“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Câu ca dao ấy đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam, hàng năm cứ đến ngày mùng Mười tháng Ba người dân cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng) – cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Đền Hùng là một Lễ hội lớn mang tầm quốc gia nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức người dân Việt Nam, được tổ chức qua các triều đại từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lý, nhà Trần, nhà Nguyễn. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế” (Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Từ đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18 tháng 2 năm 1946 về những ngày nghỉ Tết, Kỷ niệm lịch sử và Lễ Tôn giáo, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày. Trong hai lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962) chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ đó đến nay ngày Mùng mười tháng Ba hàng năm là ngày Lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam.
Năm 1995, Ban Bí thư đã ký thông báo số 101 – TB/TW ngày 20/2/1995 về việc tổ chức các kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày lễ lớn trong năm nhằm hưóng về cội nguồn dân tộc và thực hiện lời dạy chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Tại Nghị định số 82/2001/NĐ – CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 về Nghi lễ nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài (tại Điều 6 của Nghị định), quy định việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương như sau:
- Năm lẻ: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
- Năm tròn: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.
- Năm chẳn: Bộ Văn hóa - Thông tin và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.
(Việc xác định năm lẻ, năm tròn, năm chẳn để tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tính theo năm dương lịch)
Ngày 02 tháng 4 năm 2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ Luật lao động, người lao động được nghỉ làm việc vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Hàng năm đến ngày Mùng mười tháng ba người dân cả nước hướng về Đền Hùng – nhớ về cội nguồn của dân tộc. Đặc biệt, trong năm 2013 người dân cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng long trọng tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và đón nhận Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
Thạc sĩ Võ Thị Thúy Liễu
Khoa LLMLN, TTHCM