Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò trung tâm của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của Người không chỉ là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Nhà nước ta trong quá khứ, mà còn mang giá trị trường tồn trong công cuộc đổi mới hiện nay. Trước yêu cầu cấp thiết phải tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của Nhân dân càng trở nên sâu sắc. Chính tư tưởng đó tiếp tục soi đường, định hướng cho công cuộc cải cách hành chính, xây dựng một nền công vụ thật sự của dân, do dân và vì dân.
1. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” - Giá trị cốt lõi trong sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò tối cao của Nhân dân. Người nhấn mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” [1] ; đồng thời chỉ rõ rằng: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” [2]. Người cũng khẳng định sức mạnh to lớn của tinh thần dân tộc: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại” [3]. Với Người, Nhân dân không chỉ là đối tượng được phục vụ, mà còn là chủ thể sáng tạo lịch sử, là nguồn gốc, mục tiêu và động lực của mọi chính sách, mọi cuộc cải cách. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” không phải là một khẩu hiệu mang tính hình thức, mà là một triết lý chính trị sâu sắc, thấm đẫm tính thực tiễn và nhân văn. Người đã từng căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” [4]. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Người khẳng định quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong các bài nói, bài viết, từ giai đoạn kháng chiến kiến quốc đến giai đoạn hòa bình phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán nhấn mạnh vai trò làm chủ của Nhân dân. Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” đã thể hiện xuyên suốt trong phong cách sống và lãnh đạo của Người: gần dân, hiểu dân, tin dân, trọng dân, học dân và dựa vào dân. Trong công tác tổ chức, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải lắng nghe, tôn trọng và tạo dựng niềm tin trong Nhân dân. Chính từ quan điểm đó, tư tưởng “Lấy dân làm gốc” trở thành di sản vô giá, là kim chỉ nam trong suốt thời kỳ kháng chiến và tiếp tục phát huy giá trị to lớn trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước ngày nay.
2. Tinh gọn bộ máy nhà nước - “Lấy dân làm gốc”
Hiện nay, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cải cách hành chính, tư tưởng “Lấy dân làm gốc” tiếp tục được cụ thể hóa và vận dụng sâu sắc trong quá trình tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, hiệu lực và hiệu quả. Các biện pháp như tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, sáp nhập cơ quan có chức năng tương đồng, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, thể hiện rõ mục tiêu phục vụ Nhân dân một cách thiết thực, kịp thời và minh bạch.
Một trong những chủ trương thể hiện rõ nét tư tưởng “Lấy dân làm gốc” là việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh có quy mô diện tích nhỏ, dân số thấp. Đây là giải pháp quan trọng trong lộ trình tinh gọn bộ máy nhà nước, đồng thời là minh chứng cụ thể cho việc lấy ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là trung tâm trong tiến trình cải cách. Việc triển khai chủ trương này đã tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc cơ bản “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo phương thức lấy ý kiến cử tri rộng rãi, công khai, minh bạch. Tại nhiều địa phương, các phương án sáp nhập chỉ được triển khai khi có sự đồng thuận cao của cử tri, thể hiện sự tôn trọng và đề cao vai trò giám sát, tham gia của người dân trong các quyết sách quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đồng thuận của cử tri trên cả nước đối với phương án sáp nhập đạt gần 96% [5], khẳng định tính hợp lý và sự ủng hộ rộng rãi của Nhân dân. Riêng tại tỉnh Bến Tre, trong tổng số 376.037 hộ dân được lấy ý kiến, có tới 375.066 hộ, tương đương 98,8%, đồng ý với phương án sáp nhập tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long . Những con số trên là minh chứng rõ ràng cho thấy Nhân dân là chủ thể tích cực tham gia, đóng vai trò quyết định quá trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Điều đó thể hiện sự phát huy dân chủ thực chất, là biểu hiện sinh động của tư tưởng “Lấy dân làm gốc” trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Việc cải cách bộ máy nhà nước còn thể hiện mục tiêu phục vụ tốt hơn quyền, lợi ích và nhu cầu chính đáng của Nhân dân. Trong quá trình cải cách, việc đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền theo hướng phục vụ Nhân dân được đẩy mạnh và triển khai ở nhiều địa phương. Các mô hình như “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thân thiện”, “Một cửa liên thông” đã từng bước khẳng định hiệu quả trong thực tiễn, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, bộ máy nhà nước không còn mang tính quyền lực “ban phát”, mà thật sự trở thành công cụ phục vụ đời sống và lợi ích thiết thực của Nhân dân.
Bên cạnh đó, việc tinh gọn bộ máy nhà nước còn giúp tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện để tăng cường đầu tư vào các dịch vụ thiết yếu phục vụ Nhân dân như: giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và các chương trình giảm nghèo; cụ thể: mức chuẩn trợ giúp xã hội đã được điều chỉnh tăng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng; mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công được nâng từ 2.055.000 đồng/người/tháng lên 2.789.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến cuối tháng 10/2025 sẽ hoàn thành việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ để xây mới hoặc 30 triệu đồng/hộ để sửa chữa nhà ở. Đặc biệt, chính sách miễn học phí cho học sinh công lập từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm học 2025-2026, thể hiện rõ cam kết nâng cao tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho người dân.
Những chính sách trên thể hiện sự ưu tiên của Nhà nước trong việc chăm lo đời sống Nhân dân, đồng thời khẳng định rõ tư tưởng “Lấy dân làm gốc” trong quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước. Mọi đổi mới về tổ chức, chính sách của bộ máy nhà nước đều hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, bảo đảm quyền lợi của người dân được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình phát triển.
3. Phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức trong công cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước và hiện thức hóa tư tưởng “Lấy dân làm gốc”
Trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ thể trực tiếp quyết định thành công của công cuộc cải cách. Tư tưởng “Lấy dân là gốc” chỉ có thể được thực hiện một cách thực chất khi mỗi cán bộ tự ý thức được vai trò công bộc của mình, từ đó chủ động rèn luyện và phấn đấu để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Trên tinh thần đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, Nâng cao ý thức chính trị, đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm với Nhân dân. Đây là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh xây dựng nền hành chính phục vụ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Ý thức chính trị giúp cán bộ xác định rõ lập trường, tư tưởng, kiên định mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đạo đức công vụ là nền tảng để cán bộ hành xử đúng mực, liêm chính, công tâm, tránh xa biểu hiện vụ lợi, cửa quyền, vô cảm. Tinh thần trách nhiệm thể hiện qua thái độ tận tụy, chủ động giải quyết công việc vì lợi ích chung, không thoái thác, né tránh. Đây là phẩm chất cần có và cũng là chuẩn mực để đánh giá chất lượng cán bộ trong bộ máy nhà nước hiện đại. Khi mỗi cán bộ tự giác rèn luyện ý thức chính trị và đạo đức công vụ, bộ máy nhà nước sẽ tinh gọn về tổ chức, mạnh về chất lượng phục vụ, thực hiện hiệu quả tư tưởng “Lấy dân làm gốc”.
Thứ hai, Chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công vụ. Trong bộ máy nhà nước tinh gọn, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thật sự trở thành người “đa nhiệm”, có khả năng xử lý hiệu quả nhiều công việc khác nhau. Do đó, việc chủ động học tập, tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng công vụ là yêu cầu bắt buộc. Cán bộ không ngừng cập nhật quy định pháp luật mới, rèn luyện kỹ năng hành chính, kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống. Đặc biệt, trong môi trường chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, việc làm chủ công nghệ là yếu tố sống còn. Chủ động học tập không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn thể hiện tinh thần cầu thị, tự hoàn thiện bản thân để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Đây là nền tảng để hình thành đội ngũ cán bộ tinh gọn nhưng tinh nhuệ, hiện đại, trách nhiệm.
Thứ ba, Rèn luyện tác phong làm việc khoa học, minh bạch, đúng giờ, đúng việc. Một nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân hiệu quả không thể tồn tại nếu thiếu đội ngũ cán bộ có tác phong làm việc khoa học và có kỷ luật. Rèn luyện tác phong chính là quá trình tự chỉnh đốn lại lề lối làm việc: đúng giờ, đúng quy trình, đúng trách nhiệm, không quan liêu, hình thức. Cán bộ cần làm việc theo kế hoạch rõ ràng, phân công hợp lý, tránh chồng chéo, né tránh trách nhiệm. Minh bạch trong xử lý hồ sơ, công khai thông tin và tuân thủ quy định hành chính để tạo lòng tin trong dân và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực. Tác phong làm việc chuyên nghiệp sẽ góp phần giảm thủ tục rườm rà, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đúng với mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn về tổ chức, mạnh về hiệu quả.
Thứ tư, Chủ động lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến Nhân dân. Lắng nghe Nhân dân là biểu hiện cụ thể của tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, là năng lực và phẩm chất không thể thiếu đối với cán bộ trong nền hành chính phục vụ. Cán bộ phải biết tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý của người dân với tinh thần cầu thị, tôn trọng và sẵn sàng điều chỉnh nếu phát hiện sai sót. Việc tiếp thu phản hồi không chỉ giúp cơ quan cải tiến quy trình làm việc mà còn củng cố lòng tin giữa chính quyền với Nhân dân. Các cơ quan nhà nước duy trì tổ chức các buổi tiếp công dân, đối thoại định kỳ, hộp thư góp ý, đường dây nóng hay nền tảng số để thu nhận ý kiến đóng góp của Nhân dân. Sự lắng nghe thực chất sẽ giúp các cơ quan nhà nước gần dân hơn, từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm thiểu những bất cập trong tổ chức bộ máy, đảm bảo mọi đổi mới đều do dân, vì dân.
Thứ năm, Tự giác tham gia các phong trào thi đua gắn với tinh gọn bộ máy nhà nước và phục vụ Nhân dân. Phong trào thi đua là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, rèn luyện phẩm chất và lan tỏa tinh thần phục vụ. Việc tự giác tham gia các phong trào như “Dân vận khéo”, “Đồng Khởi mới”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để cán bộ khẳng định vai trò của mình trong quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước. Qua thi đua, nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, mô hình phục vụ Nhân dân hiệu quả được nhân rộng góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Thi đua không phải là hình thức mà cần phải gắn với thực chất công việc, sự hài lòng của Nhân dân. Tự rèn luyện thông qua thi đua chính là con đường để cán bộ thích nghi và phát triển trong bộ máy nhà nước đang đổi mới toàn diện.
Tóm lại, tư tưởng “Lấy dân làm gốc” không chỉ là di sản vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là kim chỉ nam cho toàn bộ quá trình đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại. Từ việc tinh gọn bộ máy hành chính đến cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ công, mọi nỗ lực cải cách đều hướng đến mục tiêu tối thượng: bảo đảm quyền lợi của Nhân dân, lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo hiệu quả. Để hiện thức hóa điều đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tự giác rèn luyện đạo đức, chuyên môn, phong cách làm việc, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, gần gũi Nhân dân. Chỉ khi cả hệ thống chính trị cùng chung tay hành động trên nền tảng tư tưởng “Lấy dân làm gốc” thì công cuộc đổi mới, phát triển đất nước mới thực sự bền vững và toàn diện.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 453
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 335
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr 179
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 65
[5] Dự kiến giảm biên chế gần 130.000 người, thủ tướng chỉ đạo sớm bố trí đủ kinh phí chi trả https://tuoitre.vn/du-kien-giam-bien-che-gan-130-000-nguoi-thu-tuong-chi-dao-som-bo-tri-du-kinh-phi-chi-tra-20250509140016631.htm?gidzl=KjHpIBHNCtfSmt1AkKywVbtCS4kY4c0gHvzn6A4IEdqLpdj2_4mn9XJ6SHNq6JCbGvGYGp3Hkd87ibynVW
[6 ].99% cử tri Bến Tre đồng ý sáp nhập ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long; https://tuoitre.vn/gan-99-cu-tri-ben-tre-dong-y-sap-nhap-ba-tinh-ben-tre-tra-vinh-va-vinh-long-20250423073637384.htm