Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Bến Tre với việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Đảng bộ Bến Tre

Bến Tre được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt” - nơi sinh ra và nuôi dưỡng những người con ưu tú, tài ba; nhiều danh nhân có trình độ học vấn uyên thâm; nhiều chiến sĩ anh hùng mà những tên tuổi của họ đã làm rạng danh cho quê hương,...Đặc biệt, Bến Tre đi vào lịch sử bằng phong trào Đồng khởi với sự ra đời của đội quân tóc dài, cùng tên tuổi của nữ tướng Nguyễn Thị Định, người "tướng quân gái" mà Bác Hồ phong tặng đã làm rạng rỡ quê hương xứ dừa Bến Tre.

Với truyền thống lịch sử - văn hóa ấy, từ khi ra đời đến nay đã hơn 83 năm, kể từ ngày Chi bộ Tân Xuân được thành lập (cuối tháng 4/1930), Đảng bộ Bến Tre đã khẳng định vị trí, vai trò của mình trong vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà viết nên những trang sử hào hùng cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre tiếp tục phát huy truyền thống “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”, vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quê hương. Với tinh thần đó, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đang tiếp tục phát huy cao độ truyền thống Đồng khởi năm xưa, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước với tinh thần “Đồng khởi mới”, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Bến Tre từng bước trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững mạnh về quốc phòng - an ninh.

Tiền thân là Trường Cán bộ Việt Minh, trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Trần Phú và Trường Hành chánh tỉnh, Trường Chính trị Bến Tre có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở; trưởng, phó phòng huyện và các ban ngành cấp tỉnh; cán bộ dự nguồn các chức danh trên. Đồng thời, Trường còn thực hiện nhiệm vụ tham gia nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn ở tỉnh nhà và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân tỉnh. Trong đó, Khoa Xây dựng Đảng là một bộ phận giúp việc cho Ban Giám hiệu có chức năng nghiên cứu và giảng dạy các học phần: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lý luận cơ bản về Đảng Cộng sản; Đường lối cách mạng Việt Nam; Quốc phòng an ninh; Nghiệp vụ công tác Đảng; Tình hình và nhiệm vụ địa phương. Ngoài ra, Khoa còn tham gia quản lý và giảng dạy các lớp bồi dưỡng thuộc khối Đảng theo sự phân công của Ban Giám hiệu.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu và truyên truyền lịch sử, nhất là lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ; nhằm giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn những truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân của tỉnh nhà, nâng cao hơn nữa niềm tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý giá của lịch sử vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của địa phương; Trường Chính trị luôn quan tâm và đưa phần lịch sử Đảng bộ địa phương vào chương trình đào tạo của Trường một cách phù hợp và ngày càng hiệu quả.

Trước đây, trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trường được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Khoa Xây dựng Đảng đã tổ chức giảng dạy cho các lớp chuyên đề “Lịch sử Đảng bộ Bến Tre” gắn với môn “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” cho các lớp trung học chính trị. Đặc biệt, ngày 11/12/ 2002, Vụ Các Trường Chính trị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hướng dẫn thực hiện chương trình Trung cấp l‎ý luận chính trị (12 tháng) thì bài “Lịch sử Đảng bộ Bến Tre” được giảng dạy trong một môn học riêng là: “Tình hình và nhiệm vụ địa phương”. Hiện nay, thực hiện Kế hoạch số 32 ngày 28/11/2008 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện Thông báo Kết luận số 181-TB/TW và Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa X về việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị đã giảng dạy bài “Lịch sử Đảng bộ Bến Tre” trong phần học “Tình hình và nhiệm vụ địa phương” của chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại trường. Trong giảng dạy, Khoa đề xuất và mời những báo cáo viên nhiệt tình, có nhiều tâm huyết với công tác lịch sử Đảng, trực tiếp tham gia và chỉ đạo công tác nghiên cứu tổng kết lịch sử Đảng bộ. Ngoài ra, Khoa còn tổ chức cho học viên nghiên cứu lịch sử Đảng bộ cũng như các giá trị lịch sử - truyền thống - văn hóa và thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội -  an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà thông qua việc tham quan Bảo tàng tỉnh Bến Tre.

Mặt khác, cán bộ giảng viên của Khoa còn tham gia tích cực công tác nghiên cứu l‎ý luận, nhất là nghiên cứu thực tiễn công tác xây dựng Đảng và phong trào cách mạng sôi nổi của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà trong cuộc “Đồng khởi mới”. Qua đó, bổ sung vào các bài giảng, góp phần tuyên truyền các kinh nghiệm quý, cách làm hay trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.

Đặc biệt, trong năm học 2012-2013, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, Khoa Xây dựng Đảng đã xây dựng kế hoạch và biên soạn tập “Tài liệu học tập” phần “Tình hình và nhiệm vụ địa phương” (gồm có 4 chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Lịch sử Đảng bộ Bến Tre”) làm tài liệu giảng dạy và học tập ở trường.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng bộ nói riêng, phần “Tình hình và nhiệm vụ địa phương” nói chung còn gặp một số khó khăn, nhất là về thời lượng và các tư liệu phục vụ giảng dạy và học tập,...cho cả giảng viên và học viên.

Vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất là, Trường Chính trị cần kiến nghị để tăng thêm thời lượng cho cả phần học và thời lượng cho bài “Lịch sử Đảng bộ Bến Tre” tương xứng với nội dung và ý nghĩa của nó. Trên cơ sở đó, điều chỉnh và chính thức bổ sung nội dung nghiên cứu, tham quan Bảo tàng tỉnh hoặc một số Di tích lịch sử-văn hóa của tỉnh cho học viên.

Thứ hai là, Tỉnh cần tiến hành nghiên cứu tổng kết việc thực hiện NQ 07 của Tỉnh ủy về cuộc “Đồng khởi mới” và tiếp tục nghiên cứu để sớm bổ sung và tái bản quyển “Lịch sử Đảng bộ Bến Tre” để tạo cơ sở thống nhất trong giảng dạy và học tập ở Trường thuận lợi hơn.

Lịch sử dân tộc ta, lịch sử Đảng ta cũng như lịch sử Đảng bộ Bến Tre là lịch sử của quá trình đấu tranh kiên cường bất khuất của các thế hệ trong việc thực hiện 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương. Quá trình ấy là cả một “pho lịch sử bằng vàng”. Với tư cách là một khoa chức năng của Trường Chính trị, Khoa Xây dựng Đảng cần phải tiếp tục phấn đấu nghiên cứu và rèn luyện không ngừng để nâng cao cả về trình độ kiến thức lẫn phương thức truyền đạt; đồng thời tích cực tham mưu đề xuất trong việc cải tiến nội dung chương trình cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Ngoài ra khoa và nhà trường còn cần sự phối hợp và hợp tác giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và lãnh đạo các cấp, nhất là phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Bảo tàng tỉnh để công tác nghiên cứu và giảng dạy, truyên truyền lịch sử Đảng bộ ngày càng chất lượng và hiệu quả; góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ của nhà trường và nhất là Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam./.

ThS Phan Văn Thuận
                                                                                       Trưởng khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh