Những bất cập trong xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị

Trường Chính trị Bến Tre là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; cán bộ dự nguồn các chức danh trên; cán bộ, công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác…

Theo Quy định 256/QĐ-TW ngày 16 tháng 9 năm 2009 của Ban Bí thư về việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng, Trường Chính trị có trách nhiệm xác nhận trình độ lý luận tương đương trung cấp lý luận chính trị cho các cán bộ, đảng viên.

Quy trình thực hiện xác nhận tương đương trung cấp lý luận chính trị:

- Các cá nhân cán bộ, đảng viên có nhu cầu xác nhận trình độ lý luận chính trị làm đơn đề nghị xác nhận, bảng điểm sao chương trình lý luận chính trị đã được học có công chứng gửi về Ban Tổ chức các Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quản lý, theo đó Ban Tổ chức tập hợp hồ sơ, thống kê và gửi về Trường Chính trị xem xét xác nhận.

- Nguyên tắc chung xác định: Lấy nội dung chương trình Trung cấp lý luận chính trị theo quy định đối chiếu với các môn học, thời lượng học của môn học mà người đang xin xác nhận đã học rồi.

- Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh tổ chức xác định và cấp chứng nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị.

Nếu như trước đây, việc xác định và khai trình độ lý luận chính trị được thực hiện theo Quy định số 12-QĐ/TC-TTVH ngày 09/01/2004 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về việc xác định trình độ lý luận chính trị. Văn bản này không quy định cấp giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương mà căn cứ vào văn bằng tốt nghiệp, các cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên công nhận trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn như tốt nghiệp đại học chuyên ngành xã hội thì đương nhiên được công nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Đến ngày 16/9/2009 Ban Bí thư ban hành Quy định số 256-QĐ/TW về việc xác định trình độ lý luận đối với cán bộ, đảng viên đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc học đại học chính trị chuyên ngành,...thay thế Quy định 12-QĐ/TC-TTVH ngày 09/01/2004 của Ban Tổ chức Trung ương. Theo đó, Quy định 12-QĐ/TC-TTVH không còn hiệu lực, mọi công nhận tương đương sau ngày 16/9/2009 sẽ không còn giá trị pháp lý. Đồng thời, nêu rõ trách nhiệm cấp giấy chứng nhận và bổ túc kiến thức lý luận chính trị là trách nhiệm của các trường chính trị.

Ngày 15/3/2011 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có Hướng dẫn số 03/HD-HVCT-HCQG về việc “Hướng dẫn chương trình để xác nhận trình độ tương đương Trung cấp lý luận chính trị theo Quy định số 256-QĐ/TW ngày 16/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI)”.    

Thực tế trong những năm qua, quá trình thực hiện có nhiều bất cập, vướng mắc:

Thứ nhất, theo Hướng dẫn 03/HD-HVCT-HCQG thì chương trình lý luận chính trị mà cán bộ, đảng viên đã học được tính tương đương khi có ít nhất 80% số tiết lên lớp và 3/4 số môn học của chương trình trung cấp lý luận chính trị. Như vậy, sẽ không có hoặc ít người đủ điều kiện để được xác nhận. Do đó, nếu thực hiện theo quy định này thì phần lớn các đối tượng đã tốt nghiệp đại học đều không đủ điều kiện xét cấp giấy xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị. Đối với các trường hợp này trường chính trị tính xem còn thiếu môn nào sẽ đề nghị học bổ sung cho đủ để được xác nhận cấp giấy chứng nhận tương đương. Nhưng trong thực tế, việc xem xét đối chiếu thì các môn mà các cán bộ, đảng viên còn thiếu không giống nhau bởi các chương trình học của các trường đại học là không giống nhau. Vì vậy, việc lựa chọn môn học bổ sung cũng không thống nhất.

Thứ hai, các hệ đào tạo về giáo dục lý luận chính trị của các trường cũng không thống nhất nhau. Đối với các trường đại học, cao đẳng thì theo một chương trình khác và thậm chí giữa các trường đại học cũng không thống nhất nhau. Còn giáo dục chính trị trong các trường chính trị của Đảng theo hệ khác, theo nhu cầu khác. Như vậy, trong hệ thống đào tạo giữa các trường đại học và trường chính trị chưa có sự liên thông, từ đó dẫn đến sự trùng lắp trong đào tạo, không phát huy được vai trò của các trường này.

Thứ ba, việc xác định tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị căn cứ theo chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị năm 2002 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, hiện nay chương trình này đã có sự thay đổi lớn. Nếu như trước đây chương trình này thực hiện với tổng thời lượng là 2.224 tiết. Đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã qua 2 lần thay đổi chương trình, theo đó thời lượng học và các môn học cũng giảm dần. Năm 2009, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với thời lượng 1.765 tiết, gồm 07 phần học, với 13 môn học (giảm 459 tiết). Năm 2014, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính mới với thời lượng 1.056 tiết, gồm 6 phần học, với 10 môn học (giảm 1.168 tiết so với chương trình năm 2002), kể cả các môn học cũng có sự thay đổi lớn.

Từ những bất cập trên, để thực hiện tốt việc quản lý trình độ lý luận chính trị trong tình hình hiện nay cần thực hiện như sau:

- Trước mắt, Trường Chính trị nghiên cứu tổ chức học bổ sung thêm một số môn học (lấy từ mặt bằng chung các môn thiếu của các trường đại học), chẳng hạn như: Tâm lý học trong lãnh đạo, quản lý; Xây dựng Đảng; Quản lý hành chính nhà nước, văn hóa xã hội, công tác dân vận,...để đủ điều kiện cấp giấy xác nhận trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị.

- Kiến nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có hướng dẫn phù hợp hơn trong đối chiếu từ chương trình đào tạo phần giáo dục lý luận chính trị của các trường đại học với chương trình trung cấp lý luận hiện hành sẽ có hướng mở hơn cho các đối tượng được xác nhận tương đương.

- Cần tạo sự liên thông trong đào tạo trình độ lý luận chính trị thì sẽ vừa tiết kiệm cho người đi học, tiết kiệm tiền bạc cho Nhà nước và giảm tải cho hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Với những khó khăn chung mà hiện nay trong hệ thống các trường chính trị của Đảng đang vướng phải, do đó với sự nỗ lực của các trường chính trị, hướng dẫn kịp thời của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ giúp cho Trường Chính trị Bến Tre hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới./.

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh