Bao trùm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phấn đấu, hy sinh cho độc lập và thống nhất của tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân ta. Đúng là phải có tâm, có đức mới có thể “hy sinh tất cả chỉ quên mình”, nhưng cũng cần phải có ý chí và nghị lực phi thường mới có thể cống hiến cả tuổi trẻ, cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại như Bác Hồ kính yêu…Tuổi trẻ của Bác Hồ là tấm gương cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam kế tục sự nghiệp của Người, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho nhân dân và cho đất nước, mãi mãi noi theo.
Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử Việt Nam có những biến đổi hết sức to lớn. Thực dân Pháp xâm lược và biến nước ta từ một nước độc lập thành một xứ thuộc địa nửa phong kiến với yêu cầu bức thiết và cháy bỏng là: “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Chế độ phong kiến Việt Nam cùng với hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng tỏ ra bất lực trước yêu cầu của công cuộc chống ngoại xâm vì nền độc lập dân tộc. Trong nội bộ giai cấp địa chủ phong kiến có sự phân hóa sâu sắc. Triều đình nhu nhược, cam chịu làm tay sai cho thực dân. Vì vậy, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta theo ý thức hệ phong kiến (tiêu biểu là phong trào Văn Thân và phong trào Cần Vương) lần lượt đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu.
Sự tác động của tư tưởng tiến bộ ở phương Tây cũng như cuộc cách mạng Tân Hợi và cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, làm dấy lên các phong trào yêu nước chống Pháp theo khuynh hướng dân chủ tư sản như phong trào Đông Du (Phan Bội Châu), Đông Kinh Nghĩa Thục (Lương Văn Can, Nguyễn Quyền), Duy Tân (Phan Chu Trinh),...nhưng cuối cùng cũng đều bị thất bại.
Thất bại của các cụ Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…nói lên một sự thật lịch sử là: Không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Các đường lối và phương pháp này đều không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống thế giới. Con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bị bế tắc. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đang đòi hỏi được đổi mới. Cách mạng Việt Nam đặt ra và yêu cầu phải có con đường cứu nước mới.
Hai mươi mốt tuổi, Bác đi từ bến cảng Nhà Rồng tìm một con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Với tên gọi “Văn Ba”, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Khi nhiều người đang ngoảnh nhìn về phương Đông với sự ngưỡng mộ “người anh cả da vàng”, Nhật Bản - một đế quốc mới ở châu Á đã chiến thắng nước Nga Sa hoàng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905; hay ngưỡng vọng bác sĩ Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa “Tam dân” nổi tiếng và cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc thì Nguyễn Tất Thành tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, đến nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” đã từng làm rung động lòng mình khi còn ở tuổi thiếu niên. Người ra đi và muốn đến tận nơi sinh ra những lý tưởng cao đẹp đó để tìm hiểu xem thực chất của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của đại cách mạng Pháp.
Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của một lãnh tụ thiên tài, với hai bàn tay trắng và một nghị lực phi thường, Người xuống tàu Pháp sang “mẫu quốc” để tìm hiểu sự thật về sự “khai hóa văn minh” ở Việt Nam của người Pháp, tìm xem “nước Pháp và các nước khác làm như thế nào để về giúp đồng bào ta”… Người đi là để tìm cho ra một con đường giải phóng cho dân tộc, cứu lấy giống nòi. Hai mươi hai tuổi, đi vòng quanh và đặt chân lên nhiều vùng đất ở châu Phi, Người vẫn chỉ thấy cảnh nô lệ bần hàn, đói khát và tủi nhục. Hai mươi ba tuổi, từ những câu hoa mỹ trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ, Người đến Hoa Kỳ, đã sống ở New York, Bruklin,…để tìm ra sự thật của những lời hoa mỹ ấy.
Sự thật của “Tự do” tại đất nước được mệnh danh là số một của “Tự do” thật phũ phàng khi Người đặt câu hỏi: Ánh sáng trên đầu Thần (Thần Tự Do) tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần, người da đen đang bị nô lệ, các dân tộc bị áp bức đang bị nô lệ, người phụ nữ đang bị nô lệ…
Năm 1917 Người trở lại Pháp, đầu năm 1919 tham gia Đảng xã hội Pháp, Tháng 7/1920, Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy chân lý giải phóng dân tộc từ bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Tháng 12 năm 1920, Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp với tư cách là thành viên sáng lập rồi tìm đường về nước. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, không có khó khăn, gian khổ nào ngăn được quyết tâm cháy bỏng của Người, không có sự giàu sang phú quý nào mua chuộc được Người, không có uy vũ nào làm lung lay ý chí cứu nước của Người. Những năm tháng ấy, Người chưa bao giờ quên nghĩ về vận mệnh đất nước, dân tộc kể cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ của mình: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” (Chế Lan Viên). Những năm tháng ấy, Bác “được” Bộ Thuộc địa Pháp và cảnh sát Pháp “chăm sóc” khá đặc biệt. Albert Saraut - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp đã hai lần gọi Bác lên gặp và từ hăm dọa đến mua chuộc nhưng những câu trả lời của Bác vẫn khẳng định chân lý của cả cuộc đời Người: Cảm ơn ông, những cái tôi cần đó là độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, ông không thể cho tôi được…
Tuổi trẻ của Bác Hồ, tuổi trẻ của một nghị lực, một quyết tâm cháy bỏng và ý chí phi thường nhưng hết sức chân thực và cụ thể để tìm đến một con đường giải phóng cho dân tộc. Cách đây 103 năm, cả dân tộc lúc đó còn đang rên xiết dưới ách thực dân. Tất cả các con đường giải phóng đều bế tắc. Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của thời cuộc, những hạn chế của lịch sử, Bác đã đi, đã tìm, đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình và đã tìm thấy con đường đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường giải phóng chân chính cho dân tộc, con đường định hướng cho nhân loại tiến bộ. Từ ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, từ sự thôi thúc của lòng yêu nước cháy bỏng, từ yêu cầu bức thiết của đất nước và dân tộc, Người đã đi, đã học tập và tìm hiểu không ngơi nghỉ để gom góp, tích lũy trí tuệ, tinh hoa của nhân loại nhằm phục vụ cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Người đã sống và cống hiến cho dân tộc, đất nước, sự nghiệp này cả cuộc đời mình. Con đường Người tìm ra cho dân tộc ta là con đường cách mạng vô sản, là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh, con đường để “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hôm nay, từ ý chí và nghị lực, từ quyết tâm và lòng dũng cảm, từ hoài bão và di sản tư tưởng của Người…; chúng ta tin tưởng rằng: Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự “đoàn kết một lòng” của “toàn Đảng, toàn dân”, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đường hoàng “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Người hằng mong ước./.
Thạc sĩ Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Xây Dựng Đảng