Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nghệ thuật sử dụng phương pháp cách mạng “chớp nhoáng” chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất” giành chính quyền trong cả nước. Việc dự báo, nhận định đúng thời cơ, nghệ thuật nắm bắt cơ hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là vô cùng quan trọng, yếu tố quyết định đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
1. Nhận định của Hồ Chí Minh và Đảng ta
Hồ Chí Minh và Đảng ta cho rằng, điều có tính nguyên tắc đối với việc vận dụng các phương pháp cách mạng là trong thực tiễn đấu tranh, dù dưới bất cứ hình thức gì và trong bất cứ điều kiện nào, người cách mạng không bao giờ được lãng quên mục đích cuối cùng mà đường lối cách mạng đã vạch ra. Mục đích của việc sử dụng các phương pháp không phải vì bản thân phương pháp, cũng không phải vì mục đích trước mắt, nhỏ hẹp hàng ngày. Mặt khác, trong việc sử dụng phương pháp cách mạng, tuy nắm vững nguyên tắc là quan trọng nhất, song như thế vẫn chưa đủ. Trên cơ sở nắm vững mục đích cách mạng, nghệ thuật lãnh đạo cách mạng cũng như nghệ thuật sử dụng phương pháp cách mạng còn bao gồm vấn đề biết thắng từng bước cho đúng.
Trước sự nhận định của Hồ Chí Minh về chiến tranh thế giới sẽ nổ ra, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy của Đảng (11-1940) được tổ chức tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) và nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập, phân tích tình hình trong và ngoài nước, các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trước mắt, quyết định điều chỉnh về đường lối và phương pháp cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung mũi nhọn vào chống bọn đế quốc và tay sai.
Quả thật, năm 1940, phát-xít Ðức tiến công nước Pháp, Pa-ri đã thất thủ rơi vào tay quân Ðức, còn ở Việt Nam, Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, hai đế quốc Nhật - Pháp tranh nhau miếng mồi Ðông Dương. Phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát-xít và Ðồng minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện.
Đúng như vậy, khi cách mạng đã vững vàng trên tất cả thế và lực, khi quân thù đã lâm vào tình trạng cực kỳ khốn quẫn, thì đời sống chính trị - xã hội hàng ngày sẵn sàng cung cấp cho ta mọi cơ hội và sự kiện thuận lợi có thể có để dấy lên cao trào giành thắng lợi toàn diện.
Trên tinh thần đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (5-1941) đánh giá, tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Ðồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát-xít, chính quyền của phát-xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát-xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.
Ngày 9-3-1945, phát-xít Nhật đảo chính Pháp, kéo theo đó là tình trạng khủng hoảng chính trị ở Việt Nam. Tháng 5-1945, sau khi phát xít Ý, Đức bị đánh bại ở châu Âu, ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. 12 giờ ngày 15-8-1945, Nhật hoàng chấp nhận bản Tuyên bố chung của các cường quốc – đầu hàng Đồng minh. Quân đội Nhật đang đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã; Chính phủ thân Nhật bị lung lay cực điểm. Ngay lập tức Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã họp và đưa ra những nhận định khách quan về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”; và ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong thời điểm lịch sử nóng bỏng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước. Người viết: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành chính quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiên lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên![1]” Ðảng quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã chứng minh điều đó.
2. Diễn biến và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
* Diễn biến của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Ủy ban giải phóng dân tộc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào tinh thần Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng độc lập tự do cháy bỏng, với quyết tâm to lớn, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc tới Nam đã vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa oanh liệt trên toàn quốc.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945). Trong đó, thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định.
Tại Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, lực lượng chính trị có lực lượng vũ trang làm nòng cốt đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền nhanh gọn, không đổ máu vào ngày 19-8-1945. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã; mở ra thời kỳ khởi nghĩa dồn dập trong phạm vi cả nước.
Tại Huế, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân có lực lượng tự vệ làm nòng cốt tiến công chiếm các cơ sở của chính quyền bù nhìn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng vào ngày 23-8-1945. Khởi nghĩa giành chính ở Huế thắng lợi nhanh chóng và không đổ máu.
Tại Sài Gòn, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đông đảo nhân dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận được trang bị vũ khí thô sơ đã ồ ạt chiếm các công sở chính quyền bù nhìn vào đêm ngày 24 và kết thúc cuộc Tổng khởi nghĩa tại thành phố ngày 25-8-1945 với sự ra mắt của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn đêm 24 rạng ngày 25-8-1945 đã đưa Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lên tới đỉnh cao. Đến ngày 28-8-1945 hai tỉnh Hà Tiên và Đồng Nai Thượng khởi nghĩa thắng lợi, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.
Ngày 2-9-1945, tại cuộc họp mít tinh ở quảng trường Ba Đình Hà Nội, thay mặt chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập đã trịnh trọng tuyên bố: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới. “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”[2].
Bản tuyên ngôn đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[3]. Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc; là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta, là bản hùng ca mở ra một kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, góp phần làm phong phú tư tưởng về quyền con người của các dân tộc trên thế giới – quyền được sống trong một nước độc lập, tự do.
* Ý nghĩa Tách mạng Tháng Tám
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc, là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng Cộng sản Đông Dương từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành một Đảng cầm quyền.
- Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á.
- Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám góp phần mở ra thời kỳ suy sụp tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị. Trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
- Vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược. Thắng lợi đó cũng chứng minh rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có truyền thống nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính có thể làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới.
3. Sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật sử dụng phương pháp cách mạng của Đảng ta hiện nay
Nhìn lại 78 năm, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta càng thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo các phương pháp cách mạng từ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên đặt ra vấn đề “cải tiến công tác lãnh đạo”, các cấp ủy phải nắm vững tình hình để đề ra chủ trương công tác đúng, kịp thời; tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, có kế hoạch từng bước, giải thích kỹ chủ trương. Đảng đã xác định phương hướng công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ là: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng...”[4]. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[5]. Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua đã tạo cơ sở và điều kiện để Đảng ta tiếp tục xác định một cách đúng đắn mục tiêu cách mạng trong thời gian tới.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa… Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[6]. Kết hợp sức mạnh thời đại với những thành tựu to lớn đã đạt được trong những năm qua, Đảng ta xác định trong thời gian tới là “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[7].
Đây có thể coi là sự trình bày một cách đầy đủ nhất mục đích tổng thể của cách mạng Việt Nam, cũng như phương pháp thực hiện mục đích đó. Trong đó, mục đích là kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phương pháp tổng thể để thực hiện mục đích đó chính là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Tóm lại, nghệ thuật sử dụng phương pháp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đó là phương pháp luận về sự điều chỉnh đường lối cách mạng khi cần, trên cơ sở phương hướng chiến lược cách mạng đúng đắn, mục tiêu cách mạng nhất quán. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng không ngừng bổ sung, phát triển, cụ thể hóa đường lối cho phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Vấn đề cách mạng về chớp thời cơ và tận dụng thời cơ để giành thắng lợi. Nghệ thuật phương pháp chớp thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn là bài học cực kỳ quý báu cho cả hiện tại và tương lai, đang được Đảng và Nhân dân ta kế thừa, phát huy, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Công Huyền: “Nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, 19/8/2022 19:23'(GMT+7) tạp chí xây dựng Đảng.
2. Ban Tuyên giáo Trung ương: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Thứ năm - 18/08/2022 07:40.
3. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính: Những vấn đề cơ bản về Đảng cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb lý luận chính trị, Hà Nội.2017
[1] Hồ Chí Minh: Tòan tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.3, tr.596.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.4, tr.3.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t.4, tr.3
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 228 - 230
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 26
[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25
[7] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 33
TH.