Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Một anh hùng giải phóng dân tộc – Một nhân cách lớn. Nhân cách lớn ấy thể hiện trong văn hóa ứng xử của người không chỉ với đồng chí, đồng bào mà còn với cả người bên kia chiến tuyến. Bức “Thư gửi Tướng Leclerc” thể hiện cách ứng xử của Bác vượt lên trên các ứng xử thường thấy của con người, đã chứng minh cho một nhân cách lớn.
1. Khái quát bối cảnh ra đời của “Thư gửi tướng Leclerc”
Ngày 01 tháng 01 năm 1947 là thời điểm Trận Hà Nội đông - xuân 1946-1947 (sự kiện khởi động Chiến tranh Đông Dương giữa lực lượng Việt Minh và quân viễn chinh Pháp) diễn ra quyết liệt với thương vong lớn cho cả hai phía. Trong bối cảnh chiến sự ác liệt ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi đầu năm mới 1947” và không quên viết “Thư gửi Tướng Leclerc”. ( Philippe Leclerc de Hauteclocque (22 tháng 11 năm 1902 – 28 tháng 11 năm 1947) là một tướng lĩnh Pháp trong Thế chiến thứ hai, từng là tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp trong Chiến tranh Đông Dương (1945-1946). Năm 1952, chính phủ Pháp truy phong cho ông cấp bậc Thống chế.)
2. Nhân cách Hồ Chí Minh thể hiện qua “Thư gửi tướng Leclerc”
2.1. Mở đầu lá thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chào tới Tướng Leclerc bằng những từ thể hiện sự trang trọng nhưng không kém phần thân ái “Kính gửi Đại tướng, thân hữu,”. Với những từ ngữ ấy, không ai có thể nghĩ rằng, đó là lời đầu tiên của một lãnh tụ gửi cho một vị “Tướng” ở phía bên kia chiến tuyến trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra ác liệt. Theo lẽ ứng xử thông thường trong chiến tranh, các vị cầm quân thường tìm cách hạ thấp uy danh của đối thủ, thậm chí không ngại sử dụng những “thủ đoạn” tầm thường để đạt mục đích với câu ngụy biện “binh bất yếm trá”. Nhưng Hồ Chí Minh lại có cách ứng xử vượt ra ngoài cách ứng xử thông thường, đó là cách ứng xử của bậc đại “quân tử” với người đại “quân tử”.
2.2. Hồ Chí Minh dành những tình cảm và sự trân trọng cho Tướng Leclerc bởi những phẩm chất “tài ba, ái quốc và can đảm” của Ông, những phẩm chất không chỉ hiện diện ngay trong đại đa số người Việt Nam mà còn là hệ giá trị mà người Việt Nam hướng đến. “Ngài là một đại quân nhân và một nhà đại ái quốc. Ngài đã chiến thắng và chiến thắng anh dũng kẻ xâm lǎng nước ngài. Đó là một điều mà thiên hạ – trước hết là người Việt Nam – rất khâm phục.”. Đó không phải là lời nhận xét “xã giao” vì trước đó, sau lần tiếp xúc tướng Leclerc, Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: “Ông ta là một con người thẳng thắn, trung thực, thật thà, một con người tử tế (un chic type)”.
2.3. Hồ Chí Minh đã khẳng định không chỉ cá nhân mình mà cả dân tộc Việt Nam đều khâm phục Tướng Leclerc bởi: “Một nhà ái quốc trọng những người ái quốc nước khác. Một người yêu quê hương mình, trọng quê hương của kẻ khác. Tôi chắc rằng đó cũng là ý kiến của ngài; Ngài muốn nước Pháp độc lập và thống nhất. Chúng tôi cũng muốn nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngài và chúng tôi cùng một chí hướng”.
2.4. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược mà tướng Leclerc là Tổng tư lệnh. Tính chất chính nghĩa của chiến tranh vệ quốc mà chúng ta đang thực hiện “Lừng danh với những chiến công, ngài lại đi đánh một dân tộc chỉ muốn độc lập, thống nhất quốc gia, và một nước chỉ muốn hợp tác như anh em với nước ngài sao?”, và “Phải chǎng đó là một công việc bạc bẽo đau đớn?”. Phải chăng, một anh hùng ái quốc từng đổ xương máu để vệ quốc giờ lại đi xâm lược và chống lại những người ái quốc khác đang bảo vệ tổ quốc họ là một điều sỉ nhục và đau đớn. Liệu có sự sỉ nhục và đau đớn nào lớn hơn nỗi đau đó? chỉ có những bậc đại “quân tử” mới cảm nhận đầy đủ sự sỉ nhục và đau đớn ấy bởi họ phải làm những việc trái ngược với ý chí và lương tâm của họ.
2.5. Tthông qua khẳng định lòng ái quốc của nhân dân Việt Nam, tính chất chính nghĩa của chiến tranh vệ quốc. Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu chiến thắng thuộc về những người chính nghĩa. “Giá thử ngài đánh được chúng tôi đi nữa – đấy là một điều viển vông, vì nếu ngài mạnh về vật chất, thì chúng tôi đây, mạnh về tinh thần, với một chí cương quyết chiến đấu cho tự do của chúng tôi – thì những thắng lợi tạm thời kia chẳng những không tǎng thêm mà lại còn làm tổn thương đến uy danh quân nhân và tư cách ái quốc của ngài”.
2.6. Hồ Chí Minh đã mong muốn Tướng Lelerc hãy làm đúng với bản chất của một người “đại quân nhân, đại ái quốc” để có thể “tạo được hoà bình, một nền hoà bình hợp công lý và xứng đáng, thuận tiện cho hai dân tộc chúng ta”. Đồng thời qua đó hạn chế những hi sinh “đau đớn” của quân nhân hai phía. “Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì trông thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau”. Nếu nỗi “đau” của tướng Leclerc là nỗi “đau” của một vị tướng tài ba buộc phải dùng tài năng của mình để làm việc phi nghĩa – dù có “đau đớn” đến thế nào đi nữa thì đó cũng chỉ là nỗi “đau” của cá nhân. Nỗi “đau” của Hồ Chí Minh là nỗi “đau” của một nhân cách lớn – không phải “đau” cho bản thân mà “đau” cho sự hy sinh mất mát mà chiến tranh gây ra. Không chỉ “đau” cho sự hi sinh của những chiến sĩ vệ quốc mà còn “đau” cho những mất mát của chính những kẻ xâm lược tổ quốc mình. Tấm lòng quảng đại và bác ái đó chỉ có thể tồn tại trong những bậc đại anh hùng.
“Thư gửi tướng Leclerc” đã thể hiện nhân cách lớn – Nhân cách Hồ Chí Minh. Người đã ứng xử vượt qua cách ứng xử tầm thường của bất cứ người nào đối với kẻ thù của mình, Hồ Chí Minh không những “tôn trọng” một người ái quốc, can trường mà còn xem Leclerc như một người bạn có cùng khí phách. Đó là điểm chung của người quân tử.
Qua “Thư gửi tướng Leclerc”, Hồ Chí Minh đã vạch rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược mà Leclerc phải thực hiện. Đồng thời, nhấn mạnh tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc mà nhân dân ta đang thực hiện và khẳng định tất yếu thắng lợi thuộc về chính nghĩa dù Leclerc có thể có “những thắng lợi tạm thời”.
Không những thế, “Thư gửi tướng Leclerc” còn có tác dụng phân hóa kẻ thù (ở một góc độ nào đó) bởi Hồ Chí Minh hiểu rõ Leclerc “đau đớn” khi buộc phải thực hiện hành vi xâm lược phi nghĩa. Cần lưu ý rằng, sự “đau đớn” của Leclerc hoàn toàn khác với sự “đau đớn” của Hồ Chí Minh, Leclerc “đau đớn” vì hành động xâm lược phi nghĩa còn Hồ Chí Minh “đau đớn” vì sự hi sinh không đáng có của cả chiến sĩ hai bên.
ThS Võ Thái Bình
Khoa Nhà nước và Pháp luật