Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với tất cả mọi người nói chung và đối với mỗi giảng viên Trường Chính trị Bến Tre nói riêng.
Hiện nay, giảng viên của Trường luôn quan tâm đến việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt là tấm gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ chí Minh cho rằng: Trách nhiệm chính là phần việc được giao và là nghĩa vụ phải làm tròn theo từng cương vị, chức trách của mỗi cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi công việc của mình. Con người có bao nhiêu vị trí, vai trò, chức năng trong các mối quan hệ xã hội thì có bấy nhiêu trách nhiệm. Trách nhiệm là một khái niệm kép, vừa thuộc phạm trù đạo đức, vừa thuộc phạm trù pháp luật. Tinh thần trách nhiệm khác với ý thức trách nhiệm. Ý thức là phản ánh của nhận thức về một vấn đề nào đó. Có ý thức thì sẽ có trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là cẩm nang, là phương hướng cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Bến Tre. Từ tấm gương đạo đức cao cả của Người, các giảng viên đã học tập tấm gương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bằng những hoạt động thiết thực như sau:
Một là, để nêu cao tinh thần trách nhiệm, trước hết bản thân giảng viên cần phải rèn luyện đạo đức. Đạo đức ở đây chính là đạo đức xã hội nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Trong tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề đạo đức, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người, của cán bộ, ngành nghề, lứa tuổi, cấp bậc…Tinh thần trách nhiệm là một vấn đề lớn trong nội dung đạo đức của Người. Một con người với một đạo đức tốt bao giờ cũng ý thức được vai trò trách nhiệm của bản thân mình đối với xã hội lẫn công việc. Đạo đức của người giảng viên thể hiện qua tấm lòng nhân ái, bao dung, lòng nhiệt huyết của mình trong việc nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng người học.
Hai là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, giảng viên luôn thể hiện sự tích cực, tự giác. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, hướng tới mục tiêu chung là góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của trường. Khi đã nhận nhiệm vụ, giảng viên luôn dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất. Bất kể đó là việc gì, to hay nhỏ, khó hay dễ người giảng viên cũng làm đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ, giảng viên luôn thể hiện là những tấm gương trong việc tự học, tự sáng tạo và vận dụng trong nghiên cứu, giảng dạy cũng như công việc chuyên môn. Giảng viên luôn thực hiện nhiệm vụ với cái tâm trong sáng, toàn tâm, toàn ý trong suy nghĩ và hành động vì nhiệm vụ, lấy công việc chung làm cốt, không làm cẩu thả cho xong chuyện.
Ba là, giảng viên luôn ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Học tập tấm gương của Người, mỗi giảng viên luôn có ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt công việc của mình. Giảng viên phải có trách nhiệm học hỏi, nghiên cứu nâng cao trình độ, trao dồi về nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo giờ giảng có chất lượng, có ý thức về công việc được giao và làm gương cho quần chúng noi theo. Để thực hiện tốt điều đó, người giảng viên cần phải vừa phải nắm vững lý luận, vừa phải có trình độ thực tiễn cao để tham gia giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người giảng viên cần có sự nhạy bén và chắt lọc thông tin. Người học bao giờ cũng muốn nghe những cái mới, những vấn đề thời sự, những thực tiễn sinh động diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống. Thế nên, để bài giảng hấp dẫn, sinh động, thu hút sự chú ý của người học thì người giảng viên cần phải luôn tìm hiểu, bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin thường xuyên nhằm nắm bắt những vấn đề cần thiết cho bài giảng của mình thêm phong phú và sâu rộng.
Bốn là, giảng viên luôn nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Ðảng và Chính phủ đề ra chính sách, giảng viên phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy, theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Ðảng và Chính phủ. Ðể thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, người giảng viên còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng, lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Như Bác Hồ đã nói: “…phải đi đúng đường lối quần chúng, thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Ðảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”. Theo Người, tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách - nhiệm vụ ra một đường và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm.
Năm là, nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải biết chống lại những điều trái với tinh thần trách nhiệm như: Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hấp tấp, tự tư tự lợi. Theo Người, quan liêu là bệnh xa rời thực tế, xa rời quần chúng, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ của Ðảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng. Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Nguyên nhân của bệnh quan liêu: Do “xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. Vì vậy, để xây dựng một xã hội dân chủ chúng ta phải chống quan liêu.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất là việc nêu cao tinh thần trách nhiệm luôn được xác định là mục đích lý tưởng mỗi giảng viên Trường Chính trị Bến Tre trong giai đoạn hiện nay. Trong thời quan qua, cán bộ, giảng viên của Trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vị chính trị, có sự rèn luyện đạo đức cách mạng, phần lớn giảng viên có tinh thần cầu tiến, nêu gương hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao./.
Thạc sĩ Trần Thị Quỳnh Nghi
Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị