Giáo dục thanh niên truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nhân ngày thương binh, liệt sĩ

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến những hy sinh, mất mát lớn của dân tộc, Bác đã dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Tình cảm của Bác đối với thương binh, liệt sĩ là biểu hiện cụ thể của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Để biết ơn những người đã có công đối với đất nước, ngay từ đầu năm 1946 Bác đã khởi xướng ngày Thương binh liệt sĩ và tháng 6-1947, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Hội nghị của các cơ quan Chính phủ và các hội, đoàn thể chính trị ở Trung ương đã quyết định chọn ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc, đến năm 1955 đổi thành “Ngày thương binh, liệt sĩ”. Ý nghĩa của ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày toàn dân thực hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, từ đó ngày 27 tháng 7 đã trở thành một nét đẹp của đời sống văn hóa Việt Nam, là một ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội, là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng mến yêu thương binh liệt sĩ, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta đã lựa chọn.

Bác từng nói:“Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” [1] và từ năm 1947 cho đến khi qua đời cứ đến tháng bảy hàng năm Bác đều gửi thư, gửi lời thăm hỏi động viên thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, trong thư Bác nhắc nhở:

Đối với nhân dân: Thương binh, bệnh binh là những chiến sĩ đã hy sinh một phần xương máu, một phần sức khỏe vì kháng chiến, vì Tổ quốc. Vì vậy chúng ta cần phải săn sóc chu đáo, nên coi việc biết ơn chăm sóc thương binh, bệnh binh là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh, không nên coi đó là việc “làm phúc”; khi đón anh em thương binh, bệnh binh về xã thì chính quyền và đoàn thể địa phương cần phải tổ chức sẵn sàng việc giúp đỡ kể cả tinh thần và vật chất để anh em sớm dần dần tự túc.  

Đối với thương binh, bệnh binh: Phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào, cố gắng “tăng gia sản xuẩt”, “tự lực cánh sinh”; phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân; phải tránh tâm lý “công thần” coi thường lao động, coi thường kỷ luật; chớ ỷ lại, chớ bi quan chán nản, phải luôn luôn cố gắng; phải giữ truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của dân tộc, giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết thương yêu giữa anh em thương, bệnh binh với nhau, giữa thương binh với cán bộ và nhân dân. Nếu anh em thương binh, bệnh binh nào có tư tưởng ỷ lại, kém kỷ luật, yêu cầu nhân dân quá đáng thì nên cố gắng sửa chữa, phấn đấu trở thành người gương mẫu.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng Bác căn dặn “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” [2]

Tấm lòng của Bác đối với thương binh, bệnh binh là một hành động nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ghi nhớ công lao to lớn của thương binh, liệt sĩ. Bác là tấm gương lớn trong việc thực hiện truyền thống lâu đời của ông cha ta - truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Ngày nay đất nước đang trên đà đổi mới và phát triển, tuy nhiên những thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, trong đó thanh niên là tầng lớp dễ chịu ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài cho nên việc giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên là một việc làm hết sức cần thiết, thường xuyên và liên tục.

Bất cứ một dân tộc, quốc gia nào đó muốn tồn tại và phát triển cần phải quan tâm việc giáo dục và bồi dưỡng thanh niên, vì thanh niên là lực lượng chiến lược, lực lượng quyết định đến vận mệnh tương lai của đất nước, vì vậy việc giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên là một việc rất quan trọng, nhằm mục đích giúp thanh niên hiểu biết sâu sắc quá khứ gian khổ, đau thương nhưng anh dũng và vinh quang của dân tộc, của Đảng, để thanh niên thêm tự hào, tin tưởng, nhận rõ giá trị của cuộc sống hiện tại, nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế chân chính, xây dựng thái độ lao động mới, ý thức tự lập, tự cường, tinh thần trách nhiệm xã hội đối với tương lai của dân tộc, tiếp tục sự nghiệp của lớp người đi trước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay có một số thanh niên có biểu hiện có lối sống thực dụng, đánh mất lòng tự hào dân tộc, tự hào về quê hương, đất nước, xem nhẹ các giá trị đạo đức, lãng quên truyền thống hào hùng của thế hệ ông cha đi trước. Trước thực trạng trên, để góp phần giáo dục, định hướng thanh niên phát triển toàn diện, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên cần chú trọng những giải pháp như sau:

Thứ nhất, thường xuyên khơi dậy và giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng cho thanh niên, tuyên truyền các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày thương binh, liệt sĩ, tổ chức các hoạt động thiết thực liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, góp phần giúp thanh niên nâng cao nhận thức và phát huy hành động của mình đối với công lao của thế hệ đi trước, qua đó giúp mỗi thanh niên tự nhận thấy rằng sự hòa bình, ổn định của đất nước hiện nay đó là nhờ công lao của những vị anh hùng hy sinh mới có được, luôn tự nhắc nhở bản thân phải thực hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, không ngừng học tập, luôn luôn nêu cao tinh thần ghi nhớ lịch sử dân tộc, biết ơn đối với công lao thế hệ đi trước để tự hoàn thiện bản thân ở hiện tại. Không ngừng nâng cao bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tuân thủ, thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, xung kích, hăng hái trong việc tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục cho thanh niên. Bác từng khẳng định “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn”[3]. Gia đình là trường học đầu tiên, trực tiếp giáo dục thanh niên truyền thống gia đình, cách mạng, quê hương, kế tiếp là nhà trường, cần tăng cường hơn nữa những hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử dân tộc. Hiện nay trong thanh niên có hiện tượng lười học lịch sử, do đó nhà trường đóng vai trò to lớn trong việc tìm ra giải pháp giảng dạy giúp thanh niên nắm vững lịch sử dân tộc, tuy nhiên giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn. Vì vậy việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thanh niên.

Thứ ba, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong công tác giáo dục thanh niên, nòng cốt là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tổ chức Đoàn nên phối hợp với các tổ chức khác để mở rộng các hoạt động xã hội tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, như phối hợp với Hội Cựu Chiến binh để giáo dục, tuyên truyền công lao thế hệ đi trước. Bên cạnh đó cần tổ chức các hoạt động thiết thực như: tổ chức chiến dịch mùa hè xanh, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa qua đó giúp thanh niên tự trải nghiệm góp một phần nhỏ công sức của mình thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với đất nước. Ngoài ra cần tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử của dân tộc, thăm hỏi chăm sóc các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc giúp đỡ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ; tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà hỗ trợ cựu thanh niên xung phong; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về thăm địa chỉ đỏ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, danh nhân địa phương qua đó bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ghi nhớ công lao người đi trước cho thanh niên.

Kỷ niệm 74 năm ngày thương binh, liệt sĩ, ngày những người anh hùng đã hi sinh vì độc tự do thống nhất đất nước, thế hệ thanh niên ngày nay phải luôn luôn biết ơn công lao thế hệ đi trước, góp một phần sức lực nhỏ của mình thông qua những hành động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với những người có công với cách mạng, những thương binh, bệnh binh qua đó nhằm phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc./.  

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN. 2011, tr. 204.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN. 2011, tr. 616.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN. 2011, tr. 591.

CN. Trương Thị Bích Tuyền
Viên chức Khoa xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh