Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các khu công nghiệp (KCN) đã trở thành một phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Bến Tre, với những tiềm năng và lợi thế riêng, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các KCN. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế, đời sống của công nhân lao động ở các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đời sống tinh thần, vì vậy nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của công nhân trong các KCN cũng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Chất lượng đời sống tinh thần của công nhân không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Có thể hiểu, chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân là mức độ hài lòng và ổn định tâm lý mà công nhân trải qua trong môi trường làm việc và cuộc sống hàng ngày. Trong đó, bao gồm cảm xúc, mối quan hệ xã hội, và khả năng đối phó với áp lực công việc. Do vậy, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần sẽ giúp cho công nhân cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và thỏa mãn với công việc của mình, từ đó tạo sự gắn kết và hỗ trợ từ đồng nghiệp, cấp trên và gia đình, giúp tạo ra môi trường làm việc thân thiện và tích cực. Đồng thời, giúp công nhân vượt qua áp lực, stress và các vấn đề tâm lý khác. Một tâm lý khỏe mạnh là yếu tố quan trọng giúp duy trì hiệu suất làm việc. Công nhân cảm thấy được giá trị và ý nghĩa trong công việc của mình, giúp họ có động lực và cam kết với tổ chức. Duy trì sự cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian cho gia đình, sở thích cá nhân và nghỉ ngơi.
1. Thực trạng đời sống tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Hiện nay, Bến Tre có 03 khu công nghiệp và cụm Công nghiệp Long Phước huyện Châu Thành, cụ thể: Khu công nghiệp Giao Long (diện tích 102ha), Khu công nghiệp Giao Long giai đoạn II (diện tích 68 ha), Khu công nghiệp An Hiệp (diện tích 72ha) và Cụm công nghiệp Long Phước (diện tích 50ha); sắp tới đang xây dựng Khu công nghiệp Phú Thuận (232ha). Tính đến nay, trong các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Long Phước có 59 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, trong đó có 46 dự án đã đi vào hoạt động (trong đó có 23 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), Tổng số lao động đến hiện nay là 37.200 người, (trong đó có 251 lao động người nước ngoài); số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 35.109 người đạt 94,38% trong tổng số lao động. Công tác xây dựng tổ chức Đảng, công đoàn các KCN được chú trọng quan tâm: Trong các KCN có Đảng bộ với 13 chi bộ và 264 đảng viên; cùng với tổ chức công đoàn các KCN với 38 công đoàn cơ sở với 35.000 công đoàn viên [1]. Đây là những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng đời sống tinh thần của công nhân, đồng thời cần có sự hỗ trợ và đầu tư đồng bộ từ các bên liên quan như doanh nghiệp, tổ chức Đảng, công đoàn các khu công nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng, đó là những yếu tố quan trọng để tạo ra môi trường thuận lợi.
Tuy nhiên, các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp vẫn còn một số khó khăn như:
Phần lớn công nhân, lao động chưa được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ về thông tin chính trị - xã hội và chính sách, pháp luật, trong đó có cả những quy định về quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến bản thân công nhân. Trong điều kiện hiện nay cơ sở vật chất hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa phục vụ các khu công nghiệp còn thiếu thốn, như chưa có trạm xá, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân, các câu lạc bộ, các khu vui chơi, giải trí ít,... Các trung tâm văn hóa do ngành văn hóa quản lý ở các địa phương đa phần đều ở xa các khu công nghiệp và nơi công nhân, lao động sinh sống. Do đó, điều kiện sống của người lao động chưa được cải thiện đáng kể, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí dành cho công nhân, lao động chưa tương xứng với sự phát triển của các khu công nghiệp.
Những năm qua, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đã phối hợp với người sử dụng lao động tại hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động, góp phần thúc đẩy khí thế thi đua lao động, sản xuất, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động phối hợp giữa tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và các ngành liên quan trong triển khai thực hiện công tác chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động có lúc chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn. Ở các khu công nghiệp hầu hết chưa có đầy đủ thiết chế phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, học hành,… của người lao động; đời sống tinh thần của người lao động còn đơn điệu, thiếu thốn, trong khi công nhân, lao động do áp lực công việc, các thiết chế văn hóa lại ít, các doanh nghiệp phải tận dụng nhà ăn hoặc thuê địa điểm tổ chức nên các hoạt động văn hóa - thể thao phần lớn mang tính “mùa vụ”, “nghèo nàn”, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo công nhân, lao động.
2. Giải pháp nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm cải thiện và phát triển đời sống tinh thần của công nhân tại các khu công nghiệp tại tỉnh Bến Tre đến năm 2025, với định hướng đến năm 2030, có thể áp dụng các giải pháp sau:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách
Để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp tại tỉnh Bến Tre, việc thực hiện cơ chế chính sách là rất quan trọng. Trong đó cần chú trọng:
Một là, chính sách hỗ trợ tài chính: Cần có ngân sách riêng từ tỉnh cho các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân. Các doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích tham gia đầu tư vào các hoạt động này. Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện tốt các chương trình phúc lợi cho công nhân.
Hai là, quy định về điều kiện làm việc: Đưa ra các quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và thoải mái cho công nhân. Thực hiện các quy định bắt buộc về chăm sóc sức khỏe cho công nhân, bao gồm khám sức khỏe định kỳ và cung cấp dịch vụ y tế.
Ba là, chính sách văn hóa và thể thao: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, và hỗ trợ tổ chức các câu lạc bộ thể thao cho công nhân. Thực hiện các chương trình giao lưu giữa công nhân các công ty và giữa công nhân với cộng đồng để tạo sự gắn kết.
Bốn là, đào tạo và phát triển kỹ năng: Cung cấp các khóa học về kỹ năng mềm, quản lý stress, và phát triển bản thân cho công nhân. Thiết lập các chương trình học bổng hoặc hỗ trợ học phí cho con em công nhân để nâng cao trình độ học vấn.
Năm là, tăng cường giám sát và đánh giá: Thực hiện các cuộc khảo sát định kỳ để đánh giá mức độ hài lòng của công nhân về đời sống tinh thần và các hoạt động văn hóa. Dựa trên kết quả đánh giá để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với nhu cầu thực tế của công nhân.
Sáu là, tuyên truyền và nâng cao nhận thức. Tổ chức các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Khuyến khích công nhân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao và tự quản lý các câu lạc bộ.
Việc thực hiện cơ chế chính sách nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng. Chính sách rõ ràng, hỗ trợ kịp thời sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đời sống văn hóa tinh thần, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động và sự phát triển kinh tế của địa phương.
Thứ hai, tăng cường sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp
Cấp ủy, chính quyền cần xác định nhiệm vụ chỉ đạo công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thuộc chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các ban, ngành thuộc UBND tỉnh.
Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 52-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”, và Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” trong đó đặc biệt quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa mới như: Ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân trong khu công nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013- 2020, định hướng đến năm 2030”;
Các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76/KL/TW của Bộ chính trị, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2022).
Nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc củng cố, tăng cường chất lượng công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp.
Rà soát, bố trí quỹ đất và các nguồn vốn do địa phương quản lý để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân lao động; tạo điều kiện về quỹ đất và hạ tầng cơ sở để Liên đoàn Lao động xây dựng các thiết chế của công đoàn phục vụ công nhân lao động.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
Đầu tư xây dựng nhà ở lâu dài cho công nhân lao động thuộc diện thu nhập thấp; giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; miễn tiền sử dụng đất xây dựng nhà ở, chung cư cao tầng cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
Thứ ba, đối với các tổ chức công đoàn
Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đề xuất, tham gia với người sử dụng lao động thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc; tập trung tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đối thoại, nhất là khi phát sinh những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; Tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; tích cực hỗ trợ công đoàn cơ sở nâng cao chất lượng thương lượng các điều, khoản thỏa thuận, nhất là ở những nơi có thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn cần phải thương lượng, ký kết lại.
Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp đến cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động, công nhân lao động nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội và thống nhất cao trong hành động góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp.
Phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.
Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp
Để nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, có thể thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cho công nhân, như hội thi, biểu diễn nghệ thuật.
Hai là, đối với Sở Tài chính: Hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động văn hóa, thể thao, và phúc lợi cho công nhân. Đưa tiêu chí nâng cao đời sống văn hóa tinh thần vào thẩm định các dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp. Đề xuất ngân sách cho các hoạt động văn hóa, thể thao và chương trình hỗ trợ công nhân.
Ba là, đối với Sở Xây dựng: Đảm bảo quy hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp. Thực hiện kiểm tra chất lượng các công trình phục vụ đời sống văn hóa cho công nhân.
Bốn là, đối với Sở Nội vụ: Giám sát thực hiện pháp luật. Theo dõi và đánh giá việc thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho công nhân. Cung cấp thông tin và tư vấn cho công nhân về quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân.
Năm là, đối với Sở Y tế: Tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe cho công nhân, bao gồm khám sức khỏe định kỳ và tư vấn tâm lý. Triển khai các hoạt động tuyên truyền về sức khỏe và đời sống tinh thần cho công nhân.
Sáu là, đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho công nhân. Tạo điều kiện cho con em công nhân được học tập và phát triển.
Bảy là, đối với Sở Khoa học và Công nghệ: Triển khai các chiến dịch truyền thông về tầm quan trọng của đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Thiết lập các kênh thông tin để công nhân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về các hoạt động văn hóa, thể thao.
Tám là, đối với Liên đoàn Lao động: Tham gia bảo vệ quyền lợi cho công nhân trong các hoạt động văn hóa, thể thao. Chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân, đồng thời tạo cầu nối giữa công nhân và các cơ quan chức năng.
Việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân là cần thiết. Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các sở, ngành sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Thứ sáu, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm; việc thực hiện về xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động và người sử dụng lao động trong các khu công nghiệp.
Để đảm bảo việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm và xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động trong các khu công nghiệp, cần thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo các bước sau:
Bước 1. Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Bước 2. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Bước 3. Tiến hành kiểm tra.
Bước 4. Xử lý vi phạm.
Bước 5. Báo cáo và tổng kết.
Bước 6. Tăng cường công tác tuyên truyền.
Thứ bảy, nhân rộng mô hình nhà trọ công nhân văn hóa và mô hình điểm sinh hoạt văn hóa cho công nhân.
Tóm lại, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân không chỉ là trách nhiệm của riêng doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Việc thực hiện các giải pháp hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực, giúp công nhân cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và gắn bó hơn với công việc, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho khu công nghiệp và tỉnh Bến Tre.
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Tuấn Kiệt - Phó trưởng ban - Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre. “Các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các Khu công nghiệp” (Tham luận Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre” - năm 2025).
2. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
3. https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/nhieu-cong-nhan-lao-dong-khu-congnghiep-roi-vao-tinh-canh-5-khong-20230508145843337. 4. Nguyễn Đình Khang, “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước" https://laodong.vn/cong-doan/toan-van-tham-luan-cua-chu-tich-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-nguyen-dinh-khang-tai-dai-hoi-xiii-cua-dang-874660.ldo
5. Lê Tuấn Kiệt - Phó trưởng ban - Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre. “Các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các Khu công nghiệp” (Tham luận Hội thảo tại Trường Chính trị Bến Tre: “Giải pháp nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre” - năm 2025).