Chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi Trẻ là mùa xuân của xã hội”[1]. Là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn xa trông rộng, hơn ai hết, Người thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bản Di chúc của mình, Bác đã dành một phần để nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên. Bác đã dành cho thế hệ trẻ - người chủ tương lai của đất nước sự quan tâm và kỳ vọng. Bác đã đánh giá: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái, xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo, giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”[2]. Theo Người, thanh niên đóng vai trò là lực lượng hùng hậu, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Do đó, Đảng cần phải thường xuyên quan tâm, dẫn dắt, chỉ lối để thanh niên có thể thực hiện sứ mệnh “xung phong” của mình. Những nội dung chủ yếu trong công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ kế cận cho cách mạng nước nhà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là:
Thứ nhất, cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo Người, thanh niên muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, muốn làm được những việc lớn thì trước hết phải được giáo dục một cách đầy đủ về phẩm chất đạo đức, về bản lĩnh và ý chí cách mạng, điều này đã được Đảng ta cụ thể hóa rất rõ trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.
Thứ hai, phải chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố “hồng” và “chuyên” trong đó nhấn mạnh phải coi “hồng” là gốc của việc giáo dục thanh niên. Nội dung đào tạo thế hệ trẻ được Người diễn đạt một cách giản dị, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc “phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẫn đục vì chủ nghĩa cá nhân”.
Thứ ba, cần phải chăm lo sự nghiệp “trồng người” để không ngừng bồi dưỡng, tăng cường thế hệ cách mạng cho đời sau. Người đã dạy: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Đó là thế hệ thanh niên vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ để đảm đương nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm thật tốt sự nghiệp “trồng người” Bác đã quan tâm đến hai vấn đề cốt lõi:
Một là, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và thế hệ đi trước phải thường xuyên quan tâm, chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho thế hệ trẻ để giúp họ phát triển toàn diện, phát huy được thế mạnh, sở trường. Đặc biệt với đội ngũ thầy cô giáo làm công tác giáo dục, Bác nhấn mạnh: Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy dạy học là chăm lo, dạy dỗ con em Nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà.
Hai là, mỗi đoàn viên, thanh niên phải có tinh thần cầu tiến bộ, chủ động, sáng tạo và không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện, phải hết sức nỗ lực dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, phải lấy việc lập thân, lập nghiệp phục vụ đất nước làm mục tiêu phấn đấu. Bác cũng cho rằng, nếu kết hợp và thực hiện có hiệu quả cả hai vấn đề trên sẽ góp phần làm tốt công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Thấm nhuần lời dạy trong Di chúc của Bác về giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Đảng ta luôn xác định đây là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, thường xuyên quan tâm đến phát huy truyền thống, giáo dục chính trị, lý tưởng đạo đức và nếp sống văn hóa; tạo điều kiện cho tuổi trẻ học tập, lao động, cống hiến, vui chơi giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay phải gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế. Khai thác tối đa các ưu thế và khắc phục tối đa những nguy cơ, thách thức. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo Đảng, phát huy vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thế hệ đoàn viên thanh niên Trường Chính trị hôm nay, chúng tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, trong điều kiện đất nước đổi mới và phát triển, không phải chịu đựng sự đau thương của cảnh “nước mất nhà tan” của kiếp “nô lệ” khổ nhục, sự đô hộ cướp bóc của bọn thực dân phong kiến và chứng kiến những hy sinh, mất mát mà lớp cha anh đã phải trải qua vì độc lập tự do của dân tộc… chúng tôi hiểu rằng hạnh phúc ngày hôm nay được tiếp nối bằng truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, bằng những bước đi trên con đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.
Học tập và làm theo Bác, chúng ta nhận thấy cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức, phong cách của Bác có sức lan tỏa diệu kỳ, có ảnh hưởng hết sức to lớn đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, thế hệ đoàn viên thanh niên chúng tôi nói riêng trên con đường phấn đấu, trưởng thành. Vì vậy, với trách nhiệm là cánh tay đắc lực của Đảng, đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên, chúng tôi nhận thức và nguyện phấn đấu:
Thứ nhất, mỗi bản thân sẽ là nguồn giảng viên trẻ của Trường Chính trị Bến Tre, tiếp nối truyền thống của hơn 72 năm xây dựng và trưởng thành, để hướng đến xây dựng một bản sắc văn hóa Trường Đảng, mỗi chúng tôi phải tận tâm học tập, ra sức làm việc; tôn trọng kỷ luật, kỷ cương; có chí chủ động, sáng tạo; trung thành, chính trực, có quyết tâm, đã làm việc gì thì phải đến nơi; có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học nữa, học mãi, học để có tư duy, có kiến thức; rèn luyện cho mình có được bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, miệng nói lời cao đạo nhưng tư tưởng, tình cảm và việc làm thì mang nặng đầu óc cá nhân, tư lợi… Phấn đấu nguyện trở thành người giảng viên Trường Chính trị sâu về chuyên môn, giỏi về phương pháp, chuẩn về đạo đức, tự hoàn thiện nhân cách cá nhân để có đủ “sức đề kháng” và chủ động góp sức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực phản động.
Thứ hai, luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu rèn luyện tác phong và thực hiện lề lối công tác; xây dựng và rèn luyện phong cách giao tiếp ứng xử văn hóa trường Đảng, chuẩn mực trong hành vi, lối sống. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, “rèn đức, luyện tài”, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó, thách thức với phương châm “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, đoàn kết, kỷ luật, sống có lý tưởng, khát vọng, hành động quyết liệt, cụ thể để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được lãnh đạo nhà trường phân công.
Thứ ba, luôn rèn luyện để là một đảng viên tốt, đoàn viên có trách nhiệm, là tấm gương tốt để đông đảo thanh niên tin tưởng, noi theo. Cần xác định cho mình những giá trị sống đích thực. Bởi, một khi đoàn viên thanh niên có định hướng đúng, đoàn viên thanh niên sẽ sống đúng và làm đúng, ra sức phấn đấu trở thành những thanh niên thời đại mới có tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn.
Thứ tư, luôn nâng cao cảnh giác và thận trọng khi tham gia mạng xã hội, tích cực tìm hiểu, kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là nguồn chính thống, thận trọng khi đăng tải bài viết, “thích” hoặc chia sẻ các liên kết và tham gia bình luận các chủ đề trên mạng xã hội. Mạnh dạn bảo vệ những điều đúng, tạo sự lan tỏa tích cực trong đơn vị và đấu tranh chống lại những điều sai, tiêu cực, những thông tin phiến diện, xuyên tạc. Kịp thời triển khai tuyên truyền các nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp thông tin chính thống, thông tin tích cực, định hướng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực, trên không gian mạng.
Nhớ về Bác Hồ kính yêu, chúng ta phải tự soi mình vào tấm gương của Bác, để mỗi khi nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn, để mỗi chúng ta sau khi nhận thức và hành động theo tấm gương của Người./.
-----------------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.4, tr. 194.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.15, tr. 612.
CN. Nguyễn Phước Bình
Viên chức Phòng QLĐT&NCKH