Nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ và phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, viên chức trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong thời đại ngày nay, các quốc gia, dân tộc đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khi mà thông tin là nhu cầu sống còn thì việc sử dụng thông tin và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng xã hội là một yêu cầu cấp thiết.
Đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị, một binh chủng hợp thành trong lực lượng canh giữ về mặt trận tư tưởng của Đảng, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kép, vừa truyền bá vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc nhận thức và phát huy vai trò trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng khi thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và liên tục, đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

1. Trang thông tin điện tử

1.1. Tìm hiểu về trang thông tin điện tử

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì trang thông tin điện tử được phân thành năm  loại như sau:

1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử. 2. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó. 3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp. 4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp. 5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.

1.2. Tính chất của trang thông tin điện tử cá nhân
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến quý I/2023, Việt Nam có hơn 70 triệu thuê bao internet, hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó có hơn 66 triệu tài khoản Facebook, 60 triệu tài khoản YouTube và 50 triệu tài khoản TikTok. Đứng trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thời gian qua đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên thường xuyên tích cực tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương đồng thời chia sẻ trên mạng xã hội, Internet những việc hay, việc tốt, những gương điển hình trên mọi lĩnh vực. Nhiều cán bộ, đảng viên cũng đã chủ động đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
- Công cụ hữu ích trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đó là nhanh, nhạy, chính xác tương đối trong truy cập, sử dụng, trao đổi và lưu trữ thông tin. Đa năng, đa phương tiện truyền thông trong kết nối, tương tác với các đối tượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Truy cập không giới hạn trong thời gian và không gian. Dễ sử dụng và không tốn kém, kho lưu trữ dữ liệu lớn…
- Bên cạnh mặt tích cực, trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Trong những năm qua, một bộ phận người dùng đã sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của Đảng, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ.

Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội hoặc sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi công việc, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like” trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.
Với đặc tính ảo, trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội cũng được các đối tượng phạm tội lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen, lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi.

2. Trách nhiệm, nghĩa vụ và phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, viên chức trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng

2.1. Việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng là nhu cầu của giảng viên.

- Giảng viên truy cập thông tin trang thông tin điện tử cá nhân trên mạng xã hội trong nghiên cứu, giảng dạy. Sự tiện ích của thông tin mạng đã đồng hành cùng giảng viên trong quá trình thực hiện hoàn thành tốt vị trí việc làm của bản thân.
Từ những tác phẩm kinh điển đến thông tin nóng bổng mang tính thời sự trong ngày đều được cập nhật nhanh chóng lên thông tin mạng vấn đề còn lại là giảng viên định hướng và chọn lọc thông tin khi đưa vào bài soạn, bài giảng như thế nào cho hợp lý, xác thực đáp ứng tốt yêu cầu một bài giảng lý luận chính trị. Thực hiên tốt nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình lên lớp chứng minh các luận điểm khoa học lý luận chính trị.
Không chỉ nội dung bài giảng, phương pháp giảng dạy cũng được thông tin mạng cập nhật một cách đầy đủ, nhanh chóng và đây còn là kênh trao đổi kinh nghiệm cho nhau một cách thiết thực, có hiệu quả trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị. Từ việc thiết kế một bài giảng theo giáo án điện tử, đến việc lựa chọn, sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp người giảng viên tùy vào kinh nghiệm và kỷ năng, kỷ xảo cá nhân mà thực hiện nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, tiết giảng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cơ sở.
- Giảng viên gửi thông tin trang thông tin điện tử cá nhân lên mạng xã hội, đây là trung tâm lưu trữ hết sức hiệu quả và vô cùng tối ưu đối với giảng viên. Người giảng viên có thể gửi và nhận lại thông tin bất cứ khi nào cần và ở bất cứ nơi đâu. Đây là tiện ích rất lớn và rất linh hoạt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nó giúp cho giảng viên không phải cất giữ, lo sợ hư hỏng…
2.2. Trách nhiệm, nghĩa vụ và phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, viên chức trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng là phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin mạng
- Luật an ninh mạng 2018; Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

- Ngày 07/10/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội. Ngày 20/3/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW hướng dẫn cụ thể hóa thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW.

Đây là quy định mới, được ban hành với mục tiêu nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt các quy định sau: Năm nội dung cơ bản cấp ủy, tổ chức đảng cần triển khai thực hiện: (Điều 3, Chương II). Sáu nội dung cơ bản về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên (Điều 4, Chương II). Dấu hiệu nhận diện thông tin tích cực và thông tin xấu độc (theo Hướng dẫn số 99-HD/BTGTW, ngày 20/3/2023). Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng mạng xã hội, kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Cần quán triệt “5 Không” “3 Cần” để mỗi người tự nhắc nhở mình để tham gia mạng xã hội được tốt hơn; góp phần xây dựng môi trường internet, mạng xã hội an toàn, văn minh: 1. Không tin ngay; 2. Không tò mò; 3. Không thêm bớt; 4. Không vội chia sẻ, đăng tải; 5. Không bị kích động và xúi giục; 1. Cần bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân; 2. Cần cảnh giác; 3. Cần kiểm chứng thông tin.

2.3. Trách nhiệm, nghĩa vụ và phát huy cao độ tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, viên chức trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng là phải đảm bảo nhận thức đúng các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm an toàn thông tin mạng
- Ngăn chặn việc truyền tải thông tin trên mạng, can thiệp, truy nhập, gây nguy hại, xóa, thay đổi, sao chép và làm sai lệch thông tin trên mạng trái pháp luật.
- Gây ảnh hưởng, cản trở trái pháp luật tới hoạt động bình thường của hệ thống thông tin hoặc tới khả năng truy nhập hệ thống thông tin của người sử dụng.
- Tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin; tấn công, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống thông tin.
- Phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
- Xâm nhập trái pháp luật bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc.
3. Một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần bảo đảm an toàn trang thông tin điện tử cá nhân trong giai đoạn hiện nay.

- Về nhận thức, cần nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện và triệt để về mạng và an toàn thông tin mạng trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền trong việc sử dụng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước; Luật An ninh mạng; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Đối với cá nhân mỗi đảng viên phải luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn trên mạng xã hội; phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin, trước khi chia sẻ, đăng tải, từ đó, hình thành tác phong ứng xử văn minh trên mạng xã hội, góp phần tạo niềm tin, động lực tích cực trong cộng đồng.

- Chuyển đổi tâm thế, tư tưởng, ý thức, hành vi khi khai thác, sử dụng thông tin mạng nhằm mục đích phát huy tối đa vai trò tích cực của thông tin mạng đối với đội ngũ giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời khắc phục một cách tuyệt đối những tác hại mà thông tin mạng mang lại không chỉ cho người giảng viên mà cả cộng đồng mạng, cho toàn xã hội. Đại hội XIII của Đảng đề cập trực tiếp và nhấn mạnh việc quản lý và phát triển thông tin trên không gian mạng, trong đó có việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục chĩa mũi nhọn tấn công vào những vấn đề tư tưởng, lý luận, đồng thời sử dụng không gian mạng là một mặt trận chính để chống phá ta, do đó công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới và Thông báo số 17/TB-VPTW ngày 23/8/2016 của Thường trực Ban Bí thư về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thật tốt Nghị quyết này, xem đây là sự định hướng chiến lược quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội có 6 nội dung cơ bản trong Quy định 85 mà các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai thực hiện, 7 nội dung cơ bản mỗi cán bộ, đảng viên cần chấp hành và 3 hành vi vi phạm Quy định 85 mà cán bộ, đảng viên cần tránh.
Như vậy, việc việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội là yêu cầu tất yếu của mỗi cá nhân nhất là đội ngũ giảng viên các Trường Chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình hiện nay.
Không gian mạng (Facebook, Zalo, Youtube, Google…) đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Đây thực sự là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay là vấn đề khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, đòi hỏi mọi người, lực lượng thực thi nhiệm vụ này trên không gian mạng phải luôn nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.
Với tính chất của không gian mạng và tình hình, nhiệm vụ thực tế hiện nay, mỗi giảng viên khi thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định của Đảng và Nhà nước, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ của một công dân, đồng thời thực thi tốt nhiệm vụ kép của vị trí việc làm một giảng viên Trường Chính trị./.

ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh