Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế lao động 01/5!

Thứ năm, 25 Tháng 4, 2024 - 12:42

Bài báo “Dân vận” và quan điểm về công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay

                                                                    Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga
                                                           Phó Trưởng Khoa Dân vận

Yêu nước thương dân, đấu tranh không mệt mỏi vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, coi sự hy sinh ấy là hạnh phúc lớn nhất của đời người, sống vì dân, gần gũi với dân, thấu hiểu tâm trạng, nguyện vọng của  dân để làm tất cả những gì có thể đem lại lợi ích cho dân…Đó là nét nổi bật nhất, quy tụ tất cả những gì làm nên sự vĩ đại của trí tuệ, tâm hồn lớn và nhân cách lớn Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu chữ Dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của nó một cách toàn diện, cách mạng và khoa học. Tùy vào những hoàn cảnh khác nhau, Người đã dùng những khái niệm dân, nhân dân, quần chúng, đồng bào một cách phù hợp và rất gần gũi, quen thuộc với cách nói hàng ngày của người Việt Nam. Dân, theo Hồ Chí Minh, là mọi người dân nước Việt Nam, là mọi “con dân nước Việt”, là “con Rồng, cháu Tiên”, là “con Lạc, cháu Hồng”, không phân biệt “già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, quý, tiện”, là bất kỳ “đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc”.

Vận dụng sáng tạo quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết tinh truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: Dân là lực lượng sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần, không ai thông minh, trí tuệ, sáng tạo bằng dân chúng; không ai tốt bằng dân chúng; không ai hăng hái như dân chúng, không ai dũng cảm bằng dân chúng; không ai nhìn thấu bằng dân chúng… Từ đó, Người khẳng định: Dân là gốc của nước, “gốc có vững, cây mới bền”, dân có giàu nước mới mạnh; dân là lực lượng vô tận để dựng nước và giữ nước; dân là chủ, “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”… Nói chung, có dân là có tất cả, không có gì quý bằng nhân dân, không có lực lượng nào mạnh hơn lực lượng đoàn kết của nhân dân, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trên đây là những cơ sở giúp chúng ta tiếp cận và hiểu sâu sắc hơn bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949. Dân vận là một tác phẩm mẫu mực, điển hình của lối diễn đạt lời ít ý nhiều. Với một lượng tối thiểu của ngôn từ nhưng tác phẩm đã chuyển tải, biểu cảm một cách tối đa về tư tưởng và triết lý. Chúng ta học gì từ bài viết chỉ với 573 từ của Bác?

Thứ nhất, hình thức bài viết, phong cách diễn đạt. Bài viết ngắn gọn, xúc tích, có tính khái quát cao, bố cục chặt chẽ, rõ ràng, câu từ đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thuộc song tầng nấc ngữ nghĩa thì vô cùng, càng nghiền ngẫm thì càng thấy độc đáo và càng sáng tỏ về nội dung.

Thứ hai, nội dung bài viết thể hiện rõ quan điểm xuất phát, nội dung, mục tiêu của dân vận là dân chủ, là hướng tới xây dựng nước ta thành một nước dân chủ. Trên cơ sở, nền tảng dân chủ, Hồ Chí Minh xác định ba vấn đề quan trọng: Dân vận là gì ? Ai phụ trách dân vận ? Dân vận phải thế nào ? Mỗi vấn đề được trình bày với những nét độc đáo riêng, mang tính độc lập và được đặt trong một thể thống nhất hoàn chỉnh.

Một là, phần thứ I - Nước ta là nước dân chủ. Điều này được khẳng định chỉ với 73 chữ, được sắp xếp trong 7 câu, ở mỗi câu đều có chữ dân, trong đó có 1 lần "vì dân", 2 lần "do dân", 3 lần "của dân" và câu thứ 7 khẳng định: "Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân ". Vậy là, ngay từ những ngày đầu có chính quyền, Bác đã chỉ rõ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Không dừng lại ở đó, Người còn đề cập đến Đảng, đoàn thể hay nói cách khác là hệ thống chính trị của ta đều có bản chất chung là của dân, do dân và vì dân. Quan điểm của Bác xác định rõ dân chủ là cái chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa và trở thành nền tảng của công tác dân vận.

Hai là, phần thứ II - Dân vận là gì ? Người đã đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho".

Ba là, phần thứ III – Ai phụ trách dân vận ? Người xác định : Dân vận thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Bốn là, phần thứ IV – Dân vận phải như thế nào ? Chúng ta cần quán triệt phương châm "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm".  

Đặc biệt nhất là câu kết bài đặc sắc, súc tích, tinh túy và trở thành câu nói kinh điển dành cho những ai làm công tác dân vận: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Chỉ trong 29 chữ, câu kết bài đã khái quát đầy đủ ý nghĩa tầm quan trọng của công tác dân vận. Nếu bài Dân vận là một hạt ngọc trong chuỗi ngọc Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì câu kết bài chính là kết tinh làm nên sự tỏa sáng của hạt ngọc ấy.

Những chỉ dẫn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra cho chúng ta gần bảy mươi năm qua đến nay vẫn mang tính thời sự mới mẻ và trở thành bài học của mọi bài học về công tác dân vận. Chúng ta luôn khắc ghi lời nhắc nhở của Bác: Đối với dân phải nâng cao trình độ để xứng đáng là người làm chủ, trách nhiệm của người làm chủ bởi vì “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”, “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”; điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc tập hợp, giác ngộ, tổ chức, lãnh đạo dân, phát huy được sức mạnh vô tận của dân góp phần gặt hái thành công trong sự nghiệp cách mạng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng hiện nay, điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế… có nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tình hình tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng ta xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, củng cố tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thực tế đã chứng minh, từ sau đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo đặt nền tảng cơ sở của Đảng ta về công tác dân vận chính là Nghị quyết Trung ương 8B (Nghị quyết 8B- NQ/TW “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” được Hội nghị Trung ương 8 - khóa VI – ban hành ngày 27/3/1990). Nghị quyết 8B đã xác định: Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. Kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội. Công tác vận động nhân dân phải năng động, sáng tạo về nội dung, đa dạng về phương thức hoạt động và tổ chức. Trách nhiệm dân vận là của Đảng, của Nhà nước và của toàn xã hội, không chỉ là trách nhiệm riêng của đoàn thể.

Trên cơ sở Nghị quyết 8B, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản  như: Nghị quyết số 07-NQ/BCT của Bộ Chính trị về “Tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất” ngày 17/11/1993; Chỉ thị số 18-CT/2000/TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dân vận” ngày 21/9/2000; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) năm 2003 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”… nhằm tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết 8B.

Nghị quyết số 25-NQ/TW về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương ra đời càng khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận. Nghị quyết chỉ rõ: “Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đền bù thu hồi đất đai, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. Trong xây dựng thể chế, chính sách, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là điều kiện sống, lao động, học tập, sáng tạo, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe”.

Đảng ta chú trọng vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó chú trọng công tác dân vận. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII yêu cầu: “Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; tôn trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân”. [1]

Nói tóm lại, dù bất cứ giai đoạn nào, gắn với quá trình cách mạng của Việt Nam công tác dân vận luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Để góp phần nâng cao nhận thức lý luận về công tác dân vận, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận nói chung và những quan điểm của Người trong tác phẩm “Dân vận” nói riêng có ý nghĩa to lớn cả về tầm lý luận và thực tiễn. Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh, tác phẩm Dân vận của Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt, ngày càng ăn sâu, bén rễ vào cuộc sống và lấy đó làm kim chỉ nam cho công tác dân vận:“Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.

___________________________________________________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.160.

 

 

Tin khác