Nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), Trường Chính trị Bến Tre tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2018, Hội thi đã kết thúc nhưng vẫn còn lắng đọng trong mỗi giảng viên, học viên nhiều cảm xúc. Ban biên tập trang Web xin lược trích một số cảm nhận của các đồng chí cán bộ, giảng viên:
1. Với đồng chí Nguyễn Thị Yến, thành viên Ban Giám khảo Hội thi: Là thành viên trong Ban Giám khảo qua hai năm liên tục được tham gia chấm thi, đọng lại những cảm xúc, đặt mình vào tâm trạng của mỗi người tham gia hội thi trí tuệ, nhận định rõ hơn những diễn biến tâm lý, yêu cầu đặt ra, sự mong đợi của mỗi thí sinh tham gia hội thi... Với mục đích cơ bản nhằm thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện của học viên khi học tập tại trường, hội thi là một trong những căn cứ đánh giá chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên. Để có những thành công từ hội thi thật không đơn giản, lãnh đạo trường, đứng đầu là Hiệu trưởng đã có những chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, phù hợp để mọi hoạt động từ công tác tổ chức đến khi bế mạc hội thi phải đảm bảo đúng qui định, chất lượng và hiệu quả. Khi thực hiện từ trên xuống dưới, mỗi người phải cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, điều trọng tâm nhất đấy là diễn biến hội thi phải làm sao đáp ứng được chủ đề chính của hội thi đặt ra: “Học viên học giỏi lý luận chính trị”. Từ đó, yêu cầu đối với người ra đề, thí sinh dự thi phải thật quyết tâm để mỗi người thực hiện tốt bài thi của mình, riêng Ban Giám khảo giữ trọng trách cầm cân, nảy mực phải công bằng, công tâm, vô tư, khách quan và chính xác.
Những điều trên đã đáp ứng trong hội thi và đưa đến thành công thông qua kết quả được xác lập rất thuyết phục để trong 14 thí sinh đại diện cho các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của trường tham dự. Qua hội thi, Trường Chính trị đã khen thưởng 4 học viên với 4 giải: 1 nhất, 1 nhì, 1 ba và 1 khuyến khích. Các cá nhân còn lại tuy không nhận giải nhưng bản thân từng học viên tham gia là những học viên có điểm số học tập và rèn luyện rất tốt theo tiêu chuẩn qui định, đó là sau khi hoàn thành 50% chương trình học tập trở lên, có điểm trung bình từ các phần học từ 7,0 trở lên, trong đó không có phần học nào dưới 6,0 điểm; có ý thức học tập, rèn luyện tốt. Khi thực hiện mỗi phần thi, từng học viên biết khẳng định mình, biết phát huy ưu thế, sở trường cá nhân để hoàn thành tốt nhất nội dung thi, đây là sự nỗ lực rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, cuộc thi nào cũng có tính hai mặt, có ưu và có khuyết, để những lần thi sau được nâng chất hơn, thí sinh tự tin hơn và đạt kết quả tốt nhất, cần lưu ý:
Thứ nhất, tâm lý khi cá nhân được chọn thi học viên học giỏi lý luận chính trị
Học viên nên thấy đây là niềm tự hào cho lớp học và chính bản thân mình. Bởi lẽ đối với lớp đây là sự tuyển chọn các học viên đảm bảo theo quy định, quy chế của hội thi về số điểm, về sự rèn luyện bản thân; mỗi học viên dự thi là đại diện cho lớp mình trên sàn đấu và giáo viên chủ nhiệm sẽ rất tự hào về điều này, từ đó cả giáo viên chủ nhiệm và học viên của lớp sẽ có sự cổ vũ, động viên cho nên các thí sinh không hề đơn độc khi tham gia hội thi.
Đối với cá nhân đây là vinh dự của bản thân, là thí sinh được hội đồng thi tuyển chọn và quyết định cuối cùng từ Hiệu Trưởng nhà trường, do vậy đến với cuộc thi này không phải ai muốn cũng được. Khi dự thi bản thân học viên sẽ có dịp đầu tư hơn về kiến thức trên nhiều mặt. Việc nghiên cứu này được mở rộng, chuyên sâu từ lý luận đến thực tiễn, đến phương pháp trình bày trước đám đông, việc tự tin khi trả lời câu hỏi phụ,… sẽ giúp cho học viên được rèn luyện, thử thách trên nhiều phương diện. Ngoài ra, lợi ích còn mang lại với thí sinh sau khi được công nhận đạt kết quả với những thành tích cao sẽ được tham gia viết khóa luận tốt nghiệp, xét khen thưởng trước khi ra trường.
Mặc dù học viên nắm được những nội dung trên, song tâm lý với danh nghĩa “học viên học giỏi lý luận chính trị” vẫn làm cho cá nhân tham dự e ngại, … thiết nghĩ, mỗi học viên khi được chọn dự thi nên đặt ra câu hỏi vì sao mình được chọn? Và tất nhiên đây không phải là sự lựa chọn tùy tiện, nên từng cá nhân tham dự hãy bỏ qua tâm lý e ngại này.
Một số học viên ngại thi nếu không đỗ, không nằm trong danh sách được chọn hay điểm thi không cao sẽ thấy tự ti, mặc cảm… Chúng ta nên hiểu rằng bất kỳ cuộc thi nào cũng có người thắng, người thua, đó là quy luật. Việc thắng thua không quan trọng mà cơ bản nhất là mình có vượt qua chính bản thân mình chưa? Mình có khẳng định được bản thân là mình phải đấu với chính bản thân mình khi đứng trước Ban Giám khảo là những Thầy cô từng giảng trên lớp, những Thầy cô đã từng giảng dạy đang cổ vũ, động viên mình; những người từng là bạn bè và những học viên lớp khác với nhiều hệ khác nhau. Nếu mình đã tự tin tham gia thi từ đầu đến cuối, đã tự tin khi bước lên bục thi đấu tất nhiên mình đã có đủ dũng khí, bản lĩnh để chiến thắng chính mình, đó là chiến thắng lớn nhất của mỗi thí sinh.
Thứ hai, trạng thái tâm lý của thí sinh ở hai phần thi
Trong hội thi có hai phần, thi viết (đề mở) và thi thuyết trình. Điều này đặt ra trong cuộc thi là người học phải giỏi trong tiếp cận, xử lý kiến thức bằng vốn tri thức đã học. Về thuyết trình và trả lời câu hỏi phụ yêu cầu người học phải có năng khiếu thuyết trình, diễn giải vấn đề rõ ràng, mạch lạc, đúng trọng tâm, trọng điểm v..v.. Phần lớn cuộc thi nghiêng về hai dạng đối tượng sau: Có những học viên viết giỏi, viết tốt nhưng ngại nói; có những học viên viết vừa đủ, đạt nhưng có năng khiếu thuyết trình… Rất hiếm có trường hợp vừa viết tốt, vừa nói tốt, qua hội thi đã chứng thực điều này. Vấn đề đặt ra nguyên nhân nào dẫn đến sự e ngại và lo sợ mơ hồ của thí sinh? Theo bản thân, xuất phát từ một số yếu tố sau:
Một là, với phần thi viết
+ Ngoài tâm lý thiếu bình tĩnh khi vào phòng thi, nếu đề thi mở học viên rất sợ kiến thức rộng, cần phải có sự chuẩn bị chu đáo song biển học vô ngần, học viên không rõ việc chuẩn bị của mình có đáp ứng yêu cầu hay chưa?
+ Mặc dù học viên được Chủ tịch Hội đồng thi động viên và nhắc nhở việc cân đối thời lượng khi làm bài, song tâm lý ngại “viết chưa đủ ý…”cho nên trong hai câu thi có câu viết sắc, sâu; có câu vẫn còn bỏ ngõ một vài ý… là điều khó tránh khỏi;
+ Với chủ đề hội thi: Học viên học giỏi lý luận chính trị, thí sinh nghĩ ngay rằng câu hỏi thi sẽ có sự đánh đố hoặc rất khó hoặc yêu cầu rất cao về nội dung thi. … Hầu như những tâm lý trên không nằm ngoài một chữ “khó”. Chính tâm lý lo lắng, hồi hộp, băn khoăn này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thi viết để có một bài chất lượng.
Hai là, với phần thi thuyết trình
Thuyết trình được hiểu là quá trình truyền đạt thông tin, là nói với nhiều người về một vấn đề nào đó một cách có hệ thống để đạt mục tiêu cụ thể như: giúp người nghe hiểu được nội dung bài nói; tạo dựng quan hệ giữa người nói và người nghe, từ đó thông điệp truyền đi và tiếp cận sẽ có sự thống nhất để cùng thực hiện.
Như vậy, trong phần thi này, thí sinh sẽ có những chủ đề để chuẩn bị và thời gian viết đề cương bài thuyết trình. Sau đó thí sinh sẽ sử dụng một trong những phương pháp cơ bản là nói nhằm truyền đạt nội dung đã chuẩn bị cho mọi người nghe, hiểu, nắm bắt thông tin được truyền đạt…Song khi đến phần thi này một số thí sinh chưa quen nói trước đám đông sẽ dễ “khớp”, sợ sệt, âu lo,… từ đó sẽ mất đi sự tự chủ của bản thân, phong thái, thần sắc, diễn đạt sẽ không như ý, điều này sẽ dẫn đến sức thuyết phục không cao khi trình bày. Phần thi này đặt ra yêu cầu thí sinh cần có kỹ năng nói trước đám đông, tất nhiên đây là việc không hề đơn giản. Bởi vì một bài thuyết trình hay ngoài yếu tố bẩm sinh di truyền như âm thanh, âm điệu khi nói còn phải chú trọng đến việc thiết lập đề cương; nghiên cứu cách trình bày sao cho thuyết phục; phải nắm bắt đối tượng dự nghe, thí sinh còn phải tự rèn phương pháp nói trước đám đông, sự luyện tập này phải có ý chí, kiên trì và khoa học. Một khi có sự chuẩn bị chu đáo thì mọi phiền toái về tâm lý khi thuyết trình sẽ không còn là nỗi ám ảnh với thi sinh khi tham dự.
Một hệ quả của việc thuyết trình chưa thành công sẽ dẫn đến trả lời câu hỏi phụ bị lúng túng, thí sinh rơi vào trường hợp trả lời lấy lệ, trả lời cho xong, cho qua.,.. đây là điều không nên. Nguyên nhân của những hạn chế này do: Thí sinh chưa chủ động khi lường trước những tác động khi thuyết trình; thiếu sự luyện tập và kỹ năng nói trước đám đông; tâm lý e ngại, sợ sệt, nhút nhát; chưa tự tin, thiếu bản lĩnh khi thuyết trình…
Thứ ba, những điều cụ thể cần quan tâm của thí sinh khi tham dự hội thi.
- Đối với thi viết
Để bài thi viết thành công, điểm số như mong muốn, ngoài những nội dung đã nghiên cứu, chuẩn bị, thí sinh cần xác định rõ các yêu cầu sau:
+ Xác định thời lượng khi viết. Trong thời gian 120 phút, thí sinh đọc kỹ từng câu hỏi, đánh dấu ngay những trọng tâm, trọng điểm, yêu cầu đặt ra trong từng câu, những nội dung nào bắt buộc phải trình bày, phần nào phải đào sâu kiến thức, khi liên hệ vận dụng phải bám sát các nội dung ra sao? Cách trình bày về mặt hình thức, văn phong, thuật ngữ phải sáng, phong phú, đúng như thế nào? Thí sinh phải dành thời gian để đọc lại toàn bài để chỉnh sửa những câu chữ, ý tứ chưa phù hợp…
+ Xác định đúng yêu cầu đề: Để tránh nhầm lẫn, sa đà bài viết phải bám sát chủ để mà đề bài đặt ra.
+ Bài thi viết phải gắn lý luận và thực tiễn: Đây là một trong các yêu cầu đặt ra đối với các bài thi, qua việc liên hệ, vận dụng kiến thức đã học vào bài làm, giảng viên sẽ nhận định rõ hơn về khả năng tiếp thu, những yêu cầu đặt ra từ cơ sở, từ người học để phía giảng viên tiếp cận thêm những nhu cầu từ người học và ngược lại.
- Đối với thuyết trình.
Khi thi thuyết trình có những yêu cầu đặt ra cho thí sinh như: phải đảm bảo thời gian; thể hiện được phương pháp và phong cách khi trình bày; phải đảm bảo đầy đủ những kiến thức từ các nội dung cơ bản, có minh chứng, mở rộng vấn đề; phải vận dụng kiến thức từ chủ đề trình bày để liên hệ cho sát, cho đúng gắn với nhận thức bản thân, với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị và sự phấn đấu, rèn luyện bản thân…. Để có sự tự tin và chủ động khi thuyết trình, thí sinh cần lưu ý những vấn đề sau: Phải nắm chắc chủ đề đặt ra; cần có sự chuẩn bị, đầu tư, gia công tốt; phải có phương pháp thuyết trình tốt thông qua quá trình luyện tập; phải thể hiện phong cách tự tin, chững chạc khi trình bày; phải có kỹ năng nói trước đám đông…
- Khi trả lời câu hỏi phụ, đây là một phần trong buổi thuyết trình, do đó khi được Ban Giám khảo đặt câu hỏi, thí sinh có hai cách: một là nghe thật kỹ câu hỏi trước khi trình bày và phải suy nghĩ thật chín chắn nội dung câu hỏi, không hấp tấp, vội vàng. Nếu có những câu khá dài, thí sinh nên chuẩn bị giấy, bút để ghi câu hỏi và xem kỹ nội dung cần trả lời. Khi trả lời nên bám sát câu hỏi, không trả lời dài dòng, lan man.
Hy vọng những cảm nhận này sẽ mang lại cho học viên trong môi trường chính trị có thêm một số kinh nghiệm khi thi cử. Đối với thí sinh trong những mùa thi sau có thêm một số điều cần tránh khi tham gia hội thi học viên giỏi lý luận chính trị do nhà trường tổ chức. Từ hội thi, là một giảng viên của trường, đã “phát hiện” những yêu cầu đặt ra của người học đối với chúng tôi, những người giảng viên trong môi trường chính trị này, đó là sự chuyên tâm, chuyên nghiệp và đặt trọng trách của chữ nghề trong nghề giáo phải sao cho tương xứng.
2. Cảm nhận của đồng chí Nguyễn Phước Tuân, người dẫn chương trình hội thi
Sau một quá trình chuẩn bị công phu về nội dung, xây dựng chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện, Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2018 đã diễn ra và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ không những góp phần thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện của học viên mà còn có sự tác động rất lớn giúp nhà Trường nắm được thông tin phản hồi từ đối tượng người học, đánh giá chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên, chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên qua đó quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học của nhà Trường.
Nội dung kiến thức tập trung vào những vấn đề cơ bản ở các phần học đầu tiên. Thi viết xoay quanh nội dung về Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng; tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng Cộng sản; Hệ thống chính trị Việt Nam. Chủ đề bài thuyết trình sinh động, đa dạng, gắn với các vấn đề: Nhận thức về tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam; Luận giải quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”; Xây dựng phong cách lãnh đạo theo phong cách Hồ Chí Minh, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần tu dưỡng, rèn luyện theo hệ thống phong cách nào; Tại sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử; Tại sao xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
14 thí sinh tham gia Hội thi là những học viên tiêu biểu, đại diện cho gần 500 học viên ở 6 lớp đang học Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị với kết quả học tập đạt loại khá trở lên ở 4 phần học cơ bản. Về cơ cấu thành phần cũng đa dạng với các ngành nghề khác nhau: Giáo viên có 7 thí sinh; cán bộ xã, phường là 5 thí sinh, cán bộ cấp huyện 1 thí sinh và 1 thí sinh là cán bộ công tác tại bệnh viện.
Bằng sự quyết tâm, nỗ lực cao, mỗi thí sinh đã mang đến cho Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2018 một màu sắc mới. Tùy vào góc độ cảm nhận của cá nhân, từng thí sinh đã đào sâu nghiên cứu kiến thức lý luận chính trị; thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo trong quá trình thuyết trình, gắn nội dung bài học vào thực tiễn; bày tỏ quan điểm, cảm xúc bao gồm cả sự tâm đắc và những trăn trở trước diễn biến của cuộc sống trong giai đoạn hiện nay. Thí sinh số 06 bộc bạch tâm sự về sự chuyển biến trong tư tưởng cá nhân. Lúc ban đầu, chấp hành sự phân công của tổ chức, đi học để đảm bảo chỉ tiêu bằng cấp nhưng qua thời gian học tập ở Trường Chính trị, bản thân nhận thức được giá trị của việc học tập lý luận chính trị đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kiến thức lý luận chính trị rất rộng, bản thân hiểu biết lại hạn hẹp nên việc học rất có ích, góp phần nâng cao nhận thức lý luận, sự vận dụng lý luận vào thực tiễn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Thí sinh số 08 và nhiều thí sinh khác, thông qua Hội thi gửi đến quý thầy cô lời tri ân sâu sắc, thầy cô không chỉ giảng dạy chính trị, những kiến thức lý luận bổ ích mà còn nhấn mạnh vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ giúp chúng em hoàn thiện hơn về bản thân. Thí sinh số 09, giọng đầy cảm xúc mong được sự cổ vũ nhiệt tình của quý thầy cô và các bạn học viên, việc tham gia Hội thi này là cả một sự quyết tâm vượt lên chính mình, là sự dũng cảm để vượt qua hạn chế của bản thân về kỹ năng thuyết trình và việc rất ngại khi nói trước diễn đàn.
Trong một thời gian tương đối ngắn, các thí sinh đã nỗ lực nghiên cứu, tiếp cận hệ thống lý luận mà nhà trường cung cấp và vận dụng vào thực tiễn khá sâu sắc. Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, các thí sinh đã phấn đấu vượt qua hai hình thức thi viết, thuyết trình và mang đến cho Hội thi kết quả thành công tốt đẹp: 4/14 thí sinh đạt danh hiệu Học viên học giỏi lý luận chính trị, 10/14 học viên đạt loại khá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vấn đề hạn chế nhất định: Công tác tổ chức còn bị động cả về thời gian, khâu chuẩn bị và tổ chức. Một bộ phận học viên trong quá trình thuyết trình còn lúng túng về nội dung, phương pháp thuyết trình còn mang tính chất trả bài, thiếu sự lưu loát. Trả lời câu hỏi ban giám khảo đặt ra còn thể hiện sự lúng túng, chưa đi sâu vào vấn đề trọng tâm; sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn chưa sâu sắc. Lực lượng cổ vũ còn ít nên sức lan tỏa của Hội thi chưa cao.
Nhìn chung, Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị là một sân chơi rất bổ ích. Thông qua hoạt động này, mối quan hệ giữa thầy - trò được gắn kết. Đối với học viên, cả thí sinh, cổ động viên một lần nữa được khắc sâu nội dung kiến thức bài giảng, ứng xử nhanh với những câu hỏi Ban Giám khảo đặt ra. Học viên tự đánh giá năng lực nhận thức lý luận chính trị của bản thân. Đối với nhà trường, đánh giá sự tiếp cận của học viên, sản phẩm đào tạo, từ đó nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp phù hợp, gắn lý luận và thực tiễn góp phần định hướng nhận thức cho học viên và nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường./.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuân
Trường Chính trị Bến Tre