Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân tại tỉnh Bến Tre

Quyền con người (QCN) là giá trị cốt lõi của nhân loại, thước đo phản ánh sự văn minh và phát triển của các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiểu biết và thực thi QCN không chỉ là nghĩa vụ của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Giáo dục là con đường hiệu quả để làm giàu tri thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội trong đó QCN được tôn trọng và bảo vệ. Vì lẽ đó, việc đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục (CTGD) trong hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD) là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển con người toàn diện và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

1. Đưa nội dung quyền con người vào chuơng trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng xã hội dân chủ, pháp quyền, nhân văn và phát triển

Theo Tuyên bố của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về nhân quyền (2011), giáo dục QCN “bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và các hoạt động học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các QCN và các tự do căn bản và qua đó đóng góp trở lại với việc ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như xây dựng thái độ và hành xử, để trao cho họ khả năng đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một văn hóa toàn cầu về nhân quyền.” [1]

Là yếu tố nền tảng góp phần hình thành phẩm chất và năng lực công dân; công cụ phòng ngừa xung đột, bạo lực và bất công xã hội. Đồng thời là giải pháp góp phần: xây dựng môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, không kỳ thị; thực hiện cam kết quốc tế và chuẩn hóa hệ thống giáo dục theo xu hướng toàn cầu; và xây dựng xã hội dân chủ, pháp quyền, hướng đến phát triển bền vững... Việc đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD không chỉ là yêu cầu khách quan của tiến trình hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam, mà còn là một giải pháp chiến lược để bồi dưỡng một thế hệ công dân có tri thức, có trách nhiệm, có năng lực hội nhập quốc tế và có khả năng xây dựng một xã hội dân chủ, pháp quyền, nhân văn. Đây là con đường tất yếu để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và khẳng định vị thế Việt Nam của trong cộng đồng quốc tế.

Từ yêu cầu cấp thiết của đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD, ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD giai đoạn 2017-2025". Mục tiêu chung của Đề án được xác định là: “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục QCN nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.” [2]

Đánh giá thực trạng sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục trong HTGDQD. Chỉ thị nêu rõ: “Giáo dục QCN có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm QCN” [3] , qua đó đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp cần “tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục QCN, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục QCN.” [4]

Có thể nói, việc đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD đánh dấu bước ngoặt không chỉ thay đổi về nhận thức mà còn bằng hành động thực tiễn nhằm thúc đẩy tôn trọng và bảo vệ QCN ở Việt Nam lên tầm cao mới.

2. Thực trạng triển khai đưa nội dung quyền con người vào chuơng trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tại tỉnh Bến Tre

Trong khuôn khổ pháp lý và chính sách hiện hành, tại tỉnh Bến Tre, nội dung QCN đã được lồng ghép vào các CTGD trong các cơ sở giáo dục thuộc HTGDQD với nhiều hình thức và bước đầu mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, công chức, viên chức và người dân về tôn trọng và thực hiện QCN:

Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, quy định của các cơ quan, ngành cấp trên về đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD. Việc dạy học nội dung QCN ở từng cấp học, trình độ đào tạo được thực hiện phù hợp với việc thực hiện CTGD phổ thông 2018 và CTGD nghề nghiệp tại 163 trường MN, MG, 185 trường TH, 132 trường THCS, 35 trường, 01 trường nuôi dạy trẻ em khuyết, 09 TTGDTX huyện, thành phố, 01 TTGDTX tỉnh; 02 trường cao đẳng và 01 trường trung cấp [5].

Đa dạng nội dung, hình thức triển khai đưa nội dung QCN vào CTGD thuộc HTGDQD phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QCN và công tác đảm bảo QCN, các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, chú trọng tuyên truyền Công ước của Liên Hiệp quốc, các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về QCN, Luật Trẻ em, Luật bình đẳng giới, Luật Giáo dục, các quyền tự do cơ bản của công dân... Đối với các trường phổ thông: (i) Đẩy mạnh lồng ghép các nội dung về bảo vệ nhân quyền, quyền tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động khác phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo và năng lực của trẻ em (thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt Đội, sinh hoạt Sao, bản tin, phát thanh măng non; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thi tìm hiểu về Luật trẻ em, Luật bình đẳng giới...). (ii) Thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường, tổ công tác xã hội trong trường học nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn giải đáp kịp thời những khó khăn vướng mắc trong học tập và cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháo của cán bộ, giáo viên, học sinh. (iii) Tăng cường các hoạt động chăm sóc, bảo vệ thực hiện quyền công dân trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh. (iv) Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, phân công các bộ quản lý, giáo viên tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về QCN, quyền trẻ em; trang bị tủ sách, báo, tài liệu liên quan đến truyền thông về QCN trong các nhà trường... Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: (i) Cử đại biểu của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh tham dự lớp tập huấn về kỹ năng biên soạn chương trình, tài liệu lồng ghép nội dung QCN vào chương trình giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. (ii) Lồng ghép nội dung QCN vào môn học Giáo dục pháp luật về quyền công dân; kỹ năng ứng dụng QCN trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. (iii) Tổ chức sinh hoạt lồng ghép nội dung giáo dục QCN vào các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa học, đầu năm học, các buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục pháp luật cho sinh viên...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực tế vẫn còn bất cập, hạn chế trên nhiều phương diện:

Việc giáo dục QCN chưa được triển khai như một nội dung độc lập, có hệ thống, mà chủ yếu được tích hợp gián tiếp thông qua các môn học liên quan như Giáo dục công dân, Giáo dục pháp luật, hoặc các học phần thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục QCN chỉ triển khai thông qua văn bản, định hướng lồng ghép trong các hoạt động giáo dục chung;

Chưa có những cuộc khảo sát, kiểm tra, theo dõi, thống kê... mang tính chất chuyên sâu, chuyên đề về thực hiện giáo dục QCN tại các cơ sở giáo dục. Thiếu dữ liệu thực tế là nguyên nhân làm giảm chất lượng các chính sách và phương pháp đề xuất nhằm cải tiến CTGD theo hướng phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Nguồn tài liệu và giáo trình về QCN chưa phong phú, gây khó trong thiết kế và triển khai nội dung giảng dạy nên việc tích hợp QCN vào các môn học chưa đồng bộ, dẫn đến việc học sinh, sinh viên chưa có cách nhìn toàn diện về QCN;

Đội ngũ giáo viên, giảng viên phụ trách giảng dạy các nội dung liên quan đến QCN phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu cả về lý luận QCN lẫn kỹ năng sư phạm đặc thù. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng truyền đạt, cũng như khả năng tổ chức các hoạt động giảng dạy tích cực.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai đưa nội dung quyền con người vào chuơng trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tại tỉnh Bến Tre

Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh trong triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD"

Tăng cường phối hợp liên ngành trên nền tảng cơ chế đồng bộ và trách nhiệm cụ thể giữa các sở, ban, ngành tỉnh, nhất là cơ quan có chức năng quản lý về giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm, thông tin - truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật,... Việc phối hợp phải bao gồm chia sẻ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, tổ chức đào tạo giáo viên, giảng viên và triển khai các chương trình truyền thông cộng đồng. Đồng thời, cần đảm bảo nguồn lực tài chính, nhân sự và có cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ. Phối hợp hiệu quả sẽ giúp giáo dục QCN lan tỏa sâu rộng, thực chất và bền vững trong toàn hệ thống giáo dục và xã hội địa phương. Việc phối hợp không chỉ nằm ở kỹ thuật quản trị hành chính mà còn ở tư duy cùng hành động vì mục tiêu chung là nâng cao nhận thức và bảo vệ QCN trong toàn xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn và cập nhật nội dung giảng dạy về QCN vào CTGD trong HTGDQD

Việc tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn không chỉ giúp giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về QCN, mà còn tạo cơ hội để các cán bộ quản lý giáo dục, các nhà lãnh đạo và người dân địa phương nắm vững các nội dung quan trọng về QCN và thực thi QCN. Các lớp tập huấn cần được tổ chức định kỳ, không chỉ dành cho đội ngũ nhà giáo mà còn cho cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ, công chức, các bậc phụ huynh và cộng đồng địa phương. Nội dung giảng dạy trong các lớp tập huấn phải được thiết kế linh hoạt, cập nhật, có tính ứng dụng cao, gắn liền với thực tiễn và các vấn đề xã hội hiện tại. Các hình thức tuyên truyền như hội thảo, các buổi tọa đàm về QCN cũng nên được chú trọng để khơi dậy sự quan tâm của cộng đồng và các tổ chức xã hội đối với vấn đề này.

Đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và giám sát hiệu quả triển khai đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD.

Các nghiên cứu, khảo sát, thống kê các thông tin từ thực tiễn triển khai chương trình sẽ cung cấp những dữ liệu cụ thể và chính xác về mức độ hiểu biết và sự thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên, giúp các nhà quản lý giáo dục nắm bắt được tình hình thực tế, từ đó điều chỉnh và bổ sung, phát triển chương trình giảng dạy cho phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả việc triển khai chương trình giảng dạy, theo nguyên tắc minh bạch, có sự tham gia của các chuyên gia về QCN và thực hiện thường xuyên, liên tục từ việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên đến việc theo dõi việc áp dụng QCN trong các hoạt động ngoài lớp học.

Xây dựng và hoàn thiện tài liệu giáo dục QCN sử dụng trong CTGD thuộc HTGDQD

Đây là giải pháp quan trọng để đảm bảo rằng tất cả các cơ sở giáo dục có nguồn tài liệu chính thống và cập nhật nhất để giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Các tài liệu này cần phải được biên soạn khoa học, dễ tiếp cận và phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Tài liệu giáo dục QCN không chỉ bao gồm các kiến thức lý thuyết về QCN mà còn phải có các bài tập thực hành, tình huống mô phỏng để học sinh có thể hiểu rõ hơn về việc thực thi QCN trong cuộc sống hàng ngày. Một phần quan trọng trong quá trình này là việc biên soạn các tài liệu tham khảo cho giáo viên, giảng viên, giúp họ nâng cao năng lực giảng dạy và cung cấp những phương pháp giảng dạy hiệu quả trong việc truyền tải các giá trị về QCN đến học sinh, sinh viên. Việc phát triển tài liệu không chỉ dừng lại ở các hình thức truyền thống như sách giáo khoa, tài liệu giấy mà còn cần áp dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển các nền tảng dạy học trực tuyến giúp học sinh, sinh viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và dễ dàng hơn.

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên chuyên sâu về QCN

Cần có các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên chuyên sâu về QCN, không chỉ về lý thuyết mà còn cả về phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, giúp giáo viên, giảng viên có thể truyền đạt kiến thức một cách sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn, trong đó cần đặc biệt chú trọng trang bị kỹ năng phát triển tư duy phản biện, khuyến kích sự tham gia của học sinh, sinh viên vào các cuộc thảo luận, phân tích và giải quyết tình huống thực tế về QCN. Điều này sẽ tạo ra môi trường học tập chủ động, khuyến khích học sinh, sinh viên suy nghĩ độc lập và áp dụng các kiến thức về QCN vào thực tiễn cuộc sống một cách linh hoạt, hiệu quả.

Tóm lại, tích hợp, đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD không chỉ là yêu cầu xuất phát từ lý luận giáo dục hiện đại, mà còn là đòi hỏi từ thực tiễn phát triển quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời phù hợp với mục tiêu phát triển con người toàn diện trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có một chiến lược tổng thể, từ chính sách, tài liệu, phương pháp dạy học đến đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên... Chỉ khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD mới có thể phát huy tối đa tác dụng, góp phần vào việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

 Tài liệu tham khảo

[1] Điều 2 Tuyên b cLiên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về nhân quyền (2011)

[2] Quyết định số 1309/QĐ-TTg.

[3] Quyết định số 1309/QĐ-TTg. 

[4] Chỉ thị số 34/CT-TTg.

[5] Báo cáo số 700a/BC-UBND ngày 25/11/2024 của UBND tỉnh Bến Tre về kết quả thực hiện Đề án "Đưa nội dung QCN vào CTGD trong HTGDQD”

 

 

ThS. Nguyn Th Ngc Thương
Ging viên Khoa Nhà nước và pháp lut

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh