Nhằm đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giảng dạy, lý luận gắn liền với sự vận động, biến đổi của thực tiễn và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác vận động quần chúng trong quá trình trang bị kiến thức cho đội ngũ giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Bến Tre, ngày 16 và 17 tháng 6 năm 2017, Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với Khoa Dân vận thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế năm học 2016-2017 tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi đến là Khu du lịch Núi Sam thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, dù đã qua Lễ hội Vía Bà song du khách thập phương vẫn còn hành hương, tập trung đông đúc về đây để cầu tài, cầu vận.
Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh đứng hàng thứ nhất, nhì của đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là trọng điểm phát triển ngành công nghiệp không khói nhằm giải quyết nhu cầu tinh thần và tăng thu nhập cho ngân sách tỉnh An Giang. Nếu so với Bến Tre, chúng ta có du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử,…tiềm năng còn tiềm ẩn với nhiều triển vọng khả thi, vấn đề còn lại là liên kết và khai thác như thế nào trong tương lai gần nhằm để phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp không khói này mà thôi.
Rời Khu du lịch Núi Sam thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang, chúng tôi đến nghiên cứu về việc nâng chất các tiêu chí nông thôn mới tại xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Là một trong 17 xã điểm của tỉnh, xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc đã có bước tiến khá dài trong quá trình thực hiện Nông thôn mới. Dù xuất phát chậm hơn, nhưng nay Vĩnh Châu đã về đến đích. Năm 2013 đạt danh hiệu xã văn hóa, năm 2015 đạt tiêu chí xã Văn hóa Nông thôn mới. Kỷ niệm 10 năm thành lập xã, cũng là dịp để kiểm điểm, tổng kết lại những nét nổi bật của xã đã đạt được thời gian qua.
Có thể nói, nhờ các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới mà gần 1.200 hộ dân, với trên 4.500 nhân khẩu ở Vĩnh Châu có điều kiện vươn lên mạnh mẽ: Hộ nghèo thì vươn lên khấm khá, hộ khá thì vươn lên làm giàu. Từ đó, chỉ trong vòng 2 năm qua, đời sống của người dân nông thôn ở Vĩnh Châu đã có bước chuyển biến to lớn, sản xuất nông nghiệp đi vào ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh đạt gần 23 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2010, số hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 32/1.189 hộ, chiếm 2,69%, đồng thời bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt; đời sống tinh thần cũng từng bước được nâng lên
Kinh nghiệm thực tế từ việc xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương cho thấy, nếu có kinh phí mạnh mà đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm, không xác định được đâu là cái gốc, cái rễ thì sự đầu tư coi như hoang phí, không mang lại kết quả gì. Với Vĩnh Châu, nhờ sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp, đồng thời phát huy tính tự lực, tự cường và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người dân tại chỗ, xã đã xác định được đâu là nguyện vọng bức thiết nhất để sớm giải quyết.
Tạm biệt xã nông thôn mới Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, chúng tôi đến với thủ phủ, cái nôi của Phật giáo Hòa Hảo, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Sau khi tham quan một vòng các cơ sở thờ tự của bổn đạo, chúng tôi làm việc với Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo.
Qua buổi trao đổi, tìm hiểu chúng tôi nhận thức đúng đắn hơn về Phật giáo Hòa Hảo về lịch sử hình thành, tôn chỉ, mục đích hành đạo và hoạt động của bổn đạo.
Phật giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là đạo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Tính đến năm 2017, có khoảng 3 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khiến tôn giáo này trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ 4 tại Việt Nam. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là An Giang với hơn 1 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là tỉnh có số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đông nhất cả nước chiếm 44% dân số toàn tỉnh và chiếm 65% tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong cả nước, tiếp đến là Cần Thơ (227.117 tín đồ) và Đồng Tháp (196.143 tín đồ).
Đạo Hòa Hảo khuyên tín đồ vừa học Phật, vừa tu nhân để tạo nên công đức. Có công đức để trở thành bậc hiền nhân. Song, họ đặc biệt yêu cầu tín đạo phải tu nhân, cho rằng việc tu hành phải dựa trên đạo đức, trước hết đạo làm người: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên (Không có tu nhân thì không thể học Phật, hoặc học Phật mà chẳng tu nhân thì cũng vô nghĩa); Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên tu viễn hỹ (Muốn tu thành Tiên Phật trước hết phải tu đạo làm người, đạo người mà không tu thì Tiên Phật còn xa vời).
Thống nhất phương châm hành đạo, tôn chỉ, mục đích của bổn đạo nên việc gắn giữa đạo với đời, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội,…là việc làm của từng đồng đạo. Qua trao đổi, tìm hiểu với Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, chúng tôi thấy có ba điểm cần đề cập trong hoạt động của bổn đạo:
Một là, phật giáo Hòa Hảo thực hiện công tác từ thiện góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới được Đảng và Nhà nước khẳng định là “của dân, do dân và phục vụ lợi ích vì dân” là chương trình vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động cụ thể chính người dân trong xã bàn bạc, thông qua cơ chế dân chủ, được chính quyền quyết định tổ chức thực hiện. Mục tiêu ấy đồng thuận với giáo lý Tứ ân, Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo đã đề ra chương trình hoạt động đạo sự và hướng dẫn, tác động cấp cơ sở đẩy mạnh đạo sự từ thiện xã hội gắn kết vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển tại địa phương và nhất là tham gia xây dựng giao thông nông thôn mới.
Sự tích cực đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận các địa phương tín nhiệm giao cho Ban Trị sự vận động kinh phí hằng tỷ đồng để thi công.
Nhiệm vụ của Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo trong việc tham gia thực hiện xây dựng cầu bê tông, được Đảng, chính quyền, Mặt trận đánh giá đạt hiệu quả và yêu cầu trong xây dựng tiêu chí giao thông nông thôn mới đó là:
Vận động các nguồn tài lực của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đóng góp, tham gia thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn mới góp phần tích cực cùng chính quyền để xây dựng và phát triển địa phương. Đảm bảo chất lượng xây dựng cầu đúng kỹ thuật và an toàn lao động, đã tiết kiệm được vật liệu xây dựng đáng kể, rút ngắn thời gian thi công (hoàn thành mỗi cầu không quá 40 ngày). Kinh phí xây dựng luôn được giảm thấp từ 30% theo thiết kế dự toán là vì được đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo tham gia thi công xây dựng miễn phí; các cửa hàng vật liệu bán giảm giá; lương thực, thực phẩm được bà con đồng đạo cung cấp suốt quá trình thi công, các phương tiện thi công được giúp đỡ tận tình, miễn phí. Tổng kinh phí xây dựng cầu bê tông nông thôn trong toàn Đạo ở các tỉnh, thành phố, nhiệm kỳ III với 192 cầu, khoảng 57.600.000.000đ (năm mươi bảy tỷ, sáu trăm triệu đồng). Nhờ công khai tài chánh xây dựng cầu minh bạch nên BTS cơ sở được sự tín nhiệm của Đảng và chính quyền, Mặt trận giao trách nhiệm vận động tài lực và đảm trách thi công xây dựng cầu bê tông theo tiêu chí giao thông nông thôn mới.
Qua tổng kết nhiệm kỳ III, chỉ riêng hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có trên 192 cầu bê tông được xây dựng, trong đó có sự đóng góp tài vật tích cực của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo từ 70%, về nhân lực thi công từ thiện 100% và còn được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho BTS.PGHH thực hiện xây dựng cầu. Điển hình tại địa bàn huyện Châu Phú trong những năm qua đã xây dựng hoàn thành được 10 cầu bê tông theo tiêu chí xây dựng giao thông nông thôn mới được Huyện ủy quan tâm và Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ đối ứng kinh phí 30% trên tổng dự toán công trình.
Điển hình và hiệu quả nhất vẫn là phong trào xây cầu, đường của bà con tín đồ PGHH. Ở các địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Kiên Giang,…đã thành lập được nhiều đội chuyên làm cầu từ thiện. Với tinh thần cần cù, sáng tạo, các tín đồ PGHH đã tạo ra được những phương án xây dựng cầu, làm đường nông thôn rất hiện đại, vừa ít tốn kinh phí lại đảm bảo chất lượng. Qua đó đã huy động được trên 370 tỷ đồng từ tín đồ, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đóng góp để thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội trong năm 2017.
Sau những công trình xóa cầu tạm bợ cho người dân bằng cầu dây văng, BTS PGHH xã Hòa Bình (Chợ Mới) đã trở thành địa phương hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới tiêu biểu với 17 cây cầu bê tông cốt thép lớn, nhỏ.
Hai là, điểm sáng trong thực hiện an sinh xã hội vì tôn chỉ, mục đích hành đạo
Với đường hướng hành đạo “Vì đạo pháp, Vì dân tộc”, thời gian qua Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo (GHPGHH), Ban Trị sự (BTS) cơ sở phối hợp cùng với các đoàn thể, chính quyền địa phương bà con tín đồ PGHH, luôn nỗ lực “làm hết các việc từ thiện”, thường xuyên quan tâm và phát huy hoạt động thiện nguyện, phục vụ an sinh xã hội.
Từ đầu nhiệm kỳ IV đến nay, bà con đồng đạo, tín đồ PGHH ở các Ban Trị sự cơ sở đã phát huy tốt tinh thần này và cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Mô hình “Bếp ăn tình thương” được bà con đồng đạo và tín đồ PGHH thực hiện từ rất sớm phục vụ nhiều đối tượng và ngày càng phát triển, nhân rộng. Theo thống kê của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH, từ đầu nhiệm kỳ 2014 đến nay, kinh phí để hoạt động “Bếp ăn tình thương” của GHPGHH trên 272 tỷ đồng. Các địa phương có hoạt động “Bếp ăn tình thương” phát triển mạnh là TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang…
Theo tính toán của Ban Trị sự xã Vĩnh Trạch, từ khi thành lập đến nay bếp ăn đã chi trên 2,3 tỷ đồng để phục vụ hàng ngàn xuất ăn trưa cho các em học sinh nghèo hiếu học, động viên các em trên con đường học tập. Trên thực tế có nhiều em đã đỗ đại học với kết quả cao…
Phong trào vì người nghèo, giúp đỡ những người còn khó khăn trong cuộc sống. Tham gia các hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi và nhận trợ cấp thường xuyên cho người già neo đơn hoặc tổ chức nuôi dưỡng những người già không nơi nương tựa. Kinh phí cho các hoạt động này trên 563 tỷ đồng,…Phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, giúp bà con nghèo an cư lập nghiệp, cũng được tín đồ PGHH tham gia tích cực. Trên thực tế, phong trào này đã được Ban Trị sự Trung ương PGHH đưa vào chương trình đạo sự từ những năm 2.000 và được Ban Trị sự cơ sở tích cực hưởng ứng.
Điển hình như hoạt động“Bếp ăn tình thương” phục vụ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phục vụ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cấp, phát miễn phí hàng triệu suất ăn với tổng chi phí gần 100 tỷ đồng.
Trên 47 tỷ đồng thực hiện hoạt động“Hỗ trợ bệnh nhân nghèo” nhằm giúp đỡ thiết thực các bệnh nhân không có điều kiện chữa trị, cụ thể là hoạt động “Mổ mắt nhân đạo”, đã giúp mổ mắt miễn phí cho gần 1.000 trường hợp.
Ngoài ra, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo các cấp còn vận động xây dựng mới 2.265 nhà tình thương, 345 nhà đại đoàn kết, sửa chữa hàng trăm căn nhà cho các tín đồ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền lên đến 63 tỷ đồng, qua đó góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho cuộc sống của bà con nghèo ở địa phương.
Tham gia cùng với chính quyền địa phương trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng và sữa chữa hàng nghìn km đường giao thông nông thôn, xây mới và sửa chữa hàng trăm cây cầu nông thôn, với tổng kinh phí trên 74 tỷ đồng.
Ba là, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với việc làm từ thiện - xã hội vì cộng đồng
- Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc. Triết lý này không phải của riêng một tôn giáo nào, một giai tầng nào mà ai ai cũng nên làm và phải làm. Trên cơ sở đó, mỗi việc làm xuất phát từ tâm của mỗi tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đều hướng đến niềm vui, lợi ích chung của cộng đồng nên hoạt động từ thiện - xã hội trong những năm gần đây đã lan tỏa đến các địa phương, tỉnh thành với hiệu quả thiết thực.
Phó Trưởng Ban Trị sự (BTS) Trung ương Giáo hội PGHH kiêm Trưởng ban Từ thiện - Xã hội (TT-XH) Lê Ngọc Lợi cho hay, năm 2017, toàn đạo đã huy động được hơn 373 tỷ đồng trong công tác TT-XH (tăng 23% so với năm 2015), đồng thời tất cả các hoạt động đều được duy trì và phát triển. Tinh thần “Làm hết các việc từ thiện” theo lời dạy của Đức thầy luôn được BTS cơ sở và các tín đồ PGHH tích cực thực hiện.
Nổi lên như một trong số các điểm sáng tiêu biểu, hoạt động phẫu thuật mắt từ thiện của BTS PGHH thị trấn Mái Dầm (Hậu Giang) tạo nên giá trị nhân văn to lớn trong cộng đồng khi đem ánh sáng cho hàng ngàn người mù nghèo, cơ nhỡ, già yếu. Từ năm 2011 đến nay, BTS đã tổ chức đưa đi phẫu thuật mắt cho 1.578 người.
Đáng chú ý là hơn 3 năm nay (từ năm 2015 đến 2017), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp BTS Trung ương PGHH về hoạt động nhân đạo, TT-XH: Cất nhà, sửa chữa cầu, đường, tương trợ tại chỗ, chăm sóc nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi, Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam…
Trong năm 2016, hoạt động từ thiện - xã hội đạt được trên 363 tỷ đồng. Tính chung giữa nhiệm kỳ IV (2014 - 2019) là số tiền là trên 1.000 tỷ đồng. Các hoạt động tiêu biểu phải kể đến là bếp ăn tình thương; hỗ trợ bệnh nhân nghèo; chăm lo người nghèo; mua xe chuyển bệnh; cất nhà đại đoàn kết, tình thương; xây dựng cầu; đường nông thôn; hiến máu nhân đạo, hiến nội tạng…
Rời Phú Tân thánh địa của Phật giáo Hòa Hảo về Đồng Tháp, ai ai trong đoàn cũng mang tâm trạng xôn xao, xen lẫn bồn chồn khó tả mong sao được chứng kiến tận mắt mùa lũ về cũng như những tác động của biến đổi khí hậu và sự ứng phó của bà con nông dân đã từng sống chung với lũ.
Thứ nhất, tác động mạnh mẽ trực tiếp của biến đổi khí hậu đến Đồng Tháp
Lũ không về, không mang theo sản vật mùa lũ, cái mà nhà nông ở Đồng Tháp mong chờ để tăng thu nhập, đổi đời. Việc thiếu lũ về miền Tây không chỉ làm cho nguồn lợi tôm, cá bị sụt giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà còn gây nên những khó khăn về lâu dài cho vùng đất này.
Lượng phù sa mất dần, đồng ruộng không còn màu mỡ như xưa, khả năng canh tác của con người đang vắt kiệt dần chất đất, năng suất giảm dần buộc người dân phải tăng cường sử dụng phân bón, hóa chất kích thích sinh trưởng, điều cấm kỵ trong xuất khẩu gạo sạch sau này.
Cỏ dại không chết hoặc giảm đi, nhất là chuột đồng gây ảnh hưởng không nhỏ cho nhà nông canh tác lúa. Bắt buộc nhà nông phải dùng hóa chất độc hại tiêu diệt chúng, gây hậu quả không lường cho cuộc sống, quá trình sau thu hoạch.
Lượng cát không còn như trước đây cùng với nạn cát tặc làm cho các dòng sông có sự thay đổi dòng chảy, hình thành các hố sâu, xoáy nguy cơ sạt lỡ không còn xa nữa .
Khai thác cát dẫn đến sạt lở ở Vàm Nao, Đồng Tháp, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách tận diệt bằng nhiều phương tiện hiện đại, nguy hại khác nhau làm cho mất cân bằng sinh thái, mất đi nguồn tài nguyên vô giá cho thế hệ mai sau.
Việc lũ không về không chỉ đồng nghĩa với việc mất đi mùa nước nổi của người dân miền Tây mà còn mang đến những hậu quả nghiêm trọng hơn. Chỉ sau vài năm nữa, khi các đập thủy điện và các dự án chia nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mêkông hoạt động hết công suất, lượng phù sa về miền Tây sẽ giảm tới 90%. Thiếu phù sa bồi đắp, nguy cơ sụt lún, sạt lở và mất đất ở ĐBSCL sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đây là vấn đề lớn mà người dân và các nhà chức trách sẽ phải đối mặt.
Thứ hai, những ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân Đồng Tháp
Nổi bật là mô hình sản xuất lúa nói không với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học của một thanh niên sinh năm 1991 tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang được sự quan tâm và chú ý của cộng đồng. Trong khi nhiều nông dân vẫn đang dốc sức với cây lúa nhằm tăng năng suất bằng sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật và phân bón thì việc trồng lúa không dùng thuốc tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại có lý trong thời điểm hiện nay.
Anh Võ Văn Tiếng chia sẻ cách làm lúa sạch với những ý tưởng rất riêng: “Nghĩ tại sao nhà mình có đất mà làm để bán, sao mình không nghĩ làm để ăn. Làm để bán thì làm sao để có năng suất mình bán thôi chứ không nghĩ trong cái hạt gạo đó nó dư thừa bao nhiêu chất độc hại trong đó. Xuất phát từ tình yêu thương gia đình nên em về cố gắng làm ra sản phẩm sạch để cho gia đình mình dùng và sau đó chia sẻ với những người cần sản phẩm sạch”.
Với 2 ha đất, Tiếng chọn giống Nàng Hoa 9 để canh tác. Do không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên vụ đầu tiên năng suất chỉ đạt khoảng 400 kg/công. Tới vụ thứ 2, cũng bằng cách làm này nhưng năng suất đã tăng lên 500 kg/công.
Thành công bước đầu tuy chưa khả quan lắm, nhưng Tiếng đã kiên quyết mướn thêm 40 ha tiếp theo (39 triệu/ha/năm) để mở rộng mô hình, đồng thời minh chứng cho việc làm của mình chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Từ khi sản xuất được gạo sạch với quy trình riêng của mình, Tiếng đã liên kết với đối tác tại TPHCM để làm đầu mối kinh doanh với nhãn hiệu gạo sạch Tâm Việt. Bước đầu sản phẩm gạo sạch này đã được thị trường đón nhận khả quan. Với giá bán 32 ngàn đồng/ký, gạo Tâm Việt của nông dân Võ Văn Tiếng đã được đóng gói và xuất bán trong 2 vụ vừa qua và luôn thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu. Có thể nói, mặc dù cách trồng lúa này không mới, tuy nhiên điều mà lãnh đạo tỉnh, huyện ghi nhận ở mô hình chính là tinh thần vì cộng đồng, dám nghĩ và dám làm. Cũng chính sự động viên này đã góp thêm sức mạnh để Tiếng toàn tâm, toàn ý với dự án của mình.
Võ Văn Tiếng cho biết thêm: “Về ý tưởng của em, em nghĩ chắc sẽ thành công vì nó là một mô hình sạch, bảo vệ môi trường. Còn những người xung quanh thấy em làm lạ quá, làm lúa mà không xịt thuốc hóa học thì họ nghĩ em như một người điên. Do em hiểu về tính chất của cây lúa, hiểu về sự phát triển của cây tùy theo giai đoạn lúc nào nó bệnh, lúc nào bị sâu. Thay vì dùng thuốc hóa học, em dùng thiên địch để diệt những dịch hại. Mục đích em làm vì uy tín và chất lượng của mình chứ không vì lợi nhuận”.
Nói về dự định cho năm tới, tương lai, Tiếng phấn khởi tâm sự: Năm tới em dự định thuê thêm 60 ha nâng tổng số diện tích lên đến 102 ha. Những kết quả ban đầu đã là cơ sở vững chắc cho em mở rộng mô hình, nhất là vừa xuống giống, cấy xong 9 ha thì đã có đơn đặt hàng bao tiêu sản phẩm hết rồi.
Ngoài ra, với đê bao nội đồng chống lũ những năm qua, bây giờ là những hồ chứa nước ngọt một mặt chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu cho vụ mùa đông xuân tới, mặt khác là những cánh đồng sen bất tận, những đàn vịt, đàn cá khổng lồ đầy hứa hẹn với thu nhập cao nhiều lần so với trồng lúa vụ ba.
Chuyến đi kết thúc, trong lòng mỗi chúng tôi ai ai cũng phấn khởi vì đã thu lượm nhiều thông tin hết sức quý giá từ thực tiễn. Vấn đề háo hức hơn là sẽ cập nhật những thông tin này vào bài giảng làm phong phú hơn về sự vận động, biến đổi của thực tiễn, tâm đắc hơn nguyên lý bất di, bất dịch của chủ nghĩa Mác-Lênin về tính thống nhất giữa lý luận với thực tiễn trong nhận thức và hành động, nhất là trong từng bài giảng, trong nghề nghiệp của cá nhân mình./.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương
Trưởng Khoa LLMLN, TTHCM