Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Không phải đến bây giờ mà tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đảng ta từng khẳng định: Cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Chính vì thế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trường Chính trị Bến Tre, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh, ngoài việc trang bị cho người học hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước làm cơ sở thế giới quan duy vật biện chứng, phương pháp luận khoa học với tư cách là công cụ vĩ đại chỉ đạo cho hoạt động nhận thức và hành động cải tạo hiện thực thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ chính trị vừa mang tính cấp bách vừa mang tính thời sự chính trị, thường xuyên, liên tục của mỗi giảng viên nhà trường.
1. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết và mang khách quan
Xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin mặc dù đã được kiểm nghiệm, khẳng định bởi thực tiễn trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta song kẻ thù vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo. Cho nên, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là tất yếu.
Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ ngày thành lập đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là một Đảng kiểu mới - Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX đã để lại nhiều bài học quý giá cho chúng ta, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Thực trạng hiện nay, sự phát triển, bùng nổ về công nghệ thông tin đã tác động đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó đã và đang làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nếu chúng ta không tiếp tục đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không những thành quả cách mạng đã giành được sẽ bị các thế lực thù địch, phản động cướp mất, mà còn dẫn đến tình cảnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ “tự hủy hoại mình”, không thể thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Hơn nữa, xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, thủ đoạn thâm độc của chúng là làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Điều đó cho thấy việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thóai về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện”. Chính vì thế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay.
2. Nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
1.2.1. Nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch
Xuất phát từ bản chất thâm độc của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ địa vị thống trị dù đã mất đi, cho nên chúng điên cuồng chống phá ta. Chúng tìm cách đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều chỉnh thủ đoạn chống phá từ công kích trực diện vào nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng đối lập, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng sử dụng các cách thức tác động tinh vi, xảo quyệt đối với từng đối tượng cụ thể.
Về nội dung chống phá, chúng phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về phương thức chống phá, chúng sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam (như VOA tiếng việt, RFA, RFI, BBC việt ngữ) để nói xấu Việt Nam
Chúng đặc biệt sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá; lợi dụng các sai sót trong quản lý để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc.
Chúng tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử, tuy âm thầm và lâu dài nhưng tác hại thực sự rất ghê gớm.
Chúng tấn công vào nội bộ, phủ nhận các thành tựu đã đạt được của cơ quan, đơn vị, kích động để tấn công vào quá khứ.
Đảng ta không phải từ bây giờ mới nhận thức được điều đó, mà trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn xem việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn trong công tác xây dựng Đảng. Luôn luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là trong tình hình thực tế hiện nay.
1.2.2. Nội dung, phương thức lãnh đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
- Về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ta khẳng định nguyên tắc, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chính vì thế việc chuyển đổi tâm thế của đội ngũ viên chức, giảng viên nhà trường nhằm tạo bước đột phá lớn về sự kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, của các thế lực thù địch trong tình hình mới là vấn đề mang tính cấp bách hàng đầu.
Thực hiện Thông báo số 136-TB/HVCTKV IV về việc tổ chức lớp Bồi dưỡng cập nhật một số vấn đề lý luận, thực tiễn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ban Giám hiệu Trường Chính trị Bến Tre đã cử thành viên Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của nhà trường về tham dự.
Tại buổi cập nhật, PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tiếp tục làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với 10 chủ đề lớn trong giai đoạn hiện nay: Chủ nghĩa Mác-Lênin như một học thuyết về sự phát triển; Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời kỳ quá độ và định hướng xã hội chủ nghĩa; Dân tộc và giai cấp trong chủ nghĩa xã hội; Dân chủ xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị; Đảng cầm quyền và bản chất giai cấp của Nhà nước; Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở giữ vững hòa bình, ổn định; Đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
Sau lớp Bồi dưỡng cập nhật, từ tình hình thực tế của nhà trường Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của nhà trường đã tham mưu Đảng ủy, Ban Giám hiệu tập trung nghiên cứu, quán triệt, đề xuất giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tích hợp thực hiện cho từng năm học gắn với nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo 35 của Học viện và Tỉnh ủy Bến Tre.
- Về nội dung lãnh đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
+ Lãnh đạo đấu tranh phản bác các luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin.
+ Lãnh đạo phản bác các luận điệu tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Lãnh đạo phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.
+ Lãnh đạo phản bác các luận điệu phủ nhận thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng.
+ Lãnh đạo đấu tranh chống xuyên tạc lịch sử, phản bác các luận điệu “viết lại lịch sử”, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao.
- Về phương thức lãnh đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
+ Cấp ủy các cấp xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng.
+ Cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua tổ chức đảng và đảng viên.
+ Cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua phát huy vai trò chính quyền nhân dân.
+ Cấp ủy lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh tư tưởng.
3. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Trường Chính trị Bến Tre
3.1. Những kết quả đạt được
3.1.1. Xây dựng kế hoạch
Tổ chức quán triệt gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (10/2018, Nghị quyết số 35-NQ/TW); Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư về “việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội” (6/2019), Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chủ trương thành lập Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng của nhà trường do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm tổ trưởng. Hoạt động từ năm 2021 đến nay, hàng năm Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
3.1.2. Tổ chức thực hiện
Trong ba năm từ 2021 đến 2023, Trường Chính trị Bến Tre đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức đã tích hợp việc giảng dạy lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng, mỗi giảng viên thực hiện nhiệm vụ kép trong thực thi vị trí việc làm đạt được những thành tích đáng trân quý.
- Công tác giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng trong ba năm qua đã:
+ Đào tạo: Trung cấp lý luận chính trị là 45 lớp với 2717 học viên; liên kết với hai Học viện chính trị khu vực đào tạo 08 lớp Cao cấp lý luận chính trị với 498 học viên. Đặc biệt, phối hợp với Viện Xây dựng Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo lớp cao học chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước với 41 thạc sỹ. Đây là những chiến sĩ tiên phong trong tuyên truyền và BVNT tư tưởng của Đảng
+ Bồi dưỡng: 89 lớp với 8845 học viên.
- Công tác nghiên cứu khoa học trong những năm qua đã thực hiện:
+ Đề tài khoa học: 16 đề tài; Hội thảo khoa học: 06 cuộc; Tọa đàm: 18 tọa đàm cấp trường. Riêng năm 2023: Tổ chức 03 cuộc hội thảo, 03 cuộc tọa đàm, 6 đề tài cấp cơ sở, 01 đề tài cấp tỉnh đang triển khai, xuất bản 3 bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn/năm.
+ Viết bài cho các wesite khác nhất là trang Website Việt Nam thịnh vượng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu thực tế, tham mưu cho cấp ủy gắn lý luận với thực tiễn, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các khoa và giảng viên nhà trường hoàn thành tốt quy định nhiệm vụ giảng viên do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quy chế làm việc của Trường Chính trị Bến Tre do Ban Giám hiệu ban hành.
- Tham gia các Cuộc thi viết chính luận
+ Năm 2021: 21 bài dự thi (13 bài chính luận, 08 bài báo điện tử). Trong đó, đạt 1 giải tập thể xuất sắc, 1 giải C, 1 giải khuyến khích
+ Năm 2022: 63 bài dự thi (25 bài tạp chí, 23 bài báo in, 15 bài báo điện tử). Trong đó, đạt 1 giải C, 1 giải khuyến khích, 1 giải triển vọng.
+ Năm 2023: 70 bài dự thi (24 bài tạp chí, 37 bài báo in, 8 bài báo điện tử, 01 bài báo hình). Trong đó, cấp tỉnh, Trường có 13/47 giải cá nhân, nhóm tác giả (1 giải B, 4 giải C, 8 giải khuyến khích) và 01 giải tập thể xuất sắc. Cấp Trung ương đạt 1 giải triển vọng. Kết quả trên đánh dấu sự phát triển về chất của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của nhà trường và tinh thần, ý thức trách nhiệm của từng giảng viên.
3.2. Những hạn chế tồn tại
Cập nhật những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch bất cập với việc phản bác về mặt lý luận của đội ngũ giảng viên nhà trường, tính thuyết phục và hiệu quả chưa như mong muốn.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên nói chung và ở nhà trường nói riêng tác động không ít đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của nhà trường
Cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật nói chung chưa tương ứng, chưa kích thích thật sự đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của đội ngũ giảng viên những người thực hiện nhiệm vụ kép rất nặng nề nhưng vô cùng đặc biệt quan trọng.
Năng lực nói chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, sự tham gia của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong nhà trường còn hạn chế về nhiều mặt trong trực tiếp thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng.
3.3. Một số bài học kinh nghiệm
Qua thực tiễn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm ban đầu là:
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với Trường Chính trị. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ “xây”, là tạo lập nền tảng tư tưởng, tinh thần cách mạng, tiến bộ và lành mạnh trong xã hội. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ “chống”. Trong đó nhiệm vụ “xây” là chính, “chống” là nhiệm vụ hàng đầu, có tầm quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục.
- Cần nhận thức sâu sắc tính chất rất nguy hại của những quan điểm sai trái, thù địch; trên cơ sở đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác này. Phân biệt rõ những người có quan điểm sai trái, thù địch với những người có nhận thức lệch lạc, phiến diện, những người góp ý kiến phê bình thiếu xây dựng để có cách thức tiếp cận và đấu tranh phù hợp.
- Phải tổ chức, huy động, vận động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường, phát huy vai trò nòng cốt của Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng. Phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch
- Đa dạng hóa các hình thức bảo vệ và đấu tranh tư tưởng trong hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là cơ sở giáo dục của Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội, trên hệ thống thông tin đại chúng, trên mạng internet, các blog, ... Nâng cao chất lượng khoa học và tính chiến đấu, tính hiệu quả, tính thuyết phục của các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
- Tăng cường vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong kỷ luật phát ngôn, trong thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm. Gương mẫu của cán bộ, đảng viên là một nội dung trọng yếu trong việc bảo vệ có hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.
- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhà trường, kiên quyết đấu tranh với những kẻ cơ hội chính trị, nói và làm xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch” và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
4. Nhiệm vụ giải pháp công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
- Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ kép của mỗi giảng viên của Trường Chính trị.
Thứ nhất, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, khó khăn, quyết liệt, nên tuyệt đối tránh tư tưởng xem nhẹ, lơ là, buông lỏng, mất cảnh giác, hoài nghi, bi quan đối với lực lượng giảng viên nói chung nhất là lớp trẻ.
Thứ hai, phân biệt thông tin xấu, độc gắn với việc xây dựng tuyến, luồng bài viết cho các giảng viên trẻ có thông tin tích cực hoặc trực diện phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch để liên tục phủ lên và tiến tới chiếm thế thượng phong trên không gian mạng, không gian các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội.
Thứ ba, giữ vững vai trò nòng cốt, chủ lực của Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng của nhà trường đồng thời mở rộng các kênh bằng cách là vận động các giảng viên viết bài đăng các website khác, từng bước làm chủ không gian thông tin trong nước và không gian mạng; xây dựng cơ chế chỉ đạo thông tin thống nhất, hiệp đồng thông tin đồng bộ, tác chiến thường trực, đa dạng, đa tuyến.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn - nghiên cứu lý luận, xây dựng hệ thống luận cứ, luận chứng khoa học - thực tiễn nền tảng cho công tác đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch; gắn chặt nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận thông qua hội thảo khoa học, tọa đàm, các bài viết nói chung.
Thứ năm, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và quản lý không gian mạng cho đội ngũ giảng viên thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội coi trọng tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, đủ năng lực nhận biết, phân biệt đúng - sai, thật - giả, tích cực đấu tranh, phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên không gian mạng.
- Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Thời gian tới, để bảo đảm hiệu quả cao nhất, cần mạnh dạn hoàn thiện, bổ sung và đổi mới phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch qua một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ủy, Ban Giám hiệu; huy động sức mạnh tổng hợp của nhà trường trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Cấp ủy, và đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế.
Hai là, xây dựng Đảng bộ, Chi bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của sự suy thóai, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực. Đảng bộ phải thực sự trong sạch, vững mạnh trên tất cả các mặt về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ,... để có khả năng tự bảo vệ mình. Do vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong xây dựng và thực hành đạo đức cách mạng; đẩy mạnh thực chất công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tránh việc triển khai theo kiểu hình thức.
Ba là, thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Công tác này là nhiệm vụ kép của mỗi giảng viên không được áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính, chủ quan, duy ý chí, mà phải dựa trên sự tự giác, có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Bốn là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng… theo hướng thiết thực, có tính thuyết phục, hấp dẫn người nghe, không nói chung chung, trừu tượng. Thực hiện theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”
Năm là, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị. Tiếp tục chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, đồng thời, cần nghiên cứu lý luận, tiếp tục khẳng định những nguyên lý cơ bản, những giá trị bền vững chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả”.
Sáu là, từng bước xây dựng lực lượng chuyên trách đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là việc khó, không phải ai cũng làm được. Vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng lực lượng chuyên trách, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ có kiến thức, bản lĩnh, với tinh thần trách nhiệm cao mới có thể làm được. Coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, phương pháp, phương tiện, công nghệ đấu tranh trên không gian mạng cho đội ngũ làm công tác này.
Bảy là, tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng thông qua thông tin thời sự và các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học.
Tám là, nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu.
Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ bản chất chống cộng, đang tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, mũi nhọn là tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đó là sự kiên định nhất quán và duy nhất đúng đắn. Đội ngũ giảng viên, viên chức của nhà trường luôn tâm đắc với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mỗi cá nhân là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với việc phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời song hành với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhất là công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhằm tuyên truyền, giáo dục thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa với tư cách là công cụ chỉ đạo cho hoạt động nhận thức và hành động cải tạo hiện thực nhằm hình thành bản lĩnh chính trị cho mỗi đảng viên kiên định, vững vàng và có niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam./.
ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy bị mù lòa và gặp lúc biến loạn nhưng vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy giáo mẫu mực, người thầy thuốc tận tụy với nhân dân mà còn là nhà văn hóa tiêu biểu, một nhà thơ yêu nước, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Vì vậy, cuối tháng 11/2021, tại Paris (Pháp), UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Đặc biệt, trong gần cả cuộc đời, ông chủ trương dùng thơ văn để bảo vệ đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để “chở đạo, sửa đời và dạy người”. Triết lý văn hóa và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là triết lý nhân sinh, triết lý hành động, triết lý văn hóa của một một nhà văn hóa lớn. Sự nghiệp thơ văn và triết lý ấy thể hiện rõ nét qua 2 câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Ngày nay, nghiên cứu tư tưởng đó không những để trân quý về sự cống hiến to lớn của ông mà còn có ý nghĩa to lớn đối với những người “cầm bút”, những “chiến sỹ” trên mặt trận tư tưởng nói chung, đội ngũ giảng viên trường chính trị - “người huấn luyện của Đảng” nói riêng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) sinh ra trong một gia đình nho giáo giàu truyền thống thơ văn mà Thân phụ là Nguyễn Đình Huy từng làm Thơ lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. “Quê hương” của Nguyễn Đình Chiểu khá đặc biệt: Quê cha ở Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế); quê mẹ ở làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), quê vợ ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định (nay thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); sinh sống và mất ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ông là một người sống trong một giai đoạn lịch sử khác thường của vùng Nam bộ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XIX: Chế độ phong kiến suy tàn, triều đình mục ruỗng, “trong sợ dân, ngoài sợ giặc”, nước ta trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”[1]. Là kẻ sĩ có thái độ khinh bỉ, vạch mặt chỉ tên bọn bán nước, cầu vinh, bọn xu nịnh, tham lam, Nguyễn Đình Chiểu không phải là người chỉ có ghét, chỉ có bất hợp tác với giặc, chỉ có một lòng bảo vệ “đạo”, bảo vệ “nhân nghĩa” và “thiên luân”; mà hơn thế, mặc dù bị mù lòa, nhưng ông đã nhìn rất rõ mọi việc, mọi sự kiện bằng trái tim nhân ái và mối liên hệ gắn bó với nhân dân. Mặc dù “ghét cay, ghét đắng”, “ghét vào tận tâm” mấy “thằng gian”, bất hợp tác với giặc; nhưng ông không ở ẩn mà đã trực diện dùng ngòi bút sắc bén nhân nghĩa để không ngừng đấu tranh với giặc, với bọn buôn dân bán nước, bằng quyết tâm “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để bảo vệ nhân nghĩa, bảo vệ Nhân dân.
Người xưa quan niệm bản chất của thi ca, nghệ thuật là “Văn dĩ tải đạo” (văn chương có mục đích giáo dục to lớn): phải “có ích dụng cho đời”, có tác dụng “khuyến thiện, trừng ác”, góp phần chấn hưng đạo đức, bồi dưỡng nhân tâm, đề cao nhân nghĩa. Nhưng so với các nhà văn, nhà thơ cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân, vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới trực tiếp đánh giặc, nhưng ông rất có cảm tình đặc biệt với họ, chia sẻ với họ nỗi căm hờn và nỗi nhục mất nước, lòng căm ghét bọn thực dân và tay sai. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho chân chính, yêu nước thương dân, cho nên “đạo” mà ông nói đến mang nội dung nhân dân, tích cực, tiến bộ. Ông đã đặc biệt dùng cây bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, cho chính nghĩa. Điều đó thể hiện tuy rất ngắn gọn, nhưng khúc chiết, rõ ràng và dứt khoát: “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”!
“Đạo” trong thơ văn của cụ Đồ Chiểu là đạo đức, nhân nghĩa, đạo làm người với nội dung rất cụ thể, rõ ràng: “Trai thời trung hiếu làm đầu/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”; “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/Lòng đạo xin tròn một tấm gương” hoặc “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ”, v.v…
Trong thơ văn và tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, “thằng gian” trong chế độ phong kiến thối nát dưới triều Nguyễn là bọn bất lương, bọn lừa thầy phản bạn, kẻ ác, kẻ xấu, bất nhân, bất nghĩa… Khi thực dân Pháp đến xâm lược nước ta thì “thằng gian” là giặc Pháp và lũ Việt gian bán nước, bọn đầu hàng, làm tay sai cho giặc. Chính vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông thể hiện thái độ yêu ghét rõ ràng, thơ của ông mang tính chiến đấu trên lập trường nhân dân và dân tộc, vì đạo hiếu trung, vì nhân nghĩa. Một “đời thơ” của Cụ không chỉ quan niệm “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” mà ông còn luôn luôn tâm niệm “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Càng “đâm”, càng vạch mặt chỉ tên những “thằng gian”, lũ bất lương, bất hiếu, bất trung, bọn lừa thầy phản bạn, thì ngọn “bút thơ” của Cụ càng sắc bén.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế càng sâu rộng hiện nay, giảng viên trường chính trị ngoài chức năng là “người huấn luyện của Đoàn thể”, còn là người chiến sỹ cách mạng trong đội tiền phòng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng và cũng là nhà khoa học chân chính. Đội ngũ giảng viên trường chính trị có vai trò quan trọng và trách nhiệm rất lớn trong hoạt động khẳng định, truyền bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, triết lý và tấm gương “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của nhà thơ Đồ Chiểu là bài học quý giá để người giảng viên trường Đảng noi theo để hoàn thành trọng trách của mình.
Trong đó, “đạo” mà người giảng viên cần “chở” trước hết là việc thông qua những bài giảng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp hệ thống những kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Trên cơ sở đó, học viên hình thành và nâng cao thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và kiên định giá trị bền vững và vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin , tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng như sức sống của nó trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là cơ sở lý luận, là nền tảng để hình thành chất “đề kháng”, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phương pháp tư duy khoa học trong nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp hình thành những kỹ năng, thái độ cần thiết cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong quá trình nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… “Đạo” là đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; là sự tận tụy, cống hiến, hy sinh, gương mẫu của người lãnh đạo và là “đày tớ thật trung thành của nhân dân”. “Đạo” còn là sự phản ánh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và thực tiễn phong phú của sự nghiệp xây dựng con người mới, nền văn hóa mới, chế độ mới của nhân dân ta; là những tấm gương tốt, việc làm hay, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương,…
“Thằng gian” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà người giảng viên cần “đâm” là những quan điểm sai trái thù địch, những kẻ cơ hội, thoái hóa, biến chất, những kẻ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; chủ nghĩa cá nhân, những biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… trong nội bộ. Đồng thời, “thằng gian” còn là âm mưu, hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động đối với nền tảng tư tưởng của Đảng với nội dung chủ yếu là: (i) Xuyên tạc, phủ nhận, chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; (ii) Chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (iii) Chống phá đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân; (iv) Chia rẽ khối đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và giữa Đảng với nhân dân; (v) Xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử; (vi) Cản trở sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa;…
Với tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “thằng gian” có nhiều “biến thể” mới rất nguy hiểm, rất khó phát hiện, khó tiêu diệt. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của cả hệ thống chính trị. Muốn góp phần thiết thực hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang đó, người giảng viên trường Đảng phải rèn luyện “Tâm sáng, bút sắc, lòng trong, chí vững” và tinh thần trách nhiệm cao thông qua những yêu cầu cơ bản như sau:
Thứ nhất, phải không ngừng học tập, nghiên cứu để tích lũy và nâng cao tri thức, kiến thức lập trường và bản lĩnh để luôn xứng đáng là “người huấn luyện của Đoàn thể” và là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng - truyền bá hệ tư tưởng của Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, nâng cao tính tích cực, chủ động, tự giác của giảng viên trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở nhận thức về tầm quan trọng của việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và trách nhiệm của mình, mỗi giảng viên cần đề cao tính tích cực, tự giác, thường xuyên, liên tục đấu tranh chống lại những quan điểm, luận điệu, xuyên tạc, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ ba, cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc những quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là Chỉ thị số 23-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Phải xem đây là trách nhiệm của “những người huấn luyện của Đoàn thể”, người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn bó mật thiết với nhiệm vụ chuyên môn của mỗi giảng viên. Trong mỗi tiết giảng bài, thảo luận, mỗi đề thi, kiểm tra, trong mỗi bài viết, mỗi nội dung nghiên cứu đều cần phải ý thức sâu sắc, chuyển tải hợp lý, khéo léo đến học viên những kỹ năng, kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, thường xuyên mài sắc “ngọn bút” của mình, tích cực và chủ động tiếp cận và khai thác những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và các “kỹ năng tác chiến trên không gian mạng” để tham gia các nhóm đấu tranh, tuyên truyền, đấu tranh phản bác. Trong đó, triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng theo quan điểm “sử dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát công nghệ”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”…
Thứ năm, không ngừng học tập và rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ: “Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”: tiếp tục nỗ lực, tự giác, tự học tập, tự nghiên cứu để có kiến thức sâu, rộng, vững chắc; có trình độ, bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp vững vàng trong nhận diện và đấu tranh chống lại có hiệu quả các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tóm lại, cả cuộc đời cụ Đồ Chiểu sáng ngời triết lý sống cao đẹp, đau đáu vì vận nước, nặng lòng trước “phận dân đen”; là tấm gương sáng về đạo lý làm người: yêu - ghét rõ ràng; thị - phi dứt khoát. Vì vậy, việc UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu “là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại” là sự “ghi nhận” xứng đáng của thế giới đối với sự cống hiến của Cụ. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân Việt Nam, người dân “Xứ dừa”, mà còn là “cơ hội” vô cùng quý giá để đội ngũ giảng viên lý luận nói chung, giảng viên trường chính trị nói riêng suy ngẫm, học tập noi theo. Mặc dù không có trọng trách là “chở đạo, sửa đời và dạy người” như cụ Đồ Chiểu; nhưng triết lý và tấm gương của Cụ trong “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà” luôn là nguồn “cảm hứng”, là “hòn đá” để đội ngũ giảng viên trường chính trị mài sắc “vũ khí” của mình theo tinh thần “Tâm sáng, bút sắc, lòng trong, chí vững” trên cơ sở không ngừng tích lũy kiến thức, nâng cao bản lĩnh và năng lực chuyên môn, phương pháp “tác chiến” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng./.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2002, tập 10, tr 13.
Xuân Canh Ngọ 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời! Đến Xuân Quý Mão 2023 đã 93 năm Đảng ta đồng hành cùng dân tộc! Đảng ta ra đời vào mùa Xuân - mùa Xuân là mùa khởi đầu của một năm với biết bao ước mơ, hoài bảo về tương lai tốt đẹp của đất nước, dân tộc! Để có sự kiện Đảng ta ra đời vào ngày 03/02/1930, là cả một thời kỳ thai nghén “đau đẻ” của toàn dân tộc; với biết bao cuộc vùng lên, quật khởi chống ngoại xâm của dân tộc với nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau, nhưng tất cả các cuộc quật khởi đều bị thực dân, đế quốc dìm trong bể máu, dân tộc ta chìm sâu trong cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước kéo dài suốt 30 năm đầu thế kỷ XX. Vượt lên những hạn chế của các bậc tiền bối đương thời, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu thương dân vô bờ bến, quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành đã tìm đến Chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, chuẩn bị mọi điều kiện về đường lối, về cán bộ... và chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Sự kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930, có ý nghĩa chính trị sâu sắc và là một sự kiện lịch sử quan trọng - chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước và lực lượng tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Không ai tưởng rằng sự ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành ngày 05/6/1911 lại gắn liền với vận mệnh của đất nước, dân tộc; nhưng lịch sử đã chứng minh điều đó. Ra đi chỉ đôi bàn tay trắng với tình yêu nước và khát vọng cháy bỏng đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc mình. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, năm 1941, Bác về nước cùng với Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công vĩ đại trong thế kỷ XX. Lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - lấy lại và ấn định tên nước Việt Nam - Dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới; lãnh đạo Nhân dân ta trường kỳ kháng chiến 9 năm, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy Năm Châu, chấn động địa cầu, giải phóng, đưa miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đầy hy sinh, gian khổ ở miền Nam. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đánh sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, rút quân về nước, ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, cách nay vừa tròn 50 năm lập lại hoà bình ở Việt Nam. Có thể nói, Hiệp định Paris là một bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, vừa phải đối mặt với chính sách cấm vận của Mỹ và đồng minh, có những lúc đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng những năm tám mươi và tình hình thế giới vô cùng bất lợi bởi chủ nghĩa xã hội đi vào thế thoái trào và như một cơn địa chấn chính trị thế giới khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng ta giữ vững nguyên tắc, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến hành đường lối đổi mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đại hội XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như hôm nay”. Thành tựu mà đất nước ta, Nhân dân ta đạt được trong hơn 90 năm qua, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thành tựu hơn 35 năm đổi mới đã đưa đất nước ta bước nhanh vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Dự báo tình hình thế giới sẽ diễn biến phức tạp hơn, có cả thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhau; sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới để định hình vị trí của mình đến giữa thế kỷ XXI. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cụ thể chia làm 3 giai đoạn: Đến 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến giữa thế kỷ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Bốn nguy cơ mà Đảng ta nhận diện từ Đại hội VII đến nay vẫn còn tồn tại, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy cơ về tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nguy cơ về “diễn biến hòa bình, có mặt gay gắt hơn; mối đe dọa về độc lập, chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước, nhất là trên biển Đông bị thách thức nghiêm trọng; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt hơn. Trước tình hình trên đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ để lãnh đạo phát triển bền vững đất nước trong chặng đường mới.
Theo đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đồng bộ, toàn diện, quyết liệt trên tất cả các mặt. Về chính trị, luôn kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Không ai được ngã nghiêng, dao động”. Nâng cao năng lực dự báo và ứng phó với tình hình; hoạch định chủ trương, đường lối phải bám sát thực tiễn, coi trọng khâu tổ chức thực hiện, không để chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực tư tưởng. Chú trọng giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài; làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực lan tỏa mạnh trong toàn xã hội, đẩy lùi tư tưởng tiêu cực; nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu của công tác tư tưởng. Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng; tuyên truyền, học tập, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng; nâng tầm lý luận của Đảng trước yêu cầu mới đi đôi với nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ khắc phục tư tưởng đặt nặng lợi ích riêng tư trong công việc; kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh phòng chống và xử lý nghiêm tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng đôi ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đảm bảo sự chuyển tiếp, kế thừa giữa các thế hệ cán bộ, không để hụt hẫng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đối với công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề ở các cơ quan, đơn vị, ngành mà dư luận bức xúc, quan tâm; xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm một cách nghiêm minh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Trong cơ chế thị trường, cần quan tâm trong việc xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với dân - dựa vào dân để xây dựng Đảng. Tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân trong tự phê bình, góp ý xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là lúc sự nghiệp cách mạng bước sang giai đoạn mới, cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch vững mạnh - để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh” ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
CVD
Lê Thị Huỳnh Thu Hà
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng triệt để không gian mạng để chống phá, bôi nhọ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là công việc tự giác, thường xuyên; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Đoàn viên, thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước[1], là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thanh niên, Người khẳng định:“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, phần lớn là do thanh niên, thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cho cái tương lai đó”[2]. Người cho rằng thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già; là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng, vai trò này vô cùng quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc và của giai cấp công nhân. Đoàn viên, thanh niên Việt Nam với đặc tính trẻ trung, năng động, sáng tạo, nhạy bén ngày càng chứng tỏ vai trò của mình, luôn là lực lượng xung phong trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đồng thời hiện nay, sự phát triển bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu thì đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ yếu sử dụng Internet và mạng xã hội. Vì đây là lực lượng khá nhạy bén tiếp cận nhanh và sử dụng thành thạo các công nghệ hiện đại, đặc biệt là mạng Internet.
Mặt khác, đoàn viên, thanh niên có những hạn chế nhất định về trình độ, còn thiếu kinh nghiệm sống, nhận thức chưa đầy đủ. Một số đoàn viên, thanh niên sống thực dụng, chưa có chí hướng rõ ràng, ngại khó, lười lao động thậm chí một số bộ phận thanh niên đang dần phai mờ niềm tin, lý tưởng cách mạng dẫn đến dần “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời Chính trị”.
Chính từ lẽ đó, đoàn viên, thanh niên trở thành đối tượng mà các thế lực thù địch luôn “để mắt” đến nhằm tiếp cận, lôi kéo, kích động, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta[3]. Chúng tìm mọi thủ đoạn, chiêu thức tinh vi và sự “hà hơi tiếp sức” của các thế lực phản động bên ngoài nước với phương châm “nói nhiều sẽ tin” liên tục tạo dựng và lan truyền nhanh các nguồn thông tin “xấu”, “độc” , “thổi phồng” tiêu cực, “bóp méo” sự thật, phủ nhận những giá trị khoa học, bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng;… tạo sự hoang mang, dao động, “xói mòn” niềm tin nhằm dụ dỗ, lôi kéo đoàn viên, thanh niên, thực hiện mưu đồ chống phá của chúng.
Từ vị trí quan trọng cũng như một số hạn chế nêu trên, để xứng đáng trở thành người chủ tương lai của đất nước, đoàn viên, thanh niên cần phải ra sức học tập, rèn luyện “tinh thần” và “lực lượng” một cách toàn diện. Phát huy hơn nữa nhiệt huyết của tuổi trẻ, chủ động, sáng tạo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhất là trên không gian mạng. Thời gian tới, đoàn viên, thanh niên cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc những nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước[4]. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác, thường xuyên của mỗi đoàn viên, thanh niên.
Thứ hai, tự giác, nghiêm túc, đầu tư nghiên cứu trong học tập lý luận chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị. Hầu hết các hoạt động chống phá thường tác động đến nhận thức, tư tưởng đoàn viên, thanh niên, nhất là những đoàn viên, thanh niên thiếu bản lĩnh, dễ dao động, nhận thức mơ hồ, bất mãn từ đó gây hoài nghi, suy giảm niềm tin vào Đảng, Nhà nước, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cho nên, mỗi đoàn viên, thanh niên phải nghiêm túc học tập, nghiên cứu để nắm vững các giá trị khoa học, bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn kiên định và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng,... để ngày càng trưởng thành hơn, bản lĩnh vững vàng hơn trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tổ chức các cuộc thi như tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm hiểu các chính sách, pháp luật của Nhà nước; lồng ghép các nội dung chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng gắn với nội dung sinh hoạt đoàn; tổ chức các cuộc thi viết, vẽ tranh cổ động tuyên truyền nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm;… Qua đó, vừa tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, thanh niên, vừa tạo môi trường tốt cho đoàn viên, thanh niên được tiếp cận, nắm vững các nội dung trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, nhận diện một cách toàn diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Những luận điệu sai trái, thù địch thường tập trung vào các nội dung cơ bản như: Chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá Cương lĩnh, đường lối của Đảng; chống phá tổ chức Đảng; chống phá mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng,…[5] . Đoàn viên, thanh niên cần nhận diện một cách toàn diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch để đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Thứ năm, mỗi đoàn viên, thanh niên trở thành một “Bút chiến” trên các trang mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần trang bị và không ngừng nâng chất “bộ lọc” để “lọc” những “tạp chất” lẫn trong nội dung các bài viết, thông tin được đăng tải trên không gian mạng. Từ đó, hình thành cho mình thói quen “like” và “share” có trách nhiệm, thận trọng kiểm chứng nguồn thông tin, nội dung thông tin trước khi bấm thích và chia sẻ bài viết. Đặc biệt, đoàn viên thanh niên khi sử dụng mạng xã hội cần giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, sử dụng các phương pháp khéo léo phản bác có hiệu quả các tin xấu, độc, bình luận mang tính chất “pha loãng”, giảm bớt tần suất tiếp xúc, tác động của thông tin tiêu cực. Chủ động “chiếm lĩnh” trận địa thông tin bằng những thông tin chính thống, những câu chuyện hay, việc làm ý nghĩa, những tin tích cực để “đẩy lùi” những luận điệu sai trái, thù địch đang ngấm ngầm chống phá sự lãnh đạo của Đảng.
Đối với đoàn viên Chi đoàn Trường Chính trị nói riêng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được xác định là một trong những nhiệm vụ gắn liền với nhiệm vụ chính trị của mỗi đoàn viên. Do đó, mỗi đoàn viên Chi đoàn cần: Trước hết, không ngừng tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, luôn kiên định, vững vàng, không dao động trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động; thứ hai, tích cực tham gia viết bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Qua đó, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của đoàn viên, vừa rèn luyện thêm kỹ năng nghiên cứu khoa học; thứ ba, khi chia sẻ bài viết trên mạng xã hội, mỗi đoàn viên Chi đoàn cần thận trọng tránh tuyên truyền ngược; khi bình luận bài viết phải thật sự khéo léo, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn trên các trang mạng xã hội.
Tóm lại, trước thời cơ, vận hội mới của đất nước, mỗi đoàn viên, thanh niên không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị từ đó ngày càng trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động làm thất bại mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động./.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 tháng 7 năm 2008 Hội lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hiện đại hóa.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002, tr.185.
3. Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Hà Nội, ngày 11/12/2017).
4. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
5. TS. Huỳnh Thanh Hiếu: Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng nước ta, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/817029/nhan-dien-mot-so-quan-diem-sai-trai%2C-thu-dich-chong-pha-dang%2C-nha-nuoc-va-cach-mang-nuoc-ta.aspx [truy cập ngày 03/8/2021].
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Những ngày tháng 5 lịch sử năm nay, hòa cùng niềm vui chung của dân tộc, chúng ta không quên ngày sinh vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản mà tên tuổi gắn liền với sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đó chính là C.Mác.
204 năm qua, lịch sử nhân loại thăng trầm biến động, chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học, từ lý luận thành hiện thực và hệ thống thế giới rồi sụp đổ. Đó là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội duy ý chí, còn chủ nghĩa xã hội hiện thực và quá trình hiện thực hóa nó vẫn là khát vọng của các dân tộc bị áp bức và phụ thuộc mà C.Mác đã phát họa nên từ những năm đầu thế kỷ XIX.
Ngày nay, việc tiếp tục truyền bá và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống những quan điểm của các nhà kinh điển nhất là quan điểm của C.Mác trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị chính là quá trình hiện thực hóa những tư tưởng ấy về xã hội tương lai xã hội cộng sản chủ nghĩa với đầy đủ bản chất ưu việt của nó là một việc làm hết sức cần thiết.
1. C.Mác đã khẳng định giai cấp tư sản, xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ diệt vong
Tất cả những xã hội trước kia, như chúng ta đã thấy, đều dựa trên sự đối kháng giữa các giai cấp áp bức và các giai cấp bị áp bức. Nhưng muốn áp bức một giai cấp nào đó thì cần phải bảo đảm cho giai cấp ấy những điều kiện sinh sống khiến cho họ chí ít, cũng có thể sống được trong vòng nô lệ. Người nông nô trong chế độ nông nô, đã tiến tới chỗ trở nên một thành viên của công xã, cũng như tiểu tư sản đã vươn tới địa vị người tư sản, dưới ách của chế độ chuyên chế phong kiến. Người công nhân hiện đại, trái lại, đã không vươn lên được cùng với sự tiến bộ của công nghiệp, mà còn luôn luôn rơi xuống thấp hơn, dưới cả những điều kiện sinh sống của chính giai cấp họ. Người lao động trở thành một người nghèo khổ, và nạn nghèo khổ còn tăng lên nhanh hơn là dân số và của cải. Vậy hiển nhiên là giai cấp tư sản không có khả năng tiếp tục làm tròn vai trò giai cấp thống trị của mình trong toàn xã hội và buộc toàn xã hội phải chịu theo điều kiện sinh sống của giai cấp mình, coi đó là một quy luật chi phối tất cả. Nó không thể thống trị được nữa, vì nó không có thể đảm bảo cho người nô lệ của nó ngay cả một mức sống nô lệ, vì nó đã buộc phải để người nô lệ ấy rơi xuống tình trạng khiến nó phải nuôi người nô lệ ấy, chứ không phải người nô lệ ấy phải nuôi nó. Xã hội không thể sống dưới sự thống trị của giai cấp tư sản nữa, như thế có nghĩa là sự tồn tại của giai cấp tư sản không còn tương dung với sự tồn tại của xã hội nữa.
Điều kiện căn bản của sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản là sự tích luỹ của cải vào tay những tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm tư bản. Điều kiện tồn tại của tư bản là lao động làm thuê. Lao động làm thuê hoàn toàn dựa vào sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau. Sự tiến bộ của công nghiệp mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó đem sự đoàn kết cách mạng của công nhân do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của công nhân do cạnh tranh giữa họ gây nên.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi bàn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân C.Mác viết: Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiến hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu.
Tính nhân văn của C.Mác ngày nay thiết nghĩ giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản phải mang ơn Người vì chính C.Mác đã chỉ cho giai cấp tư sản, cho chủ nghĩa tư bản phương thức kéo dài sự tồn tại của thể chế thống trị: Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tồn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo.
2. C.Mác đã phát họa bức tranh xã hội cộng sản với đầy đủ bản chất ưu việt của nó
Trước hết, C.Mác đã công bố sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở Châu âu thừa nhận là một thế lực. Hiện nay, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản.
Hai là, C.Mác nêu bật bản chất ưu việt của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác.
Cố nhiên, điều đó lúc đầu chỉ có thể thực hiện bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào sở hữu và những quan hệ sản xuất tư sản, nghĩa là bằng những biện pháp, mà về mặt kinh tế thì hình như không được đầy đủ và không có hiệu lực, nhưng trong tiến trình vận động, những biện pháp ấy sẽ vượt quá bản thân chúng và là thủ đoạn không thể thiếu để đảo lộn toàn bộ phương thức sản xuất. Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều. Nhưng đối với những nước tiên tiến nhất thì những biện pháp sau đây sẽ có thể áp dụng khá phổ biến:
1. Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước; 2. áp dụng thuế luỹ tiến cao; 3. Xoá bỏ quyền thừa kế; 4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn; 5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn; 6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước; 7. Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung; 8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp; 9. Kết hợp nông nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn; 10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất,...
Ba là, C.Mác chỉ rõ hiệu lực, hiệu quả của quyền lực chính trị khi nó thuộc về nhân dân. Khi những đối kháng giai cấp đã mất đi trong tiến trình của sự phát triển và toàn bộ sản xuất đã tập trung trong tay những cá nhân đã liên hợp lại với nhau thì quyền lực công cộng cũng mất tính chất chính trị của nó. Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng giai cấp, nó tiêu diệt những giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp.
Bốn là, C.Mác rất quan tâm giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới. Nếu đại công nghiệp phát triển càng phá hủy mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm. Thì chủ nghĩa xã hội là giải phóng phụ nữ: Thậm chí hắn không ngờ rằng vấn đề ở đây, chính là kéo đàn bà ra khỏi vai trò hiện nay của họ là một công cụ sản xuất đơn thuần. Xóa bỏ mọi định kiến về giới, tạo quyền cho phụ nữ chính là giải phóng phụ nữ một cách triệt để nhất. Điều đó chỉ có và hiện thực hóa nó dưới xã hội cộng sản chủ nghĩa
Năm là, C.Mác đã chỉ ra nguyên nhân của việc áp bức dân tộc. Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo. Không có gì là lạ vì dưới xã hội cộng sản chủ nghĩa, một chế độ xã hội đã xóa bỏ tận gốc nguyên nhân sinh ra bất bình đẳng giai cấp thì sẽ mang lại quyền bình đẳng thực tế giữa các dân tộc.
Sáu là, C.Mác đã khẳng định tính chất triệt để nhất của cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa. Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng kế thừa của quá khứ.
Như chúng ta đã thấy trên kia, bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ. Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất.
Bảy là, C.Mác đã chỉ rõ quyền con người và việc hiện thực hóa nó trong xã hội cộng sản chủ nghĩa. Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới.
3. Dân tộc Việt Nam đang dần hiện thực hóa bức tranh xã hội cộng sản chủ nghĩa của C.Mác
Thứ nhất, trên nền tảng lý luận Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen phác thảo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đường lối cách mạng trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Trung thành tuyệt đối và kiên định nhất quán đường lối cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 đã vạch ra mô hình, phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Đại hội XIII đã tổng kết thành tựu chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thứ hai, xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức khó khăn phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.
Thứ ba, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thường xuyên tổng kết thực tiễn phát triển lý luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Thứ tư, mặc cho các thế lực thù địch xuyên tạc bôi đen, thậm chí phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thành quả cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, 174 năm đã qua Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen phác thảo, tư tưởng của C.Mác sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và thời đại ngày nay. Những giá trị lý luận và thực tiễn trong Tuyên ngôn mãi mãi là chân lý cho các dân tộc phụ thuộc, cho nhân loại tiến bộ xác định con đường đi đến vinh quang của dân tộc mình và là minh chứng hùng hồn sự trường tồn vĩnh viễn của chủ nghĩa Mác-Lênin trước mọi sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch.
Những năm gần đây, thế giới trải qua nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Các thế lực thù địch ra sức bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Thế nhưng, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn thu hút trái tim, khối óc của hàng triệu nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đấu tranh chống áp bức, bất công, chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Dù nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có khác nhau ở mỗi quốc gia dân tộc, dù thời gian còn lâu dài, có những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu sẽ dẫn loài người tới chủ nghĩa cộng sản C.Mác đã chỉ ra từ tháng 2 năm 1848 trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Kỷ niệm 204 năm ngày sinh C.Mác, 174 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, bằng tất cả những gì mà thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới đã diễn ra trong những thế kỷ qua, cùng những thăng trầm lịch sử chính là điều tri ân công lao to lớn mà C.Mác đã dành suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Thời gian có thể xóa nhòa tất cả song Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo với những giá trị lý luận và thực tiễn của nó luôn sống mãi, luôn đồng hành cùng nhân loại và các dân tộc trong việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, định hướng cuộc đấu tranh cho mục tiêu của thời đại và giải quyết những vấn đề mang tính chất toàn cầu./.
ThS. Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nói chung, nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản nói riêng ở các thời kỳ không bao giờ thay đổi. Sau “cơn địa chấn chính trị” - sự sụp đỗ của chủ nghĩa xã hội và sự tan rã của Đảng Cộng sản các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lạc hậu, lỗi thời. Trong cuốn “Năm 1999 – chiến thắng không cần chiến tranh”, Richard Nixon, Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ đã kết luận: “Rút cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải là vũ khí”… “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu, nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng!”. Chính vì vậy, các thế lực thù địch, phản động càng “hí hửng” và điên cuồng tấn công, xuyên tạc vào nền tảng tư tưởng – lý luận của đảng cộng sản hòng giành “chiến thắng” mà “không cần chiến tranh”. Đối với cách mạng Việt Nam, trước những âm mưu, thủ đoạn, phương thức ngày càng phức tạp, tinh vi và những hậu quả từ hoạt động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị của các thế lực thù địch đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Đảng ta luôn nhấn mạnh: “cần triển khai khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vụ cáo, chống phá Đảng, Nhà nước ta…”. Như vậy, cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng đòi hỏi cần được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều phương thức, với sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Đặc biệt, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khẳng định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Với chức năng cơ bản là “tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”, hệ thống trường chính trị nói chung, Trường Chính trị Bến Tre nói riêng có vai trò quan trọng và lợi thế rất lớn trong hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó nòng cốt là đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Chính vì lẽ đó, Ban Giám hiệu và Đảng ủy Trường đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức, quy chế, kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; trong đó, đã đặc biệt quan tâm khai thác ưu thế và phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên nhà trường trong giáo dục, tuyên truyền và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thông qua những bài giảng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, học viên được truyền đạt những kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Trên cơ sở đó, học viên hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và kiên định giá trị và vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng như sức sống của nó trong thời đại ngày nay. Đó chính là cơ sở lý luận cơ bản, nền tảng để hình thành bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phương pháp tư duy khoa học trong nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn, giúp hình thành những kỹ năng, thái độ cần thiết cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong quá trình nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài ra, Ban Giám hiệu và Đảng ủy đặc biệt chú trọng phát huy ưu thế của đội ngũ giảng viên để thực hiện các phương thức hoạt động phù hợp gắn với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với hình thức đấu tranh, tuyên truyền thông qua việc khuyến khích viết bài, tham gia các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, các bài viết đăng tải trên báo chí, cổng thông tin điện tử trong, ngoài tỉnh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các hoạt động trên các trang mạng xã hội…
Đặc biệt, Ban Giám hiệu, Đảng ủy đã xây dựng kế hoạch phát động và lãnh đạo cán bộ, đảng viên - giảng viên tích cực tham gia Cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức với 13 bài dự thi chính luận và 8 bài dự thi báo điện tử. Qua tổng kết cuộc thi Trường Chính trị Bến Tre đạt giải Tập thể xuất sắc (có nhiều bài viết dự thi đạt chất lượng và 01 bài dự thi đạt giải C), 1 cá nhân đạt giải C và 1 cá nhân đạt giải Khuyến khích.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc phát huy vai trò và khả năng của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn hạn chế; chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Sự phối hợp giữa các bộ phận trong trường; hoạt động của “Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng” của Đảng ủy chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao… Chất lượng, hiệu quả các bài viết chưa cao; chưa có những bài viết mang tính phản bác sắc bén, đa dạng. Phương thức chưa đa dạng, còn đơn điệu – chủ yếu là hoạt động tuyên truyền – chưa tập trung đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Lực lượng tham gia chưa đều khắp, chưa thường xuyên. Việc khai thác những ưu thế của mạng internet, các mạng xã hội, các nhóm chưa nhiều, chưa hiệu quả…
Trong giai đoạn mới với nhiều thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Sự chống phá quyết liệt của các lực lượng thù địch càng tinh vi, đa dạng với việc khai thác tối đa các ưu thế của các mạng xã hội, thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số… Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị cần triển khai đồng bộ, chủ động, quyết liệt, sắc bén và hiệu quả trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, để phát huy hơn nữa vai trò Trường Chính trị, nhất là đội ngũ giảng viên, cần quan tâm đến các vấn đề cơ bản như sau:
Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy, nhất là “Ban Chỉ đạo 35” của tỉnh, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II, Khu vực IV để thường xuyên trao đổi thông tin, mở các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn trong hoạt động tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động của đội ngũ giảng viên nhà trường bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với nhiệm vụ giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho học viên. Trên cơ sở đó, cần chú trọng phát huy sự sáng tạo và bản lĩnh của giảng viên lý luận trong giảng dạy, hướng người học nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ tiếp nhận một chiều mà phải có sự so sánh, đấu tranh phê phán… để khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời đặt ra nhiệm vụ tiếp tục bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.
Chú trọng xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tốt đẹp, tạo ra điều kiện thuận lợi, khơi dậy, phát huy khả năng tích cực, lao động sáng tạo, tự giác của người giảng viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tích cực và chủ động tiếp cận và khai thác những thành tựu mới của khoa học – công nghệ và các “kỹ năng tác chiến trên không gian mạng” để tham gia các nhóm đấu tranh, tuyên truyền. Trong đó, triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng theo quan điểm “sử dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát công nghệ”; “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”…
Cần quan tâm theo dõi, quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác cụ thể, thiết thực và đạt hiệu quả cao.
Tóm lại, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là việc hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đây là công việc thường xuyên và lâu dài. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, là trách nhiệm tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; của từng cán bộ, đảng viên. Trong đó, Trường Chính trị, nhất là đội ngũ giảng viên, hơn ai hết cần phấn đấu “làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc” của người “huấn luyện cán bộ” của Đảng và bản lĩnh, trách nhiệm của người “chiến sỹ” trong “binh chủng” trên mặt trận tư tưởng, góp phần kiên định và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bất cứ tình huống nào./.
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Đảng ta từng khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chính vì thế đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Trường Chính trị Bến Tre, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh, ngoài việc trang bị cho người học hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với tư cách là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học và với tư cách là công cụ vĩ đại chỉ đạo cho hoạt động nhận thức và hành động cải tạo hiện thực thì việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ chính trị vừa mang tính cấp bách vừa mang tính thời sự chính trị, thường xuyên, liên tục của mỗi giảng viên nhà trường.
1. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mỗi giảng viên nhà trường.
Xuất phát từ bản chất thâm độc của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ địa vị thống trị dù đã mất đi, cho nên chúng điên cuồng chống phá ta. Chúng tìm cách đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều chỉnh thủ đoạn chống phá từ công kích trực diện vào nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng đối lập, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng sử dụng các cách thức tác động tinh vi, xảo quyệt đối với từng đối tượng cụ thể.
Về nội dung chống phá, chúng phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đảng ta không phải từ bây giờ mới nhận thức được điều đó, mà trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn xem việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn trong công tác xây dựng Đảng. Luôn luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là trong tình hình thực tế hiện nay.
Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Bộ Chính trị nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ta khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chính vì thế việc chuyển đổi tâm thế của đội ngũ viên chức, giảng viên nhà trường nhằm tạo bước đột phá lớn về sự kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, của các thế lực thù địch trong tình hình mới là vấn đề mang tính cấp bách hàng đầu.
PGS-TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: Tiếp tuc làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với 10 chủ đề lớn trong giai đoạn hiện nay: Chủ nghĩa Mác-Lênin như một học thuyết về sự phát triển; Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời kỳ quá độ và định hướng xã hội chủ nghĩa; Dân tộc và giai cấp trong chủ nghĩa xã hội; Dân chủ xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị; Đảng cầm quyền và bản chất giai cấp của Nhà nước; Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở giữ vững hòa bình, ổn định; Đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
Xuất phát từ tình hình trên, mỗi giảng viên Trường Chính trị luôn tâm niệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Một là, về nhận thức, mỗi giảng viên Trường Chính trị cần nhận thức một cách sâu sắc âm mưu, thủ đoạn, bản chất thâm độc của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam gắn liền với quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định, vững vàng về lập trường, quan điểm, tư tưởng. Giử vững mục tiêu, lý tưởng cộng sản.
Hai là, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị nhận thức sâu sắc rằng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là sự thống nhất biện chứng của hai quá trình: Vừa tiếp tục khẳng định những giá trị phổ quát, đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa không ngừng bổ sung, phát triển và vận dụng linh hoạt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện thực tiễn Việt Nam. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh và tình huống nào cũng phải luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng; đồng thời, căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh ở mỗi giai đoạn lịch sử, đội ngũ đảng viên của Đảng phải luôn kiên trì nền tảng tư tưởng đã xác định, bản lĩnh chính trị vững vàng để đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ đi tiếp con đường đã lựa chọn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, mỗi giảng viên luôn luôn chủ động phòng ngừa, phê phán nhận thức lệch lạc; kiên quyết đấu tranh với quan điểm sai trái và thù địch. Thực tiễn cho thấy, dù phong trào cách mạng vô sản và công nhân quốc tế, dù chủ nghĩa xã hội hiện thực luôn có những bước thăng trầm, luôn phải đối mặt với sự chống phá của các thế lực thù địch nhưng những giảng viên Trường Chính trị, những đảng viên của Đảng vẫn luôn sáng suốt, kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng và là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận, trong đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa quyết định.
Bốn là, để giữ vững nền tảng tư tưởng, mỗi giảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải thường xuyên, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy vai trò, thế mạnh của công tác chuyên môn tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là phương thức hữu hiệu để huy động sức mạnh tổng hợp tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”.
Năm là, trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chi phối, tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, các thế lực thù địch tấn công trên không gian mạng thì mỗi giảng viên phải hết sức bình tĩnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm một mặt nhận thức thấu đáo âm mưu, thủ đoạn sâu độc của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch, mặt khác sử dụng thành quả của khoa học công nghệ vạch trần, phản bác một cách có văn hóa các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo sự thật của chúng.
Sáu là, mỗi giảng viên phải kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay trong bản thân cá nhân mình.
2. Nhiệm vụ giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bến Tre trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
2.1. Về hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch mang tính chất thường xuyên, liên tục thông qua:
+ Các bài viết trên trang web của nhà trường và trang web của Tỉnh ủy mang tính thường xuyên, liên tục.
+ Trên không gian mạng, Đảng ủy giao cho Chi đoàn nhà trường và các đồng chí sử dụng mạng Internet khá thông thạo truy cập đấu tranh, phản bác.
+ Các chi bộ trực thuộc Đảng bộ nhà trường trong sinh hoạt lệ kỳ phần xây dựng Đảng nhấn mạnh nội dung trên theo các sự kiện thời sự chính trị.
+ Phối, kết hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức các hình thức sinh hoạt khoa học, tọa đàm, hội thảo khoa học gắn kết với nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
+ Các hình thức sinh hoạt khoa học của các khoa gắn với chuyên môn, gắn với các sự kiện lịch sử trong và ngoài nước. Tập trung vào các sự kiện mà kẻ thù thường xuyên tạc, bôi đen…
+ Các hoạt động của Công đoàn cơ sở bám sát theo chủ để và theo dòng lịch sử dân tộc, các sự kiện quốc tế vận động công đoàn viên thường xuyên, liên tục đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
+ Các hoạt động của Đoàn TNCS HCM nhà trường bám sát chủ đề hàng năm và theo các sự kiện lịch sử nói chung nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
+ Các sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử nhân loại và dân tộc trong năm.
+ Các hoạt động cá nhân là viên chức của nhà trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
2.2. Về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Công tác giảng dạy, mỗi giảng viên nhà trường phải nắm chắc và thực hiện nhiệm vụ kép trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của bản thân đó là:
+ Vừa truyền bá hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với tư cách là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học chỉ đạo cho hoạt động nhận thức và hành động cải tạo hiện thực.
+ Vừa khẳng định tính khoa học và cách mạng hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vừa vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, xu thế vận động, biến đổi và phát triển của thời đại.
Công tác nghiên cứu khoa học, tích cực truy cập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội kịp thời phát hiện những quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam tổ chức vận động các giảng viên, viên chức, đảng viên viết bài phản bác các thông tin trên gắn liền với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng căn cứ vào các sự kiện chính trị nỗi bật trong và ngoài nước mà tổ chức vận động các giảng viên, viên chức, đảng viên viết bài phản bát các thông tin trên gắn liền với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các thành viên của Tổ với tư cách là Ban biên tập trang web nhà trường xem xét các bài của giảng viên, viên chức gửi nếu có nội dung sâu sắc trong việc khẳng định tính khoa học và cách mạng, tính thời đại và tính nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng thời có những ý tưởng phê phán, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch thì cho đăng ở chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các thành viên của Tổ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với tư cách là cán bộ chủ chốt phụ trách các khoa, phòng quán triệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo Quy chế hoạt động của Tổ đã được ban hành.
Các đảng viên, viên chức nhà trường căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bản thân theo Quy chế của Học viện và Quy chế hoạt động của Tổ đã được ban hành mà thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với việc phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đó là sự kiên định nhất quán và duy nhất đứng đắn. Đội ngũ giảng viên, viên chức của nhà trường luôn tâm đắc với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng đầu của mỗi cá nhân là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với việc phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời song hành với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhất là công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhằm tuyên truyền, giáo dục thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng duy vật, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa với tư cách là công cụ chỉ đạo cho hoạt động nhận thức và hành động cải tạo hiện thực nhằm hình thành bản lĩnh chính trị cho mỗi đảng viên kiên định, vững vàng và có niềm tin mãnh liệt vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam./.
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Ngày 05/6/1911, cách đây đã tròn 110 năm, tại bến cảng Nhà Rồng, Anh Ba (Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu mang tên Đô đốc Latouche-Tréville làm phụ bếp nhằm thực hiện chuyến ra đi về phương Tây tìm con đường cứu dân, cứu nước, một con đường mới chưa được khám phá.
Đến một nền văn minh mới khác với văn minh phương Đông, sang tận nơi có cái gọi là “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mà người Pháp thực dân đang tuyên truyền nhằm mục đích để tìm hiểu ngọn nguồn của chế độ thực dân đô hộ dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là để học hỏi tinh hoa thế giới, sau này về giúp cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Đó là một đột phá mới trong tư duy chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc so với các nhà yêu nước lúc bấy giờ.
1. “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, một trong những động lực cơ bản đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.
- Khác với các nhà yêu nước khác, với những xu hướng, con đường cứu nước khác nhau, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sang ngay nước Pháp tìm sự thật ẩn náu phía sau của khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng tư sản Pháp đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.
- Bản chất thực của khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kiểm nghiệm qua các cuộc cách mạng tư sản và tại Việt Nam với tư cách là một nước thuộc địa của thực dân Pháp.
Khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789), Người rút ra nhận xét: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”.
Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tiếp xúc nhiều đối tượng đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển nhãn quan chính trị vượt thời đại của Người về giai cấp vô sản: Vô sản là tất cả người lao động đoàn kết lại, “Vàng đen trắng đỏ đều là anh em”, khác màu da, khác tiếng nói nhưng có cùng chung một số phận và cảnh ngộ là bị đế quốc thực dân đô hộ, khao khát giải phóng giai cấp và nhân loại. Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản. Đó là khát vọng lớn của Bác. Có thể khẳng định đây cũng chính là cơ sở lý luận về sự nghiệp quốc tế của Người.
- Chính khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” một trong những động lực cơ bản đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu dân, cứu nước.
Đi theo con đường của V.I.Lênin, của Cách mạng tháng mười Nga 1917 thì mới giải phóng dân tộc thực sự và mới có “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” thực sự: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”.
Chọn lựa chủ nghĩa Mác-Lênin làm học thuyết cách mạng nhất và chủ nghĩa chân chính nhất nhằm giải phóng dân tộc và khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức, “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mới là hiện thực.
Tháng 7-1920, đọc được Luận cương của V.I.Lênin về Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc, vui mừng đến phát khóc: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t.2, tr.268]. Đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.
- Hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” bằng việc xác định con đường cách mạng Việt Nam
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi áp bức nô lệ: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin.… Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 10, tr. 128]. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đó chính là: Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản tức là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân.
2. Chỉ có chủ nghĩa xã hội “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mới là một chân lý của thời đại.
- Khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” chính là khát vọng của các dân tộc thuộc địa mà Việt Nam là một điển hình cụ thể. Trong Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng cao đẹp, cháy bỏng ấy: Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
- Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
- Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. Nói như Bác đã tóm lược: Chính trị chuyên chế; kinh tế độc quyền; văn hóa ngu dân để dễ cai trị. Cho nên toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam được Bác khẳng định trong tuyên ngôn một cách hết sức ngắn gọn: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đã hiện thực hóa.
- “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là khẩu hiệu mị dân của giai cấp tư sản ở mọi thời đại ngay cả khi nó mới ra đời với tư cách là thành quả của cuộc cách mạng tư sản. Khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789), Người rút ra nhận xét: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”. Trong Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945, Bác khẳng định:
Hỡi đồng bào cả nước,
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Bác đã mượn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 nhằm chứng minh đó là những trò lừa bịp không thể phủ nhân được.
- Chỉ có chủ nghĩa xã hội “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là hiện thực. Nếu như nhà cách mạng Tôn Trung Sơn cho rằng mục đích cuối cùng của cách mạng là làm cho Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc thì Bác đã cụ thể hóa thành tiêu ngữ của quốc gia Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam, nhu cầu và khát vọng không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn là xu hướng phát tiển và là chân lý của mọi thời đại, là quá trình hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đúng với nghĩa đích thực của nó.
Chân lý không có gì quý hơn độc lập, tự do của Bác chính là nhu cầu và khát vọng hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” mang tầm vóc và ý nghĩa thời đại hết sức sâu sắc không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột, cho loài người tiến bộ trên thế giới.
- Thời đại ngày nay khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” là một chân lý. Kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 ra đời cho đến nay Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là quá trình hiện thực hóa khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đúng với nghĩa đích thực của nó.
Năm 2021, năm có nhiều sự kiện lịch sử in đậm dấu ấn trọng đại của dân tộc. Đại hội XIII khẳng định: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá.
Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không chỉ là mục đích duy nhất của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam mà còn là chân lý phổ biến cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột, cho loài người tiến bộ trên thế giới với tư cách là phương pháp luận khoa học hướng tới “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” đúng với nghĩa đích thực của nó./.
CN. Nguyễn Phước Bình
Viên chức Phòng QLĐT&NCKH
Cách đây 110 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nước ngoài tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân phong kiến. Cuộc hành trình ấy là bài học lớn cho thanh niên ngày nay, để mỗi người trẻ thể hiện tình cảm, tâm huyết của mình, đóng góp trí tuệ, tài năng xây dựng quê hương đất nước “sánh ngang với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Người lúc sinh thời.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, trên quê hương Nghệ An giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, lại lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã sớm có tinh thần yêu nước, thương dân, có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Trong bối cảnh các phong trào đấu tranh, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi với nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng đều bị thất bại, chính điều đó đã đặt ra câu hỏi lớn: Cách mạng Việt Nam cần phải có lực lượng lãnh đạo?, đường lối cách mạng?, con đường và phương pháp đấu tranh phù hợp?. Trách nhiệm tìm đáp án cho câu hỏi lớn ấy đặt lên vai những người trẻ thời ấy như Nguyễn Tất Thành. Và quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh độc lập và tư duy sáng tạo của người thanh niên yêu nước.
Khi Phan Bội Châu quyết định sang Nhật Bản với mục đích kiều viện đã gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc trên dòng sông Lam và nói chuyện đưa Nguyễn Ái Quốc, lúc đó là Nguyễn Sinh Cung sang Nhật để theo Đông Du, nhưng Nguyễn Ái Quốc không đồng tình. Đó có thể nói là cảm nhận, quyết định hết sức sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc trong việc lựa chọn sang phương Tây tìm đường cứu nước. Mong muốn của Nguyễn Ái Quốc là tự do, bình đẳng, bác ái và quyết định sang phương Tây để tìm những ẩn náu sau những từ hoa mỹ đó, nhưng đồng thời để kiểm nghiệm thực tiễn xem nước Pháp và các nước khác đã làm gì để cứu được mình. Đó là động lực khiến Nguyễn Ái Quốc đã từ chối Đông Du mà tự quyết định sang phương Tây tìm chân lý.
Tròn 21 tuổi, với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và hành trang là dòng máu nóng sục sôi lòng yêu quê hương đất nước, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường chân lý. Để làm được điều đó phải có lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân, nhất là trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đến nước nào, Người cũng làm việc để kiếm sống và hoạt động. Đi đến đâu, Người cũng tự nghiên cứu, tự học. Cả cuộc đời Người là bài học về sự tu dưỡng, rèn luyện, coi cuộc sống là bài học sống động cho mình, coi khó khăn là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tất cả chỉ vì một mục tiêu lý tưởng là giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Điều đó được thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Tôi ra nước ngoài để xem họ làm thế nào để về cứu giúp đồng bào mình”. Người đã không đi theo con đường cứu nước của thế hệ cha ông mà tìm con đường cứu nước đúng đắn, giành thắng lợi cho nhân dân thoát khỏi cảnh áp bức, tù đày, hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, đưa nhân dân lầm than thành người chủ đất nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trọn đời cống hiến cho đất nước, dân tộc. Điều này đòi hỏi trách nhiệm đưa Việt Nam trở thành nước giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới, tất cả phụ thuộc vào tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân của thế hệ trẻ hôm nay.
Đất nước đã hòa bình, độc lập, tự chủ và ngày càng có vị thế cao trong khu vực và thế giới, nhưng khát vọng đưa Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu vẫn luôn là niềm thôi thúc bao lớp thanh niên hôm nay tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Trong hành trình đưa đất nước tiến lên, tinh thần độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay vững vàng niềm tin trong hành trình lập thân, lập nghiệp.
Đối với tuổi trẻ của Trường Chính trị Bến Tre – những người được kỳ vọng được đặt niềm tin là thế hệ tiếp nối, kế thừa sự nghiệp vẻ vang giảng dạy lý luận chính trị hơn 74 năm của nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ của tỉnh nhà, “trọng trách tương lai ấy” đòi hỏi mỗi cá nhân phải có lý tưởng trong sáng, có hoài bảo, dám nghĩ, dám làm, dám dân thân. Do vậy, trong thời gian tới mỗi người trẻ cần phải:
Một là, phải học tập tinh thần, lý tưởng và khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người trẻ phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm. Bởi lẽ, một trong nhiều điều kiện để trở thành một giảng viên trường chính trị cần phải có sự trải nghiệm, vốn thực tiễn phong phú và thực tiễn không tự nhiên có mà phải qua trải nghiệm, tích lũy và tự rút ra cho mình.
Hai là, phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, mỗi cá nhân sẽ không thể thành công nếu đứng ngoài tập thể và tập thể không thể tồn tại “chủ nghĩa cá nhân”, sự đố kỵ, bảo thủ. Sự nghiệp vẻ vang của trường hơn 74 năm quathế hệ giảng viên, viên chức của trường. Do đó, mỗi người trẻ cần phải thật sự đoàn kết với nhau vì mục tiêu, vì lý tưởng chung, góp phần xây dựng thành công Trường Chính trị chuẩn.
Ba là, không tự mãn về bản thân, phải luôn rèn luyện tinh thần tự học, tự phấn đấu với tinh thần tâm trong, trí sáng, hoài bảo lớn. Trở thành giảng viên trường chính trị là quá trình phấn đấu bền bỉ rất dài, gian khổ, thực tiễn luôn vận động, kiến thức luôn được cập nhật nếu rơi vào tự mãn về bản thân là tự đào thải chính mình. Tự học để nâng cao kiến thức, hoàn thiện nhân cách bản thân để có đủ “sức đề kháng” và chủ động góp sức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực phản động.
Để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, còn phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đòi hỏi tuổi trẻ phải phát huy tốt vai trò xung kích, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có được nghị lực và ý chí quyết tâm, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, để “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Người trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Đồng thời bằng lối tư duy độc lập, sáng tạo, bản lĩnh trí tuệ và hoạt động thực tiễn của mình, Bác đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam những đóng góp mang tầm vóc thời đại.
1. Nhãn quan chính trị của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước cùng thời những năm đầu thế kỷ XX.
Chủ nghĩa yêu nước chân chính cùng với ý chí bất khuất và bản lĩnh trí tuệ vượt thời đại cùng những thất bại của các xu hướng cứu nước lúc bấy giờ chính là động lực trực tiếp để Bác ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, hình thành cho mình nhãn quan chính trị vượt thời đại vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước cùng thời những năm đầu thế kỷ XX.
Đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tiếp xúc nhiều đối tượng đã giúp Bác tổng kết thực tiễn hình thành, phát triển nhãn quan chính trị vượt thời đại của Người.
Đi sang ngay nước Pháp tìm đến thực chất của khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản Pháp đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.
Khảo nghiệm các cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1776) và cách mạng tư sản Pháp (1789), Người rút ra nhận xét:“Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi vậy: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”.(Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2002, tập 9, tr 314)
Đi theo con đường của V.I.Lênin, của cách mạng tháng mười Nga 1917 thì mới giải phóng dân tộc: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 304)
Chọn lựa chủ nghĩa Mác-Lênin làm học thuyết cách mạng nhất và chân chính nhất nhằm giải phóng dân tộc, khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức, đó là nhãn quan chính trị vượt thời đại của Bác vượt qua tầm nhìn của các nhà yêu nước những năm đầu thế kỷ XX.
2. Lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Bằng lối tư duy độc lập, sáng tạo, bản lĩnh trí tuệ và hoạt động thực tiễn của mình, Bác đã cống hiến cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam những đóng góp mang tầm vóc thời đại
- Chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác. Sau khi tìm được con đường đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề cơ bản về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế cộng sản chủ trì. Tại Hội nghị đã thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) khẳng định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.1, 3, 539). Đó chính là mục đích chiến lược của con đường cách mạng Việt Nam mà cả thế kỷ XX và ngày nay Đảng, Nhân dân ta luôn trung thành và kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới được giữ vững, nhân dân lao động mới được giải phóng thực sự. Đó cũng chính là chân lý thời đại mà cách đây 101 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lĩnh hội được ở chủ nghĩa Mác-Lênin trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân của mình.
- Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Người đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam với lối tư duy độc lập, sáng tạo.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Hai là, Người đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam. Năm 1959, Người đã khái quát: Cách mạng Việt Nam trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, Bác đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng liên minh công - nông của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn tình hình của cách mạng Việt Nam.
Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về thời cơ và tình thế cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cách mạng Việt Nam.
Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo quan điểm về vai trò quần chúng nhân dân của chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mà trọng tâm chính là khối đại đoàn kết dân tộc với khẩu hiệu: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công đại thành công. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.119).
Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo vấn đề dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.10).
Bảy là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề xây dựng đảng cầm quyền của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, trang 497)
Tám là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về nhà nước vô sản vào tình hình cách mạng Việt Nam, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chín là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo công tác vận động quần chúng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?. Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Muốn vậy cán bộ làm công tác dân vận phải: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.
- Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, Người đã vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam với lối tư duy độc lập, sáng tạo.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin về thời kỳ quá độ đi lên CNXH vào miền Bắc sau 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Phải tạo ra những điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất; đồng thời, Đảng phải lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,... tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8. Nxb Chính trị quốc gia. H, 2011. Tr.329)
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng về vấn đề dân chủ của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc thực hành dân chủ ở Việt Nam. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đên Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.t6, tr.515)
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề tôn giáo của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc giải quyết tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Người đã viết: Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân . Tôn giáo Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, cho xã hội. Nếu nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy. Người chủ trương Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. (Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 325)
Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm lý luận về vấn đề gia đình của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng gia đình ở Việt Nam. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 01-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình.
Năm là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận về vấn đề con người XHCN của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng con người mới XHCN làm động lực xây dựng CNXH ở Việt Nam. Tháng 8-1961, nói chuyện với Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc nhằm quán triệt nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III, Người đã đưa ra một luận điểm quan trọng và khẳng định: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo quan điểm về vấn đề văn hóa XHCN của chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bảy là, từ thực tế tình hình cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo những giá trị lý luận và thực tiễn về đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lênin và đề ra những chuẩn mực về đạo đức cách mạng của người cộng sản. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292.)
Người đưa ra bốn chuẩn mực đạo đức: Trung với nước hiếu với dân; Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung và ba nguyên tắc rèn luyện: Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Xây đi đôi với chống. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
- Những sáng tạo của Bác đã cống hiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, cho hệ thống xã hội chủ nghĩa và các Đảng anh em trong quan hệ quốc tế đã minh chúng cho lối tư duy độc lập, sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam. Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em; Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, trang 558)
3. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân ta tiếp tục hiện thực hóa con đường mà Bác đã chọn, khẳng định nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Người đã phát huy giá trị trong thời đại mới.
Kết thúc thắng lợi vĩ đại của cách mạng giải phóng dân tộc năm 1975, hơn 50 năm phấn đấu thực hiện, điều mong muốn cuối cùng của Bác trong Di chúc giờ đã trở thành hiện thực: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Những thành tựu của công cuộc đổi mới năm 1986 cùng với những thắng lợi của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng của Người được chúng minh trong thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là đi lên chủ nghĩa xã hội; khẳng định mục tiêu lớn của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là bởi vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Thắng lợi của Đại hội XIII, năm 2021, năm có nhiều sự kiện lịch sử in đậm dấu ấn trọng đại của dân tộc. Đại hội XIII khẳng định: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá.
Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không chỉ là mục đích duy nhất của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam mà còn là chân lý phổ biến cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột, cho loài người tiến bộ trên thế giới.
Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới nhằm xác định vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng trong nhiệm kỳ mới.
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 về kinh tế, xã hội, môi trường; 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030; 6 nhiệm vụ trọng tâm; 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII lý luận với tư cách soi đường, chỉ đạo cho hành động cải tạo hiện thực trong những năm tới đây nhằm tránh chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Tất cả những thành tựu to lớn của dân tộc mang tầm vóc thời đại ấy, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự vận dụng và phát huy sáng tạo nhãn quan chính trị vượt thời đại và lối tư duy độc lập, sáng tạo của Bác trong quá trình tìm đường cứu nước, cứu dân xưa kia giờ đây đã phát huy giá trị trong thời đại mới./.