Nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị - khía cạnh nghệ thuật cần trau dồi của giảng viên trẻ Trường Chính trị Bến Tre

Giáo dục lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ và tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình”(1). Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của phong trào cách mạng trong mọi thời kỳ. Để thực hiện tốt được công tác này cần có sự đóng góp tích cực của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, đó không chỉ là công tác tuyên truyền mà còn là thuyết phục, người giảng viên không những cung cấp cho cán bộ, đảng viên những quan điểm, nội dung cơ bản mà còn đi đến mục đích cuối cùng là thuyết phục họ tin, làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây không chỉ là yêu cầu cơ bản mà còn là một khía cạnh nghệ thuật cần trau dồi của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị hiện nay.

Theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên: “Thuyết phục có nghĩa là làm cho người ta thấy đúng, thấy hay mà tin theo, làm theo”(2). Thuyết phục còn có nghĩa là việc làm cho đối phương thay đổi hành vi theo định hướng mà chúng ta mong muốn.

Trong giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Bến Tre: Thuyết phục có nghĩa là người giảng viên sử dụng kiến thức lý luận, thực tiễn để dẫn chứng, phân tích, chứng minh làm rõ quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm sáng tỏ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước từ đó làm cho học viên nắm chắc, hiểu rõ, xác lập niềm tin và đi đến hành động theo đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Chúng ta có thể xác định: Chủ thể của hoạt động thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị đó chính là người giảng viên, đối tượng tác động là học viên. Nội dung thuyết phục là hệ thống lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phương tiện của hoạt động thuyết phục là thông qua lời nói bằng bài giảng sinh động (bao gồm hình ảnh minh họa, biểu tượng, sơ đồ, lược đồ, biểu đồ, số liệu) và hành động của người giảng viên (bao gồm cả ngôn ngữ cơ thể về ngữ điệu, biểu cảm…). Đó là sự kết hợp tổng hòa đầy nghệ thuật của một người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nhằm đi đến mục đích cuối cùng là lan tỏa, truyền tải đến từng học viên lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị khác với một người diễn viên bình thường, bởi đối với người giảng viên thì khi đứng trên bục giảng hay khi về với đời sống bình dị thường ngày họ vẫn nhất quán quan điểm, nói đi đôi với làm. Chứ không phải kiểu giảng dạy trên lớp nói khác, khi vào thực tế lại nói khác. Đó là sự nhất quán và một lòng sắt son kiên định như quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đó là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây chính là nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” – đó là sự kiên định, là bản lĩnh, là phong thái của người Thầy làm công tác giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Đảng.

Biểu hiện nhận diện của tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị thông qua tinh thần thái độ học tập và kết quả vận dụng vào thực tiễn của học viên. Nếu như giảng viên có đủ năng lực, bản lĩnh thuyết phục được người học thì học viên sẽ có thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị, hăng hái, tích cực trong trao đổi thảo luận. Từ những kiến thức và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập, học viên sẽ củng cố niềm tin vào quan điểm của Đảng, Nhà nước từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực vận dụng các nội dung, nguyên lý, quy luật đã được nghiên cứu vào thực tế công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị còn là hoạt động mang tính nguyên tắc, giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh rằng, nếu không thuyết phục được người học tin và làm theo Đảng thì sẽ không huy động được lực lượng để thực hiện sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng mà chỉ là “bài đơn ca lẻ loi” của những người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị. Vì vậy, người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị cần phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy nhằm mục đích cuối cùng là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hay nói cách khác là rèn luyện nên những người chiến sĩ cộng sản xuất sắc trong mọi mặt trận, mà trận đầu là mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị chúng ta cần chú ý đến những nhân tố tác động đến tính thuyết phục của hoạt động này để thông qua đó tác động nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy.

Có thể phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, bao gồm các nhân tố chủ quan và khách quan như sau:

Về nhân tố khách quan:

Thứ nhất: Tính khoa học, cách mạng của hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự đúng đắn của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai: Quá trình vận dụng (sự cụ thể hóa) và quá trình thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng vào việc hoạch định chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thứ ba: Những thành tựu to lớn của đất nước đã đạt được trong quá trình đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3). Những thành tựu trên là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước có được như ngày hôm nay càng khẳng định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn là đúng đắn, càng củng cố niềm tin vào sự kiên định của dân tộc ta vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Càng khẳng định tính khoa học, tính cách mạng của hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự đúng đắn của đường lối chính sách của Đảng. Chính điều này đã góp phần củng cố, tăng tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị tại các trường chính trị hiện nay.

Về nhân tố chủ quan: Phụ thuộc vào hai chủ thể người dạy và người học.

+ Về phía người dạy:

Thứ nhất: Khối lượng kiến thức, mức độ am hiểu của người dạy về hệ thống lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và khối lượng kiến thức về lĩnh vực chuyên môn của từng giảng viên nói riêng.

Thứ hai: Khối lượng kiến thức thực tế của giảng viên. Khối lượng kiến thức thực tế của người giảng viên trường chính trị bao gồm: Việc thực hiện và kết quả đạt được của việc vận dụng, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế; những thành tựu, kinh nghiệm bước đầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,…

Thứ ba: Phẩm chất đạo đức, tư cách của người giảng viên.

Về phía người học: Phụ thuộc vào động cơ, mục đích, tinh thần, thái độ của người học và một phần phụ thuộc vào trình độ nhận thức của người học.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến tính thuyết phục trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, bản thân xin đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị đối với giảng viên trẻ tại Trường Chính trị Bến Tre hiện nay:

Một là, tăng cường nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức lý luận.

Để đảm bảo nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, giải pháp quan trọng đầu tiên mà người giảng viên trẻ cần phải thực hiện đó là: Tăng cường học tập nghiên cứu nâng cao kiến thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác. Đặc biệt là đào sâu kiến thức chuyên ngành được phân công giảng dạy. Bởi vì, kiến thức lý luận là nền tảng, là nội dung cơ bản để người giảng viên xây dựng bồi đắp nâng cao tính thuyết phục của nội dung mà mình giảng dạy, trao đổi. Có thể học tập nâng cao kiến thức lý luận qua các hình thức như học đại học văn bằng hai, học sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh), hoặc tự học qua đọc sách, tạp chí, tham gia hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt khoa học cấp khoa. Tăng cường trao đổi, thỉnh thị ý kiến về chuyên môn đối với lãnh đạo khoa, lãnh đạo nhà trường, quý thầy cô giàu kinh nghiệm; trao đổi học thuật với đồng nghiệp, trao đổi thảo luận với học viên.

Hai là, tăng cường nghiên cứu thực tế, rèn luyện khả năng tổng kết thực tiễn. Để có được kiến thức thực tế đòi hỏi người giảng viên phải đi nhiều, quan sát, học hỏi từ thực tế ở các địa phương, đơn vị. Có thể nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh tùy điều kiện, kế hoạch công tác của cá nhân. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, để tích lũy được một khối lượng kiến thức thực tế phong phú thì cần phải có một quá trình, đó là quá trình học hỏi đi kèm với trãi nghiệm sâu sắc của cá nhân chứ không thể nóng vội trong một thời gian ngắn. Để tích lũy được kiến thức thực tế, điều đầu tiên đòi hỏi người giảng viên trẻ phải có một khối lượng kiến thức lý luận nhất định để khi đem soi rọi những kiến thức lý luận đó vào trong thực tế mới làm sáng tỏ sự cụ thể hóa và vai trò soi sáng, dẫn đường của hệ thống lý luận.

Ba là, tăng cường rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, xây dựng phong cách chuẩn mực của người Thầy, Cô giáo ở Trường Chính trị.

Trong bất kỳ môi trường giáo dục nào, người thầy luôn giữ vai trò là tấm gương sáng cho học viên noi theo. Đặc biệt trong môi trường của Trường Chính trị - Trường Đảng thì vấn đề nêu gương, tăng cường tu dưỡng rèn luyện đạo đức lại là yêu cầu tiên quyết, đặt lên hàng đầu của người giảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4). Chính vì vậy, để thuyết phục được học viên trên bục giảng, trong nội dung bài học thì người thầy giáo ấy (trên lớp, trong trường, ngoài xã hội và cả đời thường) phải “Sâu về chuyên môn; rộng về thực tiễn; vững vàng về bản lĩnh; chuẩn mực về phong cách; trong sáng về đạo đức; tâm huyết, trách nhiệm với nghề”. Trong đó nhấn mạnh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại.

Bốn là, quán triệt thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”.

Gắn lý luận với thực tiễn là một trong những nguyên tắc căn cốt, bất di bất dịch trong giảng dạy lý luận chính trị và nghiên cứu tổng kết thực tiễn bởi vì “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi… Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”(5). Lý luận phải liên hệ chặt chẽ với thực tiễn. “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”(6), không thể nào thuyết phục được người học. Người giảng viên bên cạnh việc trang bị kiến thức lý luận chung cho học viên, thì phải chỉ ra cho học viên thấy được những nội dung đó đã, đang và sẽ thực hiện, vận dụng trong thực thế như thế nào? Kết quả ra sao? Có như vậy mới hoàn toàn thuyết phục được người học giúp họ hiểu, tin và làm theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Người giảng viên trường chính trị cần lưu ý rằng: Học lý luận, tổng kết thực tiễn là quy luật tiến bộ trong sự nghiệp cách mạng.

Như vậy, để nâng cao tính thuyết phục trong giảng dạy lý luận chính trị, người giảng viên cần phải: Tăng cường nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức lý luận; tăng cường nghiên cứu thực tế, rèn luyện khả năng tổng kết thực tiễn; rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng và quán triệt thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành”. Việc thực hiện đồng bộ, mượt mà các giải pháp trên sẽ giúp người giảng viên trường chính trị, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ nâng cao vị thế, uy tín của mình và đương nhiên là sẽ giúp tăng tính thuyết phục trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Để mỗi giảng viên – người Thầy, Cô giáo của Trường Đảng thật sự là một hình mẫu lý tưởng, lan tỏa, trao tuyền sự kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… nhằm đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, đưa nước ta thẳng bước tiến trên con đường chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.117

(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đại từ điển Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nxb. Văn hóa – Thông tin, 1999, tr. 1609.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021. t.I, tr.107.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t5, tr.292.

(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t5, tr.274.

CN. Hồ Thị Thùy Dung
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh