Hoạt động dạy và học hay đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị-hành chính ở các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình tổ chức, giáo dục, truyền bá một cách cơ bản, có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước…cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và dự nguồn của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở của địa phương. Từ đó, hình thành ở người học thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan cộng sản; nâng cao trình độ tư duy lý luận, năng lực lãnh đạo, quản lý và phẩm chất đạo đức cách mạng tạo nên bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin vững chắc vào mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa và tinh thần tự giác, tích cực trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Trong những năm qua, hoạt động dạy học ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đã từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức quản lý…đã thu được những tiến bộ đáng nghi nhận, chất lượng đào tạo chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Học viên sau khi tốt nghiệp đã phát huy tốt năng lực, vận dụng tốt kiến thức đã học và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhìn chung hoạt động dạy học Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đã đạt những thành tựu đáng trân trọng về chất lượng đào tạo cán bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp trong tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động dạy học ở Trường Chính trị tỉnh Bến Tre còn bộc lộ những bất cập, hạn chế: Hiệu quả chưa cao, chưa có sự đồng đều về kết quả học tập giữa các môn học, phần học, giữa các học viên cùng lớp, học viên các hệ lớp chưa có sự ổn định cần thiết…
Hiện nay chúng ta còn phải đương đầu với không ít khó khăn và thách thức. Cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp vẫn đang diễn ra hết sức sâu sắc và quyết liệt. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân, ra sức xuyên tạc lịch sử dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước, chúng tấn công vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng và cách mạng nước ta. Cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ đang phát triển như vũ bão, trong khi trình độ nhận thức, trình độ trí tuệ của chúng ta còn nhiều hạn chế, không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được tổng kết hoặc chưa đủ cơ sở để làm sáng tỏ, cho nên còn những ý kiến khác nhau.
Tự học có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học ở các trường, riêng đối tượng học các môn lý luận chính trị, tự học càng có ý nghĩa hơn, bởi vì có nhiều môn học mang tính trừu tượng cao, lượng tri thức và thông tin nhiều, rộng, luôn biến đổi. Do đó, các môn lý luận chính trị luôn được đánh giá khó đối với mọi người học, vì vậy chỉ nghe giảng trên lớp là chưa đủ mà phải kết hợp với quá trình tự học một cách tích cực, tự giác và khoa học mới có thể lĩnh hội sâu sắc và toàn diện.
Tự học giúp phát huy tính tự giác, tích cực, năng lực đọc sách và nghiên cứu của người học để thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở các trường, biến “quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của học viên”. Do đó, tổ chức tốt việc tự học cho học viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết. Tự học là quá trình nhận thức một cách tự giác, tích cực, tự lực không có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của giáo viên nhằm đạt được mục đích, nhiệm vụ của dạy học. Vì vậy, tự học chính là bước giúp học viên đào sâu suy nghĩ, hệ thống lại những tri thức đã được học, liên hệ nó với các hoạt động, biểu hiện trong thực tế và xây dựng kế hoạch nghiên cứu tài liệu sao cho những điều mình biết luôn có ích và không xa rời hiện thực.
Phần lớn học viên các hệ lớp đào tạo Trung cấp lý luận Chính Trị - Hành chính nhất là những học viên chưa được đào tạo chuyên môn từ Cao đẳng trở lên, thường không tiến hành các hoạt động tự học một cách hợp lý, khoa học. Chỉ đến khi bắt buột phải học bài để kiểm tra hoặc thi hết môn mới bắt đầu học những nội dung theo câu hỏi ôn tập. Nhiều học viên không tự chuẩn bị nội dung ôn tập mà photo lại của người khác nên rất khó học thuộc. Thực tế cho thấy khi bước vào phòng thi nhiều học viên chỉ có thể nắm được rất ít nội dung ôn thi (học tủ), nếu đề thi “trật tủ” thì chép bài của người khác hoặc sử dụng tài liệu để làm bài.
Nâng cao nhận thức cho giảng viên, chủ nhiệm lớp và học viên chủ yếu là học viên các hệ lớp chưa qua đào tạo chuyên môn từ Cao đẳng trở lên về vấn đề tự học. Vì nhận thức nói chung là một thành tố trong cấu trúc tâm lý, nhân cách của con người, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối hoạt động của con người, chỉ có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động tự học của học viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, trước hết cần nâng cao nhận thức về nội dung, mục tiêu, ý nghĩa và tác dụng của vấn đề tự học cho đội ngũ giảng viên, chủ nhiệm lớp và học viên; xem đây là giải pháp hàng đầu và cần được thực hiện một cách thường xuyên.
Đối với giảng viên giảng dạy những môn đầu tiên của khóa học và đội ngũ chủ nhiệm các lớp cần nắm rõ tác dụng và ý nghĩa của vấn đề tự học, ngay từ đầu khóa học cần giúp học viên các lớp hình thành ý thức tự học và tổ chức tự học một cách tích cực, tự giác. Kết hợp lòng ghép những nội dung hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tự học cho học viên trong quá trình giảng bài và sinh hoạt lớp. Chú ý tăng cường giáo dục động cơ, thái độ học tập cho học viên; hướng dẫn, chỉ đạo học viên xây dựng kế hoạch tự học.
Giảng viên bộ môn thiết kế bài giảng theo một chuỗi tình huống có vấn đề và hướng dẫn học viên tự giải quyết. Lồng ghép bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tự học cho học viên ngay trên lớp, tạo điều kiện cho học viên bộc lộ khả năng tự học như: Phân tích, tổng hợp, khái quát, trừu tượng hóa vấn đề; đồng thời bồi dưỡng phương pháp đọc sách, tóm tắt, hệ thống hóa tài liệu và phương pháp nghiên cứu nói chung.
Tác động, hướng dẫn và tạo điều kiện để từng học viên tự giác, độc lập xây dựng kế hoạch, phương pháp tự học phù hợp với bản thân. Tự năng động, tìm tòi, phân tích những sách vở, tài liệu liên quan để tự mình làm chủ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo ngoài giờ học trên lớp.
Đảm bảo các điều kiện tự học cho học viên như xây dựng phòng đọc thư viện, tăng cường các thiết bị nghe nhìn, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho hoạt động sinh hoạt ngoại khóa và nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài tỉnh.
Tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách nghiêm túc, công bằng, khách quan nhằm kích thích sự nỗ lực, sự cố gắng và lòng say mê học tập của học viên làm tăng ý thức tự học cho từng học viên. Ngoài ra cần chú ý tạo động lực học tập cho học viên thông qua việc: Đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức và điều khiển hợp lý các hoạt động học; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ học tập, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc học chương trình đào tạo Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính để hình thành động cơ học tập nói chung và ý thức tự học của học viên.
Vấn đề tự học có vai trò, ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Thực hiện tốt vấn đề tự học giúp học viên rèn luyện thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong công việc, trong cuộc sống, qua đó giúp họ tự tin hơn trong mọi hoạt động. Đội ngũ giảng viên, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm giúp học viên xây dựng ý thức tự học và tiến hành tự học đạt hiệu quả cao; nhà trường cần quan tâm tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để học viên gặp thuận lợi trong tự học. Nâng cao chất lượng, hiệu quả vấn đề tự học của học viên nhất định góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của địa phương./.