Hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội là một trong những xu thế tất yếu khách quan, đồng thời cũng là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng và Nhà nước ta tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện. Trên phạm vi cả nước nói chung, tại tỉnh Bến Tre nói riêng, chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở các đô thị mà còn có sự tác động rất lớn đến các vùng nông thôn, đã và đang từng ngày làm thay đổi sâu sắc diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
“Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”[1]. Trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số được triển khai thực hiện và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội dựa trên ba trụ cột chủ yếu là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở các đô thị mà còn có sự tác động rất lớn đến các vùng nông thôn. Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh”. Thông qua việc ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, công nghệ số vào xây dựng và phát triển địa phương, bộ mặt nông thôn đang thay đổi hàng ngày, diện mạo vùng quê ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Chuyển đổi số tác động đến quá trình xây dựng nông thôn mới trên một số phương diện cơ bản sau:
Thứ nhất, chuyển đổi số góp phần phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong các hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương, chuyển đổi số từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng công nghệ số, nền tảng số và dữ liệu số. Từ đó, hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương thông suốt hơn, hiện đại hơn, chất lượng hơn, giảm thủ tục hành chính phiền hà, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
Thứ hai, chuyển đổi số thúc đẩy xây dựng kinh tế số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Chuyển đổi số đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn mới bằng cách cung cấp các công nghệ và giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, cải thiện quản lý tài nguyên và môi trường; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, cung cấp các dịch vụ công cộng tốt hơn. Thông qua thực hiện chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng được trang bị hiện đại và tiện nghi hơn, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, từ đó tăng cường hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, chuyển đổi số góp phần phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới
Chuyển đổi số sẽ tiến hành số hóa một số dịch vụ thiết yếu nhằm cung ứng cho người dân. Người dân chỉ cần có các thiết bị thông minh được kết nối internet sẽ có thể sử dụng các dịch vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ vậy, chất lượng đời sống người dân được nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn và thành thị.
Tại Bến Tre, chuyển đổi số vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Quá trình chuyển đổi số đã và đang đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Có thể nói, công nghệ số đã len lỏi đến mọi khía cạnh đời sống người dân, từ đó góp phần không nhỏ để thay đổi diện nông thôn tại tỉnh Bến Tre theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Thực hiện Kế hoạch số 7610/KH-UBND ngày 23/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đặt ra các mục tiêu cơ bản góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với ba trụ cột: phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển kinh tế số ở nông thôn và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Về phát triển chính quyền số ở nông thôn, trên cơ sở các mục tiêu đã đặt ra, với sự phối hợp và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, tính đến nay, toàn tỉnh có 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu), 07 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 36 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Đặc biệt, các tiêu chí về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của các địa phương đều đạt tỷ lệ cao. 98,6% cán bộ, công chức cấp huyện, 91,5% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính mạng nội bộ và mạng internet băng rộng[2]. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã được cấp tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ (@bentre.gov.vn), 100% lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã được cấp chữ ký số chuyên dùng. Việc ứng dụng chữ ký số vào văn bản điện tử để phát hành qua môi trường mạng được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đồng loạt triển khai thực hiện góp phần nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước từ đó thúc đẩy phát triển chính quyền số. Tỷ lệ văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ những văn bản mật) đạt 98%, được triển khai dùng chung 01 phần mềm (VNPT-iOffice) thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã và thực hiện được chức năng liên thông văn bản 04 cấp từ Trung ương đến xã. 100% thủ tục hành chính (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền giải quyết đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia[3],...
Về phát triển kinh tế số ở nông thôn, các địa phương rất chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, góp phần thực hiện hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2023, với sự chủ trì của Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới gồm: ứng dụng Map4D GIS Platform cho việc số hóa, quản lý nuôi tôm công nghệ cao (4000 ha) tại tỉnh Bến Tre; nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh vào chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững và nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre[4],...
Về phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số mang lại. Các tầng lớp nhân dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, tích cực hưởng ứng các hoạt động giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt,... Kiện toàn, nâng cao vai trò tổ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 157 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã và 675 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp khu phố/ấp[5]. Ở các xã, đặc biệt là các xã nông thôn mới kiểu mẫu đã tiến hành xây dựng các ấp thông minh, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin trên các lĩnh vực như hạ tầng thông tin, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động, an ninh trật tự,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số nên việc triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ; chi phí đầu tư ban đầu cao; ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn những hạn chế. Việc áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số trên các lĩnh vực làm tăng áp lực dẫn đến “quá tải” cho chính quyền cấp xã. Thói quen của người dân từ xưa đến nay không thể thay đổi ngay nên việc triển khai thực hiện chuyển đổi số còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin ở một số địa phương còn lạc hậu, mức độ bảo mật và an toàn thông tin chưa cao. Nhiều vùng còn khó khăn, chưa bảo đảm tiếp cận internet, chưa có nhiều thiết bị điện thoại thông minh. Trang thiết bị cho các cán bộ, công chức xã còn hạn chế, cấu hình kỹ thuật thấp, lạc hậu, thời gian sử dụng quá lâu,...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chuyển đổi số góp phần tăng cường hiệu quả xây dựng nông thôn mới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, các quy định về đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần tăng cường hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý về chuyển đổi số, nhất là việc triển khai chuyển đổi số ở nông thôn, tạo hành lang pháp lý vững chắc tiến hành các hoạt động chuyển đổi số, góp phần xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, từ đó tăng cường hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ mới, có nhiều lợi ích, song cũng là nhiệm vụ khó, đòi hỏi để đảm bảo chất lượng cần phải có sự chung tay, phối hợp thực hiện của cả hệ thống chính trị ở địa phương và người dân.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Để thực hiện thành công chuyển đổi số, một trong những yêu cầu tiên quyết đặt ra là phải có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được những vấn đề đặt ra trong tình hình mới. Muốn được như vậy cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế đãi ngộ thích hợp để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.
Thứ tư, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Để được như vậy, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức và nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số như các trang thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi số đã giúp diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại; kinh tế nông thôn phát triển mạnh, nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm; nông dân dần chuyên nghiệp hóa hơn trong tổ chức, sản xuất. Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng chuyển đổi số, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp và hiện đại, nâng cao đời sống người dân.
[1] Bộ thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang chuyển đổi số, tr.13;
[2] Báo cáo số 357-BC/TU ngày 19/12/2023 của Tỉnh ủy Bến Tre về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
[3] Sở Nội vụ, Xây dựng chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị Bến Tre kỳ 3/2023, tr.7-12;
[4] Hoàng Khải, Bến Tre chú trọng thực hiện khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới, https://nongthonmoi.bentre.gov.vn/Lists/TinTucSuKien/DispForm.aspx?ID=4979, [truy cập ngày 04/01/2024]
[5] Báo cáo số 357-BC/TU ngày 19/12/2023 của Tỉnh ủy Bến Tre về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Lê Thị Thảo Ngọc
Khoa Nhà nước và pháp luật