Mẹ Việt Nam anh hùng của vùng đất anh hùng.

Mỏ Cày Bắc - mảnh đất của truyền thống cách mạng, là vùng đệm, là địa bàn nuôi dưỡng cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là một trong những vùng đất anh hùng đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội của phong trào Đồng Khởi năm xưa.

Ôi mùa xuân, mùa xuân đồng khởi
Tiếng mõ vang, lửa nổi xa, gần
Mẹ ơi, Mẹ có thấy chăng?
Rừng dừa lộng gió, Hàm Luông sóng gầm…

“Trích bài thơ Bông Trang Đỏ-Lê Anh Xuân (1965)”

Với vị trí chiến lược, là cửa ngõ thuộc khu vực cù lao Minh của tỉnh Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc đã đóng góp nguồn nhân lực, vật lực to lớn cho sự phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà. Qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong tổng số 6.696 bà Mẹ của tỉnh Bến Tre được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, riêng huyện Mỏ Cày Bắc có 716 Mẹ đã bao lần khóc thầm lặng lẽ khi chồng và con trai của Mẹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường [1]. Sự hy sinh cao cả ấy đã tạc vào hình đất nước bóng dáng những tượng đài bất tử, làm nên dáng đứng Bến Tre anh dũng, kiêu hùng.

Trân trọng những cống hiến lớn lao của các Mẹ Việt Nam anh hùng, trong những năm qua, công tác “đền ơn đáp nghĩa” luôn được tỉnh ta quan tâm, trong đó có ngôi trường nơi đang tôi công tác cũng đóng góp một phần công sức chăm lo, phụng dưỡng quý Mẹ  đó là Trường Chính trị tỉnh Bến Tre. Theo Kế hoạch số 16/KH-CĐ ngày 11 tháng 8 năm 2015 về việc phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng của Công đoàn cơ sở Trường Chính trị và Công văn số 1474/SLĐTBXH ngày 20 tháng 07 năm 2015 của Sở Lao động -Thương binh và xã hội đã đồng ý danh sách đăng ký nhận phụng dưỡng quý Mẹ Việt Nam anh hùng của Công đoàn cơ sở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre. Từ năm 2015, mỗi tháng đại diện Ban Giám hiệu, phòng, khoa, Công đoàn và Chi đoàn Trường  đến xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Măng.

Là thế hệ đoàn thanh niên của Trường, tôi may mắn có nhiều dịp được đến thăm Mẹ trong những chuyến thăm. Tôi xin viết về Mẹ bằng tấm lòng của người con, của thế hệ trẻ được sống trong hòa bình. Mẹ sinh năm 1928, Mẹ hiện đang cư ngụ tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Ngày 26/11/2014, Mẹ  Lê Thị Măng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, theo Quyết định số 3128 KT/CTN của Chủ tịch nước.

Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Măng

Chuyện kể về Mẹ, chỉ còn nhớ lại qua ký ức của anh Ca Văn Đoàn, người con trai thứ tư của Mẹ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, như nhiều cô gái thôn quê khác, Mẹ lập gia đình với ông Ca Vĩnh Đức từ khi tuổi mới đôi mươi. Cuộc sống của người nông dân một nắng hai sương trên ruộng đồng mới đủ lo cho gia đình ngày hai bữa ăn. Hai ông bà có bảy người con (bốn trai, ba gái). Vẫn như bao gia đình khác, một lòng yêu nước nồng nàn, Mẹ đã lần lượt tiễn chồng và bốn người con trai của Mẹ ra đi theo tiếng gọi của non sông, đất nước, một mình Mẹ đảm nhận vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha lam lũ, khó nhọc nuôi các con khôn lớn nên người góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Chồng mẹ là cán bộ địa phương (xã ủy viên) mất năm 1969. Đây là giai đoạn giặc tàn phá ác liệt, trong một trận càn với quy mô lớn, ông bị địch bắn chết. Cùng năm ấy, 6 tháng sau Mẹ lại nghe tin báo nghẹn ngào, người con thứ ba của gia đình là anh Ca Văn Dũng hy sinh khi đang hoạt động trên địa bàn xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Anh Dũng thoát ly gia đình từ năm 16 tuổi, anh ra đi mang theo cả hoài bão, nhiệt huyết của tuổi trẻ về một ngày chiến thắng. Tiễn con đi, Mẹ mong các con chân cứng đá mềm, anh trở thành trinh sát tiểu đoàn 516. Người anh thứ tư Ca Văn Đoàn kể lại rằng: “Sau khi thoát ly gia đình, anh em chỉ gặp lại nhau một lần, trên đường hành quân xa và anh Ba đã ghé về thăm nhà để thắp nén hương cho ba”, vài dòng thư anh viết vội trên đường hành quân. Rồi đến tháng 11, gia đình nhận được tin anh hy sinh. Thế nhưng, sự tàn bạo, ác liệt của chiến tranh không chỉ dừng ở đó, dù đã có hồ sơ gốc các phần mộ liệt sĩ nhưng do chiến tranh lâu dài bom đạn kẻ thù đã cày xéo. Chính vì vậy, sau ngày giải phóng phần mộ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nằm trên phần mộ vô danh kia là một phần xương cốt của anh nằm đó.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Măng cùng các cháu của mình

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Nước mắt nén vào trong cuộc chia ly hôm nào, nay vỡ òa ngày ba người con trai của Mẹ lần lượt quay trở về đoàn tụ với gia đình. Niềm vui sum họp gia đình chưa bao lâu, Mẹ lại phải nén nỗi đau người đầu bạc tiễn người tóc xanh khi người con trai thứ hai và thứ năm của Mẹ qua đời do mang trong mình nhiều vết thương của chiến tranh. Nhưng, Mẹ rất tự hào vì con của Mẹ đã góp một phần xương máu của mình cho quê hương, đất nước. Mẹ còn một người con trai là Ca Văn Đoàn, hiện là Chi hội trưởng, Chi hội Cựu chiến binh, ấp Thành Hóa I, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Anh cùng các em gái cận kề, sớm hôm chăm sóc Mẹ lúc tuổi già.

Trải qua 42 năm chiến tranh, đất nước từng ngày chuyển mình trong nhịp sống mới, những người con của Mẹ giờ đã yên bề gia thất. Mẹ chân đã yếu, mắt đã mờ, trí nhớ của Mẹ đã giảm, trên gương mặt hằn sâu vết chân chim, mái tóc bạc phơ bới củ tỏi, cái miệng móm mém hay cười, nụ cười như xóa đi quá khứ đau thương của chiến tranh nhưng vết thương lòng vẫn âm ỉ, vẫn còn đọng mãi. Mẹ hiện sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của con cháu, tuổi già của Mẹ như ấm lại.

Mỗi lần đến thăm Mẹ, tôi đón lấy đôi bàn tay gầy gò, rám nắng, dạn dày sương gió, đôi bàn tay ấy đi qua tuổi xuân của Mẹ, chưa một phút giây nào đôi bàn tay Mẹ ngừng vất vả, tần tảo sớm hôm. Bàn tay Mẹ, như bàn tay của bao Mẹ Việt Nam anh hùng khác, đôi bàn tay đẹp nhất trên đời. Chúng con luôn biết ơn các Mẹ vì đã hy sinh cả cuộc đời, để chúng con được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, có một cuộc sống đầy đủ, một tương lai tươi sáng.

Các Mẹ là minh chứng sống của lịch sử, là tấm gương sáng soi cho tuổi trẻ cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng để cống hiến sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng những hành động, việc làm thiết thực tràn đầy tình yêu thương của người Mẹ Việt Nam.

Bản thân tôi với mục tiêu lý tưởng của mình, tôi sẽ không ngừng phấn đấu, kiên trì, cố gắng học hỏi kinh nghiệm để trở thành giảng viên Trường Chính trị. Góp phần cùng tuổi trẻ Bến Tre hưởng ứng tinh thần thi đua “Đồng Khởi mới”, phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre” vươn lên làm giàu cho mình, cho quê hương như  Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhắn nhủ với tuổi trẻ tỉnh nhà nhân dịp Xuân Mậu Tuất - 2018 sắp đến “Không ai muốn nghèo, không ai muốn bị khinh rẻ. Tuy nhiên, giữa cái “muốn” và cái “được” luôn có một khoảng cách. Và thêm cái “sợ” nữa. Sợ đủ thứ: sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ trời không chiều lòng người v.v….Cái “sợ” làm cho khoảng cách giữa cái “muốn” và cái “được” càng dài ra! Tôi nghĩ rằng, chính bạn chứ không ai khác, là người kéo khoảng cách đó gần lại bằng đôi tay, trí tuệ và lòng dũng cảm của mình!”./.

[1] Trích tập sách Vinh quang Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bến Tre (lưu hành nội bộ), nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/07/2017.

Nguyễn Trần Phương Hiền, Tập sự giảng viên
Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh