Giá trị lý luận và thực tiễn “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 70 năm (11/6/1948 - 11/6/2018), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc hiệu triệu toàn thể quốc dân, đồng bào đoàn kết một lòng, phát huy mọi tài năng, hăng hái tham gia lao động sản xuất và chiến đấu, đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ góp phần to lớn trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng lan tỏa rộng khắp các vùng miền, trong mọi tầng lớp nhân dân và có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho đến tận ngày nay. Tư tưởng thi đua yêu nước của Người nói chung và giá trị Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng là kim chỉ nam cho chúng ta trong quá trình nhận thức về lý luận cũng như trong chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua. Để đánh dấu mốc sự kiện quan trọng này, ngày 11/6 hàng năm được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chọn là ngày “Thi đua yêu nước”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[1]. Đây chính là nội dung chính được xuyên suốt trong quan điểm thi đua và nâng thi đua lên một tầm tư tưởng cao hơn. Với quan điểm “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải xuất phát từ tinh thần yêu nước, ý thức tự chủ, độc lập, tự cường của dân tộc và trách nhiệm công dân. Điều đó được thể hiện trong hoạt động hằng ngày qua những hoạt động chăm chỉ, tích cực, sáng tạo, ý chí vượt qua những khó khăn, thách thức, có cả sự chịu đựng những gian khổ, hy sinh trong lao động sản xuất, trong học tập, chiến đấu... bằng những hành động cụ thể, thiết thực với những kết quả rõ ràng, không phải là lời nói suông, không phải sự hô hào khẩu hiệu. Thi đua phải và đã trở thành phong trào to lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, lâu dài, phát triển không ngừng tạo nên sức mạnh tinh thần tác động đến nhận thức và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân, gắn liền với sự phát triển của dân tộc từ trong kháng chiến giành độc lập dân tộc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, để thực hiện tốt phong trào thi đua, việc nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước cũng như “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
  “Mục đích thi đua ái quốc là:
   Diệt giặc đói
   Diệt giặc dốt
   Diệt giặc ngoại xâm”.
Trên cơ sở xác định mục đích thi đua ái quốc, Người dạy:
“Cách làm là: dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây
Hạnh phúc cho dân”.
Giá trị nhân văn của thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh vô cùng sâu sắc. Suy cho cùng, mọi vấn đề đều xuất phát từ dân và đích đến cũng chính là dân; thi đua phải dựa vào lực lượng nhân dân và mưu cầu hạnh phúc cho dân. Từ đó, Người kêu gọi:
“ ... bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau,
Làm cho tốt
Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”.
Theo quan điểm Bác, phạm vi thi đua hết sức rộng lớn, không có giới hạn trong một lĩnh vực nào, ngành nào, người nào; với bất kỳ công việc gì ích nước lợi dân, không phân biệt ở địa vị xã hội nào, không phân biệt ngành nghề, không phân biệt tuổi tác; “ngành ngành thi đua”, “người người thi đua”, “ngày ngày thi đua”; mỗi người dân Việt Nam là một chiến sĩ trên mặt trận. Bởi lẽ, Người lấy “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. “Công việc hàng ngày” chính là việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi chúng ta, công việc chúng ta đã làm nay làm tốt hơn, chất lượng cao hơn thì đó chính là thi đua. Tùy vào nhiệm vụ cụ thể, con người cụ thể mà Bác vạch ra nội dung thi đua:
“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi”.
“Thi đua toàn dân”, “Thi đua toàn diện”, từ những việc to tát, lớn lao, bao hàm cả sự vất vả, gian khổ, hy sinh, mất mát đến những việc làm bình dị, đời thường, tận tâm tận lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đã tạo thành phong trào thi đua rộng lớn có tác dụng thúc đẩy mỗi người tùy theo công việc của mình mà kiên trì phấn đấu làm việc tốt hơn, đạt kết quả cao hơn và cứ như thế xã hội không ngừng phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.
Và những dòng cuối Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với niềm tin thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc chỉ gói gọn trong 427 từ nhưng hàm chứa ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó là cơ sở nền tảng để Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung và phát triển tư tưởng của Người về thi đua yêu nước. Trong hàng loạt những bài viết sau này, tùy vào từng hoàn cảnh, đối tượng khác nhau mà Bác cụ thể hóa cho phù hợp. Người đặc biệt nhấn mạnh: Để phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp, phát huy được sức mạnh của toàn dân và đạt được nhiều kết quả thắng lợi, ngoài vấn đề dựa vào lực lượng nhân dân còn phải chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân hăng hái thi đua không ngừng, lấy phong trào thi đua là trường học thực tiễn rộng lớn để xây dựng con người mới. Vì vậy, khi tổ chức và phát động phong trào thi đua phải luôn tìm cách giáo dục, động viên, nâng đỡ, khích lệ những mặt tốt, việc tốt và con người tốt; chú trọng đẩy mạnh thi đua nhưng không chỉ có đơn thuần gắn với lợi ích vật chất mà là sự kết hợp cả lợi ích vật chất và tinh thần, là sự vinh danh và lấy đó làm động lực của phong trào. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên nhắc nhở: “ Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”.[2]
Trên cơ sở nhận định: “Lý luận và những bài học thực tiễn từ tổ chức vận động thi đua là mảng sáng chói trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ sống mãi sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[3], Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung, Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua, khen thưởng góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Trường Chính trị, thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng đi vào nền nếp góp phần tạo động lực cho cán bộ, viên chức nhà trường hăng hái thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và hưởng ứng tích cực phong trào thi đua của nhà trường. Mỗi người mỗi việc, căn cứ vào chức trách nhiệm vụ của mình, hàng năm 100% viên chức nhà trường đã đăng ký danh hiệu thi đua và luôn có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình xét thi đua, căn cứ vào chức trách nhiệm vụ được giao, mức độ hoàn thành công việc, có sự so sánh lựa chọn giữa Ban Giám hiệu so với Ban Giám hiệu; trưởng, phó phòng, khoa so với trưởng, phó phòng, khoa; giảng viên, viên chức, nhân viên so với giảng viên, viên chức, nhân viên. Kết quả chiến sĩ thi đua hàng năm của đơn vị bao gồm đầy đủ các thành phần, không có tình trạng toàn “lãnh đạo thi đua”. Đặc biệt, trong hai năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hàng quí, từng đơn vị đã bình xét gương điển hình, tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ được giao gửi về Cụm thi đua 1 xem xét biểu dương toàn cụm. Năm 2017, Trường Chính trị có 02 đồng chí được Cụm thi đua tuyên dương. Năm 2018, qua bình xét tại đơn vị đã đề nghị về Cụm thi đua 01 tuyên dương một nhân viên bảo vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của đoàn thanh niên và tham gia Hội thao do Công đoàn viên chức, Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức với các thứ hạng cao.
Nói tóm lại, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc, lấy công việc hằng ngày làm nền tảng, mọi việc đều thi đua, ngành ngành thi đua, nghề nghề thi đua, toàn dân đoàn kết một lòng, thi đua nhau tiến bộ, phát huy hết tài năng, xây dựng, biểu dương những giá trị tốt đẹp. Đây là những bài học, kinh nghiệm quý báu cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác thi đua, khen thưởng góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. /.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t6, tr. 473.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.6, tr.270
[3] Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Văn phòng Trung ương: Đảng, Bác Hồ với thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2008, tr. 247

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh