Một trái tim NGƯỜI

Giữa những thăng trầm lịch sử, có những người không chỉ bước qua thời đại mà còn làm nên thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người như thế – một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, một nhà tư tưởng lớn, và trên hết là một con người của trái tim. Hành trình cách mạng của Người, từ bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình, không đơn thuần là dấu chân của một nhà hoạt động chính trị, mà là những bước đi của một trái tim lớn, luôn hướng về dân tộc, về con người. Học theo Người, vì vậy, không phải là học những điều lớn lao, mà là học cách để trái tim dẫn lối cho hành động – sống có lý tưởng, có trách nhiệm và đầy nhân ái trong từng việc làm bình dị, cụ thể hằng ngày.

Trái tim yêu nước, thương dân – khởi nguồn cho mọi hành động

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1] và “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” [2]. Mong muốn tột bậc đó chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước. Trên hành trình ấy, Người đã tự mình tìm ra chân lý và vạch ra con đường đấu tranh tự giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Mong muốn ấy không sinh ra từ ý chí chính trị đơn thuần, mà xuất phát từ một trái tim thấu hiểu nỗi đau mất nước, đói nghèo và lầm than của Nhân dân. Chính trái tim nhân hậu, đầy tình yêu thương vô bờ bến đã thôi thúc Người vượt qua bao khó khăn, vất vả, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, chấp nhận mọi gian khổ mà không mảy may toan tính cho bản thân.

Lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tình yêu nước sâu nặng, nhưng điểm đặc biệt là ở chỗ – Người không tách lý tưởng khỏi con người. Mỗi bài viết, mỗi hành động, mỗi chính sách của Người đều mang dấu ấn đậm nét của một trái tim biết yêu thương con người, đặt con người vào trung tâm của mọi suy nghĩ và quyết sách. Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình đi về phía Nhân dân – nơi mà mọi suy nghĩ, việc làm đều phải bắt đầu từ câu hỏi: “Việc này có lợi gì cho dân?”. Chúng ta thấy, trọn cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ mưu cầu lợi ích riêng, Người chỉ trăn trở cho cuộc sống của đồng bào từ những việc nhỏ đến việc lớn, từ miếng cơm, manh áo đến chữ nghĩa, sức khỏe, tự do, hạnh phúc... Ngay đến thời khắc cuối đời cũng vậy, điều Người trăn trở, nhói lòng là “đồng bào miền Nam ruột thịt còn chưa được giải phóng”, bởi vì “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Đó là một trái tim lớn – một trái tim chưa từng nghỉ ngơi vì những lo lắng cho Nhân dân. Điều đó làm nên phong cách rất riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị lãnh tụ không xa rời Nhân dân mà sống trong lòng Nhân dân, hiểu được từng nỗi lo, từng ước mong của họ.

“Trái tim dẫn lối hành động” – Từ tư tưởng đến việc làm cụ thể

Không gì thuyết phục hơn chính cuộc đời và cách sống của con người. Lối sống, phong cách làm việc và cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng rõ ràng cho sự gắn bó mật thiết giữa tình cảm và hành động. Trong công việc, Người luôn đề cao tinh thần kỷ luật, sự nghiêm túc và trách nhiệm, song trong đối nhân xử thế, lại luôn thể hiện sự gần gũi, bao dung và thấu hiểu. Trong cuộc sống hằng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lựa chọn lối sống giản dị, tiết kiệm, xem đó là biểu hiện của văn hóa và phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Trong quan hệ với mọi người, Người thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với tất cả mọi người, không hề phân biệt địa vị hay tầng lớp – từ những em nhỏ ở vùng cao đến các vị khách quốc tế – tất cả đều nhận được nơi Người sự trân trọng, quan tâm chân thành và ấm áp.

Chính sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động đó đã tạo dựng nên hình ảnh đạo đức cao quý và uy tín vững bền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, trong khi nhiều giá trị truyền thống đang bị thử thách bởi nhịp sống hiện đại, thì tấm gương của Người chính là lời nhắc nhở về sự cần thiết phải sống trung thực, biết lắng nghe lương tâm, và hành động có trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sống động cho chân lý “trái tim dẫn lối hành động” – khi tư tưởng cao đẹp luôn gắn liền với những việc làm cụ thể, thiết thực. Ngay từ thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành lý tưởng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xuất phát không phải từ khát vọng cá nhân, mà từ nỗi đau trước cảnh nước mất, dân lầm than và tình yêu tha thiết dành cho Nhân dân mình. Các giá trị lớn lao như độc lập, tự do và hạnh phúc không chỉ dừng lại ở lời nói, mà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa qua chặng đường gian nan tìm đường cứu nước, thành lập Đảng, lãnh đạo Nhân dân kháng chiến và kiến thiết đất nước. Trái tim yêu thương của Người thể hiện qua từng hành động nhỏ: Sống giản dị, quan tâm đến dân nghèo, lo cái ăn, cái chữ cho Nhân dân. Không chỉ nói về đạo đức cách mạng mà chính Người là hiện thân mẫu mực của sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tấm gương của Người nhắc nhở chúng ta rằng: Chỉ khi hành động bắt nguồn từ trái tim chân thành và lý tưởng nhân văn, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng những giá trị lâu dài cho chính mình và cộng đồng.

Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới – Hành động thiết thực, phù hợp thực tiễn

Bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của chuyển đổi số, toàn cầu hóa và đổi mới sáng tạo – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mang đến cho nước ta nhiều cơ hội phát triển nhưng đồng thời cũng cần phải vượt qua không ít thách thức về các vấn đề như môi trường, đạo đức xã hội, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh ấy, việc học tập và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống mà còn là một định hướng hành động cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nhằm xây dựng một đất nước phát triển, phồn vinh gắn liền với những giá trị nhân văn và phát triển bền vững.

Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở một giai đoạn lịch sử, mà là hành trình tiếp nối xuyên suốt nhiều thế hệ. Mỗi người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, có trách nhiệm kế thừa và lan tỏa tinh thần ấy – không bằng những lời hoa mỹ, mà bằng hành động cụ thể, xuất phát từ trái tim biết yêu thương, chia sẻ và hướng về cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời mà trái tim dẫn lối, để lại cho chúng ta không chỉ một đất nước tự do mà còn một di sản tinh thần vô giá. Giờ đây, bước chân Người đã hóa thành lối đi cho cả một dân tộc. Và chúng ta, những người con nước Việt, tự hào được theo “dấu chân Người”, đồng thời phải là những người tiếp bước – bằng niềm tin, bằng trí tuệ, bằng chính những hành động giản dị nhưng đầy ý nghĩa từ trái tim. Với điều kiện hiện nay, theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại mới không thể là lặp lại khuôn mẫu, mà là vận dụng tinh thần của Người vào hoàn cảnh mới. Noi gương Người trong kỷ nguyên mới không yêu cầu chúng ta điều gì quá cao siêu mà bằng những việc làm cụ thể hằng ngày theo nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Đó có thể là việc một bạn trẻ sống trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, không tung tin giả, không nói lời độc hại. Đó là người cán bộ luôn giữ vững liêm chính trong khi xã hội đang đối mặt với cám dỗ vật chất. Đó là một tập thể biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích nhóm. Đó là một giáo viên tận tụy hay một học sinh nỗ lực học tập không phải vì thành tích mà vì tương lai đất nước. Tất cả đó là những người đang đi theo “dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng cách riêng của họ. Những hành động tử tế, những việc làm vì cộng đồng, những quyết định được đưa ra sau khi cân nhắc lẽ phải và trái tim – đó là cách mà chúng ta có thể làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất. Khi trái tim dẫn lối hành động, xã hội sẽ hình thành những con người có lý tưởng, có bản lĩnh và có lòng nhân ái – chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, không chỉ về kinh tế mà cả đạo đức và văn hóa.

Chúng ta không thể học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách máy móc, mà phải linh hoạt và sáng tạo. Mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân cần xác định rõ đâu là vấn đề cấp thiết nhất, đâu là việc cần ưu tiên và đâu là giá trị cốt lõi cần gìn giữ. Điều quan trọng là biết vận dụng tinh thần của Người để giải quyết thách thức thực tiễn, thay vì sao chép hình thức bên ngoài.

Trong thời đại mới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng là vấn đề tất yếu, việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” càng trở nên thiết thực, cấp bách. Đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Cán bộ là gốc của mọi công việc” [3], việc noi gương Bác không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đòi hỏi tự thân của mỗi người. Đấy không chỉ là những lời nói suông mà phải gắn với hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với bối cảnh và nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên mới. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới để có được hành động thiết thực, phù hợp thực tiễn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải:

Một là, rèn luyện bản lĩnh chính trị và tinh thần phụng sự. Người cán bộ, công chức, viên chức phải tuyệt đối trung thành với Đảng, lợi ích của quốc gia - dân tộc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng.

Hai là, sống và làm việc liêm chính, mẫu mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những phẩm chất cốt lõi của người cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt đẹp, sống giản dị, tránh hình thức, không ngừng tự soi, tự sửa để ngày càng hoàn thiện mình hơn.

Ba là, không ngừng tự học, tự rèn, tự đổi mới. Học Chủ tịch Hồ Chí Minh là học tinh thần cầu tiến, vươn lên; không bao giờ ngừng bước trước nghịch cảnh, khó khăn; không ngừng học hỏi, tiếp thu cái mới. Cán bộ, công chức, viên chức cần chủ động học tập chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ…để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập.

Bốn là, nêu gương trong tập thể và trong xã hội. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng nghĩa với việc xây dựng môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau, không bè phái, không vụ lợi cá nhân. Trong mọi công việc, người cán bộ, công chức, viên chức cần là trung tâm đoàn kết, góp phần lan tỏa giá trị đạo đức cách mạng.

Đặc biệt đối với những cán bộ, viên chức Trường chính trị Bến Tre, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và thực hiện tốt chức, năng nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, đáp ứng được yêu cầu đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo tình hình thực tiễn trong kỷ nguyên mới, mỗi cán bộ, viên chức Trường Chính trị Bến Tre cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, viên chức, phát huy ý chí tư lực, tự cường, cùng nhau đoàn kết xây dựng tập thể trường vững mạnh và hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao. Những hành động thiết thực nêu trên không chỉ làm nên phẩm chất của người cán bộ hiện đại, mà còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín của trường chính trị. Khi mỗi đảng viên, viên chức Trường chính trị Bến Tre là một tấm gương, thì sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị mới có sức lan tỏa, đào tạo được những người “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại mới không phải là khẩu hiệu hình thức, mà là quá trình hành động kiên trì, bền bỉ và tự giác. Những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ chính là cách thiết thực nhất để học tập và làm theo Người. Có như vậy, trường chính trị mới thật sự trở thành nơi ươm mầm những cán bộ đủ tâm – tầm – tài cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và dân tộc.

Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là đi lại những bước chân cũ, mà là bước tiếp con đường Người đã mở – bằng trí tuệ thời đại, bằng trách nhiệm cá nhân, và trên hết, bằng những hành động cụ thể, giản dị, nhưng có giá trị thực chất. Theo “dấu chân Người” không phải là hành trình của sự mô phỏng hay lý tưởng hóa, mà là quá trình tự soi lại mình, tự rèn luyện và hành động bằng cả trách nhiệm và tình cảm chân thành. Khi trái tim biết hướng về điều đúng, biết rung động trước nỗi đau của người khác và biết khát khao cống hiến cho cộng đồng, thì hành động sẽ không còn là bổn phận khô khan, mà trở thành biểu hiện sống động của lý tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàng kính yêu của dân tộc đã đi trước, để lại cho chúng ta con đường được vạch nên bằng sự hy sinh, lòng yêu thương và một niềm tin sắt đá vào con người. Tiếp bước Người hôm nay, mỗi chúng ta không cần làm điều lớn lao, chỉ cần để trái tim dẫn đường, hành động bằng lương tri và sống có ích mỗi ngày – đó đã là một cách thiết thực nhất để theo “dấu chân Người” giữa lòng thời đại mới.

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội2011, Tập 4, tr.187.

[2] Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, Tập 1, tr.86.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.309.

 

Uông Thị Cẩm Vân

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh