Đồng khởi 1960 là một chiến công oanh liệt, một sự kiện lịch sử trọng đại, một mốc son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre; là thắng lợi của truyền thống yêu nước, quật cường, của tinh thần dũng cảm, niềm tin, sáng tạo, là thắng lợi của khối đại đoàn kết, của ý Đảng - lòng dân, của tư tưởng tiến công, tiến công liên tục, biết vượt qua khó khăn, thử thách, chớp lấy thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre. “Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi…”[1]. “Đồng khởi” không chỉ là lịch sử hào hùng, là niềm tự hào to lớn, mà còn là biểu tượng của ý chí, khát vọng, niềm tin và sức mạnh nội sinh của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), chính quyền Mỹ - Diệm đã trắng trợn thực hiện âm mưu chia cắt và thôn tính đất nước ta lâu dài. Chúng đã dùng “quốc sách” tố cộng, diệt cộng thâm độc, tàn ác và đẫm máu để đàn áp phong trào và lực lượng cách mạng. Ở Bến Tre, từ 1954 đến khi Đồng khởi nổ ra, từ 117 chi bộ với trên 2.000 đảng viên chỉ còn 18 chi bộ với 162 đảng viên. Trước tình hình trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành kỳ họp thứ 15 từ ngày 12 đến 22-1-1959, bàn và đề ra đường lối cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 ra đời với chủ trương “Lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Thực hiện sáng tạo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và chủ trương của Hội nghị Liên Tỉnh ủy Trung Nam bộ, Tỉnh ủy Bến Tre thống nhất và kiên quyết “phát động nhân dân đồng lòng khởi nghĩa làm một lượt”[2] (tức “Đồng khởi”), “đập tan bộ máy kềm kẹp của địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ cho Nhân dân”.
Sáng ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cuộc Đồng khởi nổ ra vô cùng quyết liệt tại 3 xã: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày. “Từ đó, làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh ở Nam bộ, Tây Nguyên, Trung Trung bộ…”[3]; tạo ra bước ngoặt cho cách mạng: Chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công; chấm dứt thời kỳ tạm ổn định, mở đầu thời kỳ khủng hoảng triền miên của Mỹ Diệm; góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đồng khởi năm 1960 là thắng lợi của đường lối chiến tranh cách mạng đúng đắn của Đảng, của Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II); là biểu hiện sự vận dụng linh hoạt sáng tạo, tài tình đường lối của Đảng vào thực tiễn của tình hình tỉnh Bến Tre; là ý chí tự lực tự cường, khát khao độc lập, tự do và thể hiện phương pháp đấu tranh cách mạng thông minh tuyệt vời của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre. Đồng khởi là nét điển hình và độc đáo về sự nổi dậy của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần làm phong phú thêm đường lối cách mạng của Đảng (nhất là phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công” và “Đội quân tóc dài”).
Đội quân tóc dài (huyện Mỏ Cày) tham gia đấu tranh trong phong trào Đồng khởi năm 1960 (Ảnh sưu tầm)
Đồng khởi 1960 đã làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu, như một biểu tượng sáng người của lòng yêu nước, ý chí quật cường của Nhân dân 3 dải cù lao anh hùng. Với thắng lợi của Đồng khởi và thắng lợi của Tổng tấn công Xuân Mậu Thân năm 1968, Bến Tre đã vinh dự được Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam quyết định (số 409/QL ký ngày 2/9/1968) tặng thưởng cờ danh dự mang dòng chữ: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.
Từ ý nghĩa và bài học của cuộc Đồng khởi ấy; thực hiện ý nguyện của Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định lấy ngày 17/01 là “Ngày truyền thống cách mạng” của tỉnh Bến Tre để giữ gìn và phát huy những giá trị vô cùng to lớn ấy, tiếp tục viết nên trang sử mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Và “Đồng khởi” đã trở thành một giá trị mới trong hệ giá trị truyền thống văn hóa của người dân “Xứ dừa”, là sức mạnh nội sinh của vùng đất “3 dải cù lao”. Đó là “Tinh thần Đồng khởi” năm 1960, với những nội dung văn hóa, nhân văn sâu sắc: Tinh thần quật khởi, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm; huy động lực lượng toàn dân tham gia phong trào hành động cách mạng, đồng loạt, đồng lòng, đồng bộ trong nhận thức và hành động.
Chính vì vậy, “Tinh thần Đồng khởi” đã trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực văn hóa - tinh thần, là quyết tâm chính trị, là chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre trong xây dựng, phát triển quê hương. Hiện nay, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 17/10/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về phát động Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung cơ bản của “Đồng khởi mới”, là “Phát động rộng mạnh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng khởi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, toàn diện hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nội dung Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020-2025 được triển khai đồng bộ trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân với khẩu hiệu “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua” và phương châm “Học tập điển hình, bắt kịp điển hình, vượt qua điển hình”. Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong bối cảnh tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện từ nhận thức đến hành động. Quê hương “Xứ dừa” đã thật sự chuyển mình, bứt phá đi lên.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của tỉnh năm 2024 sẽ quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động Cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” năm 2024-2025 theo phương châm “Hai chân - Ba mũi” với quyết tâm thực hiện đạt và vượt mức cao nhất các chỉ tiêu mà nghị quyết đã đề ra, tạo tiền đề cho tăng tốc về đích vào nửa năm 2025.
Trường Chính trị Bến Tre là đơn vị sự nghiệp của Tỉnh ủy, có nhiệm vụ cơ bản là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học và tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Tiếp tục phát huy “Tinh thần Đồng khởi” năm 1960, thực hiện phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025: “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển”, đẩy mạnh thi đua “Đồng khởi mới”, Nhà trường cần: (i) “Tập trung công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh” về chính trị tư tưởng, đạo đức; kịp thời nhận diện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp suy thóai về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. (ii) “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học góp phần tổng kết thực tiễn ngành, địa phương”. Tích cực và chủ động lồng ghép lịch sử, truyền thống quê hương, nhất là ý nghĩa của cuộc Đồng khởi và nội dung của “tinh thần Đồng khởi” năm 1960 vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, sinh hoạt khoa học của nhà trường, góp phần tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, học viên và nhân dân về các giá trị to lớn ấy, làm động lực cho phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. (iii) “Tập trung xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, nhất là đội ngũ giảng viên, viên chức của nhà trường tiêu biểu về đạo đức, đạt chuẩn về chuyên môn, có kỹ năng, bản lĩnh sư phạm, kinh nghiệm kiến thức thực tiễn”, có tinh thần đột phá, sáng tạo trong giảng dạy góp phần thực hiện đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2025 và chuẩn mức 2 vào năm 2030; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng Bến Tre thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và cả nước vào năm 2030”[4].
Tóm lại, phong trào “Đồng khởi trong thời chiến” ở Bến Tre đã đi vào lịch sử cách mạng như một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với niềm tự hào về “Đội quân tóc dài” và tinh thần “quật khởi”, “đồng loạt, đồng lòng, đồng bộ”,… “Đồng khởi năm 1960” là ngọn cờ đầu và đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam và Bến Tre xứng đáng được gọi là “quê hương Đồng khởi với tất cả nội dung và tính chất của nó... ”[5]. Ngày nay, “Đồng khởi” đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin và sức mạnh nội sinh chiến thắng của Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương với “một quyết tâm chính trị lớn” là… “làm một Đồng khởi của thời bình trong phát triển, thời toàn cầu hóa, thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”[6]. Vì vậy, “Đồng khởi 1960” không chỉ là biểu tượng về văn hóa - lịch sử, nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của cha anh mà còn là “hành trang” để các thế hệ hôm nay và mai sau tin tưởng, tiếp bước đến tương lai tươi sáng của “Đất nước và Con người” Bến Tre./.
==============================================
[2] Nhiều tác giả, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Nxb Phụ nữ, trang 129.
[3] Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội. 1985, tr.397.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Tỉnh ủy Bến Tre, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.14.
[5] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930-2015), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2017, tr. 209-211.
[6] Phát biểu của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi về thăm, làm việc và dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre (năm 2017) - Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Trang tin điện tử, Thủ tướng nêu 4 thành tố để Bến Tre thu hút nhà đầu tư 'đẳng cấp' (https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/thu-tuong-neu-4-thanh-to-de-ben-tre-thu-hu...)