Một vài kinh nghiệm và phương pháp nghe giảng, ghi chép nhằm nâng cao chất lượng học tập chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Bến Tre

Thực tiễn đã chứng minh, không ai trở thành người lãnh đạo của Đảng mà không trải qua là đảng viên từ chi bộ lên, không ai là cán bộ lãnh đạo và quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể mà không trải qua quá trình học tập lý luận chính trị từ trong hệ thống các trường lớp của Đảng. Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, mang tính Đảng, tính giai cấp, đồng thời có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Học tập lý luận chính trị bao gồm nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,… Sau khi được trang bị những kiến thức cơ bản đó, học viên sẽ vận dụng được vào thực tiễn công tác, trong cuộc sống của bản thân. Nắm vững lý luận chính trị sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, quyết định sự thành công của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng.

Trong học tập lý luận chính trị, việc rèn luyện kỹ năng nghe giảng và phương pháp ghi chép là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu và vận dụng của học viên. Là một đảng viên, viên chức của Trường Chính trị đồng thời cũng là học viên của lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ không tập trung C.40, nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, bản thân tôi đã nỗ lực phấn đấu không ngừng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập tại trường, kết quả xếp loại đạt tiên tiến toàn khóa học. Qua đó rút ra được một vài kinh nghiệm về phương pháp nghe giảng, ghi chép để thực hiện tốt nhiệm vụ học tập chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Bến Tre như sau:

Về kỹ năng nghe, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, trong thực tế cuộc sống người ta thường dùng 42% thời gian cho việc nghe, còn lại 58% thời gian dành cho việc nói, đọc và viết. Như vậy, gần một nữa thời gian giao tiếp dành cho việc nghe. Nhưng đa số lại dành ít thời gian cho việc rèn luyện kỹ năng nghe và thường sẽ rơi vào tình trạng nghe nhưng không hiểu hết nội dung và lãng quên nhanh chóng nội dung đã nghe.

Đối với hoạt động giảng dạy, học tập lý luận chính trị, nếu xét theo mức độ tập trung của học viên và mức độ đem lại sự hài lòng đối với giảng viên thì có thể chia thành năm cấp độ nghe giảng từ thấp đến cao:

1. Nghe phớt lờ: Học viên không nghe và thể hiện rõ thái độ không muốn nghe. Biểu hiện: Học viên vắng học không xin phép, vào lớp điểm danh rồi về, đi học trễ, trốn học về sớm, hoặc vào lớp rồi bỏ ra ngoài để ăn sáng, uống cà phê, hút thuốc lá, hoặc nghe điện thoại mà không trở lại lớp học, chỉ vào khi có điểm danh, làm bài kiểm tra…;

2. Nghe giả vờ: Học viên không nghe nhưng lại thể hiện với giảng viên rằng mình đang lắng nghe, làm Thầy, Cô an tâm bằng cách lập đi lập lại máy móc và đôi khi không đúng chỗ như gật đầu, ừ, à cho qua chuyện.

3. Nghe từng phần: Tức là chỉ nghe một phần trong buổi học, lúc đầu thì chăm chú lắng nghe, nhưng sau đó thì có biểu hiện lo ra, bị phân tán tư tưởng và bắt đầu làm việc riêng. Chúng ta lưu ý đây là ba cấp độ nghe chúng ta cần tránh.

4. Nghe chú ý: Học viên chú ý nghe, tập trung sức lực và chú ý vào những lời Thầy, Cô giảng. Có kết hợp nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ.

5. Nghe thấu cảm: Đây là kiểu nghe ở mức độ cao nhất, nghe đã trở thành việc lắng nghe, tức là không chỉ bao gồm định dạng và lưu giữ thông tin mà cả việc chọn lọc, quan tâm, phân tích và thông hiểu. Đây là cấp độ nghe cần thiết đối với một người học lý luận chính trị, bởi có thể nghe, hiểu, nhớ nội dung bài học và cả liên hệ thực tiễn thì người học đã nắm được vấn đề và hiểu bài ngay trên lớp. Điều này đòi hỏi người học cần nỗ lực, tập trung cao độ và rèn luyện trong thời gian dài.

Ghi chép là hoạt động của người học ghi lại những nội dung kiến thức được giảng viên truyền thụ qua hình thức nghe giảng. Chúng ta cần lưu ý ghi chép nội dung bài học, nội dung chuyên đề báo cáo chứ không phải ghi chép hoạt động của giảng viên, của lớp học. Đối với học viên học tập lý luận chính trị, để hoạt động nghe giảng đạt hiệu quả thì phải gắn liền với ghi chép. Nghe giảng và ghi chép không tách rời nhau mà tiến hành cùng lúc trong quá trình lên lớp nghe giảng bài. Để có thể nghe giảng, ghi chép hiệu quả, học viên cần phải:

Thứ nhất, xác định động cơ, mục đích, thái độ học tập đúng đắn. Đây là bước đầu tiên, quan trọng giúp học viên chuẩn bị được tâm thế khi bước vào học tập và rèn luyện tại Trường Chính trị. Từ động cơ, mục đích học tập đúng đắn sẽ giúp học viên có đủ ý chí, nghị lực và quyết tâm để vượt qua những khó khăn thử thách, mang lại sự thích thú, hứng khởi trong quá trình học tập. Động cơ, mục đích, thái độ học tập đúng đắn sẽ giúp cho học viên xuất hiện nhu cầu nội tại là cần nghe, muốn nghe và thích nghe những nội dung tri thức mà giảng viên truyền thụ.

Thứ hai, nghiên cứu giáo trình, tài liệu trước khi lên lớp. Điều này chỉ thực hiện được khi người học đã có đầy đủ giáo trình, tài liệu bắt buộc. Đây là công tác chuẩn bị cần thiết của một học viên học lý luận chính trị, giúp cho người học biết được mình sẽ học bài gì tiếp theo? Có những nội dung nào quan trọng? Vấn đề này hiện đang triển khai, vận dụng ở địa phương, cơ quan đơn vị công tác như thế nào? Lưu ý trong quá trình nghiên cứu giáo trình, học viên cần lược ghi nhận thức về chuyên đề trước khi đến lớp, hoặc gạch chân những nội dung quan trọng, ghi chú lại những vấn đề chưa rõ, còn thắc mắc để trao đổi với giảng viên, học viên trong giờ thảo luận.

Thứ ba, trên lớp tập trung chú ý nghe giảng bài. Tránh để những yếu tố khác tác động như điện thoại, giải quyết công việc cá nhân, trao đổi riêng trong giờ học. Trong quá trình nghe giảng cần phải tương tác với giảng viên như tham gia phát biểu ý kiến, tích cực tham gia hoạt động thảo luận nhóm và các hoạt động khác khi giảng viên yêu cầu. Một trong những phương pháp giúp nghe giảng hiệu quả, đó là liên hệ vấn đề được nghe giảng với thực tiễn đang diễn ra hoặc với thực tế của cơ quan đơn vị công tác. Mạnh dạn chia sẻ những cách làm hay, gương điển hình ở cơ quan, đơn vị mình giúp cho buổi trao đổi được sinh động, hấp dẫn, góp phần khắc sâu kiến thức cho người học. Như trên đã phân tích, nếu chỉ có việc nghe giảng thì sẽ dễ bị quên những nội dung kiến thức, vì vậy cần phải kết hợp giữa việc nghe giảng và ghi chép cẩn thận nội dung bài học.

Thứ tư, ghi chép đầy đủ nội dung bài học. Yêu cầu ghi chép cẩn thận, đầy đủ nội dung bài học không phải là buộc học viên phải ghi chép hết tất cả những nội dung của giảng viên giảng. Học viên cần gạch chân những nội dung cơ bản đã thể hiện trong giáo trình, đồng thời ghi chép lại phần giảng viên phân tích, giải thích vấn đề, ví dụ minh họa, liên hệ thực tiễn. Học viên cũng cần ghi chép lại những nội dung còn chưa hiểu rõ, những vấn đề còn thắc mắc để trao đổi trong buổi thảo luận. Một trong những cách ghi chép hiệu quả đó là triển khai vấn đề theo mô hình hóa, sơ đồ hóa (hình cái cây, hình xương cá…) sẽ giúp người học nắm bài một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ năm, xem lại bài sau khi lên lớp. Hoạt động xem lại bài, nghiên cứu lại phần nội dung ghi chép của mình sau buổi học giúp cho học viên củng cố, khắc sâu kiến thức. Thực hiện hệ thống lại những vấn đề đã học đồng thời phản hồi lại với giảng viên khi còn có những vấn đề chưa hiểu, còn thắc mắc.

Như vậy, để có thể nghe giảng, ghi chép hiệu quả trong khi học tập chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường Chính trị Bến Tre, mỗi học viên cần phải: Xác định động cơ, mục đích, thái độ học tập đúng đắn, nghiên cứu giáo trình, tài liệu trước khi lên lớp, trên lớp tập trung chú ý nghe giảng bài, ghi chép đầy đủ nội dung bài học và thực hiện xem lại bài sau khi lên lớp. Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân đúc kết được qua quá trình học tập lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường, hy vọng rằng sẽ là gợi ý giúp cho các bạn học viên tìm ra được phương pháp nghe giảng, ghi chép hiệu quả nhất, phù hợp nhất. Từ đó cùng với Trường Chính trị thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo cán bộ, công chức của tỉnh nhà trong tình hình mới.

CN. Hồ Thị Thùy Dung
Viên chức Khoa Lý luận cơ sở

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh