Không phải bây giờ mà từ ngàn xưa trong lịch sử dân tộc, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cho đời sau là một việc làm đã được các giai cấp thống trị đương thời hết sức quan tâm trong quá trình quản lý xã hội.
Văn bia trong Văn miếu Quốc tử giám với tư cách là trường đại học đầu tiên của dân tộc đã khẳng định: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí
Lê Quý Đôn ở thế kỷ thứ XVIII từng khẳng định: Phi trí bất hưng có nghĩa là việc quan tâm đến trí tuệ dân tộc và việc giáo dục, đào tạo thế hệ cho đời sau là việc làm hết sức cần thiết.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, dù bận trăm công, nghìn việc nhưng ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên mong mõi và trao sứ mệnh của dân tộc cho thế hệ học sinh, sinh viên hiện tại, Người khẳng định: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc cũng khẳng định: ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Xuất phát từ lịch sử và truyền thống, quá khứ và hiện tại, Đảng ta khẳng định: Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư phát triển. Mục tiêu chủ yếu là thực hiện giáo dục toàn diện đức dục trí dục, thẩm dục, mỹ dục ở tất cả các bậc học. Hết sức coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nhân cách, khả nǎng tư duy sáng tạo và nǎng lực thực hành.
Trường Chính trị Bến Tre trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình chính là quá trình cung cấp đội ngũ cán bộ cho yêu cầu thực tế của tỉnh.
1. Tình hình quản lý, giảng dạy và học tập của nhà trường hiện nay
1.1. Tình hình quản lý, giảng dạy của nhà trường hiện nay
1.1.1. Những kết quả đạt được
Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm học 2020 được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai và thực hiện đạt được một số kết quả như sau:
- Đào tạo: 24 lớp/1.604 học viên, trong đó:
+ Hệ Cao cấp lý luận chính trị: 05 lớp/367 học viên.
+ Hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính: 19 lớp/1237 học viên.
+ Tổ chức khai giảng mới 14 lớp/857 học viên (trong đó 12 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 01 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung A84-BT; 01 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung B83-BT).
+ Phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II tổ chức bế giảng lớp Cao cấp lý luận chính trị C18 (90/90 học viên đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường, trong đó: giỏi, 1 chiếm tỷ lệ 1,11%; khá, 89 chiếm tỷ lệ 98,89%).
+ Tổ chức 06 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đi nghiên cứu thực tế, viết bài thu hoạch cuối khóa và thi tốt nghiệp.
+ Tổ chức tổng kết, bế giảng 05 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 328 học viên tốt nghiệp, trong đó: Khá 67 học viên (chiếm tỷ lệ 20,43%), trung bình 261 học viên (chiếm tỷ lệ 79,57%).
So với kế hoạch năm 2020, Trường thực hiện 24/23 lớp, đạt 104,3% (Vượt kế hoạch 01 lớp – lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ngành Ngân hàng và Bảo hiểm xã hội).
- Bồi dưỡng: 22 lớp/2024 học viên. So với kế hoạch, trong năm 2020 Trường đã thực hiện 22/17 lớp đạt 129,4%.
Thực hiện kế hoạch số 248-KH/TU, ngày 05/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mở lớp bồi dưỡng cán bộ năm 2020, Trường Chính trị phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ mở 02 lớp Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và 02 lớp Bồi dưỡng Bí thư Đảng ủy xã, phường, trị trấn.
Với những kết quả trên, trường đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở cho tỉnh. Đáp ứng tốt nhu cầu cán bộ cho phong trào ra quân Đồng khởi mới của tỉnh nhà.
1.1.2. Những hạn chế, tồn tại.
Chất lượng, số lượng giảng viên không đồng đều giữa các khoa, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở cho tỉnh.
Lực lượng giảng viên trẻ đông về số lượng, chuẩn về chất lượng tri thức nói chung, song kinh nghiệm thực tiễn và vốn sống thực tế cũng như kinh nghiệm giảng dạy chưa đáp ứng tốt được yêu cầu về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở cho tỉnh mà thực tế khách quan đang đặt ra hiện tại.
Đội ngũ giảng viên nhà trường đang ở giai đoạn giao thời, chuyển thế hệ, cho nên công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở cho tỉnh gặp không ít khó khăn, kết quả của quá trình này chưa đáp ứng tôt cho nhu cầu cán bộ giỏi cho tỉnh nhà.
Cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập của nhà trường có cải thiện, nâng cao, song vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở hiện nạy.
1.2. Tình hình học tập của học viên nhà trường hiện nay
1.2.1. Những kết quả đạt được
Đa số học viên đã xác định đúng mục đích, động cơ, nhu cầu của việc học tập và rèn luyện đây là nhân tố quan trọng, quyết định cho kết quả của người học đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Tinh thần tự giác học tập và luyện được phát huy cao độ, hình thành phong trào sâu rộng trong học viên góp phần nâng cao kết quả đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường
Đa số học viên có ý thức, trách nhiệm cao trong học tập, trong phối kết hợp với rèn luyện của bản thân để trở thành cán bộ giỏi ở cơ sở.
1.2.2. Những hạn chế, tồn tại
Còn một bộ phận học viên học mang hình thức đối phó nên kết quả của việc học tập và rèn luyện chưa cao.
Chỉ học lý luận mà thiếu liên hệ thực tiễn, nhận thức phiến diện hậu quả hết sức nghiêm trọng trong quá trình công tác của bản thân sau này.
Tư tưởng chủ quan trong học tập vẫn còn trong một số học viên nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của việc học tập và rèn luyện.
Thiếu trung thực trong học tập, vi phạm quy chế học tập, rèn luyện của nhà trường quy định ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thiện nhân cách cá nhân.
2. Làm như thế nào để trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi trong tương lai
2.1. Yêu cầu và sự tuyển chọn của thực tiễn
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh hiện nay ngoài tiêu chuẩn năng lực chuyên môn sâu, rộng, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường, quan điểm, tư tưởng kiên định, nhất quán… thì việc tiếp tục học tập và rèn luyện theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là phẩm chất và năng lực theo các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức cách mạng của người cộng sản là việc làm hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện và phát triển toàn diện nhân cách.
Là những nhà lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh ở cơ sở, đội ngũ này cần phải được thực tiễn tuyển chọn, kiểm chứng thông qua hệ thống năng lực như: Năng lực nhận thức biện chứng, năng lực tư duy lý luận, năng lực vận động, tổ chức quần chúng thành một phong trào sâu rộng, năng lực hoạt động thực tiễn mà nhất là năng lực tổng kết thực tiễn bổ sung và phát triển lý luận.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh ở cơ sở phải thật sự là những người gần dân nhất, luôn lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin, phải được quần chúng nhân dân tin yêu và ủy nhiệm thông qua uy tín.
Ngoài sự chọn lọc của thực tiễn thì vai trò của cấp ủy đảng và công tác tổ chức cán bộ cần phải thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ nhằm khơi dậy, phát huy và khai thác đúng năng lực cá nhân của từng cán bộ trong thực thi nhiệm vụ được phân công.
2.2. Vai trò của nhà trường trong quá trình quản lý, giảng dạy
2.2.1. Đổi mới về nội dung, phương pháp trong quản lý, giảng dạy
Tinh gọn về tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ nhà trường tạo sự đồng thuận, sang tạo hướng đến mục đích nhằm nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng.
Nâng cao trình độ, năng lực, tri thức nói chung, nhất là kiến thức chuyên môn của giảng viên trong giảng dạy nhằm mục đích giúp cho người dạy làm chủ tri thức đủ bản lĩnh khẳng định tính khoa học, cách mạng, tính chiến đấu của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Giảng viên tin thông về phương pháp giảng dạy, trau dồi kỹ năng, kỹ xảo trong thực hiện công tác chuyên môn làm cho từng bài giảng sinh động, sáng tạo, sôi nổi… thu hút sự chú ý của học viên, kích thích sự say mê học tập lý luận chính trị, khơi dậy tính tự giác thực hiện nhiệm vụ của người học.
Nâng cao năng lực thực tiễn trong giảng dạy nhằm thực hiện tốt nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc giải quyết một cách khoa học mối quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn.
Trong từng bài giảng, từng phần học ngoài việc trang bị cho học viên thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng thì việc trang bị cho học viên kỹ năng, nghiệp vụ trong lãnh đạo, quản lý là hết sức cần thiết, giữ vai trò quan trọng.
Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là chiến lược lâu dài. Năng lực giảng viên là một khái niệm đa hướng bao gồm nhiều thành phần như kỹ năng truyền đạt, sự tương tác giữa giảng viên và học viên, mức độ khó khăn và quá tải của môn học, kiểm tra và đánh giá, … Năng lực của giảng viên đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy và học tập vì năng lực này giúp học viên nắm bắt được mục tiêu và kỳ vọng của môn học, phần học. Năng lực của giảng viên còn giúp học viên hiểu được giá trị và lợi ích của việc học tập từ đó sẽ giúp học viên thích thú hơn trong quá trình học tập để có kết quả học tập tốt hơn.
Hướng đến quản lý chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao tính tự giác học tập và rèn luyện của người học.
Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và hoàn thiện nội dung bài giảng theo hướng hiện đại, tư duy phản biện và phát triển tư duy phản biện đáp ứng tốt cho công tác ở cơ sở.
Nghiên cứu đổi mới công tác quản lý theo hướng phát huy và kích thích tính tự chủ, tự quản, tự rèn luyện của học viên.
Xây dựng tập thể học viên vững mạnh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc củng cố, phát triển động cơ đi học.
Đảm bảo tốt các phương tiện dạy học và các điều kiện phục vụ cho học tập, tự nghiên cứu của người học.
2.2.2. Thực hiện tốt phương châm
Học thực chất, thi thực chất và kết quả thực chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở cho tỉnh.
Phát huy vai trò chủ động, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo của chủ thể người học nhằm kích thích tính tự giác học tập, rèn luyện của cá nhân để mang lại kết quả
2.3. Vai trò quyết định của người học
2.3.1. Đổi mới tâm thế học tập
Đổi mới tâm thế học tập và rèn luyện chính là quá trình đổi mới một cách căn bản về cách học, phương pháp, mục đích, động cơ, thái độ học tập và rèn luyện chuyển từ thế bị động, bị bắt buộc… sang tâm thế tự giác, tự học, tự rèn là chính.
Trước hết là đổi mới về nhận thức, nhất là về tư tưởng chính trị… tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu, các quy trình học tập phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện để tích lũy tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ cho quá trình công tác của bản thân sau này.
Đổi mới trong hành động học tập cụ thể là việc thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ các quy trình học tập một cách tự giác trong quá trình tự học tự rèn của bản thân.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực, kích thích và khơi dậy tính tự giác của chủ thể học viên trong học tập và rèn luyện nhằm nâng cao năng lực bản thân.
2.3.2. Xác định đúng mục đích và động cơ học tập
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại.
Lời dạy của Người đã nêu lên những quan điểm hết sức sâu sắc về động cơ học tập. Theo Bác động cơ đi học chính đáng của cán bộ phải là:
Học để có kiến thức phục vụ cho công việc, cho thực tiễn. Học để trở thành người có ích cho xã hội. Học để hoàn thiện nhân cách người cán bộ. Học vì muốn cống hiến cho xã hội, cho Tổ quốc, cho dân tộc và nhân loại.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ một vài trường hợp cá biệt mang động cơ học lý luận chính trị chưa chính đáng là học để có bằng cấp, học để làm quan cách mạng; học lý luận suông không gắn được với thực tiễn…
Nên hiểu cho đúng động cơ học tập của học viên chính là lòng ham muốn tham dự và học tập. Động cơ học tập là yếu tố tâm lý phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu của người học, định hướng, thúc đẩy và duy trì hoạt động học tập của người học nhằm chiếm lĩnh đối tượng đó. Động cơ học tập đúng đắn hay lệch lạc có ý nghĩa quyết định sự thành bại của hoạt động và chiều hướng phát triển nhân cách của con người. Sự khác biệt về khả năng cũng như động cơ học tập của học viên ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và giảng dạy.
Có thể chia động cơ học tập thành 2 loại (động cơ bên trong và động cơ bên ngoài). Động cơ bên trong (nội lực) là động cơ xuất phát từ nhu cầu, sự hiểu biết, niềm tin của người học đến đối tượng đích thực của hoạt động học tập, là mong muốn khao khát chiếm lĩnh, mở rộng tri thức, say mê với việc học tập. Loại động cơ này giúp người học luôn nỗ lực ý chí, khắc phục trở ngại từ bên ngoài, đồng thời, giúp học viên duy trì hứng thú và ham muốn học hỏi, tìm tòi, vượt qua những trở ngại khó khăn để đạt được những mục tiêu trong học tập.
Động cơ bên ngoài là loại động cơ chỉ những tác động từ bên ngoài lên hoạt động học tập của học viên như: Đáp ứng yêu cầu của công việc, đảm bảo tiêu chí xếp loại thi đua của cơ quan, sự lôi cuốn vào bài giảng của giảng viên,… Động cơ góp phần vào việc kích thích, tạo hứng thú và nhu cầu cho người học tiếp thu tri thức, kỹ năng trong quá trình học tập.
2.3.3. Xây dựng phương pháp tự học, tự rèn
Xem trường là nhà, học viên là chủ, tự giác học tập là chính nhằm nắm vững tri thức khoa học, những kỹ năng, nghiệp vụ cho công tác của bản thân sau này khi xâm nhập vào thực tiễn.
Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo nhằm nâng cao tính tự giác trong học tập và rèn luyện của người học nghiêm túc tiếp thu tri thức lý luận, nhất là phương pháp tiếp cận vấn đề phục vụ cho công tác của bản thân sau này.
2.3.4. Thực hiện một cách tự giác, nghiêm túc khẩu hiệu của V.I.Lênin Học, học nữa, học mãi
Học ở nhà trường, tức là học phần lý luận, lý thuyết, phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ với tư cách nền tảng tư tưởng nhằm trang bị cho bản thân người học thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng với tư cách là công cụ nhận thức vĩ đại để nhìn nhận, xem xét đánh giá sự vật hiện tượng nhất là đánh giá tình hình khi ra nghị quyết và tầm nhìn chiến lược trong công tác dự báo.
Học ở đồng chí, đồng nghiệp chính là học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhau trong quá trình cộng tác hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cá nhân dù có tài giỏi cách mấy cũng không thể tách rời tập thể hoạt động độc lập mà chỉ có gắn với tập thể thì cá nhân mới phát huy hết năng lực của mình, mới học hỏi nhiều điều hay, cái tốt nhằm làm giàu kinh nghiệm cho bản thân.
Học ở thực tiễn công tác, đây là quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác của bản thân. Bên cạnh những kết quả đạt được không thể không có sai sót, người cán bộ phải biết tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, bổ sung và phát triển lý luận.
Học ở quần chúng nhân dân, người cán bộ phải đi sâu, đi sát với nhân dân, hiểu dân, tin và nghe dân nói. Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong chính phong trào của nhân dân sẽ giúp ta học nhiều kinh nghiệm trong công tác, hoạt động thực tiễn.
Hoàn thành các quy trình trên chính là Học viên Trường Chính trị hôm nay, những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi cho tương lai mai sau.
ThS. Nguyễn Thành Phương
Trưởng khoa Lý luận cơ sở