Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị Bến Tre với công tác nghiên cứu thực tế

Nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, trang bị kỹ năng và kiến thức thực tế, Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Bến Tre đã xây dựng kế hoạch và tiến hành đi nghiên cứu ở một số xã trong và ngoài tỉnh.

Trong năm 2011, Khoa đã đi tham quan, nghiên cứu một số Khu di tích lịch sử ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và An Giang. Đoàn đi thực tế gồm các đồng chí giảng viên trong khoa và đồng chí Trần Trung Dung, Phó Hiệu trưởng. Qua 3 ngày thực tế, được sự hướng dẫn nhiệt tình của Trường Chính trị Tiền Giang, Trường Chính trị tỉnh An Giang và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, đoàn đã đến một số di tích lịch sử như: “Di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi nghĩa và đền thờ bà Nguyễn Thị Thập”, “Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc” ở tỉnh Tiền Giang; “Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” (Cù lao Ông Hổ), tỉnh An Giang; “Khu Di tích Lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” và “Căn cứ Xẻo Quýt” tỉnh Đồng Tháp. Qua tham quan các khu di tích lịch sử giúp giảng viên trong Khoa hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và hoạt động của các nhân vật lịch sử cũng như những sự kiện, những giá trị truyền thống của Đảng và của dân tộc. Đây là bài học bổ ích để đội ngũ giảng viên nâng cao hơn nữa lòng yêu nước và niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc; đồng thời bổ sung kiến thức và mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, giảng dạy.

Thầy Trần Trung Dung,  Phó Hiệu trưởng trường cùng Khoa Xây dựng Đảng đi tham quan khu di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi nghĩa tỉnh Tiền Giang

Thầy Trần Trung Dung,  Phó Hiệu trưởng trường cùng Khoa Xây dựng Đảng đi tham quan khu di tích lịch sử Nam Kỳ Khởi nghĩa tỉnh Tiền Giang

Bên cạnh đó, Khoa còn tổ chức cho giảng viên thâm nhập thực tế tại các xã trong tỉnh như xã Thành Thới A, xã Bình Khánh Tây của huyện Mỏ Cày Nam; xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại nhằm nghiên cứu mô hình và kết quả bước đầu việc “Thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân”; đồng thời nắm bắt một số đặc điểm, tình hình công tác xây dựng Đảng ở các đơn vị cơ sở nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức thực tiễn, thực hiện chủ trương gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy của đội ngũ giảng viên.

            Công tác nghiên cứu thực tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người giảng viên và là dịp để đội ngũ giảng viên hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh của Đảng, dân tộc và thực tiễn cách mạng sinh động. Qua đó, từng giảng viên tự hoàn thiện và nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tình cảm cách mạng,...góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Nguyễn Thị Thùy Giao
                                                        Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh