Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trường Chính trị Bến Tre

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn là công việc quan trọng của Đảng trong mọi gian đoạn cách mạng, nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. Đối tượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, công chức, viên chức.

Thực hiện theo Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng”, Trường Chính trị Bến Tre với chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho các đối tượng trên. Sau hơn 17 năm thực hiện, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của nhà trường đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ sở đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; đội ngũ cán bộ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng....

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường Chính trị Bến Tre còn một số hạn chế, yếu kém. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên. Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học, tự nghiên cứu của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế. Điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu…

Những hạn chế, yếu kém nói trên do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Nhiều cán bộ, đảng viên coi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là để có bằng cấp theo tiêu chuẩn chức danh.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; một bộ phận thiếu gương mẫu đã ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Quán triệt quan điểm chung về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trường Chính trị Bến Tre đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với hệ thống các trường chính trị trong cả nước, quán triệt kế hoạch số 19/KH-HVCTQG ngày 17/02/2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Công văn số 255-CV/TU ngày 11/4/2016 của Tỉnh ủy Bến Tre về việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường Chính trị và trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre có công văn chỉ đạo trực tiếp về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường Chính trị Bến Tre.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể Ban Giám hiệu nhà trường, toàn thể đội ngũ giảng viên và viên chức Trường Chính trị Bến Tre, qua gần một năm triển khai thực hiện, việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường Chính trị Bến Tre đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, tạo sự chuyển biến về chất, đưa Trường Chính trị Bến Tre bước sang một giai đoạn phát triển mới:

- Trước hết, nhà trường đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên vì đây là yếu tố quyết định đầu tiên đến chất lượng đào tạo của Trường. Ban Giám hiệu nhà trường đã tiến hành rà soát, đánh giá lại năng lực giảng dạy của từng giảng viên, phân công lại bài giảng một cách hợp lý cho cả giảng viên chính thức và giảng viên dự bị, quy định thời gian hoàn thành giáo án bài giảng và triển khai thực hiện luân phiên giảng các bài trong chương trình, mục đích là vừa nâng tầm, vừa đảm bảo kế hoạch giảng dạy của nhà trường, bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 11/2016.

Quan tâm thực hiện tốt việc đưa đội ngũ giảng viên tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Học viện, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức; tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo cho 01 nghiên cứu sinh, 03 cao học và 01 đào tạo đại học văn bằng 2 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ban Giám hiệu đã xin Thường trực Tỉnh ủy cho cơ chế đặc thù xét tuyển nguồn để đào tạo giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và nguồn kế thừa cho tương lai. Đã tổ chức xét tuyển 06 hồ sơ đăng ký, qua tuyển chọn ban đầu có 03 ứng viên được chọn, nhà trường đã tiến hành thực hiện quy trình tiếp nhận hợp đồng và cho soạn giảng với thời gian 3 tháng.

Thực hiện theo kế hoạch của Tỉnh ủy và nhà trường về việc đưa cán bộ trường biệt phái về cơ sở, năm 2016 có 01 đồng chí hoàn thành thời gian biệt phái giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Long Định, huyện Bình Đại, 01 đồng chí giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, huyện Mỏ Cày Bắc và 01 đồng chí về giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Nhìn chung các đồng chí đã thâm nhập thực tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Trong thời gian đi biệt phái, cán bộ, giảng viên đã có nhiều đóng góp đáng kể cho địa phương, đơn vị nơi biệt phái như thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có liên quan đến thực trạng ở cơ sở mà địa phương chưa biết hay chưa phát hiện, từ đó cán bộ giảng viên biệt phái đã tạo được niềm tin cao đối với địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ giảng viên có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động thực tiễn ở địa phương; cán bộ giảng viên chủ động tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến nội dung giảng dạy; nắm bắt được tình hình thực tế  về chính trị, kính tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội, những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước được vận dụng ở địa phương...

Công tác thao giảng, dự giờ được nhà trường quan tâm, các khoa đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện đạt kết quả khá tốt. Ngoài việc thao giảng, dự giờ theo kế hoạch, Ban Giám hiệu thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên, góp ý cả về nội dung, về phong cách, thái độ, tư tưởng, tâm lý khi lên lớp, qua đó đã giúp cho đội ngũ giảng viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.

Song hành với hoạt động nâng chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ không thể tách rời với nhiệm vụ giảng dạy nhằm tăng tính thực tiễn cho bài giảng của giảng viên. Tất cả các khoa đều có kế hoạch nghiên cứu thực tế ngay từ đầu năm học và triển khai thực hiện tùy vào điều kiện thời gian cụ thể, cơ bản đảm bảo đúng kế hoạch. Đối với nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên tham gia viết bài đăng website của trường, tham gia tọa đàm nội bộ với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo cán bộ của Trường Chính trị Bến Tre” và  tổ chức thực hiện đề tài “khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2015”.

- Về nội dung, chương trình đào tạo cụ thể hóa theo phương châm gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, sắp xếp các môn học, phần học đảm bảo hệ thống, khoa học, đan xen học lý thuyết với thảo luận, báo cáo chuyên đề thực tế. Tiến hành điều chỉnh chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, chú trọng hướng dẫn học viên giải quyết các bài tập tình huống, gợi mở trao đổi thảo luận… nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học.

Trên cơ sở chương trình chung, sau khi có Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo toàn thể giảng viên nhà trường chủ động cập nhật kiến thức, quan điểm mới vào bài giảng, đảm bảo tính thông tin, định hướng kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu đào tạo.

- Về quản lý học viên và xây dựng kế hoạch học tập: Đây là nhiệm vụ quan trọng thứ hai trong hoạt động quản lý đào tạo, mục đích là làm thế nào để khơi dậy tính tích cực trong học tập, phát huy tính tự giác, xem học tập lý luận chính trị là nhu cầu của mỗi học viên, từ đó mới có thể biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng và ban hành bộ quy chế Quản lý đào tạo tại Trường Chính trị Bến Tre và triển khai thực hiện từ tháng 9/2016 trên cơ sở bộ quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành và có sự vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Điểm mới của bộ quy chế lần này là quan tâm siết chặt các khâu của quy trình quản lý đào tạo chương trình lý luận chính trị-hành chính, tập trung các bộ phận phòng, khoa, chủ nhiệm lớp đều có vai trò quan trọng trong việc quản lý học viên.

Quản lý học viên được tập trung thực hiện ngay từ khâu đầu tiên – khâu tuyển sinh được tổ chức theo một quy trình khá chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu của điều kiện dự tuyển. Tiếp theo đó là toàn bộ các khâu của quá trình học tập, người học phải có ý thức tự giác trong học tập, từ khâu tự học, tự nghiên cứu, soạn đề cương phục vụ thảo luận, lên lớp và thời gian ôn tập, thi… là cơ sở xem xét, đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hết phần, thi tốt nghiệp cũng được quan tâm đổi mới, bắt đầu từ khâu ra đề phải đảm bảo thông tin lý luận kết hợp với thực tiễn, sự đa dạng với các hình thức ra đề (đề kín, đề mở, trắc nghiệm, tự luận…) đến khâu kiểm tra, đánh giá kết quả trên tinh thần đảm bảo đúng quy chế, công tâm, khách quan nhằm nâng cao chất lượng học tập của học viên.

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên từng bước được đổi mới, tập trung rèn luyện kỷ cương, nền nếp đi đôi với đánh giá quá trình, phương pháp và thái độ học tập, học viên viết tiểu luận tốt nghiệp gắn với chức danh, vị trí việc làm. Định kỳ gửi kết quả học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị quản lý học viên.

Duy trì triển khai thực hiện lấy phiếu nhận xét, đánh giá từ học viên sau khi kết thúc phần học. Đây là một kênh thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng giảng viên và góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên, nâng cao chất lượng dạy - học.

Cùng với đó thường xuyên liên hệ, phối hợp cơ quan chủ quản quản lý chặt chẽ quá trình học tập, rèn luyện của học viên, kịp thời phản ảnh tinh thần thái độ và kết quả học tập để cơ quan quản lý học viên nắm và có sự phối hợp trong quản lý.

Bước sang năm 2017, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quán triệt sâu sắc phương châm Đại hội X Đảng bộ tỉnh: “Dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, năng động, đổi mới” và tiếp tục triển khai thực hiện tốt Công văn chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị, Ban Giám hiệu và toàn thể giảng viên, viên chức Trường Chính trị Bến Tre sẽ tập trung nhiều hơn nữa để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, trong đó ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, phẩm chất, có tiềm năng trong công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đảm bảo sự phát triển liên tục và vững chắc giữa các thế hệ, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Song song đó, nhà trường sẽ chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn.

Đối với người học, quan tâm đến các khâu của cả quá trình quản lý, định hướng cho học viên về động cơ và thái độ học tập, trong quản lý học viên bám vào quy chế và thực hiện đúng theo quy chế.

Thực hiện tốt công quản lý, theo dõi việc thực hiện chương trình tại các lớp. Giám sát chặt chẽ công tác thi, chấm thi, viết tiểu luận cuối khóa, chấm tiểu luận cuối khóa, chấm thi tốt nghiệp nhằm đánh giá thực chất chất lượng học tập của học viên. Kịp thời tham mưu xây dựng các quy định, quy chế sửa đổi bổ sung nhằm quản lý có hiệu quả chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Phối hợp với cấp ủy cấp huyện, các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức tốt việc đánh giá chất lượng sau đào tạo. Qua đó, có cơ sở xây dựng hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sát với yêu cầu thực tế, phù hợp với chức danh, vị trí công tác của học viên và đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của cấp ủy các địa phương, đơn vị.

Triển khai thực hiện hướng dẫn số 09/HD-HVCTQG ngày 23/01/2015 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc lấy phiếu phản hồi từ người học  nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giờ giảng...

Tóm lại, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ cách mạng của nước ta giai đoạn hiện nay là rất khó khăn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác mới đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Để đáp ứng yêu cầu đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho tỉnh nhà là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Do đó, Trường Chính trị Bến Tre tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước và tỉnh nhà trong thời gian tới./.          

Thạc sĩ Trần Văn Hòa
                                                                                              Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

CHUYÊN ĐỀ

hcm

Thư viện ảnh