Một số điểm mới trong quy định về quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo việc thực thi các nhiệm vụ quản lý hành chính tại địa phương được thông suốt, hiệu lực và hiệu quả. Tuy nhiên, cơ chế quản lý đối với người hoạt động không chuyên trách hiện nay còn nhiều bất cập, chế độ đãi ngộ, chính sách dành cho đội ngũ này vẫn còn khá “khập khiễng” so với cán bộ, công chức. Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng đối với người hoạt động không chuyên trách thông qua việc ban hành nhiều văn bản quy định về cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ này.

Người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua bầu cử, thi tuyển, xét tuyển để thực hiện các công việc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở hoặc ở thôn, tổ dân phố, không trong biên chế, được hưởng phụ cấp của từng chức danh theo quy định của pháp luật[1]. Căn cứ tình hình và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ngày 10/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/8/2023, thay thế các nghị định của Chính phủ đã được ban hành trước đó để điều chỉnh về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. So với các nghị định trước, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới quy định về người hoạt động không chuyên trách góp phần khắc phục hạn chế, điểm vênh giữa quy định của pháp luật và thực tiễn, nâng cao hơn về chế độ đãi ngộ đối với người hoạt động không chuyên trách mà các nghị định trước đã ban hành.

Trên cơ sở Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ngày 07/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND về việc quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố và lực lượng phụ trách an ninh, trật tự, quốc phòng ở cấp xã, ở ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre và Nghị quyết số 32/2023/NQ-HĐND về việc giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã năm 2023 cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre. So với Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Bến Tre về việc quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Bến Tre trước đó, Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết số 32/2023/NQ-HĐND đã có nhiều thay đổi quy định về quản lý đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố cả về số lượng, chức danh và chế độ đãi ngộ,...

Thứ nhất, quy định mở hơn về bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Thay vì gọi tên cụ thể từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND quy định tạo hướng mở và linh hoạt hơn ở một số vị trí trên cơ sở số lượng được phân bổ và quy định bố trí chức danh kiêm nhiệm. Cụ thể, Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã bao gồm: (1) Phụ trách công tác Đảng: văn phòng, tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo; (2) Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (3) Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; (4) Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; (5) Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; (6) Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (nơi có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); (7) Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; (8) Phụ trách: truyền thanh, xây dựng nông thôn mới, thủ quỹ và hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong đó, có hai chức danh được quy định theo hướng mở đó là chức danh phụ trách công tác Đảng: văn phòng, tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo và chức danh phụ trách: truyền thanh, xây dựng nông thôn mới, thủ quỹ và hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đối với chức danh phụ trách công tác Đảng khi bố trí phải nêu cụ thể nội dung lĩnh vực phụ trách của từng chức danh ở mỗi đơn vị hành chính được bố trí (tùy theo số lượng được bố trí ở từng đơn vị cấp xã mà bố trí phụ trách 1 hoặc 2 lĩnh vực công tác Đảng). Ví dụ chức danh phụ trách công tác Đảng (Văn phòng) hoặc (Văn phòng - Tổ chức),...

Đối với chức danh phụ trách: truyền thanh, xây dựng nông thôn mới, thủ quỹ và hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã khi bố trí cần nêu cụ thể nội dung lĩnh vực phụ trách của từng chức danh ở mỗi đơn vị hành chính được bố trí theo số lượng được giao; đối với chức danh hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khác thì nêu cụ thể lĩnh vực, nhiệm vụ hỗ trợ cho công chức cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ chức danh Truyền thanh hoặc Truyền thanh và hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo, chức danh Hỗ trợ bộ phận Một cửa,...

Thứ hai, phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tính theo đơn vị hành chính: cấp xã loại I là 14 người, cấp xã loại II là 12 người, cấp xã loại III là 10 người. Đồng thời, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có quy định mới về việc tăng thêm người hoạt động không chuyên trách cấp xã đối với các xã, phường, thị trấn ở những đơn vị hành chính có diện tích và dân số lớn hơn so với quy định của Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/NQ-UBTVQH15 (thẩm quyền này Chính phủ giao về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng tăng thêm). Cụ thể, phường thuộc quận tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Và các xã còn lại tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Ngoài việc tăng thêm người hoạt động chuyên trách theo quy mô về dân số như vậy, các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn nào cứ tăng đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định. Trên cơ sở số lượng được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định số lượng cụ thể cán bộ, công chức ở từng đơn vị hành chính cấp xã và bố trí số lượng công chức của từng chức danh công chức cấp xã thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã.

Trên cơ sở Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Nghị quyết số 32/2023/NQ-HĐND phân bổ cụ thể số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã năm 2023 cho từng đơn vị hành chính cấp huyện, đồng thời quy định không bố trí tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Nghị quyết cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giao, điều chỉnh số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã từ đơn vị hành chính cấp xã này sang đơn vị hành chính cấp xã khác trong phạm vi quản lý nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Theo đó, tùy vào tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã cho từng xã ít hơn hoặc nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, nhưng phải đảm bảo không vượt quá tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của cả đơn vị hành chính cấp huyện được Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Đây là một trong những quy định mới tạo sự linh hoạt trong công tác quản lý đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Điều này đã khắc phục những bất cập, tồn tại trong các quy định trước đây khi thực tiễn có những đơn vị hành chính thuộc loại II, III nhưng khối lượng công việc của chính quyền ở đó đôi khi còn nhiều hơn cả đơn vị hành chính loại I vì dân số đông, kinh tế phát triển, nhu cầu giao dịch của người dân nhiều dẫn đến chưa phù hợp giữa quy định của pháp luật và thực tiễn.

Thứ ba, tăng thêm chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố

Theo quy định trước đây tại Nghị quyết số 24/2019/NQ-HĐND, người hoạt động không chuyên trách cấp xã loại I, loại II và loại III cùng hưởng mức sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,14 lần mức lương cơ sở, ngân sách tỉnh còn trợ cấp thêm để người người hoạt động không chuyên trách cấp xã không có bằng cấp chuyên môn được trợ cấp thêm khoảng chênh lệch để bằng với hệ số 1,37 mức lương cơ sở;  người được đào tạo có bằng cấp chuyên môn phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm thì được trợ cấp thêm khoảng chênh lệch để bằng với hệ số lương bậc 1 của ngạch theo trình độ đào tạo của bảng lương hành chính kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nhưng không thực hiện nâng lương thường xuyên. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố có từ 350 hộ gia đình trở lên; ấp, khu phố thuộc xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,4 lần mức lương cơ sở. Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố còn lại được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,0 lần mức lương cơ sở.

Hiện nay, quy định về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã đã có sự thay đổi. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở, ngân sách tỉnh trợ cấp thêm để người hoạt động không chuyên trách cấp xã được đào tạo có bằng cấp chuyên môn phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm được trợ cấp thêm khoảng chênh lệch để bằng với hệ số lương bậc 1 của ngạch theo trình độ đào tạo của bảng lương hành chính kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, nhưng không thực hiện nâng lương thường xuyên. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng hiện hưởng được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định trên và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố quy định tăng hơn so với trước: đối với ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; ấp, khu phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; ấp, khu phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,8 lần mức lương cơ sở. Đối với ấp, khu phố còn lại được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở. Ngân sách tỉnh trợ cấp thêm đối với người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố được đào tạo có bằng cấp chuyên môn để mức phụ cấp bằng hệ số lương bậc 1 của ngạch theo trình độ đào tạo (không áp dụng đối với các trường hợp đang hưởng chế độ hưu trí thực hiện nhiệm vụ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố).

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND đã quy định nâng mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố mà giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã do Ủy ban nhân dân huyện giao hoặc giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố theo quy định thì được nâng mức hưởng phụ cấp kiêm nhiệm từ 90% lên 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.

Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết số 32/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều quy định mới mang tính đột phá trong quản lý đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ấp, khu phố so với các quy định trước. Những quy định mới này không đóng khung, cứng nhắc, mà có tính mở, linh hoạt tạo sự phù hợp với từng đơn vị hành chính, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quyết định số lượng và bố trí từng chức danh người hoạt động không chuyên trách đối với các đơn vị hành chính trực thuộc. Đồng thời Nghị quyết đã quy định tăng mức khoán quỹ đối với người hoạt động không chuyên trách, đây là động lực rất lớn để giữ chân người hoạt động không chuyên trách tiếp tục làm việc, nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ./.


[1] Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, Quản lý hành chính nhà nước, Nxb. Lý luận Chính trị, H.2021, tr.75;

Lê Thị Thảo Ngọc
Khoa Nhà nước và pháp luật

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh