Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam trong những năm qua có những chuyển biến tích cực; nhưng tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1 năm 2024 (tính từ ngày 15-12-2023 đến 14-3-2024) cả nước xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người[1]. Riêng ở Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 75 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 73 người chết; trong đó, tai nạn liên quan đến rượu bia là 45 vụ[2]. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ; một trong những nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông, vi phạm quy tắc khi tham gia giao thông, uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Vì vậy, việc nhận thức và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ sẽ góp phần hình thành văn hóa tham gia giao thông, giảm thiểu đáng kể các vụ tai nạn giao thông.
Tại kỳ họp thứ 7, khóa XV, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đã thông qua Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ.Mục tiêu lớn nhất của Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ là xây dựng thói quen, ý thức văn hóa giao thông; bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Thứ nhất, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cơ sở pháp lý xây dựng thói quen, ý thức văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước. Văn hóa giao thông được hiểu là hệ thống tổng hòa các quy chuẩn về đạo đức, ý thức tự giác của cá nhân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Xây dựng thói quen, ý thức văn hóa giao thông là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Văn hóa giao thông được hình thành trên cơ sở nắm vững kiến thức pháp luật về giao thông, có hành vi ứng xử đúng đắn, văn minh trước mọi tình huống khi tham gia giao thông. Trong đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những người đóng vai trò nêu gương, gương mẫu trong xây dựng văn hóa giao thông bằng những hành động thiết thực, cụ thể như: khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chở quá số người quy định đối với phương tiện sử dụng tham gia giao thông; đội mũ bảo hiểm có cài quai hoặc thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện; đi đúng phần đường, làn đường theo quy định, không đi dàn hàng ngang hoặc đi ngược chiều; không chở các vật dụng cồng kềnh gây cản trở, khuất tầm nhìn hoặc các hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông; không cầm, sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi đang điều khiển phương tiện; không lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục; chấp hành nghiêm các tín hiệu đèn, biển báo giao thông; nhường đường cho các xe ưu tiên: xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe đi làm nhiệm vụ.
Thứ hai, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cơ sở pháp lý bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trạng thái giao thông trên đường bộ có trật tự, bảo đảm an toàn, thông suốt; được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, nguyên tắc, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ[3]. Như vậy, chúng ta có thể hiểu an toàn giao thông là sự an toàn cho người tham gia giao thông, bao gồm sự an toàn về tài sản, tính mạng và sức khỏe. Những tai nạn giao thông đã xảy ra trong thời gian vừa qua là do con người không đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vi phạm quy tắc, nguyên tắc khi tham gia giao thông: chỉ chấp hành luật khi có công an giao thông; có cơ hội là sẵn sàng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, không sử dụng xi nhanh, đèn hiệu, còi và nhất là tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn… Rõ ràng rằng, trật tự, an toàn giao thông đóng vai trò quan trọng cho cá nhân và cho xã hội. Để có trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe cho mọi người bắt buộc người tham gia giao thông phải có nhận thức đầy đủ về Luật Trật tự, an toàn giao thông.
Khi tham gia giao thông, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi từ 16 trở lên, có đủ sức khỏe tham gia giao thông;người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông, người tham gia giao thông phải mang theo các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp, bao gồm: Chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện. Đồng thời, người tham gia giao thông đường bộ cần lưu ý một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024: (1) Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe; (2) Quy định về điểm của giấy phép lái xe; (3) Tăng độ tuổi tối đa của người lái xe; (4) Không điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; (5) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định khí thải; (6) Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa hai người trong một số trường hợp nhất định; (7)Khi tham gia giao thông bằng xe ô tô, không được cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe; (8) Sửa đổi quy định về tín hiệu đèn giao thông, trong đó thay đổi quy định về tín hiệu đèn màu xanh, màu vàng; (9) Bổ sung một số trường hợp không được vượt xe; (10) Bổ sung các trường hợp không được dừng xe, đỗ xe; (11) Quy định thời gian bắt buộc bật đèn chiếu sáng phía trước; (12) Biển số xe được quản lý theo mã định danh trừ biển số xe nền màu đỏ, chữ và số màu trắng cấp cho xe quân sự; (13) Bổ sung quy định đấu giá biển số xe máy, xe gắn máy; (14) Bổ sung quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh; (15) Tăng cường bảo vệ người yếu thế (người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, phụ nữ mang thai, trẻ em) khi tham gia giao thông đường bộ.
Tóm lại, tài sản, tính mạng, sức khỏe là những yếu tố quan trọng hàng đầu của mỗi con người được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ bằng nhiều văn bản pháp luật khác nhau; và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những văn bản đó. Vì vậy, mỗi công dân, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức rõ quy định pháp luật giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật góp phần xây dựng ý thức văn hóa giao thông và bào vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe con người./.
===================================
[1]. Số người chết giảm nhưng số người bị thương vì tai nạn giao thông tăng; https://tuoitre.vn/so-nguoi-chet-giam-nhung-so-nguoi-bi-thuong-vi-tai-nan-giao-thong-tang-20240424132001403.htm
[2]. Công văn số 4885/UBND-NC, ngày 30/7/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phối hợp thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ
[3]. Khoản 1, Điều 2, Luật Trật tư, an toàn giao thông đường bộ năm 2024
ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật