“NAM BỘ KHÁNG CHIẾN” - Hiện thực khát vọng độc lập, tự do và bài học lịch sử

Ngày 23/9/1945, với dã tâm muốn đô hộ nước ta lâu dài, dưới sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Với tinh thần “Độc lập hay là chết”, quân và dân Nam Bộ đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của quân, dân Sài Gòn – Chợ Lớn và các địa phương khác ở Nam Bộ làm nên một tinh thần “Nam Bộ kháng chiến” bất diệt.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải “chiến đấu trong vòng vây” kẻ thù, vừa diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, vừa chống chọi với thù trong, giặc ngoài hiểm độc. Tình hình đất nước chẳng khác nào “ngàn cân treo sợi tóc”. Quân đội Pháp núp bóng quân đội Anh tiến hành gây hấn đánh chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn và toàn Nam Bộ, hòng thực hiện âm mưu quay trở lại thống trị Việt Nam. Đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, với âm mưu biến Nam Bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả nước. Trước tình hình đó, giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, nhân dân Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tinh thần “Độc lập hay là chết”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Kết quả, ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố, lâm vào tình trạng khốn đốn. Kế hoạch “Đánh nhanh, thắng nhanh” bị phá sản, buộc chúng phải tìm cách hoãn binh (ngày 30/9/1945, thực dân Pháp buộc phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban nhân dân Nam Bộ). Từ đó chúng buộc phải chuyển sang “Đánh lâu dài” với ta (đến ngày 06/3/1946 đại diện Chính phủ Pháp ký bản “Hiệp định sơ bộ” công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng…). Với ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, quân và dân Nam Bộ đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đề ra. Chính vì lẽ đó, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”.

Ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển của dân tộc ta, ngày của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, ngày mở đầu cho cuộc chiến đấu 30 năm để đi đến thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum hợp một nhà. Ý chí chiến đấu quật cường của đồng bào Nam bộ trong “Ngày 23/9” ấy đã để lại cho các thế hệ Việt Nam những bài học vô cùng quý giá.

Trước hết và quan trọng nhất là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng. Trước sức mạnh của kẻ thù, Xứ ủy Nam bộ đã thấy được sức mạnh vô cùng to lớn từ nhân dân. Nhân dân Nam bộ quyết không khuất phục, đã nhất tề đứng dậy chiến đấu. Đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ đã tập hợp và phát huy được tất cả các lực lượng, đồng thuận hướng đến ngọn cờ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương.

Thứ hai, bài học về sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ đã được phát huy cao độ. Trong những tháng năm rực lửa đó, cùng với đồng bào Nam bộ kháng chiến, có hàng vạn những người con ưu tú của miền Bắc đã “Nam tiến” giết giặc và sự ủng hộ, đóng góp của đồng bào cả nước  cho Nam bộ kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ ba, tinh thần chủ động, sẵn sàng tiến lên phía trước, xác định và lĩnh trọng trách ngăn địch - bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu miền Nam. Kịp thời phát động kháng chiến và quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ để lãnh đạo nhân dân Nam bộ kháng chiến lâu dài là quyết định táo bạo, kiên quyết và kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ. Điều đó thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam bộ trên tinh thần “Độc lập hay là chết” và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.  

Thứ tư, sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23/9/1945 thể hiện “quyết tâm quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” và “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của dân tộc Việt Nam. Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn - Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ta ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam Bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của dân tộc Việt Nam.

Thứ năm, về công tác huy động sức người, sức của chi viện chiến trường; về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh Nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, v.v…

Những bài học của “Nam Bộ kháng chiến” năm xưa không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

ThS Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh