Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi ra đời ngày 3/2/1930 đến nay, đã trải qua 95 năm lãnh đạo đất nước với sứ mệnh cao cả: Vì dân, vì nước, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc Việt Nam đã đi qua những chặng đường lịch sử đầy gian nan nhưng cũng hết sức vinh quang - từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Chính từ bản lĩnh kiên cường, ý chí quật cường và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam từ một nước thuộc địa nữa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu đã từng bước khẳng định vị thế và uy tín trên trường quốc tế. Bước vào giai đoạn mới, trước những thời cơ và thách thức của thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đổi mới toàn diện, xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng. Mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao là một hành trình đầy khát vọng. Để đạt được điều đó, Đảng xác định cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế bền vững và giữ vững ổn định xã hội. Đây là sứ mệnh lịch sử, là trách nhiệm lớn lao mà Đảng gánh vác để tiếp tục phụng sự Nhân dân, vì một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.
1. Chặng đường 95 năm vì dân, vì nước của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trải qua 95 năm lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng, đưa đất nước phát triển vững mạnh. Chặng đường 95 năm của Đảng được chia thành ba giai đoạn lớn với những dấu ấn quan trọng.
Một là, giai đoạn 1930 – 1945: Lãnh đạo cách mạng giành độc lập
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra nhưng đều thất bại do thiếu đường lối lãnh đạo đúng đắn. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước theo chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, xác định rõ mục tiêu đấu tranh: giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đảng phát động tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền chỉ trong 15 ngày. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hai là, giai đoạn 1945 – 1975: Lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn khi đối mặt với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Đảng đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến bằng đường lối “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, công nhận độc lập và chủ quyền của Việt Nam.
Sau năm 1954, miền Bắc bắt đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh chính trị, vũ trang nhằm thống nhất đất nước.
Năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ba là, giai đoạn 1975 – nay: Lãnh đạo công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế
Sau chiến tranh, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn: kinh tế suy thoái, đất nước bị bao vây cấm vận, đời sống nhân dân thiếu thốn. Đảng đã lãnh đạo toàn dân vượt qua thử thách, từng bước ổn định kinh tế, cải thiện đời sống, thống nhất hệ thống chính trị và hành chính trên cả nước.
Tại Đại hội VI (1986), Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, thể hiện ở các vấn đề sau: Đại hội đã chấp nhận sản xuất hàng hóa, thừa nhận kinh tế thị trường; hình thành cơ chế quản lý hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa; đổi mới chính sách xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng....
Nhờ đường lối đổi mới đồng bộ, toàn diện qua các ký đại hội (Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng), Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng: tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân cải thiện, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và hội nhập sâu rộng với thế giới.
* Thành tựu về kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh – quốc phòng
Về kinh tế: Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu đã trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 7,09%, đạt 476,3 tỷ USD, vượt qua mức tăng trưởng 5,05% của năm 2023. Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2024 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,55%; 8,54%; 5,07% và 7,09%. Thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước [1]. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ, với việc đầu tư vào các dự án giao thông, năng lượng và viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những thành tựu này phản ánh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực không ngừng của toàn dân, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Về xã hội: Đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hệ thống giáo dục, y tế phát triển đáng kể. Tính đến ngày 28/12/2024, tổng hỗ trợ cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là gần 33,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 27,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ bất thường phát sinh tại địa phương là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng. Có hơn 26,7 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnhmiễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng [2].
Tính đến ngày 30/12/2024, để kịp thời hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, Chính phủ đã có các quyết định cấp 619,9 tấn gạo hỗ trợ cho người dân. Trong năm 2024, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 22,4 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; gần 1,1 nghìn tấn gạo cứu trợ cho khoảng 70,2 nghìn nhân khẩu do ảnh hưởng của thiên tai [3].
Về đối ngoại: Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, WTO, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia.
Về an ninh - quốc phòng: Đảng tiếp tục lãnh đạo công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, hiện đại hóa quân đội, giữ vững hòa bình và ổn định đất nước.
2. Những mục tiêu, định hướng phát triển phía trước
Trong suốt 95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để tiếp tục phát triển bền vững, Đảng đã đề ra những mục tiêu chiến lược với tầm nhìn đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước .
Một là, tầm nhìn đến năm 2030 – Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam đến năm 2030 là đưa đất nước trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, với thu nhập trung bình cao [4]. Điều này đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ trong mô hình phát triển kinh tế, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, chế tạo, năng lượng tái tạo, dịch vụ chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm sự phụ thuộc vào các ngành sử dụng nhiều lao động giá rẻ. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp trong nước sẽ được ưu tiên, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển kinh tế không chỉ nhằm tăng trưởng GDP mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến năm 2030, Việt Nam cần tập trung cải thiện các chỉ số về y tế, giáo dục, thu nhập bình quân đầu người, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với đó, cải cách thể chế là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính, xây dựng một nền quản trị công minh bạch, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, phát triển kinh tế số sẽ là động lực quan trọng trong giai đoạn tới. Đảng đặt mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, dịch vụ công, hướng tới một nền kinh tế thông minh, ứng dụng công nghệ số vào quản lý và sản xuất.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, việc giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ then chốt. Việt Nam tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nền tảng quan trọng để đất nước phát triển ổn định. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.
Hai là, tầm nhìn đến năm 2045 – Kỷ niệm 100 năm thành lập nước
Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2045 là trở thành một quốc gia phát triển với thu nhập cao [5]. Điều này đòi hỏi nền kinh tế phải có sự bứt phá mạnh mẽ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm phụ thuộc vào lao động giá rẻ, khai thác hiệu quả tiềm năng của khoa học - công nghệ.
Việt Nam cần tập trung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng, viễn thông để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Việc tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh là những yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Một mục tiêu quan trọng khác đến năm 2045 là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ ngoại giao, tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, đóng vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước sẽ thúc đẩy ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế bền vững, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là động lực chính để nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Phát triển bền vững còn bao gồm việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chính sách phát triển xanh, thúc đẩy năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
Trải qua 95 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò lịch sử to lớn của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng nền tảng vững chắc cho một đất nước độc lập, hòa bình và phát triển. Với đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, Đảng không chỉ giữ vững chủ quyền quốc gia mà còn nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi, để tiếp tục hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, toàn Đảng, toàn dân cần phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới và sáng tạo. Mỗi người dân Việt Nam cần chung tay xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với niềm tin vững chắc và sự nỗ lực không ngừng, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
[1], [2]. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 .
[3]. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024
[4]. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 217.
[5]. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.218.
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024.
2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 217 – 218.
NH