Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ sáu, 19 Tháng 4, 2024 - 23:37

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chỉ thị thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                                   Phó Trưởng phòng NCKH - TT - TL

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX.

Năm 1944, trước cuộc bao vây, tiến công, khủng bố của địch vào căn cứ địa cách mạng Cao - Bắc - Lạng, tuy một số cơ sở bị đánh phá nhưng nhìn chung phong trào qua thử thách, được rèn luyện và vững chắc hơn. Một số địa phương đã tổ chức ra các tổ tự vệ, có nơi đã xây dựng được những đội du kích thoát ly. Mặt khác, trong năm 1944, mâu thuẫn Nhật - Pháp ở Đông Dương càng thêm sâu sắc hơn. Trước tình hình đó, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng nhận định rằng: Điều kiện đã chín muồi để tiến tới phát động chiên tranh du kích liên tỉnh.

Cuối tháng 9/1944 Hồ Chí Minh về đến Pác Bó (Cao Bằng), sau khi về nước, nghe được báo cáo tình hình và chủ trương của Liên Tỉnh ủy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định hoãn chủ trương nói trên. Người phân tích: Chủ trương ấy chỉ mới căn cứ vào tình hình Cao - Bắc - Lạng mà chưa căn cứ vào tình hình cả nước, tức là chỉ thấy một bộ phận, không thấy tổng thể. Trong nước nhiều nơi chưa sẵn sàng khởi nghĩa, cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt. Trong điều kiện ấy, nếu phát động chiến tranh du kích theo quy mô rộng sẽ thất bại. Người nhận định: Đã đến lúc cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức vũ trang, nhưng lúc này đấu tranh chính trị quan trọng hơn đấu tranh vũ trang, cần phải tìm một hình thức thích hợp thì mới có thể đi tới thành công. Người đề ra phương châm kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đẩy mạnh phong trào, tạo điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Muốn xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị của quần chúng, các đoàn thể cách mạng của quần chúng càng được củng cố và phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang.

Tháng 10/1944, Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào toàn quốc, Người phân tích tình hình và dự đoán thời cơ của cách mạng Việt Nam đang đến gần “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”(1)

Cuối tháng 10/1944, ở Pác Bó, Hồ Chí Minh đến kiểm tra đại đội tự vệ chiến đấu châu Hà Quảng. Ngay sau đó, Người quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.

Trong bản chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Người nêu rõ:

“1. Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.

 Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. (2)

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Sam Cao, thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng gồm 34 đội viên do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Thực hiện chỉ thị của Người “Trận đầu phải thắng” và chỉ vài ngày sau thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập hai chiến công oanh liệt: Hạ đồn Phai Khắt ngày 25/12/1944 và đồn Nà Ngần ngày 26/12/1944 mở đầu truyền thống trăm trận trăm thắng của quân đội ta. Chiến thắng oanh liệt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.

70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những ngày của tháng 12 năm 2014, khi cả nước tiến hành các hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Lữ đoàn Công binh 293 - Bộ Tư lệnh Công binh nói riêng đã lập nên chiến công: Tham gia cứu hộ đưa 12 công nhân ra khỏi hầm an toàn (12 công nhân bị mắc kẹt trong sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Lâm Đồng).

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Quân đội nhân dân Việt Nam là “lực lượng trụ cột” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

_____________________________________

(1), (2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, trang 506, 507, 508.

Tin khác