Gia đình là yếu tố cấu thành xã hội, là tế bào của xã hội từ gia đình con người được sinh ra và trưởng thành cả về thể chất và nhân cách. Gia đình quan hệ hữu cơ với xã hội. Xã hội phát triển tạo điều kiện cho gia đình phát triển và ngược lại gia đình lành mạnh thì xã hội mới là lành mạnh và phát triển chất lượng hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".
Đặc biệt, đối với “gia đình” trở thành mối quan tâm chung của mỗi quốc gia dân tộc và nhân loại. Các nước phát triển và đang phát triển đều nhận thức rõ bảo vệ, cũng cố và phát triển sự vững chắc của gia đình là nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển xã hội.
Gia đình thời xưa khác thời nay. Trong xã hội hiện đại, sự biến đổi của gia đình diễn ra một cách sâu sắc, quyết liệt, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như sự bùng nổ dân số, chênh lệch về giới tính, mâu thuẫn thế hệ, sự lệch lạc trong lựa chọn đối tượng để tiến hành xây dựng gia đình (kết hôn cùng giới), những gia đình mô hình mới xuất hiện.
Liên hiệp quốc đã lấy năm 1994 là “năm gia đình”. Ở Việt Nam lấy ngày 28 tháng 06 năm 2006 là “ngày gia đình”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.
Nhiều vấn đề gia đình cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh mới của đất nước, đặc biệt là do sự tác động của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế không ít trường hợp có những thành viên gia đình động cơ, mục đích sống lệch lạc, nhiều gia đình không thích ứng được hoặc thích ứng không kịp với những biến đổi nhanh chóng xã hội, rơi vào khủng hoảng, thậm chí đổ vở.
Trong bối cảnh hiện nay, một mặt nhiều giá trị mới được tiếp thu, hình thành xuất hiện nhưng mặt khác nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam cũng đang dần dần mai một đi. Tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên… Những hạn chế này đang làm cho nhiều “tế bào” có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, làm cho nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người tốt, khỏe để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được.
Vì vậy, mà những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa Việt Nam được đề cập tại Đại hội VIII của Đảng và được cụ thể hóa thành Chiến lược xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam, đến Đại hội XI, Đảng ta đã có sự phát triển nhận thức mới về gia đình, đó là: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh, bền vững. Muốn có một “tế bào lành mạnh”, một “nền tảng vững chắc” thì phải xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Thế nào là gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững?
1. Gia đình no ấm là gia đình: Đủ ăn, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Đủ mặc, phù hợp với điều kiện sinh hoạt và làm việc. Có nhà ở ổn định, vững chắc. Có các tiện nghi, điều kiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình.
2. Gia đình bình đẳng là gia đình trong đó: Mọi thành viên trong gia đình chia sẽ bàn bạc, cùng nhau quyết định mọi công việc. Các thành viên trong gia đình đều được hưởng các quyền lợi như nhau: học tập nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa, tham gia các hoạt động ở xã hội và cộng đồng. Các thành viên gia đình biết kính trên nhường dưới quan tâm, hổ trợ giúp đở lẫn nhau. Không có bạo hành gia đình. Không phân biệt con trai, con gái.
3. Gia đình tiến bộ là gia đình: Thực hiện tốt yếu tố bình đẳng trong gia đình. Các thành viên gia đình thực hiện tốt đường lối chủ trương chính sách, Pháp luật của Đảng và Nhà nước, không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt các quy ước của cộng đồng. Tích cực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình.
4. Gia đình hạnh phúc là gia đình: Mọi thành viên trong gia đình có ý thức bảo vệ sức khỏe. Hoàn toàn hài lòng, toại nguyện với tổ ấm của mình. Khi một gia đình đạt cả ba tiêu chí: No ấm, bình đẳng, tiến bộ thì là điều kiện cần để có gia đình hạnh phúc.
5. Gia đình bền vững là gia đình: Mọi thành viên trong gia đình luôn luôn sống có trách nhiệm và bổn phận, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ với nhau trong lúc thuận lợi hay khó khăn; lúc khỏe mạnh cũng như ốm đau, lúc giàu sang hay nghèo khó không được bỏ nhau, phải bảo bọc cho nhau.
Những năm gần đây, việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và việc lấy ngày 28 - 6 hàng năm là Ngày gia đình Việt Nam đã khẳng định vai trò của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, công tác gia đình một số nơi hiện nay còn nhiều yếu kém và đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình còn nhiều thiếu sót và bất cập. Hiện tượng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với bản thân, gia đình và xã hội. Những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm cho xã hội lo lắng, bận tâm.
Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thuỷ chung, sống có trách nhiệm, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình.
Bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển. Nhiều gia đình vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh. Hàng trăm ngàn trẻ em nạn nhân của chất độc da cam đang là nỗi đau của nhiều gia đình. Hàng ngàn gia đình có thân nhân bị chết, bị tàn tật do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Những mất mát, đau thương của hàng triệu gia đình trong chiến tranh sau gần bốn mươi năm qua vẫn chưa thể bù đắp.
Công tác xoá đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả chưa vững chắc, đặc biệt là ở vùng duyên hải, miền núi, vùng sâu, vùng xa,biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc chuyển hướng ngành nghề cho những hộ gia đình làm nông nghiệp trong quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Nguyên nhân của tình hình nói trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của đất nước; những mặt tích cực của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá chưa được phát huy. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời.
Vì vậy, trước những cấp thiết đó ngày 03 tháng 01 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP quy định về công tác gia đình và có hiệu lựcthi hành từ ngày 18 tháng 02 năm 2013. Nội dung cơ bản của Nghị định là đề cao trách nhiệm cho các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm đúng mức việc nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức trong việc thực hiện công tác gia đình, tổ chức kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam (28/6). Khẳng định công tác gia đình là hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng trong Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ./.
ThS Nguyễn Thị Phượng
Trường Chính trị Bến Tre