đề cao vai trò của những vị đã sáng lập ra các tôn giáo. Người nói: "Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và chúa Giê-su đều giống nhau. Thích Ca và Giê- su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng"

Người dạy: "Ngày nay, đồng bào cả nước, giáo và lương, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất tâm nhất trí như con một nhà, cương quyết giữ vững tự do độc lập..."

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào lương hay giáo đều là người Việt Nam, đều là người lao động và sự nghiệp cách mạng là việc lớn, 1à sự nghiệp chung không phải chỉ của một hai người. Người kêu gọi: "Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc, và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh".

Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng là quyền tự nhiên của người Việt Nam. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, quan tâm giáo dục cán bộ chính quyền, quân đội và các đoàn thể phải tôn trọng tự do tín ngưỡng, bảo vệ đền chùa, nhà thờ các tôn giáo. Tại điều 14, chương IV, sắc lệnh số 234 do Người ký “Các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, như mọi tổ chức khác của nhân dân”.

Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Bác đã nêu quan điểm: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Người rút ra : “Chúa Giê su dạy: Đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Người còn chỉ rõ khát vọng cao cả của các tôn giáo là: “Mục tiêu cao cả của Phật Thích Ca và Chúa GiêSu đều giống nhau: Thích Ca và GiêSu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Người đã nêu phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề gia đình của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng gia đình ở Việt Nam.

Mác và Ăngghen khi nghiên cứu về vấn đề gia đình đã khẳng định: Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái” đó là gia đình.

Sự sản xuất ra đời sống - ra đời sống của bản thân mình bằng lao động, cũng như ra đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái - biểu hiện ngay ra là một quan hệ song trùng: Một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ với xã hội đó cũng chính là gia đình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt. ”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.523)

Hồ Chí Minh đã cho rằng, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc không tách rời công cuộc giải phóng phụ nữ. Người từng viết: Ông C.Mác nói rằng: "Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào?". Chính từ quan điểm tư tưởng của Người mà vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội nói chung và gia đình nói riêng cũng được nâng lên một tầm cao mới. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho một xã hội phồn vinh. Người phụ nữ, bên cạnh những đóng góp cho xã hội thông qua các công việc chuyên môn của mình còn là nhân tố tích cực, thậm chí khá quyết định cho một “gia đình tốt” như Bác Hồ từng nói. Tiêu chí về gia đình tốt trong thời đại hiện nay không chỉ dừng lại ở việc nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường, xu thế hội nhập đã khiến những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống có nguy cơ bị xói mòn hoặc bị xâm thực. Bên cạnh những biện pháp chung của Nhà nước, mỗi người phụ nữ Việt Nam cũng phải giữ vai trò là người gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những bài học về đạo làm người, về đức hi sinh cao cả, về tấm lòng vị tha sẽ được truyền trực tiếp từ tấm lòng người mẹ đến với những đứa con. Có biết bao câu chuyện cảm động về sự xám hối của những đứa con lầm lỗi khi có những bà mẹ kiên trì, giàu tình yêu thương, đầy trách nhiệm với cộng đồng và gia đình luôn theo sát bên cạnh. Cũng có không ít những lời cảnh tỉnh về lối sống ích kỉ của một bộ phận nhỏ các bà mẹ vô tình đã đẩy những đứa con của mình vào vòng lao lý.

Một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Do tàn dư của tư tưởng phong kiến, người phụ trong gia đình ngay cả ở thời điểm hiện nay cũng đôi khi bị coi thường. Không ít cảnh bất bình đẳng khi người phụ nữ vừa phải gánh vác công việc xã hội, vừa phải toan lo việc gia đình. Đã thế nhiều chị còn phải chịu cảnh bị bạo hành do có những người chồng vũ phu, cư xử thiếu văn hóa. Chính Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân và gia đình. Người kêu gọi nhân dân bài trừ tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản, thói gia trưởng trọng nam khinh nữ. Khi đến dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 3, Người nói: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận thức rõ địa vị làm chủ và nhiệm vụ làm chủ nước nhà” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 294, NXBCTQG).

Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề con người XHCN của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng con người mới XHCN làm động lực xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa.” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.310)

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người được khái niệm vừa là mục tiêu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, vừa là động lực của chính sự nghiệp đó. Tư tưởng đó được thể hiện rất triệt để và cụ thể trong lý luận chỉ đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN, con người phải vừa hồng, vừa chuyên, đủ đức, đủ tài, có phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động tốt Người căn dặn: Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức là người vô dụng. Bao giờ Bác cũng nhấn mạnh đức là gốc.

Đối với từng đối tượng con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều để lại những lời dạy hết sức sâu sắc.

Trong lý luận về xây dựng chế độ mới, Hồ Chủ tịch đã khẳng định xây dựng chế độ dân chủ nhân dân gắn liền với việc thực hiện bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người nói: "Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Cuộc chiến đấu ấy sẽ không đi đến thắng lợi, nếu không "dựa vào lực lượng của toàn dân". Về chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh không bao giờ quan niệm hình thái xã hội đó như một mô hình hoàn chỉnh, một công thức bất biến.

Vì vậy, không chỉ trong lý luận về đấu tranh giành độc lập dân tộc mà cả trong lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội khi định ra những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, trước hết, "cần có con người xã hội chủ nghĩa", Hồ Chí Minh đã thể hiện nhất quán quan điểm về con người: Con người là mục tiêu, đồng thời vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người.

Quan điểm tin vào dân, vào nhân tố con người của Người thống nhất với quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin: "Quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử". Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng sức mạnh đoàn kết toàn dân và sự đồng tình ủng hộ to lớn của bè bạn khắp năm châu, của cả nhân loại tiến bộ. Người cũng xác định sự nghiệp cách mạng của nước ta là một bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng nhân loại trên phạm vi toàn thế giới.

Quan niệm về con người, coi con người là một thực thể thống nhất của "cái cá nhân" "cái xã hội", con người tồn tại trong mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với cộng đồng, dân tộc, giai cấp, nhân loại; yêu thương con người, tin tưởng tuyệt đối ở con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người, đó chính là những luận điểm cơ bản trong tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh. Xuất phát từ những luận điểm đúng đắn đó, trong khi lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh luôn tin ở dân, hết lòng thương yêu, quý trọng nhân dân, biết tổ chức và phát huy sức mạnh của nhân dân. Tư tưởng về con người của Người thông qua thực tiễn cách mạng đã trở thành một sức mạnh vật chất to lớn và là nhân tố quyết định thắng lợi của chính sự nghiệp cách mạng ấy.

Tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh dựa trên thế giới quan duy vật triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chính vì xuất phát từ thế giới quan duy vật triệt để ấy nên khi nhìn nhận và đánh giá vai trò của bản thân mình (với tư cách là lãnh tụ), Người không bao giờ cho mình là người giải phóng nhân dân. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, người cán bộ (kể cả lãnh tụ) chỉ là "đầy tớ trung thành" có sứ mệnh phục vụ nhân dân, lãnh tụ chỉ là người góp phần vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Tư tưởng này đã vượt xa và khác về chất so với tư tưởng "chăn dân" của những người cầm đầu nhà nước phong kiến có tư tưởng yêu nước xưa kia. Và đây, cũng chính là điều đã làm nên chủ nghĩa nhân văn cao cả ở Hồ Chí Minh, một chủ nghĩa nhân văn cộng sản trong cốt cách của một nhà hiền triết phương Đông.

Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề văn hóa XHCN của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực tiễn về việc xây dựng nền văn hóa mới XHCN. Người khẳng định: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra. Nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Nhìn từ góc độ triết học ta thấy phạm trù văn hoá trong quan điểm của Hồ Chí Minh bao hàm: Ý thức xã hội với các hình thái và cấp độ tâm lý, hệ tư tưởng của nó như khoa học, chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo và tồn tại xã hội - một bộ phận của tự nhiên đã in trên mình dấu ấn hoạt động có ý thức của con người trong quá trình sinh tồn và phục vụ cho nhu cầu sinh tồn đó của con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc, đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Phải làm thế nào cho văn hóa đi sâu vào tâm lý quốc dân” để xây dựng những tình cảm lớn như lòng yêu nước, tình yêu thương con người; yêu cái chân, cái thiện, cái mỹ; yêu tính trung thực , chân thành thủy chung; ghét những thói hư tật xấu, những sa đọa biến chất, căm thù mọi thứ “giặc nội xâm”… Hơn nữa, chính tư tưởng đúng đắn lại được tiếp nhận không phải chỉ bằng lý trí mà còn bằng tình cảm, từ đó lại trở thành tình cảm lớn, tạo nên sự bền vững bên trong mỗi người. Mà điều này văn hóa lại có nhiều khả năng nhất. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” chính là muốn nói văn hóa đã làm cho lý trí của con người thêm sáng suốt và tình cảm con người ngày càng trở nên cao đẹp hơn.

Chủ trương trên đây thể hiện rõ ràng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị văn hoá dân tộc. Người cho rằng: “Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin bao nhiêu thì càng phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông bấy nhiêu”. Người đòi hỏi phải biết giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Đây là quan điểm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc có chọn lọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảy là, từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực tiễn về đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lênin và đề ra những chuẩn mực về đạo đức cách mạng của người cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nêu một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thống kê trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng.

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Quan niệm lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hoá mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Người cho rằng có tài mà không có đức là người vô dụng nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, đức là gốc nhưng đức và tài phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.

- Theo Hồ Chí Minh những chuẩn mực chung nhất của nền đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những điểm sau:

Một là, trung với nước hiếu với dân.
Hai là, yêu thương con người.
Ba là, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để định hướng sự lãnh đạo của Đảng và việc rèn luyện của mỗi người.

+ Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.

+ Xây đi đôi với chống.

+ Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Tám là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam.

Khi nghiên cứu CNTB tự do cạnh tranh, C.Mác đã đề ra khẩu hiệu chiến lược nhằm đoàn kết GCVS toàn thế giới chống lại GCTS: Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại. Đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin đã phát triển khẩu hiệu của C.Mác một cách phù hợp với xu thế vận động của thời đại: Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại.

Từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực tiễn về đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc.

Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt, là chiến lược tập hợp lực lượng đấu tranh với kẻ thù dân tộc và giai cấp trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người đã sử dụng khoảng 2.000 lần cụm từ "đoàn kết", "đại đoàn kết" trong các văn bản viết. Người luôn luôn nhận thức đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn, quyết định sự thành công của cách mạng.

Sau khi giành được độc lập dân tộc, tại nhiều hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh sức mạnh của đoàn kết: "Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi". "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công!"

Đoàn kết trong Đảng,  Người viết: “Trước hết nói về Đảng-Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. Để giữ vững và phát huy truyền thống đó, “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Về đoàn kết quốc tế, giữa họ tất nảy sinh tình hữu ái vô sản. Đó là tình yêu thương giữa những con người cùng cực với nhau

Quang sơn muôn dặm là nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em

Tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thêm bạn bớt thù

Điều mà chắc chắn mọi người ai cũng không thể quên là tại lễ tiễn đoàn Đại biểu Lào, Bác đã ứng khẩu đọc bài thơ:

Thương nhau mấy núi cũng trèo; Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt - Lào hai nước chúng ta; Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Kết hợp lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mình đã hưởng cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiệt huyết, hết lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân tộc ta một hệ thống lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, không chỉ góp phần to lớn và quyết định vào thắng lợi của dân tộc trong những năm qua mà còn có ý nghĩa chiến lược chỉ đạo lâu dài cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta trong những năm tiếp theo.

Kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Người và hơn một thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam và khẳng định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH ở Việt Nam hiện nay với những thành tựu to lớn về lý luận và thực tiễn của hơn 25 năm đổi mới càng khẳng định cơ sở vững chắc những giá trị lý luận và thực tiễn của con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam mà Người đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam là duy nhất đúng đắn. Chúng ta hiện nay hoàn toàn có đầy đủ tiền đề và điều kiện để biến những hoài bảo to lớn, những ham muốn tột bậc của Người trở thành hiện thực chính là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Tin khác