Tọa đàm - Hội thảo khoa học

Ngày Đăng :

Tổng thuật và kết luận hội thảo khoa họcnâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị

(Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy)

Kính thưa:- Đồng chí TS. Lê Xuân Tạo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV,

                   - Các đồng chí đại biểu lãnh đạo các trường chính trị trong khu vực,

                   - Các đồng chí đại biểu tham dự Hội thảo.

Sau 01 buổi làm việc khẩn trương, khoa học, trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Hội thảo có chủ đề, nội dung thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, phục vụ ngay cho công tác tham mưu, đề xuất, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết phát triển địa phương.

Ban Tổ chức đã nhận được 09 tham luận của các trường chính trị thuộc cụm thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Sở Khoa học và công nghệ tỉnh. Tại cuộc Hội thảo hôm nay, chúng ta đã nghe 6 ý kiến phát biểu của các trường trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, 2 ý kiến phát biểu thảo luận thêm tại hội trường. Qua nội dung tham luận của các trường, cho thấy mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, đánh giá, tổng kết những mặt được, chưa được trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của từng trường chính trị ở các địa phương, phân tích nguyên nhân, rút ra kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị trước yêu cầu mới.

Tại cuộc Hội thảo hôm nay, chúng ta có thể rút ra một số nội dung có tính chất tổng kết như sau:

- Đa số các ý kiến đều thống nhất đánh giá, nhận định là trong những năm gần đây, các trường chính trị trong khu vực đã có sự chuyển biến tích cực đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc hội thảo, tọa đàm, đề tài khoa học do các Trường Chính trị thực hiện được nâng cao hơn về chất lượng.

- Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, các trường đã thu hút được nhiều nhà khoa học quan tâm với số lượng bài viết và nhiều ý kiến đóng góp, giao lưu trao đổi, chia sẻ xung quanh các chủ đề với nhiều kiến thức thực tiễn phong phú từ các địa phương, các sở, ban, ngành trong tỉnh; các trường chính trị bạn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, các Trường Chính trị đã thu nhận được nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực, có điều kiện để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy những vấn đề thực tiễn, góp phần xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thông qua các hội thảo, các trường chính trị nâng cao hơn nhận thức và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt chức năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường; giúp các giảng viên của trường không chỉ có thêm kinh nghiệm viết bài tham luận tham gia hội thảo khoa học các cấp; có thêm công trình nghiên cứu khoa học cho bản thân, có điều kiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức thực tiễn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy; đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường chính trị, đáp ứng yêu cầu của trường và địa phương.

- Các tham luận cũng chỉ ra những hạn chế nhất định trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị đó là nhận thức và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị chưa đồng bộ với nhiệm vụ đào tạo; từ đó dẫn đến thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa đồng đều và chưa hiệu quả; chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; chưa sát với yêu cầu tổng kết thực tiễn của địa phương; chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn một cách thiết thực để có tư vấn, đề xuất Tỉnh ủy ban hành những chủ trương, cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Từ yêu cầu của thực tiễn và đặc biệt là yêu cầu hướng đến xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1, mức 2 phải đảm bảo các tiêu chí cụ thể về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phải bằng những công trình, sản phẩm về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ đảm bảo chất lượng. Tại cuộc Hội thảo hôm nay để góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các Trường Chính trị, đa số các đại biểu thống nhất đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đội ngũ giảng viên các trường về tầm quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học. Bởi công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ trước hết là cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy lý luận, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp luận cứ khoa học, làm cơ sở cho việc tham mưu, tư vấn chính sách đối với địa phương. Mỗi giảng viên cần xác định nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn là một nhiệm vụ, do đó cần tích cực, chủ động hơn trong hoạt động này, qua đó cũng góp phần nâng cao năng lực tư duy, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho người giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị; đồng thời nâng tầm các trường chính trị thật sự là trung tâm nghiên cứu khoa học ở các địa phương.

Thứ hai, tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ song hành của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Quy định số 09-QĐi/TW của Ban Bí thư ngày 13/11/2018. Do vậy, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với trường chính trị; cụ thể là đặt hàng về các công trình, đề tài nghiên cứu đối với trường chính trị, giao nhiệm vụ tổng kết thực tiễn; ngoài ra cần định kỳ gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin đối với giảng viên trường chính trị; tạo điều kiện cho giảng viên, viên chức tham dự các cuộc họp của tỉnh, kể các các cuộc họp của ban chấp hành đảng bộ tỉnh, ban chấp hành đảng bộ huyện, cùng tham gia đi thực tế để giúp giảng viên nắm bắt thực tiễn nhiều hơn.

Thứ ba, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố tạo điều kiện hơn nữa đối với các trường chính trị trong khâu phê duyệt nội dung đề tài trong tỉnh, tích cực hơn trong việc định hướng và gợi mở một số chủ đề để trường tham gia tổng kết thực tiễn gắn với thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thành phố; đề xuất với Hội đồng Khoa học tỉnh, thành phố, Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ tổng kết thực tiễn cho Trường Chính trị ở từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ tư, lãnh đạo các trường chính trị cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học của tỉnh, nhất là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh, tổ chức các hội thảo khoa học cấp tỉnh. Quan tâm và thực hiện tốt hơn việc quán triệt, truyền cảm hứng, gợi mở, lựa chọn và tạo cơ hội, điều kiện đối với lực lượng giảng viên, viên chức đủ năng lực, có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn của tỉnh. Bám sát, nắm vững chiến lược phát triển địa phương, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố các nhiệm kỳ, nghị quyết tỉnh ủy, thành ủy hàng năm; tình hình thực tiễn của địa phương; các chương trình phát triển của địa phương;…để chủ động đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn;… phục vụ cho tỉnh, thành phố. Ví dụ có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu thực hiện nghị quyết 18, 19, 20, 21 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về xây dựng đảng, quản lý đất đai, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể; về liên kết vùng, tiểu vùng; chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; hay quy hoạch lại các trường đào tạp sau phổ thông của tỉnh; về phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng mới; thích ứng và phòng chống biến đổi khí hậu; phát triển đô thị….

Chủ động liên hệ và thực hiện công tác phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cùng thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn gắn với thế mạnh của trường. Đồng thời phối hợp với các Học viện, các trường đại học trong khu vực tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ.

Có kế hoạch bồi dưỡng lực lượng giảng viên, viên chức có năng lực thực hiện nhiệm vụ bởi thông qua đó viên chức, giảng viên trường chính trị học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm với các trường chính trị có cách làm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn ở địa phương và nghiên cứu khoa học.

Tập trung xây dựng kế hoạch, đề xuất nhiệm vụ tổng kết thực tiễn địa phương đáp ứng yêu cầu không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo - bồi dưỡng của trường mà gắn với đề xuất việc hoạch định chủ trương, chính sách, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở địa phương. Thật sự tạo bước chuyển mới để nâng cao vị thế của trường chính trị là trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh, của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Thưa các đồng chí!

Đánh giá chung cuộc Hội thảo hôm nay đã thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng sau cuộc Hội thảo hôm nay, từ những vấn đề rút ra mặt được, chưa được và giải pháp được các tham luận đề xuất, công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị nói chung, Trường Chính trị Bến Tre nói riêng sẽ khởi sắc và gặt hái được nhiều thành tựu thiết thực, không chỉ đáp ứng yêu cầu về tiêu chí của Trường Chính trị chuẩn, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị mà còn góp phần đề xuất ban hành những cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị địa phương trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian đến dự góp phần quan trọng cho thành công của Hội thảo.

Kính chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ngày Đăng :

Nhân dịp Công đoàn cơ sở Trường Chính trị tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: Công đoàn cơ sở Trường Chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2011 của Tỉnh ủy Bến Tre “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Tôi xin tham gia phát biểu bài tham luận với nội dung “Nhiệm vụ của người công chức - giảng viên Trường Chính trị tỉnh đối với việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng nông thôn mới”.

Ngày 5 tháng 8 năm 2008, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 7 (khóa X) họp từ ngày 9 đến ngày 17 tháng 7 năm 2008 đã thảo luận và thông qua. Ngày 28 tháng 10 năm 2008, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ở Bến Tre, xây dựng nông thôn mới là một trong những mục tiêu chủ yếu đã được thông qua trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015). Cụ thể là “Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, các xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới” với giải pháp thực hiện là “tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ở khắp các xã trong tỉnh, nhất là tiêu chí về giáo dục, y tế, xây dựng hệ thống nông thôn…”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2011 “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua “Đề án tổng thể xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu như sau:

Điều 1. Quan điểm

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đóng vai trò lãnh đạo, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận đóng vai trò nòng cốt trong vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện.

Xây dựng nông thôn mới phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí, kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng.

a) Mục tiêu chung

 Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, tiến bộ, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế hợp lý, các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và du lịch; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; trình độ dân trí được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015, toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm: Nhơn Thạnh, Sơn Đông, Phú Nhuận (thành phố Bến Tre); Sơn Định, Tân Thiềng, Phú Sơn (huyện Chợ Lách); Hữu Định, Quới Sơn, Thành Triệu (huyện Châu Thành); Tân Thanh Tây, Tân Phú Tây, Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc); Mỹ Nhơn, Tân Thuỷ (huyện Ba Tri); Phú Long, Long Hoà, Phú Thuận (huyện Bình Đại); Châu Bình, Hưng Lễ, Lương Quới (huyện Giồng Trôm); An Thới, Cẩm Sơn, Định Thuỷ (huyện Mỏ Cày Nam); Quới Điền, Đại Điền (huyện Thạnh Phú).

Đến năm 2020, các xã còn lại cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Điều 2. Các giải pháp chủ yếu

1. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

2. Đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống văn hoá - xã hội trên địa bàn xã; chỉnh trang bộ mặt nông thôn, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững.

3. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý theo hướng gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ - du lịch.

4. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, an sinh xã hội; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

6. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới cho cộng đồng dân cư.

Điều 3. Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới

Vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương,  vốn tín dụng, vốn xã hội hoá từ các nguồn vận động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.

Việc phân bổ và phân kỳ huy động vốn cho từng giai đoạn, từng năm, từng tiêu chí Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất trong niên độ ngân sách hàng năm.

Điều 4. Tiến độ thực hiện

- Năm 2012: Các xã đồng loạt triển khai đề án xây dựng nông thôn mới.

- Năm 2013 có 05 xã đạt: Phú Nhuận, Châu Bình, Sơn Định, Hữu Định  và Quới Sơn.

- Năm 2014 có 09 xã đạt: Nhơn Thạnh, Sơn Đông, Hưng Lễ, Lương Quới, Định Thuỷ, Phú Sơn, Mỹ Nhơn, Tân Thủy, Thành Triệu.

- Năm 2015 có 11 xã đạt: Tân Thanh Tây, Tân Phú Tây, Tân Thành Bình, Phú Long, Đại Điền, Quới Điền, An Thới, Cẩm Sơn, Long Hoà, Phú Thuận, Tân Thiềng. Các xã còn lại đạt ít nhất 08 tiêu chí.

Đến năm 2020: Các xã còn lại cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Việc xây dựng nông thôn mới đối với cả nước nói chung và ở Bến Tre nói riêng phải đảm bảo những quan điểm của Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) trong đó có quan điểm:“Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và giải pháp “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân”. 

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn; củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp huyện, xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức xã. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. 

Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trường Chính trị Bến Tre thực hiện theo QĐ số 184/-QĐ/TW ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc TW:

Điều 1. Vị trí, chức năng

- Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành ủy.

- Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác.

Điều 2. Nhiệm vụ

1- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; cán bộ dự nguồn các chức danh trên; cán bộ, công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước và một số lĩnh vực khác.

2- Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương.

3- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở.

4- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội đồng nhân nhân cấp xã, cấp huyện.

5- Đào tạo tiền công vụ đối với công chức dự bị; bồi dưỡng chuyên viên và các chức danh tương đương.

6- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc Trung ương hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

7- Tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, cơ sở.

8- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoài các đối tượng đã nêu trên theo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Ngày 20 tháng 7 năm 2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới tỉnh Bến Tre. Bộ tiêu chí nông thôn mới có tất cả 19 tiêu chí. Trong đó có tiêu chí thứ 18:

18

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội  vững mạnh

18.1. Cán bộ xã đạt chuẩn.

Đạt

18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.

Đạt

18.3. Đảng bộ, Chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”.

Đạt

18.4. Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.

Đạt

Với tiêu chí này ta có thể nhận thức nội dung sau:

Một là, hệ thống tổ chức chính trị xã hội ở xã bao gồm:

- Tổ chức Đảng: Đảng bộ xã và các chi bộ ấp; các chi bộ ở các ngành thuộc xã và đơn vị đóng trên địa bàn sinh hoạt tại xã.

- Chính quyền: Uỷ ban nhân dân xã, các trưởng ấp.

-  Đoàn thể chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh xã và các chi hội ở  ấp.

Hai là, có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định là tất cả các ấp đều có các tổ chức “chân rết” của các cơ quan đoàn thể xã theo quy định như: Các chi bộ đảng, các chi hội, trưởng ấp. Không có tình trạng để “trắng” các tổ chức này ở các ấp.

Ba là, cán bộ xã đạt chuẩn

- Cán bộ xã được nêu ở tiêu chí này bao gồm cán bộ, công chức xã theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

+ Cán bộ xã đạt chuẩn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã quy định tại quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao quy định tại quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bốn là, Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”.

+ Đảng bộ hoặc chi bộ cơ sở “Trong sạch, vững mạnh” phải đảm bảo 05 yêu cầu theo quy định. 

+  Chính quyền “Trong sạch, vững mạnh” phải đảm bảo 07 yêu cầu theo quy định. 

Năm là, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên theo quy định của từng tổ chức.

Nêu lên hai vấn đề từ chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị, với những nội dung cụ thể trong tiêu chí 18 của bộ tiêu chí xã nông thôn mới để mỗi đồng chí chúng ta vừa với tư cách người công chức - công đoàn viên; vừa với tư cách người giảng viên của Trường Chính trị; vừa với tư cách người đảng viên nhận thức rõ hơn nhiệm vụ của mình trong việc góp phần thực hiện thắng lợi: Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2011 “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”.

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2011 “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” có nêu một trong các nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu: “7. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Hội Nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức chính trị cho cán bộ cơ sở. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ ấp, khu phố, để nơi đây thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện ở địa bàn nông thôn. Chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước vững mạnh, tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã, bảo đảm đủ sức quản lý, điều hành và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh ở nông thôn. Rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ cơ sở để quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc, cải tiến lề lối công tác, xây dựng ý thức phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở. Phân công cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới ở các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã; thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Khối vận ở cơ sở, thực hiện tốt quy chế dân vận để tạo ra phong trào quần chúng mạnh mẽ, rộng khắp, tích cực tham gia vào các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới. Củng cố, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ nhân dân tự quản để vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình tham gia công việc chung của cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Hội Nông dân phải không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở để hướng dẫn nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tham gia thực hiện các chủ trương về kinh tế hợp tác, các dự án, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Do đó, trong mỗi chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Trường, tập trung góp phần với các xã thực hiện tiêu chí 18 của xã nông thôn mới.

Xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ kiến thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đây là yếu tố quyết định nhất để  xây dựng nông thôn mới và mục tiêu  để Trường Chính trị Bến Tre nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình hiện nay và đó cũng là nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh trong việc góp phần mình vào thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 2/8/2011 “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Do đó, đây phải là trách nhiệm và nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và đội ngũ giảng viên, những công đoàn viên Trường Chính trị tỉnh Bến Tre./.

Thạc sĩ Nguyễn Trung Dương
                                           Tỉnh ủy viên - Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng TCT

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh