Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ bảy, 20 Tháng 4, 2024 - 14:33

Cách mạng Tháng Tám ở Bến Tre trong tiến trình cách mạng cả nước

Hồ Thị Thùy Dung
Khoa LLMLN, TTHCM

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trong cả nước là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Dưới đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhân dân ta đã tích cực chuẩn bị lực lượng, chớp thời cơ, thực hiện khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, chính quyền về tay Hà Nội, các tỉnh còn lại ở Bắc Bộ cũng nhanh chóng khởi nghĩa, lật đổ hệ thống chính quyền địch, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, cuộc tổng khởi nghĩa thành công ở Huế, lật đổ dinh lũy cuối cùng của chính phủ tay sai thân Nhật, lật nhào cả kinh đô của chế độ phong kiến Triều Nguyễn, tạo điều kiện cho Nhân dân các tỉnh miền Trung đứng lên giành chính quyền. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Nhân dân Sài Gòn biểu tình, biểu dương lực lượng giành chính quyền, cùng ngày nhiều tỉnh thành Nam Bộ cũng khởi nghĩa giành chính quyền (ngày 28 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa thành công ở Hà Tiên, ngày 2 tháng 9 Côn Đảo được giải phóng,…), trong đó có quân và dân tỉnh Bến Tre. Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Hòa trong khí thế hào hùng của cả dân tộc, sau thời gian mười lăm năm tích cực chuẩn bị, vừa xây dựng lực lượng vừa đẩy mạnh phong trào, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bến Tre đã tạo được tình thế cách mạng trong tỉnh với lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang quần chúng làm nòng cốt, sẵn sàng đón thời cơ, giành chính quyền. Góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên phạm vi cả nước.

Giữa năm 1940 chiến tranh ở Châu Âu trở nên nóng bỏng với việc phát xít Đức quay nòng súng về phía Tây Âu, ngày 22 tháng 6 năm 1940 Pháp mất nước, chính phủ trở thành bù nhìn của Đức. Ở Châu Á, phát xít Nhật đã chiếm trọn Trung Quốc và chuẩn bị bành trướng Đông Dương với dã tâm chiếm trọn Đông Nam Á.

Ở Đông Dương, lợi dụng quân Pháp bị mất nước, ngày 22 tháng 9 năm 1942 Nhật nổ súng vào Đông Dương, ném bom vào Hải Phòng, đánh chiếm Lạng Sơn,… Tháng 10 năm 1940, Nhật xúi giục Thái Lan đánh chiếm Lào và Campuchia. Tháng 7 năm 1941, Nhật buộc Pháp ký hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương. Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Nhật gây chiến tranh Thái Bình Dương, hiệp định quân sự Nhật-Pháp được ký kết, Đông Dương trở thành một căn cứ bàn đạp cho Nhật ở Đông Nam Á.

Như vậy là từ sau năm 1940, Pháp - Nhật câu kết với nhau thống trị Đông Dương. Với một cổ hai tròng áp bức, Nhân dân Việt Nam không thể nào chịu đựng được nữa, nên hàng loạt các cuộc đấu tranh diễn ra. Ngày 27 tháng 9 năm 1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra. Là cuộc khởi nghĩa đầu tiên báo hiệu một cao trào mới của phong trào dân tộc bắt đầu.

Được kích thích bởi tiếng súng Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã được gấp rút chuẩn bị trên quy mô lớn. Với quyết tâm nổi dậy khởi nghĩa, mặc dù kế hoạch tổ chức đã bị bại lộ và quân Pháp chuẩn bị đàn áp, nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn nổ ra đêm ngày 23 tháng 11 năm 1940.

Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp và tay sai đàn áp gắt gao phong trào cách mạng. Ở Bến Tre, nhiều Đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt giam, hoặc phải lánh đi các nơi. Các Quận uỷ và nhiều chi bộ Đảng tan rã. Việc củng cố tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng trở thành yêu cầu bức thiết đối với Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre. 

Từ năm 1943, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng diễn ra ác liệt, phần thắng nghiêng về Liên Xô và các nước trong phe Đồng minh, cơ hội giải phóng dân tộc ta ngày càng đến gần. Với tinh thần nhạy bén chính trị, những đồng chí bị địch bắt giam, tìm cách vượt ngục trở về địa phương, khôi phục phong trào cách mạng, móc nối liên lạc với những Đảng viên cũ, lập lại các chi bộ Đảng, phát triển Đảng viên mới, khôi phục tổ chức quần chúng cách mạng.

Quận uỷ Ba Tri được thành lập lại, do đồng chí Nguyễn Tẩu làm Bí thư. Cuối tháng 2 năm 1944, Quận uỷ Ba Tri đã triệu tập một cuộc họp ở xã An Đức, quận Ba Tri. Hội nghị nhất trí tổ chức một bộ phận lãnh đạo trung tâm lấy danh nghĩa là “Uỷ ban sáng kiến” để tập hợp các đồng chí còn hoạt động bí mật ở địa phương nhằm nhanh chóng xây dựng và phát triển cơ sở Đảng trong tỉnh. Cuộc họp đề ra nhiệm vụ khẩn trương xây dựng các tổ chức quần chúng; tổ chức ra nghiệp đoàn trong công nhân lao động, nông hội, các tổ chức tương tế ái hữu, đẩy mạnh các phong trào đấu tranh với các khẩu hiệu chống phát xít Nhật đòi tự do dân chủ. Uỷ ban sáng kiến đã ra báo Sự thật để tuyên truyền trong nhân dân và cán bộ Đảng viên kịp thời nắm chủ trương của Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban sáng kiến, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng phát triển rộng khắp trong tỉnh, các quận đều đã thành lập quận uỷ, mỗi quận có từ 4-6 chi bộ. Tháng 12 năm 1944, Ủy ban sáng kiến triệu tập các quận ủy về họp tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, cử ra Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nguyễn Tẩu làm Bí thư để thống nhất lãnh đạo cách mạng.

Tháng 2 năm 1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập do đồng chí Võ Tấn Nhất phụ trách. Như vậy, lúc này tỉnh Bến Tre có hai hệ thống tổ chức của Đảng dưới sự chỉ đạo của hai Tỉnh ủy lâm thời, song song hoạt động và chưa liên lạc với nhau. Sau đó tháng 3 năm 1945, đồng chí Dương Khuy, đại diện Xứ uỷ Nam Kỳ đã triệu tập hội nghị thống nhất hai Tỉnh uỷ thành một Tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Tẩu làm Bí thư. Đây là bộ tham mưu thống nhất, nhận sứ mệnh lãnh đạo nhân dân trong tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau đảo chính lật đổ thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương (9/3/1945), phát xít Nhật đưa Phan Văn Chỉ, nguyên Đốc phủ sứ quận Ba Tri lên làm Tỉnh trưởng Bến Tre, giữ nguyên bộ máy chính quyền tay sai từ quận đến làng. Bọn tay sai thực hiện chính sách của phát xít Nhật, tăng thuế, vơ vét lúa gạo, lập ra các kho lúa bằng cây lá để trữ lúa.

 Các đảng phái thân Nhật ráo riết hoạt động, tuyên truyền lừa mị, nắm lấy quần chúng. Ở Bến Tre, có Đảng Quốc gia Độc lập là một đảng phái thân Nhật, ủng hộ Cường Để, được thành lập trước khi Nhật đảo chính Pháp. Tháng 6 năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức được thành lập tại Sài Gòn, đến tháng 7 năm 1945, bắt đầu thành lập tại Bến Tre.

Ngày 25 tháng 6 năm 1945, Xứ uỷ Nam Kỳ họp ra nghị quyết chỉ đạo các địa phương chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, hướng dẫn các công việc cần tiến hành trong cuộc khởi nghĩa để lật đổ chính quyền địch, tổ chức chính quyền cách mạng.

Khoảng cuối tháng 7 năm 1945, Tỉnh uỷ Bến Tre triệu tập hội nghị mở rộng tại ngã tư Giồng Dầu (ngã tư Phú Khương) để chuẩn bị khởi nghĩa. Tỉnh uỷ kiểm điểm tình hình chuẩn bị lực lượng, nhận thấy cơ sở Đảng ở các huyện được tổ chức khá rộng, các quận uỷ được thành lập ở Ba Tri, Mỏ Cày, Châu Thành, Thạnh Phú. Hội nghị nhận định: Việc khởi nghĩa giành chính quyền có nhiều thuận lợi khách quan, nếu ta khéo léo lợi dụng tình thế, vận dụng sách lược linh hoạt thì có thể không đổ máu, hoặc ít đổ máu mà vẫn giành thắng lợi. Phương hướng chính là sử dụng quân sự là chủ yếu nhưng không quên kết hợp vận động chính trị, trong khi khởi nghĩa phải coi trọng quân sự và phải đối phó cương quyết khi tấn công vào trại Bảo an, thu toàn bộ vũ khí.

Hội nghị bàn việc tổ chức Cứu quốc quân, lực lượng nòng cốt của cách mạng. Tỉnh uỷ chủ trương chọn trong tổ chức Đảng, trong Thanh niên Tiền phong và các nghiệp đoàn, các đoàn thể những thanh niên khoẻ mạnh, có tinh thần dũng cảm hy sinh để thành lập Cứu quốc quân, Cảm tử quân, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Tỉnh uỷ quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, đặt cơ quan của Đảng bộ tại tỉnh lỵ. Tỉnh uỷ lãnh đạo xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, gấp rút tổ chức Cứu quốc quân, Cảm tử quân và nắm lấy Thanh niên Tiền Phong, đưa người của ta vào nắm các chức vụ chủ chốt trong Thanh niên Tiền Phong cấp tỉnh, quận, xã. Đến ngày tổng khởi nghĩa, lực lượng cách mạng tỉnh có hàng ngàn đội viên Cứu quốc quân, Cảm tử quân và một lực lượng Thanh niên Tiền phong đông đảo cùng hàng ngàn hội viên Nông hội, nghiệp đoàn. Khí thế cách mạng của quần chúng lên rất cao, thanh niên, trung niên tham gia vào phong trào Thanh niên Tiền phong, tổ chức tập luyện quân sự, đi quân hàng, mua sắm khí giới, rèn mã tấu, làm tầm vông vạc nhọn, tập bắn phi tiêu,...rất sôi nổi.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, đại biểu Tỉnh uỷ đi dự Hội nghị Xứ uỷ trở về. Uỷ ban khởi nghĩa quyết định: Đêm ngày 23 tháng 8 năm 1945, căng biểu ngữ, rải truyền đơn, đọc lời kêu gọi nhân dân nổi dậy lật đổ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Sáng ngày 24 tháng 8 năm 1945, Việt Minh ra công khai, lấy Câu lạc bộ thị xã làm trụ sở. Tỉnh uỷ chỉ đạo Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh, quận phải gấp rút chuẩn bị chu đáo để sáng ngày 26 tháng 8 năm thì nhất tề nổi dậy giành chính quyền.

Nhưng tình hình phát triển nhanh chóng ngoài dự kiến của Uỷ ban khởi nghĩa. Theo chỉ đạo của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh, ngày 24 và 25 tháng 8 năm 1945, các đồng chí lãnh đạo ở các quận tập hợp lực lượng quần chúng, Thanh niên Tiền Phong, Cứu quốc quân, số nòng cốt của cách mạng bí mật theo đường bộ, đường sông về tiếp cận vùng ven tỉnh lỵ, phối hợp với lực lượng của tỉnh nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 23 tháng 8 năm 1945, ở các xã Hưng Khánh Trung, Phước Mỹ Trung, nhân dân đã tổ chức rải truyền đơn, căng biểu ngữ. Trưa ngày 25 tháng 8 năm 1945, tên Cò Lắm chỉ huy Bảo an binh đi gom súng của bọn Cai tổng và các đồn lẻ ở Mỏ Cày. Uỷ ban khởi nghĩa nhận định: Đây là cơ hội thuận lợi để nhanh chóng tước vũ khí của bọn Bảo an binh, chỗ dựa duy nhất và cuối cùng của chính quyền thân Nhật. Vì vậy, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định: Cấp tốc huy động quần chúng, Thanh niên Tiền phong, Cứu quốc quân đúng 16 giờ chiều ngày 25 tháng 8 năm 1945 tấn công trại Bảo an binh, Toà Bố, Kho bạc, nhà Bưu điện, nhà máy điện, trại giam và bao vây dinh Tỉnh trưởng, ra lệnh cho binh lính và nhân viên của địch đầu hàng. Trước khí thế của quần chúng khởi nghĩa, bọn Bảo an tê liệt, không dám chống cự, giao nộp vũ khí. Tỉnh trưởng Phan Văn Chỉ phải chấp nhận đầu hàng, chính quyền thân Nhật tại Bến Tre bị sụp đổ. Chính quyền về tay Nhân dân, lúc 17 giờ chiều ngày 25 tháng 8, sớm hơn dự định. Tối ngày 25 và rạng sáng 26 tháng 8, cuộc khởi nghĩa tiếp tục giành thắng lợi ở Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày. Sáng ngày 26 tháng 8, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bến Tre đã ra mắt đồng bào trong cuộc mít tinh trọng thể tại sân vận động tỉnh. Tiếp đó, Uỷ ban nhân dân cách mạng các quận cũng được thành lập và ra mắt nhân dân.

Như vậy ta thấy rằng, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã thực hiện chiến lược tập trung lực lượng giành cho được chính quyền ở cấp tỉnh, khi khởi nghĩa ở tỉnh thành công, mới giành chính quyền ở quận, xã. Lợi dụng tình hình quân địch hoang mang tan rã mà ta huy động một lực lượng quần chúng hùng hậu đi đầu là lực lượng Thanh niên Tiền phong, có lực lượng Cứu quốc quân làm nòng cốt, với vũ khí trang bị thô sơ nhưng đã tạo thế áp đảo quân địch, giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh thành công đã tạo điều kiện cho lực lượng khởi nghĩa các quận nổi dậy giành chính quyền thắng lợi nhanh chóng.

Cách mạng Tháng Tám ở Bến Tre đã thể hiện tính năng động sáng tạo của Tỉnh uỷ, các Quận uỷ và những Đảng viên Cộng sản, biết nắm lấy thời cơ, biết sử dụng nhiều hình thức để tập hợp lực lượng tạo thế áp đảo kẻ thù. Tỉnh ủy đã vận dụng linh hoạt sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, dựa vào liên minh công nông đã được củng cố vững chắc để tranh thủ các tầng lớp, thành phần yêu nước khác vào một mặt trận, lôi kéo các thành phần trung gian, lưng chừng, chĩa mũi nhọn vào bọn phát xít nhật, bọn thực dân đế quốc phản động Pháp, và bọn tay sai, tạo điều kiện cho cách mạng nhanh chóng giành thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám ở Bến Tre thành công góp phần quan trọng vào sự thành công của tiến trình cách mạng cả nước. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, đem lại độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Bến Tre nói riêng. Ngày nay, cả nước ta đang đẩy mạnh công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, tận dụng thời cơ tích cực xây dựng nền tảng cho chủ nghĩa xã hội. Quân và dân Bến Tre hòa mình vào xu thế chung của cả nước thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên cơ sở vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh nhà và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta./.

Tin khác