Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Sinh Cung, tên thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, tại xã Kim Liên, huyện Kim Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho. Thân phụ của Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 1862, tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Thân mẫu của Nguyễn Sinh Cung là bà Hoàng Thị Loan, sinh năm 1868 trong một gia đình nho học. Bà là một phụ nữ thông minh, cần cù chịu khó, thương yêu chồng con và giàu lòng nhân ái. Bằng nghề làm ruộng và dệt vải bà đã hết lòng chăm lo cho chồng và các con.

Năm 11 tuổi Nguyễn Sinh Cung đã phải chịu nỗi đau thương lớn: Phải vĩnh biệt người mẹ cần mẫn, đảm đang hết mực thương chồng, thương con và ăn ở nhân đức với mọi người, được bà con láng giềng mến phục.

Tại quê nội xã Kim Liên, Nguyễn Sinh Cung thế hệ thứ 12 kể từ khi dòng họ Nguyễn Sinh sống ở làng, được làm lễ vào làng với tên gọi mới là Nguyễn Tất Thành. Sau đó, Nguyễn Tất Thành được cha gửi sang học với thầy Vương Thúc Quý, thầy Quý đã dạy cho Nguyễn Tất Thành tư tưởng yêu nước thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Mặt khác, nhà thầy Quý còn là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nhiều khi Nguyễn Tất Thành được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt ấy, nhờ đó cậu thanh niên yêu nước Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Vấn đề liên quan đến sự sống còn của dân tộc đã ngày một thấm sâu vào trái tim và khối óc cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành. Càng lớn dần lên, càng đi sâu vào cuộc sống của nhân dân Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước.

Tháng 4 - 1908, vào gần cuối năm học sơ đẳng, Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình cùng với nông dân 6 huyện của tỉnh Thừa Thiên để đòi giảm sưu, giảm thuế. Những sự kiện mà Nguyễn Tất Thành tham gia và chứng kiến khiến Người phải suy nghĩ về nguyên nhân thành bại của các phong trào. Năm 1908 - 1909, Nguyễn Tất Thành chuyển sang học Trường Quốc học Huế, các thầy giáo của Trường Quốc học Huế có người Pháp và cả người Việt Nam, trong số thầy giáo Việt Nam cũng có những người yêu nước, có ý thức giáo dục học trò không quên Tổ quốc. Tháng 6 - 1910, Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành chương trình tiểu học. Tháng 8 - 1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết và được giới thiệu vào làm trợ giáo tại Trường Dục Thanh. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được tuyển làm trợ giáo môn thể dục, đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khóa của trường. Những ngày ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường Phan Chu Trinh vạch ra và đang được một số người tâm huyết thực hiện. Nguyễn Tất Thành khâm phục lòng yêu nước của Phan Chu Trinh nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông. Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm đường ra nước ngoài, xem thế giới như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Đầu tháng 2 – 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Người ở tạm tại trụ sở chi nhánh của công ty Liên Thành đặt tại Sài Gòn. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn lam lũ, làm đủ nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác,…Người đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ học nghề ở Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn, Người cũng đến làm quen với các chủ hiệu giặt ủi ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu, Người đang tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.

Năm 1911, bến cảng Sài Gòn đã có nhiều tàu biển của nước ngoài ra vào, có tàu của Pháp, Anh, Na Uy, Nhật, Đức…Chiếc tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni đậu gần cột cờ Thủ Ngữ, nỗi lên dòng chữ Amiran Latusơ Tơvêvin. Tàu này cập bến Sài Gòn ngày 17 – 5 – 1911, ngày 21 – 5 rời cảng Sài Gòn đi Hải Phòng đến ngày 2 – 6 – 1911 tàu trở lại Sài Gòn. Ngày 3 – 6 – 1911, một thủy thủ của tàu dẫn Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba lên tàu gặp thuyền trưởng Maixen và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5 – 6 – 1911, tàu Amiran Latusơ Tơvêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn là tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc lên đường sang Pháp.

Năm 1912, Nguyễn Tất Thành rời Pháp đi vòng Châu Phi trên một chuyến tàu chở hàng. Mỗi lần tàu dừng chân lại bến cảng các nước, Người tranh thủ lên thăm thành phố cảng để ngắm nhìn phong cảnh và xem xét cuộc sống của người dân ở đó. Một lần tàu ghé Đeca (Dakar) thủ đô nước Xênêgan (Sénégal) ở phía tây Châu Phi, vào lúc đó sóng biển dữ dội, tàu vật lộn mãi với sóng gió vẫn không vào được bờ và cũng không thể thả ca nô xuống được. Bọn chủ tàu đứng trên bờ bắt người da đen bản xứ thay nhau nhảy xuống biển, bơi ra để liên lạc với tàu. Họ đã bị sóng biển cuốn trôi một cách tàn nhẫn. Nguyễn Tất Thành rất xúc động và khóc trước cách đối xử dã man của bọn thực dân da trắng đối với người dân thuộc địa. Nguyễn Tất Thành tiếp tục đi Máctiních (Martinique) (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ), và dừng chân lại ở Mỹ vào cuối năm 1912. Tại đây, Nguyễn Tất Thành có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của nước Mỹ.

Khoảng giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo con tàu rời Mỹ trở về Lơhavơ đi Anh. Những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được thêm những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – một công cụ quan trọng trong giao tiếp và đấu tranh chính trị. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp và cư trú ở Paris, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia Đảng xã hội.

Khi tham gia vào Đảng xã hội Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã viết “Bản yêu sách 8 điểm” của nhân dân An Nam gửi nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị Vécxây yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin về chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại đây, Người tham gia Đại hội thứ I Quốc tế nông dân và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân và được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thanh lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, đồng thởi mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Tường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), sát biên giới Việt – Trung làm nơi đứng chân đầu tiên xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ ngày 8 – 2 – 1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang này.

Sau một thời gian về nước nắm bắt tình và chuẩn bị, lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội Nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gắp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 6 – 6 – 1941, Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết để đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian. Tháng 8 năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh và với tư cách là đại diện Mặt trận Việt Minh và phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc. Đến ngày 29 – 8 – 1942, Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam, sau đó bị giải qua hơn 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian ở tù, Hồ Chí Minh đã viết 133 bài thơ bằng chữ Hán theo các thể thất tuyệt, thất luận, ngũ ngôn,…Tháng 9 năm 1943 Hồ Chí Minh được trả tự do, tuy được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế, sức khỏe của Người lúc này bị giảm sút nghiêm trọng: Mắt bị mờ, chân đi không vững. Nên vừa ra tù Người đã đặt ra kế hoạch tập luyện để mau chóng phục hồi sức khỏe. Người tập nhìn vào bóng tối để luyện mắt, tập đi, tập leo núi để luyện đôi chân. Sau một thời gian kiên trì luyện tập Người đã lên được đỉnh Tây Phong trong dãy núi Phan Long Sơn, ở phía tây thành phố Liễu Châu. Người xúc động và sáng tác bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn

“Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân

Giang tâm như kính, tịnh vô trần

Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh

Dao vọng nam thiên ức cố nhân”

Nam Trân dịch: Mới ra tù, tập leo núi

“Mây ôm dẫy núi, núi ôm mây,

Lòng sông như gương, không chút bụi

Một mình bồi hồi dạo bước trên đỉnh núi Tây Phong

Trông về phía trời Nam xa xăm nhớ bạn cũ.

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;

Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,

Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”

(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, trang 439)

Tháng 3 năm 1944, Người tham dự Hội nghị các lực lượng cách mạng Việt Nam ở Liễu Châu (Trung Quốc). Tại Hội nghị này Người đã đọc báo cáo về hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản, nêu rõ tiền đồ của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, mối quan hệ mật thiết và lâu đời giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Tháng 9 năm 1944, Hồ Chí Minh trở lại Cao Bằng, Người gửi thư cho đồng bào cả nước kêu gọi chuẩn bị triệu tập Quốc dân đại hội. Tháng 12 năm 1944, Người quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 9 – 3 – 1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Ngày 4 – 5 – 1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) sau sự kiện Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima. Ngày 10 – 8 – 1945, Hồ Chí Minh cùng Ban thường vụ Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Trong vòng hơn 10 ngày cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên cả nước, chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm đã lật nhào, chính quyền cách mạng đã thuộc về nhân dân. Ngày 2 – 9 – 1945, tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. (Sđd, tập 4, trang 12)

Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 6– 1 – 1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức trên cả nước, bất chấp bom đạn của thực dân Pháp ở miền Nam và những hành động phá hoại của bọn phản động ở phía Bắc. Ngày 2 – 3 – 1946, Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ngày 19 – 12 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 7 năm 1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương đã được ký kết, miền Bắc được giải phóng. Cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến chống Pháp thắng lợi là giai đoạn mở đầu oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của những chiến công và kỳ tích làm vẻ vang cho dân tộc, đưa dân tộc ta từ địa vị nô lệ lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.

Miền Bắc được giải phóng, miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Mỹ đã lập ra các “khu trù mật” để dồn dân, đánh phá các tồ chức Đảng và cơ sở cách mạng của ta. Chúng ban hành những đạo luật phát xít như luật đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, luật 10/59…Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam bước vào thời kỳ gian khổ và khó khăn. Trước tình hình của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Ngày 5 – 9 – 1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba đã khai mạc, tại Đại hội này Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày 2 – 9 – 1969, do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần hưởng thọ 79 tuổi.

Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức trên thế giới./.

Thạc Sĩ Võ Thị Thúy Liễu
                                                         Phòng NCKH - TT - TL

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh