Nghệ thuật giảng dạy

Mortimer Jerome Adler (28/12/1902 – 28/6/2001) là một triết gia, nhà giáo dục và một tác gia nổi tiếng người Mỹ. Ông đã làm việc cho các trường đại học danh tiếng: Đại học Columbia, Đại học Chicago, Bách khoa toàn thư Britannica và mở Học viện nghiên cứu Triết học. Ông là tác giả của những quyển sách đề cập đến học thuật chính trị, giáo dục, triết học… trong đó một tác phẩm đã tạo nên tiếng vang lớn khi ông viết về kinh nghiệm giáo dục, đó là Nghệ thuật giảng dạy. Từ  những kinh nghiệm, nhận định, so sánh sâu sắc, độc đáo, tác phẩm đã giúp cho mỗi nhà giáo tìm được những giá trị cần thiết để đào luyện tay nghề của mình. Tôi xin phép được giới thiệu cùng bạn đọc.
Socrates đã đưa ra một nhận định sâu sắc và căn bản về bản chất của giảng dạy khi so sánh nghệ thuật giảng dạy với nghề bà đỡ đã có từ lâu đời. Cũng giống như bà đỡ giúp cho bà mẹ sinh con, người thầy giúp cho tâm trí (của học sinh) tự tìm ra ý tưởng, kiến thức, và sự hiểu biết. Khái niệm cơ bản ở đây là: giảng dạy là một nghệ thuật có vai trò giúp đỡ khiêm tốn mà thôi. Người thầy không sản xuất ra kiến thức hay nhồi nhét những tư tưởng vào tâm trí trống rỗng và thụ động của học sinh. Chính người học, chứ không phải người dạy, mới là người sản xuất đóng vai chính trong sự sản xuất kiến thức và ý tưởng.
Người xưa đã phân biệt những kỹ năng của y sĩ và nông gia với kỹ năng của người thợ đóng giày hay thợ xây nhà. Aristotle gọi nghề thuốc và nghề nông là những nghệ thuật hợp tác, bởi vì những nghề này phụ với thiên nhiên để đạt đến những kết quả mà thiên nhiên có thể tạo ra. Giày dép và nhà cửa không thể thành hình được nếu không có bàn tay của con người; nhưng cơ thể con người vẫn đạt được sự khỏe mạnh mà không cần đến y sĩ, cây cỏ và thú vật vẫn lớn được mà không cần có bàn tay của nông gia. Tay nghề của y sĩ và của nông gia chỉ giúp cho sức khỏe và sự tăng trưởng được chắc chắn và đều đặn mà thôi.
Giảng dạy, giống như làm ruộng và chữa bệnh, là một nghệ thuật hợp tác giúp cho thiên nhiên làm những điều "tự nhiên," và khi có sự hợp tác này thì kết quả sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta đã học được nhiều điều mà không có thầy nào dạy hết. Có những cá nhân kiệt xuất đã có được sự hiểu biết sâu rộng mà chỉ được đi học rất ít. Nhưng đối với đa số chúng ta, tiến trình học sẽ chắc chắn hơn, bớt nhọc nhằn hơn nếu được người thầy giúp đỡ. Sự hướng dẫn có phương pháp của thầy cô giúp cho việc học của ta - là của ta và do ta - dễ dàng và có hiệu quả hơn.
Giảng dạy có một khía cạnh căn bản nhưng không nằm trong hai nghệ thuật hợp tác thuận theo với bản chất của thiên nhiên. Đó là, giảng dạy luôn luôn liên quan đến một mối quan hệ giữa tâm trí của hai người. Thầy cô không chỉ là một quyển sách biết nói, một cái máy ghi và phát âm vô hồn, truyền tải thông tin đến một khán giả vô danh nào đó. Người thầy đối thoại với học sinh của mình. Cuộc đối thoại này khác xa một "cuộc nói chuyện," vì phần lớn những gì được giảng dạy là những điều được truyền đi một cách vô thức trong cuộc trao đổi giữa thầy và trò. Ta có thể có kiến thức từ bách khoa từ điển, từ những băng ghi âm, từ những chương trình truyền hình, nhưng không có được thành tố vô hình này, một thành tố luôn luôn hiện hữu trong mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò.
Đây là mối liên hệ hai chiều. Thầy trao và trò nhận sự giúp đỡ và hướng dẫn. Người đi học được gọi là "học trò" vì chấp nhận và đi theo học những nội dung do người thầy truyền đạt để rèn luyện tâm trí của mình. Điều này chẳng phải là một sự qui phục thụ động trước một quyền uy độc đoán, mà là sự chủ động thu nhận của người học trò về những điều hướng dẫn do người thầy đề ra. Một người học trò giỏi xem vai trò của người thầy như vai trò của người dẫn đường, chỉ lối; là phương tiện để đi tới sự trưởng thành và độc lập của chính mình. Một người học trò ngỗ nghịch, từ khước sự giúp đỡ của người thầy, là tự làm hại lấy mình và làm phí phạm đi thời giờ học tập.
Nói một cách giản dị và theo nghĩa rộng nhất, người thầy chỉ cho học trò cách phân biệt, đánh giá, phán đoán và nhận thức được đâu là sự thực. Người thầy không áp đặt một khối những tư tưởng hay giáo điều cứng nhắc và bắt học trò phải học thuộc lòng. Người thầy dạy cho học sinh của mình biết cách học và suy nghĩ do chính mình. Người thầy khuyến khích chứ không ngăn chặn những đáp ứng thông minh và có tính cách phê phán của học sinh.
Sự đáp ứng trước những điều hướng dẫn của người thầy và sự phát triển tâm trí của học trò chính là phần thưởng thích đáng duy nhất cho công sức yêu thương của người thầy. Giảng dạy là một nghệ thuật hợp tác và một thiên chức cao cả, được hiến dâng để làm tốt cho người.
Từ đây mà thấy, nếu trách nhiệm trui rèn kiến thức là sự “cần” của một người thầy giỏi, thì nghệ thuật giảng dạy chính là sự “thiết” song hành. Thiếu một trong hai hẳn nhiên không thể góp hết sức mình cho nghiệp giáo, nhưng đạt được cả hai không phải là điều một sớm một mai. Nói vậy để thấy rằng gánh trên vai trọng trách làm thầy đã không dễ, nâng cái nghề ấy thành một cái nghiệp lại càng gian nan gấp bội phần. Thế nên khi là một nhà giáo, hãy luôn tự hào rằng một thiên tài chưa hẳn là một giáo viên giỏi, nhưng một giáo viên giỏi ắt hẳn là một thiên tài./.

Sưu tầm: Nguyễn Thị Yến
                                                                 Trường Chính trị Bến Tre

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh