Hiệu quả từ mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp của Hội Nông dân tỉnh Bến Tre

Thực hiện Đề án số 24/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp và Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 “về đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp” với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp vì mục tiêu phát triển nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội cơ sở tập hợp hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Qua đó mang lại “hiệu quả kép”, vừa giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, vừa xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở ngày càng vững mạnh.

Việc xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém trong hoạt động của Hội ở cơ sở về tập hợp, phát triển hội viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị nông sản, khả năng tổ chức sự liên kết trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, khi xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là cơ sở, tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bến Tre hiện có 134.002 hội viên Hội Nông dân, chiếm 63,7 % so với hộ nông nghiệp, với 956 chi hội và 7.140 tổ hội. Hiện đã thành lập và đi vào hoạt động 10 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 391 thành viên và 1.984 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 24.863 thành viên[1]. Hiện nay, các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập và hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động và bảo đảm đạt được tiêu chí 5 cùng: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi, nhằm động viên, hỗ trợ, giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên. Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đang hoạt động đã mang lại hiệu quả không chỉ cho người nông dân và còn góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở ngày càng vững mạnh:

Đối với nông dân: Tham gia vào hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp các hộ nông dân được tạo điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các phương thức canh tác, được tập huấn bồi dưỡng kiến thức sản xuất để hoạt động sản xuất theo chiều hướng phát triển ổn định, lâu dài và nâng cao thu nhập cho gia đình. Các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập đã và đang thu hút nhiều hộ nông dân, tham gia hoạt động sản xuất giúp hội viên biết cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Qua đó, dần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, thành lập hợp tác xã, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với tổ chức Hội Nông dân cơ sở: Các chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp đi vào hoạt động sẽ trở thành cầu nối giữa Ban Chấp hành tổ chức Hội ở cơ sở với hội viên nông dân, được tổ chức theo ấp, khu phố, hợp tác xã và theo nghề nghiệp; khắc phục được trình trạng khó tập hợp hội viên nông dân tham gia sinh hoạt hội. Nội dung sinh hoạt chi, tổ hội đa dạng, phong phú hơn, tổ chức các hoạt động mang tính thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của hội viên nông dân, qua đó hội viên tham gia tổ chức hội đầy đủ hơn, chất lượng sinh hoạt ngày càng tăng. Mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên. Nâng cao chất lượng trình độ và năng lực hoạt động của cán bộ chi, tổ hội. Đảm bảo nội dung sinh hoạt trên cơ sở nhu cầu thực chất, cần thiết của hội viên trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng hoạt động không hiệu quả của chi, tổ hội, hội viên nông dân gắn bó hơn với tổ chức Hội, thu nhập của hội viên chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cao hơn so với hội viên sinh hoạt ở chi, tổ Hội truyền thống.

Chính vì vậy, thông qua hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp sẽ góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đáp ứng nhu cầu hội viên nông dân, qua đó công tác xây dựng tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp cũng còn bất cập và những vấn đề đặt ra: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, hội viên của Hội chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của chi, tổ hội nghề nghiệp. Một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên, chưa thực sự chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. Việc lựa chọn, định hướng mô hình ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế ở một số địa phương còn lúng túng, vai trò chi hội trưởng, tổ trưởng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng các chi, tổ hội nghề nghiệp còn hạn chế,…

Để đẩy mạnh việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt có hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh cần quan tâm một số nội dung sau:

Một là, phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Hội Nông dân cơ sở cần khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất để lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của từng địa phương để tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thành lập, tham gia chi hội, tổ hội nghề nghiệp.

Hội Nông dân cần phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn kinh doanh. Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Việc đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân cơ sở cần rà soát các chi, tổ hội đủ điều kiện để chuyển đổi, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp và tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các chi tổ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Qua đó, góp phần phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản phẩm hàng hóa, giá trị cao, gắn xây dựng một mô hình liên kết chuỗi giá trị.

Cần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trọng tâm là nhân rộng những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp.

Hai là, Hội Nông dân cần phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân... tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi với số tiền vay cao hơn, thời hạn vay dài hơn để nông dân có điều kiện mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất, kinh doanh...

Ba là, Hội Nông dân cần phát huy sự chủ động, tích cực tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp của hội viên nông dân

Người nông dân cần có sự chủ động nâng cao kiến thức về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập cho hội viên. Người nông dân đóng vai trò chủ thể trong hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp có như vậy hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp mới mạng lại hiệu quả cao.

Bốn là, Hội nông dân cơ sở cần nghiên cứu, khai thác tiềm năng, thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất của địa phương để xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo nguyên tắc 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng sự chia sẽ, cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi).

Với hiệu quả bước đầu của mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh chuyển đổi, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với số lượng nhiều hơn, chất lượng hiệu quả mang lại thiết thực hơn cho hội viên nông dân, tạo tiền đề cho việc thành lập các hợp tác xã, góp phần phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội ở cơ sở, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh./.

 

[1] Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, Báo cáo số: 663-BC/HND, ngày 28/6/2021, Công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

ThS. Đoàn Thị Mao
Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh