Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 26/8/1941), sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kế thừa truyền thống cách mạng, hiếu học của gia đình nên ngay từ nhỏ cho đến lúc hy sinh, Nguyễn Văn Cừ luôn tự vun đắp, làm giàu kiến thức cho mình bằng nhiều cách: Học ở trường, tự học, qua sách vở, bạn bè, đồng chí, đồng bào, thực tiễn cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh, cho dù nghiệt ngã, gian nan đồng chí cũng tự học. Khi đi vào phong trào công nhân mỏ than ở vùng Đông Bắc, khi chịu cảnh tù đày, khi mang án tù khổ sai ở Côn Đảo, Khám Lớn Sài Gòn,…Nguyễn Văn Cừ luôn mang trong mình niềm tin mãnh liệt khi thoát khỏi sự giam cầm đó sẽ có nhiều kiến thức hơn để phục vụ cách mạng và trở thành người cộng sản chân chính.
Khi lên sáu tuổi, đồng chí được ông ngoại là cụ Nguyễn Thực (còn gọi là cụ Tú Ba) dạy chữ nho. Vốn thông minh, tiếp thu bài học rất nhanh nhưng đồng chí vẫn chăm chỉ học hành. Khi học ở lớp, khác với các bạn học cùng tuổi, đồng chí thường hay hỏi thầy giáo về những vấn đề khó, đồng thời hay phát biểu ý kiến riêng của mình trong học tập, sinh hoạt…Ngoài giờ học, đồng chí còn hỏi thêm ông ngoại rất nhiều nhằm hiểu sâu thêm, hiểu rộng hơn bài học.
Lên tám tuổi, thấy Nguyễn Văn Cừ thông minh, nhanh nhẹn, học đâu biết đấy, cụ Tú Ba quyết định cho đi học chữ quốc ngữ ở Trường Tiểu học Từ Sơn. Tuy là học trò nhỏ nhất lớp nhưng bao giờ điểm học tập và hạnh kiểm cũng đứng đầu lớp. Nguyễn Văn Cừ luôn được thầy yêu quý không chỉ vì học giỏi mà còn ở thái độ đúng mực, nghiêm túc trong học tập, nói năng dứt khoát, mạch lạc, lưu loát, suốt ba năm học Trường tiểu học Từ Sơn luôn giành điểm cao trong học tập. Hai năm sau, đồng chí thi đỗ bậc tiểu học với tấm bằng loại ưu ở Trường Sơ học Pháp - Việt (thị xã Bắc Ninh).
Năm 13 tuổi, do khó khăn về kinh tế nên đồng chí phải vừa dạy học để kiếm sống, vừa ôn thi vào trường trung học khi có điều kiện. Năm 1927, thi vào trường “Bảo hộ” ở Hà Nội còn gọi là trường Bưởi (hiện nay là Trường THPT Chu Văn An) là trường trung học lớn nhất Miền Bắc lúc bấy giờ. Tuy nhà nghèo nhưng Nguyễn Văn Cừ vẫn thi đỗ loại giỏi, được nhà trường cấp học bổng và ở ký túc xá. Không ngại khó khăn, gian khổ Nguyễn Văn Cừ luôn nghiên cứu, tìm tòi kiến thức mới nên đồng chí luôn được xếp loại học sinh xuất sắc của lớp.
Trường Bưởi là một trong những nơi đầu tiên bùng nổ phong trào yêu nước của học sinh, nhạy cảm với thời cuộc, Nguyễn Văn Cừ vừa học tập, vừa tìm hiểu về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nên sớm giác ngộ trở thành hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1928), bí mật đọc khá nhiều tài liệu, sách báo của Hội. Hệ tư tưởng mới đó đã thấm sâu vào trí tuệ, trái tim của Nguyễn Văn Cừ, đồng chí hiểu rằng muốn xóa bỏ bất công không có con đường nào khác là phải vùng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến. Tháng 5 năm 1928, lấy cớ các hoạt động yêu nước của Nguyễn Văn Cừ là “hành vi chống đối”, nhà trường thực dân đã buộc đồng chí phải thôi học. Điều đó không làm Nguyễn Văn Cừ nản chí mà còn lao vào hoạt động cách mạng, từ đây trường học cách mạng, trường đời đã dạy đồng chí nên người.
Cuối năm 1929, được phân công hoạt động ở mỏ than Mạo Khê để thực hiện phong trào “vô sản hóa” và xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí luôn giữ thái độ khiêm tốn, giản dị, gần gũi với anh em công nhân nên họ rất tin và yêu mến. Họ đem nỗi cực khổ của mình kể cho đồng chí nghe. Đồng chí liền lấy thực tế đó đúc kết lại, giảng giải cho họ hiểu về tình cảnh chung của giai cấp, của dân tộc và giác ngộ cách mạng cho công nhân. Kết quả phong trào cách mạng vùng mỏ được phát triển. Đó cũng là kết quả của quá trình tự học các tác phẩm chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối và chính sách của Đảng, đồng thời chứng minh được khả năng kết hợp lý thuyết vào thực tiễn cách mạng một cách nhuần nhuyễn, thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo của Nguyễn Văn Cừ.
Khi bị giặc bắt, kết án tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Trong nhà tù đế quốc, Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí khác biến “nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Nguyễn Văn Cừ ra sức học tập những đồng chí có trình độ lý luận cao hơn, đồng thời tích cực giúp đỡ các đồng chí trình độ yếu hơn mình học tập. Đối với đồng chí, những ngày bị giam cầm trong bốn bức tường là những ngày tranh thủ để học tập, vì vậy đồng chí lao vào học lý luận, chính trị một cách kiên trì và tự giác. Không ngại khó khăn, gian khổ, không có giấy bút, các đồng chí lấy gạch làm phấn, lấy nền xi măng làm giấy hay ngồi nghe rồi nói nhẩm theo. Nhờ có trí nhớ tốt, đồng chí đã thuộc lòng bản “Luận cương chính trị” do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Trong tù đồng chí đã viết lại cho các đồng chí khác học tập. Chính những ngày bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo là thời gian đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tự học tập, tích luỹ về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi rọi vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, rút ra những bài học cách mạng quý báu.
Trong giảng dạy, đồng chí thường gắn lý luận với thực tiễn cách mạng nước ta nên được rất nhiều đồng chí thích và hăng hái học tập. Nhà tù đế quốc thật sự là trường học của cách mạng. Trong những năm ở nhà tù, trường học ấy đã đào tạo đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành một trong những nhà lý luận trẻ tuổi của Đảng.
Nguyễn Văn Cừ chưa từng ra nước ngoài học tập, nghiên cứu về phong trào cộng sản và công nhân thế giới nhưng đã có những bài viết sâu sắc về vấn đề này. Những bài viết này thể hiện tầm nhìn, tư duy độc lập và biện chứng về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương và thế giới, khẳng định tài năng và tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và dân tộc ta với vai trò là: Xứ ủy viên Bắc Kỳ (đầu năm 1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (9/1937), Tổng Bí thư Đảng (3/1938) khi đồng chí 26 tuổi.
Giữa lúc cách mạng đang ở bước ngoặt lịch sử, đầy cam go, thử thách, Đảng cần những cán bộ tài trí, kiên định để đưa phong trào cách mạng vượt qua khó khăn thì đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn. Không lay chuyển được ý chí cách mạng của người cộng sản, thực dân Pháp đã kết án tử hình với tội danh “chủ trương bạo động” chống lại chính quyền thuộc địa. Ngày 26/8/1941, cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn - Gia Định (hiện nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh).
Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Văn Cừ không chỉ mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản mà còn là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn. Học tập và noi theo tấm gương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, toàn dân ta nói chung là quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, xây dựng một xã hội học tập, hướng đến một đất nước văn minh và phát triển; thanh niên nói riêng cần phải nổ lực, tự giác học tập là chính để xứng đáng là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 25 hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: “Thanh niên luôn chủ động và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tác phong công nghiệp trong lao động; vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”./.
Đoàn Thị Mao
Khoa Dân vận