Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-XDĐ ngày 15 tháng 3 năm 2018 được Ban Giám hiệu phê duyệt, Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đã tiến hành đi thâm nhập thực tế tại hai xã Bình Thới và Định Trung huyện Bình Đại. Ngoài nghiên cứu các nội dung về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng “nông thôn mới”, “đô thị văn minh”, công tác xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”,…; đoàn nghiên cứu thực tế có dịp tham quan Cồn Thới Trung - Cồn Nổi được phù sa của dòng Tiền Giang bồi đắp, có tiềm năng phát triển kinh tế lớn của huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Cồn Thới Trung nằm trên sông Cửa Đại địa phận tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Cồn có hướng Bắc giáp sông Cửu Đại (xã Tân Thanh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang); hướng Nam giáp xã Định Trung (cách đất liền khoảng 700m); hướng Đông giáp địa giới xã Bình Thới; hướng Tây giáp sông Cửa Đại.
Cồn Thới Trung có chiều dài 5,3km, chiều ngang rộng nhất khoảng 470m. Cồn có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 201,43ha, với 62 thửa đất, trong đó xã Bình Thới quản lý 122,65 ha, có 35 thửa, xã Định Trung quản lý là 78,78 ha với 27 thửa.
Khi Cồn mới nổi vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, một số hộ dân ở huyện Bình Đại (chủ yếu là hai xã Bình Thới và Định Trung) đã đến định cư và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất Cồn. Đến ngày 10 tháng 12 năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre có Quyết định số 2030/QĐ-UB về việc giao Cồn mới nổi trên sông Cửa Đại thuộc địa giới huyện Bình Đại quản lý có kế hoạch khai thác sử dụng. Quyết định nêu “Cồn mới nổi trên sông Cửa Đại có diện tích 200 ha từ Rạch Cả Nhỏ xã Định Trung, cách bờ khoảng 450m đến Rạch Bến Đình xã Bình Thới, cách bờ khoảng 750m. Giao cho Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại quản lý, có dự án khai thác đưa vào sử dụng theo qui hoạch và quy định của pháp luật”. Đây là cơ sở có tính pháp lý đầu tiên để từ đó, một số hộ dân ở huyện Bình Đại đã đến khai phá đất để định cư và canh tác trên Cồn cho đến nay.
Năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Bình Đại có ký hợp đồng với 26 hộ dân của huyện để được khai thác, nuôi thủy sản tại Cồn Thới Trung, trong đó có 12 hộ thuộc xã Bình Thới (có 3 hộ cất nhà ở trực tiếp tại Cồn, 9 hộ xâm canh ở các xã thuộc địa bàn huyện Bình Đại) 14 hộ thuộc xã Định Trung (có 6 hộ cất nhà ở trực tiếp tại Cồn, 8 hộ xâm canh ở các xã thuộc địa bàn huyện Bình Đại).
Như vậy, từ năm 1998, do yêu cầu về quản lý nguồn tài nguyên Cồn Thới Trung, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã giao cho huyện Bình Đại quản lý. Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện đã giao Cồn cho xã Bình Thới và xã Định Trung thuộc huyện Bình Đại quản lý, sử dụng. Tuy nhiên cho đến nay, việc phân định đường địa giới hành chính và quyền quản lý, khai thác Cồn giữa huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) và huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) chưa có sự thống nhất nên các hộ dân đang sinh sống và canh tác trên Cồn còn nhiều băn khoăn, chưa thật sự an tâm trong sinh hoạt và đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế và ổn định đời sống. Đặc biệt là việc xây dựng hệ thống đê, kè chống sạt lở, bảo vệ đất tốn nhiều công sức và tiền của.
Theo Báo cáo số 129/BC-UBND của Ủy ban nhân dân xã Định Trung ngày 06 tháng 05 năm 2015 về tình hình đất Cồn nổi Thới Trung và Báo cáo số 241/BC-UBND của Ủy ban nhân dân xã Định Trung, ngày 12 tháng 06 năm 2017 về việc điều tra tình hình sử dụng đất tại Cồn Thới Trung, hiện nay có 15 hộ dân đang quản lý sử dụng với 94 nhân khẩu thì phần lớn các hộ dân đều có nguyện vọng phần Cồn Thới Trung giao về cho tỉnh Bến Tre quản lý, vì đa số người dân sinh sống trên Cồn đều là người dân Bến Tre. Đồng thời, các hộ dân này đều có đất và nhà trên địa bàn huyện Bình Đại. Do đó, việc liên hệ giải quyết các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính và sinh hoạt sẽ thuận tiện hơn. Các hộ đều đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét phân định rõ địa giới hành chính để người dân yên tâm sản xuất.
Qua công tác nghiên cứu thực tế tại hai xã Bình Thới và Định Trung, trước thực trạng về việc giải quyết địa giới hành chính của Cồn Thới Trung giữa huyện Bình Đại và huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy rằng:
Một là, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm xem xét phân định địa giới hành chính để người dân sống và canh tác trên Cồn yên tâm đầu tư, sản xuất phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Hai là, cơ quan có thẩm quyền cần tham khảo nguyện vọng của người dân đang sống và canh tác trên Cồn Thới Trung để biết việc quản lý phần Cồn thuộc về Bến Tre hay Tiền Giang, từ đó đưa ra quyết định hợp lý, hợp tình tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các hộ dân ở trên Cồn sinh hoạt thuận tiện hơn.
Ba là, cần xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã sử dụng đất trên Cồn ổn định lâu dài. Vì các hộ dân này đã đầu tư rất nhiều công sức, tài sản để định cư, thai khác tài nguyên trên Cồn nên cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bốn là, cần mở các cuộc điều tra nắm lại hoàn cảnh kinh tế các hộ đang sử dụng đất Cồn Thới Trung để có những giải pháp kịp thời hướng dẫn người dân thai khác có hiệu quả phần đất đã sử dụng góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho các hộ dân.
Phát triển kinh tế cần gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Ngược lại, việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội phải phù hợp với thực tế, trên cơ sở hiện thực của đời sống kinh tế - xã hội, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, để phát triển tiềm năng của Cồn Thới Trung, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng phân định rõ địa giới hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân an cư, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
ThS. Phan Văn Thuận - ThS. Nguyễn Thị Thùy Giao