Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định số 168) được Chính phủ ban hành ngày 26/12/2024, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Nghị định 168 được ban hành thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định số 168 bao gồm 4 chương, 55 điều tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của người tham gia giao thông như: Không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ; đi ngược chiều; đi vào đường cấm, khu vực cấm; lùi xe, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy xe lạng lách, đánh võng … Trong đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt nhiều lần so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, như: vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 18-20 triệu đồng (tăng gần 4 lần); đi ngược chiều với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần)...

Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, Nghị định số 168 còn mang đậm tính nhân văn, thể hiện rõ nét qua những quy định về việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của người già, trẻ em như: quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ô tô. Những quy định này góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, xã hội văn minh cho tất cả mọi người. Quy định trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý của nhà nước, thúc đẩy mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Biện pháp này nhằm tác động tích cực đến hành vi, ý thức của người tham gia giao thông; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp tục điều khiển phương tiện khi có hành vi vi phạm giao thông. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức; lái xe có điểm kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được phục hồi điểm. Việc áp dụng các biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe, phục hồi điểm không những mang tính răn đe còn tạo cơ hội cho người vi phạm khắc phục sai lầm, hướng tới hành vi tham gia giao thông văn minh, an toàn hơn.

Việc tăng mức phạt, áp dụng các biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ là biện pháp hữu hiệu để tăng cường tính răn đe, buộc người tham gia giao thông phải nghiêm túc chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đây được xem là liều thuốc mạnh thay đổi thói quen, văn hóa tham gia giao thông của con người. Mục tiêu của Nhà nước khi ban hành Nghị định số 168 không phải là xử phạt, tăng mức xử phạt. Mục tiêu chính của Nghị định số 168 là bảo đảm an toàn giao thông, xây dựng văn hóa an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, tránh tình trạng coi thường pháp luật, “nhờn luật” vì mức xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe. Việc tăng mức phạt là công cụ hỗ trợ để Nhà nước thực hiện mục tiêu này. Mức phạt được điều chỉnh tăng chỉ không để xử lý vi phạm hành chính mà còn nhắc nhở và cảnh báo người tham gia giao thông về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, từ đó, tạo ra những tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của mọi người. Nếu người tham gia giao thông có ý thức chấp hành đúng quy định pháp luật về giao thì không bị xử phạt. Đồng thời, việc xử phạt chỉ áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Như vậy, Nghị định 168 được ban hành là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ; góp xây dựng ý thức của người tham gia giao thông, buộc họ phải suy nghĩ trước khi hành động, từ đó giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và tăng cường sự an toàn khi tham gia giao thông.

Thực tế đã chứng minh, sau 1 tháng thực hiện Nghị định số 168, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Người tham gia giao thông bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; bắt đầu có sự thay đổi về thói quen và hành vi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm theo tín hiệu đèn giao thông, điều khiển phương tiện dừng đỗ đúng vị trí, đi đúng làn đường, chiều đường, không chen lấn,… Điều này góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo ra một môi trường giao thông văn minh, an toàn cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật giao thông giảm đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Từ ngày 01/01/2025 đến 31/01/2025, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2024, giảm 26,29% về số vụ, giảm 1,72% về số người chết, giảm 37,71% số người bị thương; so với thời gian trước liền kề, giảm 18,25% số vụ, giảm 9,83% số người chết, giảm 20,12% số người bị thương [1].

Tuy nhiên, khi Nghị định số 168 bắt đầu có hiệu lực, đi vào thực tế cuộc sống, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) gia tăng tại khu vực trung tâm, những tuyến đường có mật độ giao thông cao, đặc biệt là những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2025. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông: sự thay đổi đột ngột thói quen tham gia giao thông của người dân và cơ sở hạ tầng chưa kịp thích ứng (hệ thống đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng, biển báo giao thông chưa hợp lý); tổ chức giao thông chưa khoa học; cận tết, số lượng người tham gia giao thông tăng… Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã tiến hành sửa chữa, thay thế các đèn giao thông hư hỏng; đồng thời, tổ chức lại giao thông, sắp xếp lại luồng di chuyển để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Lợi dụng những hạn chế này, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền những thông tin sai lệch, cho rằng “ùn tắc giao thông là do triển khai thực hiện Nghị định 168”, “tăng mức xử phạt là để tận thu ngân sách nhà nước”, “168 ra đời, nổi ám ảnh của người dân”. Thậm chí, các thế lực thù địch còn lan truyền những thông tin thất thiệt “tăng mức xử phạt là làm giàu cho cảnh sát giao thông”, “cảnh sát giao thông sẽ được trích lại 85% tiền xử phạt”. Việc xuyên tạc, bóp méo sự thật, lan truyền những thông tin sai lệch là một trong những chiến lược tinh vi mà các thế lực phản động, thù địch thường xuyên sử dụng để phá hoại sự ổn định của xã hội và uy tín của Đảng, Nhà nước. Các thế lực này không ngừng lợi dụng sự thiếu hụt thông tin chính xác hoặc lợi dụng những vấn đề đang được dư luận quan tâm để tạo ra những luận điệu sai sự thật, nhằm kích động, chia rẽ cộng đồng dân tộc, tạo ra sự bất ổn trong lòng xã hội, làm mất lòng tin của người dân vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; cản trở quá trình thực thi các chính sách, pháp luật mà Nhà nước đang nổ lực thực hiện vì sự phát triển của đất nước. Mục tiêu của các thế lực thù địch là gây rối loạn, làm suy yếu chính quyền và các cơ quan chức năng, đồng thời, bôi nhọ uy tín của Đảng, Nhà nước. Qua đó, họ hy vọng có thể thúc đẩy sự thay đổi chính trị, lật đổ chính quyền xây dựng chính quyền kiểu mới theo ý đồ của chúng.

Các hành vi này là âm mưu thâm độc, chúng muốn phá hoại sự đoàn kết, tình yêu nước và tinh thần đồng lòng của dân tộc. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những thông tin sai lệch chưa được kiểm chứng có thể lan truyền nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của cộng đồng. Vì vậy, mỗi người, đặc biệt là đảng viên cần hết sức cảnh giác và có ý thức trong đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền và phổ biến Nghị định số 168 để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, nghiêm túc thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mục tiêu lớn nhất của Nghị định số 168 là xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm an toàn và bảo vệ tính mạng con người, đồng thời tạo ra một xã hội trật tự, văn minh. Việc tăng mức xử phạt là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Đây không chỉ là cách hạn chế tai nạn giao thông mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Thực tế đã chứng minh, Nghị định số 168 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong ý thức tham gia giao thông của đông đảo quần chúng nhân dân. Khi mọi người nhận thức rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm và hậu quả của chúng, chắc chắn sẽ có những thay đổi tích cực trong thái độ và hành vi tham gia giao thông. Mặc dù trong giai đoạn đầu, khi áp dụng Nghị định, vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần kiên trì tuyên truyền và giải thích về mục đích, lợi ích của pháp luật để mọi người hiểu và tự giác thực hiện.

Thứ hai, nhận diện rõ, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chống đối chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, các luận điệu xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch thể hiện ngày càng tinh vi. Chúng phát tán video, clip được cắt ghép với nội dung mang tính chất so sánh phiến diện, tiêu cực. Đặc biệt, trong môi trường truyền thông số hiện nay, các facbooker, tiktoker…đã đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng với mục đích “câu view”, “câu like”. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đã “nhào nặn” rồi tung ra những thông tin xuyên tạc sự thật. Mục đích của chúng nhằm chỉ trích, làm xói mòn niềm tin, chia rẽ cộng đồng dân tộc và hạ uy tín của Đảng, Nhà nước; châm ngòi, kích động những phản ứng gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội. Do đó, khi tiếp cận bất kỳ thông tin nào, chúng ta cũng cần phải có cái nhìn toàn diện, sàng lọc, kiểm chứng cơ sở của thông tin và kiểm tra tác giả, xác định nội dung của thông tin; không để bị chi phối bởi những từ ngữ “hot”, những sự kiện “nóng” đang diễn ra; tránh bị lợi dụng. Khi phát hiện các tin giả, sai sự thật, những nội dung liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hoặc các trang mạng giả mạo, chúng ta cần kịp thời báo cáo, phản ánh với cơ quan chức năng để kịp thời vô hiệu hóa các nguồn phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Thứ ba, tuân thủ thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn giao thông, góp phần phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng mà còn có vai trò quan trọng trong việc phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về Nghị định số 168. Khi thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn giao thông, chúng ta không chỉ bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của chính mình, mà còn góp phần làm sáng tỏ và minh bạch các chính sách của Nhà nước. Những thông tin sai lệch, xuyên tạc, những nghi ngờ, hiểu chưa đúng về mục tiêu của Nghị định số 168 sẽ được chứng minh bằng những hành vi tuân thủ pháp luật an toàn giao thông của mọi người. Mọi người khi tham gia giao thông thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông, tai nạn giao thông giảm, môi trường giao thông an toàn, đây là bằng chứng thuyết phục nhất để bác bỏ các quan điểm sai trái.

Tóm lại, Nghị định số 168 là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ. Với những quy định mang tính răn đe, giáo dục cao, Nghị định số 168 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong ý thức tham gia giao thông, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ cuộc sống, tính mạng, sức khỏe và tài sản của mỗi người. Tăng mức xử phạt là một liều thuốc mạnh góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông hướng tới hành vi tham gia giao thông an toàn, văn minh. Vì vậy, người dân cần nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, không để bị tác động bởi các luận điệu sai trái làm ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội./.

 -----------------

[1] Sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168: Nâng cao ý thức, giảm tai nạn; https://baochinhphu.vn/sau-1-thang-thuc-hien-nghi-dinh-168-nang-cao-y-thuc-giam-tai-nan-102250206095245458.htm

 

ThS. Trần Thị Quỳnh Nghi
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh