Luật Căn cước - công cụ pháp lý đảm bảo quyền con người, quyền công dân

Luật Căn cước 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã đánh dấu sự phát triển trong công tác lập pháp của Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc đi lại, giao dịch, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Luật Căn cước 2023, gồm 7 chương, 46 điều, bao gồm các quy định liên quan đến vấn đề dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Những nội dung này là công cụ pháp lý để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác; góp phần tạo điều kiện cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến…

Luật căn cước 2023, một bước đột phá, thể hiện sự đổi mới trong quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, với những nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, sửa đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước là cơ sở đảm bảo quyền con người.

Theo quy định Luật Căn cước công dân 2014 xác định đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam [1]. Như vậy, Luật Căn cước công dân chỉ tập trung quản lý đối với công dân Việt Nam, người mang quốc tịch Việt Nam; không áp dụng đối với những trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống [2]. Do nhiều yếu tố liên quan đến lịch sử, chiến tranh nên thực tế hiện nay còn rất nhiều trường hợp người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; những người này cần phải có chính sách, quy định pháp luật để giải quyết, quản lý; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. 

Vì vậy, việc đổi tên “Luật Căn cước công dân” sang “Luật Căn cước” đảm bảo phù hợp với đối tượng điều chỉnh được ghi nhận tại Điều 2 Luật Căn cước 2023 “Luật Căn cước áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”.

Tuy nhiên, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ; khi công dân có nhu cầu thì sẽ được cấp đổi sang thẻ căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành, sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Vì vậy, việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước chỉ với mục đích bảo đảm quyền con người, quyền công dân không làm phát sinh thủ tục gây phiền hà cho người dân.

Thứ hai, cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam, bao gồm những công dân trên 14 tuổi và công dân dưới 14 tuổi, là cơ sở đảm bảo quyền công dân.

Điều 19, Luật Căn cước 2023 quy định: “Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”.

Như vậy, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Đây là cơ sở pháp lý cho công dân dưới 14 tuổi được bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ. Hiện nay, theo quy định pháp luật, công dân dưới 14 tuổi khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, thì xuất trình giấy khai sinh. Tuy nhiên, giấy khai sinh hiện được thể dưới kích thước của tờ giấy A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa rất ít thông tin, sẽ gây nhiều khó khăn, bất tiện cho công dân. Thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của công dân. Điều này mang lại nhiều tiện ích cho công dân (bao gồm cả công dân dưới 14 tuổi) trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, Thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ ba, cho phép người gốc Việt Nam chưa được xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận căn cước[3] là cơ sở đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay, số lượng lớn người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch chưa có giấy tờ tùy thân. Do vậy, họ không được đảm bảo các quyền về an sinh xã hội, tham gia các giao dịch dân sự, hành chính. Luật Căn cước, mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là một nội dung mang tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý cho những người này được Nhà nước Việt Nam đảm bảo đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để được cấp giấy chứng nhận căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cần phải liên hệ Công an cấp huyện nơi người đó sinh sống để cung cấp các trường thông tin theo yêu cầu của phiếu thu thập thông tin dân cư và các giấy tờ tài liệu liên quan đến bản thân và gia đình; hoàn thiện các hồ sơ chứng minh đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên; liên hệ Công an cấp huyện để được thu thập các thông tin sinh trắc học vân tay và hình ảnh.

Thứ tư, cung cấp thông tin sinh trắc học vân tay, ảnh khuôn mặt và mống mắt khi làm thẻ căn cước là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Cung cấp thông tin sinh trắc học vân tay, ảnh khuôn mặt và mống mắt là một nội dung bắt buộc phải thực hiện khi làm thẻ căn cước “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước”[4].

Đây là một nội dung mới được bổ sung trong Luật Căn cước 2023; từ ngày 01/7/2024, khi công dân làm thẻ căn cước, cơ quan công an sẽ thu nhận thông tin sinh trắc học gồm vân tay, ảnh khuôn mặt và mống mắt (Theo Luật Căn cước công dân 2014 cơ quan công an chỉ chụp ảnh, thu thập vân tay). Việc thu nhận thông tin sinh trắc học giúp xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số. 

Nói tóm lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người. Vì vậy, Luật Căn cước được thông qua là đã khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành, làm rõ hơn quyền con người, quyền công dân; thể hiện tư duy tiến bộ của Đảng, Nhà nước, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn mới./.

 

==========================

[1]. Điều 2, Luật Căn cước công dân 2014

[2]. Khoản 4, Điều 3, Luật Căn cước 2023

[3]. Khoản 1, Điều 30, Luật Căn cước

[4]. Điểm b, Khoản 1, Điều 23, Luật Căn cước 2023

ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi 
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh