Thanh niên - lực lượng đông đảo trong xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển tương lai của dân tộc. Trong bất cứ giai đoạn nào của đất nước, thanh niên vẫn là lực lượng xung kích, tình nguyện đi đầu, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến thanh niên, Người khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”[1]. Người nhận thấy rằng, muốn giải phóng dân tộc, muốn xây dựng một xã hội mới, thanh niên phải được đoàn kết tập hợp thành một tổ chức để giáo dục, rèn luyện và định hướng phát triển toàn diện. Tổ chức đoàn kết, tập hợp thanh niên nước ta là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò là một tổ chức đoàn kết, tập hợp thanh niên, do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Tổ chức Đoàn luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, giữ vai trò quan trọng, là đội dự bị tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng.
Để hoạt động của tổ chức Đoàn đạt được hiệu quả cao và ngày càng thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia đòi hỏi về khâu tổ chức Đoàn phải vững mạnh, trong đó cấp cơ sở giữ vai trò quan trọng, vì đây là nơi trực tiếp tiếp xúc cũng như tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, thanh niên thực hiện. Tổ chức Đoàn ở cơ sở hay còn gọi là tổ chức cơ sở đoàn dù là cấp cuối cùng trong hệ thống tổ chức của Đoàn nhưng giữ vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức Đoàn.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 352 tổ chức cơ sở đoàn, nhìn chung tổ chức cơ sở đoàn tỉnh Bến Tre gồm có 03 loại hình cơ bản: tổ chức cơ sở đoàn ở xã, phường, thị trấn; cơ quan đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, trường học và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Về thuận lợi, tổ chức cơ sở đoàn luôn được sự quan tâm của tổ chức Đoàn cấp trên, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các ban ngành có liên quan; cán bộ đoàn nhiệt tình, năng động, tích cực sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đoàn; vai trò của đồng chí Bí thư được khẳng định tạo niềm tin cho cấp ủy đảng; Ban Chấp hành làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng về việc tổ chức và duy trì các hoạt động của chi đoàn; đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động, phong trào; công tác tuyên truyền, vận động thanh niên được triển khai thường xuyên.
Về khó khăn, kinh phí hoạt động còn hạn chế; việc tập hợp thanh niên khó khăn do thanh niên đi làm ăn xa; cán bộ đoàn thường xuyên thay đổi dẫn đến hoạt động chưa đạt hiệu quả cao; chế độ chính sách đối với cán bộ đoàn còn thấp; kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ đoàn còn hạn chế; cán bộ đoàn chưa nắm bắt kịp tư tưởng của đoàn viên, thanh niên; cấp ủy đảng chưa thật sự quan tâm sâu sát đến tổ chức đoàn dẫn đến công tác tham mưu cho cấp ủy đảng còn hạn chế; các ban ngành có liên quan chưa phát huy được khả năng phối hợp với tổ chức đoàn trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên. Bên cạnh đó, hiện nay một số nơi thiếu cán bộ đoàn đặc biệt là Phó Bí thư xã đoàn dẫn đến chất lượng công việc không được đảm bảo.
Trên cơ sở những khó khăn trên để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là nâng cao chất lượng đoàn viên. Tổ chức cơ sở đoàn cần đoàn kết tập hợp thanh niên, hướng thanh niên vào các hoạt động của tổ chức đoàn, qua các hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng, rèn luyện đoàn viên, thanh niên về lý tưởng cách mạng đạo đức, lối sống,… từ đó làm tốt công tác phát triển đoàn viên mới, gắn công tác nâng cao chất lượng đoàn viên với việc hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt chương trình rèn luyện đoàn viên hàng năm.
Thứ hai là duy trì và thường xuyên cải tiến hình thức sinh hoạt đoàn. Đối với những nơi có điều kiện khó khăn trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, có thể thay đổi định kỳ hình thức sinh hoạt đoàn từ 01 tháng một lần sang sinh hoạt 03 tháng một lần hoặc các chi đoàn sẽ sinh hoạt ghép với nhau, thông qua việc sinh hoạt ghép sẽ góp phần gia tăng số lượng đoàn viên giúp tổ chức cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động, các phong trào thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia.
Thứ ba là xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn đáp ứng yêu cầu. Đây là giải pháp quan trọng, vì cán bộ đoàn chính là người trực tiếp đề ra các kế hoạch, các chương trình cho hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn. Cần xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có đầy đủ những tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất theo quyết định 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Quy chế quy định rõ về tiêu chuẩn, nghĩa vụ, nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ đoàn. Chỉ thị 01-CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về việc tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác cán bộ Đoàn. Theo đó cán bộ đoàn phải thực hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, phương hướng hoạt động của tổ chức Đoàn và thực hiện tốt 08 điều cán bộ đoàn nên làm và 08 điều cán bộ đoàn không nên làm. 08 điều cán bộ đoàn nên làm là: xung kích, trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, sáng tạo, thân thiện, thường xuyên học tập, tích cực rèn luyện kỹ năng; 08 điều cán bộ đoàn không nên làm là: phát ngôn không đúng, làm việc hình thức, đối phó, quan liêu hành chính hóa, thiếu khiêm tốn và không cầu thị, không chấp hành kỷ luật, thiếu tinh thần đoàn kết, thiếu ý chí đấu tranh, thiếu chuẩn mực trong lối sống.
Thứ tư là nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. Tổ chức cơ sở đoàn cần thực hiện tốt điều 29, 30 chương VIII của Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát và ủy ban kiểm tra các cấp theo đó cần có chương trình kế hoạch hàng năm, sát và hợp với thực tiễn. Khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần kịp thời phát hiện ra những sai sót, khó khăn, vướng mắc từ đó đề ra những giải pháp cũng như những phương hướng phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn. Bên cạnh đó cần chú trọng đúng mực hoạt động kiểm tra, giám sát theo chuyên đề góp phần phát hiện và nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hiệu quả.
Thứ năm là tăng cường kinh phí hoạt động. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, kinh phí hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn còn khá thấp, với mức kinh phí đó chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động, phong trào để đoàn kết, giáo dục và giúp thanh niên rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống. Vì thế tổ chức cơ sở đoàn nên tham mưu đề xuất tăng thêm nguồn kinh phí hoạt động hoặc phối hợp với các ban ngành đoàn thể khác để hỗ trợ kinh phí cho tổ chức cơ sở đoàn hoạt động tốt.
Thứ sáu là phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị đối với công tác vận động thanh niên. Tổ chức cơ sở đoàn có thể phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc tổ chức các hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho vị thành niên và thanh niên hay phối hợp với Hội Nông dân tổ chức chương trình phát triển kinh tế - xã hội góp phần hỗ trợ vốn cũng như hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó tổ chức cơ sở đoàn có thể phối hợp với Hội cựu chiến binh giáo dục truyền thống dân tộc cho đoàn viên, thanh niên nhằm nâng cao nhận thức và giáo dục, định hướng thanh niên phát triển toàn diện và đề xuất với chính quyền về chế độ, chính sách để phát triển công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Thứ bảy là làm tốt công tác tham mưu đối với cấp ủy đảng. Tổ chức cơ sở đoàn nên dựa trên nghị quyết cấp ủy và nghị quyết Đoàn cấp trên xây dựng chương trình công tác thanh niên cho phù hợp; tham mưu phân công đảng ủy viên phụ trách công tác thanh niên, mỗi tổ chức cơ sở đoàn phải có một đảng ủy viên phụ trách để định hướng các hoạt động và phong trào của tổ chức cơ sở đoàn; tham mưu chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên; tham mưu kiểm tra việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác thanh niên qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.216.
CN. Trương Thị Bích Tuyền
Viên chức Khoa Xây dựng Đảng