Hồ Chí Minh - Người chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam

 Xã hội loài người từ khi xuất hiện giai cấp thì bắt đầu có đấu tranh giai cấp. Hệ quả tất yếu của đấu tranh giai cấp đó là sự ra đời của nhà nước. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, bản chất của nhà nước là quyền lực chính trị của giai cấp thống trị về mặt kinh tế. Một trong những đặc trưng của nhà nước là: Nhà nước là một tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt có bộ máy chuyên thực hiện cưỡng chế và quản lý những công việc chung của xã hội, các thiết chế mang tính bạo lực như quân đội, công an, tòa án,...Trong đó, quân đội là đội ngũ then chốt bảo vệ sự tồn vong của nhà nước. Lịch sử đã lưu danh những quân đội hùng mạnh của các nhà nước trên thế giới như: Quân đội Ai Cập cổ đại, Hi Lạp cổ đại, Sparta, La Mã cổ đại, quân đội các quốc gia Trung Quốc cổ đại,...quân đội của phát xít Đức, đế quốc Anh và đế quốc Pháp...

Quân đội của các nhà nước ấy, không những làm nhiệm vụ bảo vệ giai cấp thống trị của nhà nước mình, mà còn làm nhiệm vụ đi xâm lược các nước khác nhằm thỏa mãn khát vọng bành trướng thuộc địa. Và Việt Nam đã trở thành nạn nhân bị xâm lược của Pháp vào tháng 5 năm 1858 bởi một đội quân hùng mạnh bao gồm hạm đội, tàu chiến, vũ khí hiện đại, binh lính tinh nhuệ. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có đao, kiếm, vũ khí thô sơ cùng những anh lính khố. Việt Nam từ chỗ là một quốc gia phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân ta bị áp bức đến cùng cực. Đứng trước hoàn cảnh đất nước lầm than, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Người đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc mình.

Khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác-Lênin, Bác Hồ đã nhận thức rõ rằng: “Quân đội của giai cấp tư sản là một công cụ to dùng để áp bức. Các quốc gia tư bản trong khi tiến hành chiến tranh chống lẫn nhau, hàng năm chi phí ngày càng nhiều tiền của cho quân đội, hạm đội, súng ống. Vì thế mà chủ nghĩa quân phiệt ngày càng tăng và chủ nghĩa quân phiệt mang trong lòng nó mầm mống của sự tiêu vong”. Tiếp thu học thuyết Mác-Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Quân đội nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời sẵn sàng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Từ quan điểm trên, ngay từ khi còn ở nước ngoài, Bác đã chuẩn bị về mặt chính trị lẫn quân sự cho sự thành lập quân đội của nhà nước mới, trên cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ năm 1927 Bác đã chọn lọc những thanh niên ưu tú, gửi cho đi học ở Trường Quân sự Đông Dương. Năm 1944, Bác viết cuốn sách “Cách đánh du kích” (Nguyên bản là: Chiến thuật du kích, Việt Minh xuất bản tháng 5 năm 1944); Bác tiến hành dịch cuốn sách “Phép dùng binh của ông Tôn Tử” một cuốn sách nói về đường lối quân sự được rất nhiều nước vận dụng. Nhằm hướng dẫn xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang tạo ra một cao trào cứu nước mạnh mẽ, đón thời cơ tiến tới tổng khởi nghĩa. Như vậy, ta thấy rằng Bác đã chuẩn bị rất kỹ càng về mọi mặt cho sự ra đời của một quân đội tinh thông về quân sự, giỏi về chính trị.

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng của Bác về xây dựng quân đội kiểu mới vào hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam, khẳng định tính tất yếu phải tổ chức và lãnh đạo quân đội, sử dụng quân đội làm công cụ bạo lực nồng cốt sắc bén cho toàn dân đánh giặc, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã chỉ rõ: Phương pháp cách mạng là tiến hành bằng bạo lực cách mạng, dùng sức mạnh của quần chúng có tổ chức để đánh đổ đế quốc và tay sai, lập nên chính phủ công nông binh và tổ chức ra quân đội công nông. Chính vì vậy, từ khi Đảng ra đời phong trào đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều đội tự vệ, đội du kích. Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thành công, xuất hiện đội tự vệ đỏ, đội tự vệ công nông đầu tiên. Tiếp sau đó là sự ra đời của đội vũ trang Cao Bằng, đội du kích Bắc Sơn, sau này là Cứu quốc quân, đội du kích Ba Tơ, đội du kích Nam Kỳ,...tình thế cách mạng trong nước chuyển biến theo tình thế có lợi cho ta, Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình cách mạng trong nước và trên thế giới, Bác ra chỉ thị thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Với lời căn dặn: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, thực hiện chỉ thị của Bác, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời với 34 chiến sĩ đầu tiên, những chiến sĩ đã được tuyển chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và một số đồng chí đã được đào tạo quân sự ở nước ngoài.

Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Bác tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta, đó là các vấn đề về kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân. Bởi vì: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lược lượng đó”[1]. Chỉ thị còn nói rõ về nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang.

Bác đã khẳng định:"...Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"[2]. Quán triệt tinh thần chỉ thị của Bác, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ khi ra đời đã liên tiếp ghi chiến công lớn, hạ hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở rộng địa bàn, tăng cường lực lượng, phát triển thành đại đội chủ lực của quân đội ta.

Dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Bác Hồ và Đảng ta, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng toàn thể nhân dân Việt Nam nhất tề nổi dậy thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đem lại độc lập tự do cho toàn thể dân tộc ta. Nhân dân Việt Nam như vỡ òa trước niềm vui ngày độc lập, từ đây một nhà nước vô sản kiểu mới ra đời với một tổ chức quân đội kiểu mới. Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bản chất của quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, mang tính dân tộc và nhân dân sâu sắc. Quân đội ta không có mục tiêu chiến đấu nào khác ngoài mục tiêu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để đem lại độc lập tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc.

Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945, không cam tâm mất món mồi ngon như Việt Nam, thực dân Pháp lại đem quân sang chiếm nước ta một lần nữa. Nhưng “Chúng ta dù hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định  không chịu làm nô lệ”[3]. Cả nước ta lại bước vào những tháng năm trường kỳ chống Pháp. Quán triệt tính chất của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Toàn dân cùng với quân đội ta quyết tâm thực hiện thành công chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chấn động địa cầu, đánh gục kẻ khổng lồ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đem độc lập cho toàn dân tộc. Kết thúc chín năm trường kỳ chống Pháp.

Pháp bại trận, Mỹ từ bên kia của quả địa cầu, hùng hổ đem quân ngang nhiên đánh chiếm miền Nam Việt Nam, xé bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ, biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới. Với lòng yêu nước và căm thù giặc cực độ, nước ta đã xây dựng thành công thế trận toàn dân đánh giặc. Dân ta từ chàng trai, cô gái đến cụ già, em nhỏ đều biết vót chông, đào hầm, nuôi quân đánh giặc, một người ngã xuống là cả triệu người đứng lên. Miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hàng phút, hàng giờ đều có những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, tất cả điều lao động sản xuất và chiến đấu anh dũng, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Quyết tâm đánh thắng bọn Mỹ xâm lược, cả nước tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân với tinh thần đoàn kết triệu người như một, phát huy cao độ truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, cả nước ta tạo nên một làn sóng chống giặc Mỹ xâm lược vô cùng mạnh mẽ. Trước hình hình đó, Đảng ta và Bác đã chỉ ra rằng: Phải vũ trang toàn dân đi đôi với xây dựng đội quân cách mạng. Phải phối hợp nhuần nhuyễn ba lực lượng: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và  quân du kích. Bộ đội chủ lực vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân, vừa dìu dắt bộ đội địa phương; bộ đội địa phương phối hợp hành động với bộ đội chủ lực, giúp đõ bộ đội chủ lực và dìu dắt dân quân du kích; dân quân du kích vừa phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, vừa tự mình đánh giặc, trừ gian và tham gia sản xuất,... Thực hiện tiến hành ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận kết hợp đấu tranh trên mọi phương diện. Bên cạnh đó, quân đội ta ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tác chiến trên chiến trường, phối hợp với quân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp nhằm đưa cách mạng tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Với quyết tâm cao độ “dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng giành cho được độc lập” cả nước ta hừng hực khí thế đấu tranh, quân đội ta đã “thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa” đã thực hiện thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành trọn vẹn độc lập cho nước nhà, đất nước thống nhất, giang sơn về một mối.

Từ ngày đất nước thống nhất, nhân dân ta được hưởng tự do độc lập, cả nước tiến hành lao động sản xuất, kiến thiết lại đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quân và dân ta lại bước vào cuộc chiến mới, cuộc chiến chống đối nghèo, lạc hậu, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nền tảng vững chắc đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của quân đội càng quan trọng, trong việc đảm bảo độc lập toàn vẹn lãnh thổ, chống lại các thế lực thù địch luôn có âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta. Để góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mỗi chúng ta cần tự giác thực hiện trách nhiệm, mỗi công dân đối với Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội, giữ bình yên cho thôn xóm. Góp phần xây dựng một Quân Đội Việt Nam hùng mạnh - chính quy - tinh nhuệ, một nền quốc phòng toàn dân vững chắc để đưa nước ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giúp quân đội ta thật xứng đáng với lời khen ngợi của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[4].

_____________________________________________________________ 
Chú thích
[1] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 4, NXB Sự Thật, Hà Nội.1984, tr.18.
[2] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 3, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.1995, tr.507.
[3] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 4, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.1989, tr.202.
[4] Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 2, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.2000, tr.350.

Hồ Thị Thùy Dung
Khoa Lý Luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh