Lời nhắn gửi từ niềm tin và hy vọng

Sáng ngày 21 tháng 5 năm 2013, một ngày đáng nhớ với độ tuổi quá lứa của học trò mà với môi trường chính trị được gọi là học viên. Đó là ngày khai giảng Lớp Đào tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (A31) và tôi là một trong số 93 học viên của lớp. Trong không khí náo nức, khẩn trương ấy, mỗi chúng tôi cảm thấy hồi hộp lạ, cái hồi hộp không như ngày ấu thơ cắp sách đến trường hay thời phổ thông vội vội vàng vàng đến lớp, mà đó là sự hồi hộp để vào môi trường đào tạo thành người công bộc trung thành của nhân dân. Với hai từ công bộc này tôi nghe sao sướng quá, rất đáng trân trọng, tự hào từ niềm tin của sự định hướng, tương lai con đường mình đã chọn.

Trong buổi khai giảng, chúng tôi được nghe đồng chí Nguyễn Hữu Lập, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu khai giảng, đồng chí đã trình bày rõ mục đích, ý nghĩa việc mở lớp học này trong đó có lòng tin của các vị lãnh đạo tỉnh, của Huyện ủy nơi lựa chọn cho chúng tôi được dự học. Chúng tôi nghe từng nội dung, từng yêu cầu đặt ra đối với lớp học được tuyển chọn, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình phải luôn phấn đấu, trau dồi, cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người hữu ích cho mai sau.

Chúng tôi cũng nghe được nội dung phát biểu của đồng chí Võ Thành Hạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre. Không có giấy tờ gì cả, nhưng hơn 20 phút với giọng nói ôn tồn, từ tốn, khúc chiết, đồng chí đã giúp cho chúng tôi thấy rõ hơn mục đích, ý nghĩa mở lớp nguồn cán bộ. Chúng tôi còn quá trẻ, với hơn 70 học viên chưa là đảng viên cũng là nỗi băn khoăn, day dứt của đồng chí Phó Bí thư nói riêng, lãnh đạo tỉnh nói chung.

Đồng chí đã dành cho đội ngũ giảng viên nhà trường những lời nhắn gửi chân thành; dành cho học viên những lời khuyên bổ ích. Tôi nhớ như in lời đồng chí phát biểu.

…Với thời gian thực học 18 tháng, đối tượng học viên đặc thù, tuổi đời còn khá trẻ, có những sinh viên mới ra trường chưa nhận công tác ngày nào, chưa hiểu gì về làm lãnh đạo. Phần lớn học viên còn khá lạ lẫm với những thuật ngữ chính trị, giờ đây phải học cả lý luận và thực tiễn, đây là điều không đơn giản với đội ngũ giảng viên. Nghĩ đến vấn đề này, đồng chí Võ Thành Hạo nói: Các giảng viên nên nghiên cứu phương pháp giảng dạy để lan tỏa cảm xúc nhằm trang bị kiến thức cho người học. Phải làm sao cho mỗi học viên tích lũy được kiến thức, kỹ năng cơ bản để khi ra trường từng người một sẽ an tâm khi về nhận nhiệm vụ mới. Để học viên nắm kiến thức tốt, giảng viên phải biết cách đưa kiến thức cốt sao cho học viên nghe dễ nắm, dễ nhớ, nhớ sâu, nhớ lâu. Để đạt được điều đó, mỗi giảng viên phải tư duy, phải nghĩ ra những cách giảng hay nhất, tốt nhất và phù hợp nhất.

Đối với học viên, đồng chí nhắn nhủ:

Đừng nghĩ rằng học xong sẽ về làm Bí thư, Chủ tịch. Giữa chuyện học và làm việc có khoảng cách khá xa, quan trọng nhất là phải học tốt, làm tốt tư cách làm người. Một khi xã hội thấy mình hơn người khác, họ mới giao chức vụ, mới làm cán bộ. Do vậy quan trọng nhất của sự học là học làm người, làm người có tốt tổ chức mới phân công giao việc, nếu làm người chưa xong, bố trí làm cán bộ sẽ là tai họa cho dân, cho nước, đây là câu nói tôi thấm thía vô cùng.

Đồng chí còn nói rằng để làm người có nhiều chuyện để bàn, để nói, không hề đơn giản, vô cùng vô tận, điều đó được thể hiện:

+ Mình phải tự biết mình là ai? Mình đang ở đâu? Mình có hành trang gì? Cần bổ sung gì? Nếu bản thân mỗi người không thấy điều đó mình sẽ thụt lùi và đi vào ngõ cụt.

+ Trong xã hội, có những người học hơn người khác một chút đã sinh ra thiếu khiêm tốn, tỏ vẻ ta đây, ngạo mạn…. Mỗi chúng ta phải sống thật lòng, phải học cách nắm bắt, khai thác thông tin, kiến thức trong thời gian 18 tháng, để những kiến thức ấy nén lại trong trí tuệ của mình.

+ Từ kiến thức học được, mỗi học viên phải biết chuyển hóa vào công việc, đối diện với khách hàng của mình hàng ngày và họ sẽ tin phục mình vì sự uyên bác.

Để làm lãnh đạo, đồng chí cho rằng nếu chỉ bằng lòng với kiến thức của mình vẫn chưa đủ, phải biết tiếp cận kiến thức mới, gắn với nghiệp vụ của mình; phải biết học thêm ngôn ngữ thứ hai để có điều kiện hơn trong học tập, giao tiếp. Việc học thêm không bao giờ thừa và không bao giờ đủ.

Để làm lãnh đạo, bản thân chúng ta phải cố gắng rộng lượng, vị tha, đừng bao giờ thấy người khác xấu. Bản thân của mỗi con người luôn lấp lánh hai mặt, xấu và tốt, không ai toàn thiện, không ai toàn ác. Nếu chúng ta chỉ thấy cái xấu của người khác tất chúng ta sẽ có nhiều kẻ thù, không có bạn. Với người làm lãnh đạo hãy biết tập hợp mọi người xung quanh mình.

Tóm lại, điều mà đồng chí nhắn gửi với học viên sau cùng đó là: Mỗi học viên hãy cố gắng tạo ra cho mình một chất mới sau khi ra trường, trong đó có sự tác động của nhà trường, của bạn bè và mỗi người nên ý thức rằng: Học để làm việc tốt và phục vụ người khác hãy học.

Giờ đây, đã qua những giờ phút khai giảng lớp học, tôi đã có vị trí ngồi ổn định. Có bạn, có thầy và có kiến thức mới hàng ngày được tiếp nhận qua mỗi buổi học, tôi tự hứa với lòng hãy cố gắng, hãy phấn đấu, hãy nhớ câu “có công mài sắc có ngày nên kim” để tôi, lớp tôi thực sự là nguồn lực cán bộ tương lai của tỉnh nhà, để chúng tôi có cơ hội được phấn đấu và cống hiến./.

PYU

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh