Thế hệ đoàn viên Trường Chính trị Bến Tre phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng

Trong bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

“…Đảng ta vĩ đại như biển rộng núi cao,
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Thật vậy, kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân và cùng nhân dân viết nên những trang sử chói lọi, trong đó mỗi thời đoạn của cách mạng Việt Nam là một dấu son không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc.

Là tập sự giảng viên với nhiều khó khăn khi vừa bước chân vào ngành, tôi cố gắng phấn đấu và trau dồi tri thức để được trở thành giảng viên tại Trường Chính trị Bến Tre, theo quy chế giảng viên Trường Chính trị Bến Tre, ban hành kèm theo Quyết định số 63/QĐ-TCT ngày 01 tháng 9 năm 2016, của Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre, để trở thành giảng viên Trường Chính trị, một trong những điều kiện cần và đủ phải là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy có phải điều duy nhất vào Đảng là để được trở thành giảng viên hay không? Không.

Lúc sinh thời Bác Hồ đã dạy: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải!...Chúng ta vào Đảng là để hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người Đảng viên”. Cũng trong Di chúc của mình, Người viết “… Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…”.

Để phấn đấu trở thành một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mỗi chúng ta cần xác định mục tiêu phấn đấu của mình:

Một là, xác định động cơ vào Đảng đúng đắn

Phấn đấu vào Đảng là để được đứng trong một tổ chức của những người cùng chung chí hướng đấu tranh xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vào Đảng là dấn thân theo lý tưởng cách mạng, chấp nhận hy sinh, phấn đấu, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Cái được lớn nhất khi vào Đảng là được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, được Đảng và nhân dân tin cậy, yêu mến.

Trong quá trình phấn đấu vào Đảng, việc xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn là điều có ý nghĩa quyết định. Đảng chỉ kết nạp những người thực sự giác ngộ về mục đích, lý tưởng cách mạng, quyết không thu nhận vào hàng ngũ mình những người mang động cơ thiếu trong sáng, lệch lạc; càng không để cho các phần tử xấu cơ hội lọt vào Đảng. Để có động cơ vào Đảng đúng đắn, cần hiểu sâu sắc bản chất, mục đích của Đảng, tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ do Đảng đề ra; thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, vụ lợi, xa lạ với bản chất của người chiến sĩ cách mạng.

Xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng. Trong điều kiện hoà bình, Đảng cầm quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mỗi người chúng ta nói chung, và người đảng viên nói riêng, luôn phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách là những cám dỗ của quyền lực, tiền tài... Nếu người vào Đảng không có động cơ vào Đảng trong sáng sẽ không thể vượt qua được những thử thách, không thắng nổi sự cám dỗ vật chất và những thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Hai là, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng

Bản lĩnh chính trị được thể hiện ở tính kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu, trung thành phục vụ cho Tổ quốc, trung thành với lợi ích của Đảng, với lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc, suốt đời tận tâm trung thành phục vụ cho Tổ quốc, phục vụ cho nhân dân, thấy sai phải biết phê phán…

Khí tiết của người các mạng là “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Đây chính là nét nổi bật của người đảng viên.

Ba là, không ngừng nâng cao năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng

Là một người đảng viên chân chính, mẫu mực không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà phải gương mẫu hoàn thành tốt, đảm bảo chất lượng công việc cũng như đem lại hiệu quả cao. Để làm được điều đó đòi hỏi người đảng viên không chỉ nâng cao về năng lực mà còn cả năng lực về trí tuệ và năng lực thực tiễn, không ngừng học hỏi trau dồi để đủ kiến thức đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Bốn là, người đảng viên phải gắn bó với tập thể, với nhân dân, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, công tác xã hội

Điều đó được thể hiện ở ngay chính nơi ở, nơi làm việc cũng như các mối quan hệ với các quần chúng khác, biết lắng nghe, hiểu được tâm tư nguyện vọng của quần chúng, biết chăm lo đến lợi ích, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vận động nhân dân sống và làm theo đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những hoạt động chính là cơ hội tốt giúp cho chúng ta tiến bộ, trưởng thành về chính trị, tạo dựng sự tín nhiệm của nhân dân, tạo đà cho mỗi quần chúng phấn đấu trở thành đảng viên.

Năm là, tích cực tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở

Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng chúng ta không ngừng tự giác thừa nhận, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng mà còn cần tích cực tham gia xây dựng Đảng, giúp Đảng phát hiện những quần chúng mất tư cách đạo đức, phát hiện những đảng viên tha hóa về đạo đức, lối sống, chống tham nhũng trong Đảng…

Ngoài mục tiêu để phấn đấu trở thành đảng viên chúng ta cần biết để trở thành một đảng viên thì điều kiện để được xét kết nạp vào Đảng đó là  Điểm 2, Điều l Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét  để kết nạp vào Đảng”.

Tại Điều 3, Điều lệ Đảng quy định đảng viên có những quyền sau:

1. Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng;

2. Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

3. Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.

4. Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình;

Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Là đoàn viên tại Trường Chính trị Bến Tre tôi đã cố gắng phấn đấu và đề ra cho mình phương hướng, mục tiêu rèn luyện, luôn luôn nổ lực vươn lên về mọi mặt để có thể trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thế hệ đoàn viên Trường Chính trị Bến Tre nói chung và bản thân tôi nói riêng, rất tự hào khi phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng và thấy rõ đó là một trọng trách, một nhiệm vụ cao cả, đầy vinh quang và cũng đầy thử thách; song qua quá trình nghiên cứu về Đảng tôi nhận thấy rằng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi.

Trong thời đại ngày nay, với mục tiêu và lý tưởng cao đẹp mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn và xây dựng. Tôi tha thiết và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng để góp sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc và xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Chúng tôi, thế hệ đoàn viên Trường Chính trị Bến Tre tuyệt đối trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ cùng toàn thể nhân dân ta đã lựa chọn./.

Nguyễn Thị Mai Trâm
Tập sự giảng viên Khoa Dân vận

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh