Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 16:13

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất (Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất)

Thạc sĩ Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và là linh hồn của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Sinh thời, Người rất coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn
 
Theo Người, quần chúng nhân dân là tất cả những người Việt Nam yêu nước, thương nòi, những ai “thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”, những ai “có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân” trên cơ sở nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Bác thường nói: “Cách mạng là sự nghiệp chung của quần chúng, chứ không phải của riêng cá nhân anh hùng nào, cách mạng muốn thành công phải đoàn kết. Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch”[1]. Vai trò và sức mạnh dời non lấp biển của quần chúng nhân dân phải được tập hợp và phát huy trong một Mặt trận dân tộc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mặt khác, trong chiều sâu tư tưởng của Người, quần chúng nhân dân còn là đối tượng phục vụ của cách mạng. Làm cách mạng là để đem lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đặc biệt, Người còn nhấn mạnh: Nước độc lập, tự do mà dân còn đói rét thì độc lập, tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết độc lập, tự do khi được ăn no, mặc ấm,… Đảng, Chính phủ phải chăm lo ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân; Mặt trận và các đoàn thể quần chúng là nơi trực tiếp tổ chức, động viên, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng và thiết thực của quần chúng nhân dân. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ rất coi trọng vai trò và luôn đặc biệt quan tâm xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết, tập hợp, phát huy vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Khi “bắt gặp chủ nghĩa Lênin”, tìm thấy “cái cần thiết” và “con đường giải phóng” cho dân tộc Việt Nam, Người đã có ý định “trở về nước, đi vào quần chúng, giác ngộ họ, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập” [2]. Sau 30 năm bôn ba nơi hải ngoại, Người trở về nước, chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (1941) và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), tập hợp sức mạnh toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thần kỳ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, Người cùng với Đảng ta chủ trương thành lập các tổ chức rộng rãi khác, tiêu biểu là Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt), xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến tháng 3 năm 1951 tiến hành Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt. Trong dịp này, Người xúc động nói: “Một người đã cùng các vị đấu tranh bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân, hôm nay trông thấy những cây đại đoàn kết  ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó ăn sâu, lan rộng khắp toàn dân và nó có một tương lai “trường xuân bất lão”. Vì vậy nên tôi vui sướng vô cùng”[3]. Cái “gốc rễ” và hoa, quả đó chính là khối đoàn kết toàn dân thực hiện “kháng chiến, kiến quốc” và kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Trong quá trình xây dựng tổ chức và lãnh đạo Mặt trận cũng như các đoàn thể quần chúng, Bác Hồ đã để lại cho chúng ta những tư tưởng và kinh nghiệm rất phong phú về công tác xây dựng Mặt trận và các đoàn thể. Theo Người, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể cần quán triệt và thực hiện những luận điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, các đoàn thể cần phải được xây dựng từ thấp đến cao phù hợp với nhận thức của các đối tượng quần chúng nhân dân.

Thứ hai, hình thức (tên gọi của Mặt trận và các đoàn thể) phải đa dạng, phù hợp từng lứa tuổi, ngành nghề, giới tính,…của các thành viên; đồng thời phải phản ánh đúng mục tiêu chính trị của Mặt trận, từng đoàn thể cũng như của từng thời kỳ cách mạng.

Thứ ba, Cương lĩnh hoạt động, chương trình hành động của các tổ chức quần chúng phải hết sức rõ ràng, thiết thực; nội dung phương pháp phù hợp với đặc điểm, các hoạt động và nguyện vọng, yêu cầu của quần chúng.

Thứ tư, cán bộ Mặt trận và các tổ chức quần chúng phải đặt công tác dân vận lên hàng đầu, phải “hòa mình với quần chúng thành một khối”, “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm…chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, phải thật thà nhúng tay vào việc…”[4].

Ngày nay, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm động lực cơ bản. Trong đó, "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" là cơ chế vận hành của chế độ ta, là phương thức tổ chức nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo cơ chế ấy, Ðảng, Nhà nước và nhân dân đều là những chủ thể của quyền lực nhưng quyền lực của mỗi chủ thể ấy lại không giống nhau. Quyền lực của Ðảng là quyền lãnh đạo, bao gồm cả quyền lãnh đạo chính quyền nhưng bản thân Ðảng lại không phải là chính quyền nhà nước, không làm thay cho Nhà nước. Quyền lực nhà nước bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng quyền lực ấy không phải do Nhà nước tự có mà là do nhân dân giao phó cho những cơ quan quyền lực do mình cử ra. Quyền lực của nhân dân là quyền của người làm chủ đất nước và quyền làm chủ ấy được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, kể cả dân chủ tự quản ở cơ sở. Mẫu số chung của ba loại quyền lực nêu trên (lãnh đạo, quản lý và làm chủ), xét cho cùng là tư tưởng Bác Hồ từng nêu lên trong bài báo "Dân vận" viết năm 1949: "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân...Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra...Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" [5]

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội do nhân dân làm chủ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta; phải xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí và quyền lực của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, có nhiệm vụ không chỉ động viên, giúp đỡ đoàn viên, hội viên tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn thực hiện vai trò phản biện và giám sát. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, không chỉ đơn thuần là thực hiện những lời dạy của Người mà còn phải biết thấu hiểu và thấu cảm cái tinh túy trong chiều sâu tư tưởng và việc làm của Người. Từ đó, hình thành nên “cái trí”, “cái tâm”, “cái tầm” và nhất là phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” để “lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” cùng phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

                                                                                                                                                                                                      

Ghi chú

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, Tr. 276.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr. 132.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 6, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, Tr. 48.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, Tr.699-700.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, Tr.598.

Tin khác