Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910-08/3/2024), 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 và 77 năm Ngày thành lập Trường Đảng tỉnh Bến Tre (Trường Chính trị Bến Tre) (07/3/1947-07/3/2024)!

Thứ ba, 19 Tháng 3, 2024 - 17:54

Bài báo dân vận của Bác Hồ

Cách đây 63 năm, Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo sự thật, số 120, ngày 15 tháng 10 năm 1949 - cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ. Đã 63 năm trôi qua, bài báo vẫn còn nguyên giá trị và vô cùng thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập đất nước. Tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài báo "Dân vận" của Bác.
“Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.
I - NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
II - DÂN VẬN LÀ GÌ?
Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho.
Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít-tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
 Ðiểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
 Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
 Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
 III - AI PHỤ TRÁCH DÂN VẬN?
 Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Ðoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc.
 - Cán bộ chính quyền và cán bộ Ðoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...
 - Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v...
 Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.
IV - DÂN VẬN PHẢI THẾ NÀO?
Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.
Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Ðó là sai lầm rất to, rất có hại.
Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Qua toàn văn bài báo, chỉ với hơn 600 từ nhưng Bác Hồ đã chỉ rõ cho chúng ta thấy những yêu cầu cần thiết, cần có, cần nắm của người cán bộ làm công tác vận động quần chúng (công tác dân vận) của Đảng. Bác chỉ rõ về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân và dân với Đảng, phương pháp làm công tác dân vận và nổi bật nhất là tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân của Bác, điều này thể hiện rõ trong nội dung: “I - NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”
Trong công tác vận động quần chúng hiện nay, người cán bộ cơ sở cần phải nắm chắc và hiểu sâu hơn về nội dung bài báo, lấy đó làm kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng ở địa phương. Hy vọng rằng với bạn đọc (nhất là học viên của Trường Chính trị) sẽ dành thời gian để tìm hiểu và vận dụng những lời dạy của Bác Hồ trong quá trình học tập và công tác để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự là người công bộc tận tụy của nhân dân./.
Nguyễn Thị Yến
                                                                       Trưởng khoa Dân vận

 

Tin khác